Thiết kế lâu đài hay tạo nên thảm họa về thẩm mỹ kiến trúc?

17/03/2021 Lê Minh Hưng
2130
0

Người ta thường nói “nhất dáng nhì da” để nhấn mạnh tầm quan trọng của vóc dáng khi đánh giá về vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ. Trong thẩm mỹ kiến trúc cũng không ngoại lệ, kiến trúc được tiếp cận (approach) trước tiên ở hình dáng (silhouette) và hình khối (volume) bên ngoài. Cái nhìn trực quan (visual) từ xa tạo nên ấn tượng đầu tiên đối với một công trình kiến trúc (mắt xử lý trước), chứ không ai đọc bài giới thiệu công trình hay coi các giải thưởng của nó rồi mới đến để tiếp cận nó (não xử lý trước)...

Và một trong những thể loại công trình kiến trúc có thể nói là rất được quan tâm về mặt thẩm mỹ cũng như sự hài hòa với cảnh quan chung khi thiết kế, đó là kiến trúc lâu đài - thường được cho là "vua của các công trình".

Nghe đến từ "lâu đài" thì mọi người có thể đoán ra được đây là một thể loại công trình đặc biệt dành cho giới siêu giàu, khối tích kiến trúc lớn, chi phí xây dựng không hạn chế. Lâu đài thường nằm ở vị trí cao nhất trong khu vực (đôi khi cao hơn cả nhà thờ), là đỉnh cao nhất của cảnh quan thu hút mọi góc nhìn. Nếu ở vùng đồng bằng thì đó là 1 quần thể kiến trúc đồ sộ với tường cao hào sâu, cấu trúc bằng đá rất kiên cố và có độ bền vững hàng trăm năm...

Chính vì thế việc thiết kế lâu đài (nhất là những lâu đài trên núi) là nhiệm vụ vô cùng khó. Người thiết kế cần có tư duy thiết kế cơ bản về thể loại kiến trúc này, có thời gian nghiên cứu thật kỹ cảnh quan và địa chất nơi công trình sẽ tọa lạc, đồng thời đưa ra nhiều phương án so sánh (tốt nhất là trên mô hình 3D) để chọn ra được phương án thiết kế tối ưu nhất.

Lâu đài Hohenzollern giữa biển mây - 1867, Đức

Sơ lược về lâu đài

Lâu đài (Castle, từ tiếng Latinh astrum có nghĩa là "nơi kiên cố") là một công trình kiến trúc đồ sộ và kiên cố dùng làm nơi ở cho giới vương quyền và quý tộc, thịnh hành ở châu Âu và Trung đông từ thời kỳ Trung cổ. Lâu đài khác với Cung điện (Palace) dành cho hoàng gia và Pháo đài (Fortress) với chức năng phòng thủ quân sự.

Vị trí của các tòa lâu đài bị ảnh hưởng bởi địa hình sẵn có. Có gần 66% các tòa lâu đài được xây dựng ở vùng núi và cao nguyên, khoảng 34% còn lại được xây dựng ở vùng đất trũng. Lâu đài trên cao thường có cách tiếp cận kéo dài và đưa người xem đi xung quanh lâu đài, đảm bảo họ có một cái nhìn tốt trước khi bước vào trong.

Lối đi vòng quanh kéo dài thời gian tiếp cận của một lâu đài trên núi

Từ thế kỷ 18 trở đi, có một sự đổi mới trong việc xây dựng những tòa lâu đài, với việc xây dựng các mô hình lâu đài lãng mạn của kiến trúc Gothic và không có mục đích quân sự.

Những lâu đài mới ngày nay do quỹ đất hạn chế nên không có sân trong, chỉ còn hình dáng đồ sộ, vòm tròn, chóp cao và đường nét kiến trúc cổ điển theo kiểu xa xỉ...

Bố cục mặt bằng

Nhìn trên tổng thể mặt bằng, lâu đài thường có 1 sân trong lớn ở trung tâm. Đây là nơi sinh hoạt ngoài trời của các thành viên trong đại gia đình. Sân trong có thể nằm ở nơi đất phẳng hoặc giật cấp. Có những lâu đài lớn có thể có đến 2 hoặc 3 sân trong ở các cao độ khác nhau (Upper, Middle, Lower Bailey). Bao quanh khu sân trong là hệ thống tường rào, tháp canh và các dãy phòng chức năng.

Ảnh phải: bố cục chung của lâu đài với sân trong (I.C) ở trung tâm

Khi xem bố cục tổng thể của 1 lâu đài, bạn chỉ cần quan tâm đến những thành phần chính sau đây:

  • Sân trong (Inner Court, Bailey, Ward)
  • Great Hall (G.H, gian phòng lớn, phòng ăn lớn, phòng đại lễ)
  • Giáp G.H là nhà bếp (Kitchen)
  • Gatehouse (Cổng chính)
  • Và các tháp bao bọc xung quanh (Keep – tháp canh, Chapel tower – tháp nhà nguyện)

Bếp của lâu đài thường rất lớn, đôi khi nó bằng hoặc to hơn G.H, có nhiều ngăn, kho chứa thực phẩm và có lối nhập hàng riêng giáp với bên ngoài. Tháp cao nhất thường nằm ở lõi, và thường đó là tháp canh chứ không phải tháp nhà nguyện. Một số lâu đài còn có tầng hầm và những lối đi bí mật, lối thoát hiểm khi có sự cố, chiến tranh, v.v...

Sơ phác mặt bằng tổng thể của một số lâu đài cổ châu Âu. (Xem thêm...)

Cổng vào chính của lâu đài là 1 lối đi dài, hẹp và sâu, có 2-4 phòng với ô cửa sổ nhỏ áp sát 2 bên, nhiều cổng còn được ngăn cách với bên ngoài bởi 1 hào nước lớn, đủ tạo cảm giác “rờn rợn” cho những vị khách mới lần đầu tiên bước chân vào tòa lâu đài "bí hiểm"!

Cổng vào chính của lâu đài (Gatehouse) là 1 lối đi dài và sâu với 2-4 phòng có cửa sổ nhỏ áp sát 2 bên

Về mặt công năng

Lâu đài (Castle) khác với Pháo đài (Fortress, dành để phòng thủ quân sự, tường rào nhiều lớp kiên cố với nhiều trụ tháp canh cao bằng nhau, đỉnh bằng không nhọn) hay Cung điện (Palace, nơi ở của hoàng gia, mặt bằng theo các dạng hình học, chữ T, chữ O, chữ L,… thẳng hàng, trật tự). Nhiều kiến trúc mới hiện nay vẽ lâu đài nhưng kiến trúc thẳng tắp chỉn chu nhìn cứ như là cung điện, nên nhớ cung điện chỉ dành cho... hoàng gia thôi nhé!

Lâu đài thường nằm ở một đỉnh núi cao có tầm nhìn bao quát. Ngày xưa đó là nơi ở của vị lãnh chúa (cai quản 1 vùng), giáp ranh dưới chân núi là nơi ở của tá điền, nô bộc và những người giúp việc. Bên ngoài khu tường rào là nơi ở của nông dân và những người thợ (mộc, rèn)…

Ảnh mô tả một trong những lâu đài đầu tiên thời Trung cổ

Ngày nay kiến trúc kiểu lâu đài lãnh chúa từ thời Trung cổ đã không còn thịnh hành, do mô hình xã hội thay đổi và các vị trí khu đất cao, cảnh quan đẹp ngày càng khan hiếm. Kiến trúc độc tôn cá nhân không còn quan trọng và dần nhường chỗ cho những công trình tâm linh (nhỏ) hay kiến trúc Bền vững (Sustainable architecture) - giảm thiểu việc xây dựng những khối tích kiến trúc lớn lấn át không gian, trả lại vẻ tự nhiên cho cảnh quan thiên nhiên vốn dĩ tươi đẹp.

Mặc dù vậy, một số lâu đài cho đến nay vẫn còn tồn tại chính là do những giá trị kiến trúc vĩnh hằng của nó. Các lâu đài cổ châu Âu nay đã là những di sản kiến trúc giá trị và đã được đưa vào danh mục UNESCO của thế giới với chi phí bảo tồn, bảo trì hàng năm rất cao.

Tường lâu đài

Các tòa lâu đài có hệ thống tường rào bao quanh trải dài trên phạm vi rất rộng. Do đồi núi gập ghềnh nên các tường rào thường uốn lượn và bám theo các đường đồng mức địa hình. Do đó, khi đứng ở các vùng đất thấp bên dưới nhìn lên ta chỉ có thể thấy thấp thoáng những mảng tường nhấp nhô và gấp khúc.

Tường rào gấp khúc và bám theo các đường đồng mức của địa hình. (Xem thêm...)

Bên cạnh đó, tường vách của các phòng ốc trong lâu đài trên thực tế cũng rất dày, để đảm bảo khả năng chống lại sự tấn công và xâm nhập từ bên ngoài. Bạn không thể tưởng tượng được là có những bức tường dày từ 1 đến 3m, thậm chí có nơi lên đến 5m. Tường được xây bằng đá hộc (sử dụng vật liệu đá núi khai thác tại chỗ). Đôi khi tường lâu đài là 1 dãy phòng bao quanh sân trong, thẳng, xéo, cong tùy theo địa hình.

Tường lâu đài có nơi dày đến 5m

Cửa sổ trên tường là những ô cửa có song sắt cao hơn đầu người, cạnh cửa được vạt xéo để mở rộng nguồn sáng vào bên trong nội thất.

Ô cửa sổ trên cao được vạt xéo cạnh. Bệ cửa sổ bằng đá giật cấp tạo những bậc ngồi ngắm cảnh. Giường ngủ cũng bằng đá mát lạnh.

Tháp canh

Tháp canh thường xuất hiện ở các góc giao, góc gãy của tường rào, gian phòng hay ở đoạn giữa tường. Độ lớn, chiều cao, hình thức kiến trúc của các tháp canh trong một lâu đài không hoàn toàn giống nhau (khác với pháo đài). Mặt bằng tháp canh thường có hình tròn, vuông, lục giác, ngũ giác hoặc dưới vuông trên tròn... Đỉnh khối tháp là các chóp vuông, chóp nón nhọn đầu, chóp 2 tầng, chóp hình nấm, chóp có cửa sổ mái ở 4 cạnh hoặc 4 góc, v.v…

Sơ đồ tổng thể lâu đài có tường rào 2 lớp và những tháp canh (hình tròn), với hào nước bao xung quanh

Vị trí tháp canh của các khối kiến trúc trên mặt bằng lâu đài

Kiến trúc tháp canh vô cùng đa dạng, phong phú và đầy sáng tạo. Đây chính là những thành phần tạo nên bộ mặt đặc trưng về khối và dáng của mỗi tòa lâu đài.

Kiến trúc tháp canh đa dạng, phong phú tạo nên bộ mặt đặc trưng của lâu đài

Do kiến trúc có nhiều tầng, nhiều tháp cao, khi được nhìn từ bên dưới lên các khối kiến trúc thường bị lỗi thị sai “teo nhỏ” ở phần đỉnh. Chính vì thế nên các khối kiến trúc thường được thiết kế theo dạng hình nấm có chóp nhọn hay được làm cho phình ra, nở ra, tỏa ra ở phần đầu, làm mái 2 cấp, tạo gờ răng cưa đổ bóng hay đính chùm các thành phần kiến trúc nhỏ hơn ở tầng mái trên cùng.

Tháp dạng nấm, mái chóp nhọn 2 tầng và mái có cửa sổ 4 góc

Tổ hợp hình khối

Quan sát hình khối lâu đài ở góc nhìn tổng thể, ta thấy đó là một tập hợp những khối kiến trúc phân mảnh, đa diện, kéo dài theo trục dọc, được "bó lại" cùng nhau và "gài chặt" vào phần nền (đỉnh núi) theo kiểu zigzag. Chúng tạo nên một thể thống nhất cùng với cảnh quan. Khối kiến trúc có bề mặt gồ ghề, chất liệu và màu sắc tương đồng với khu vực núi đá. Có 1, 2 khối nhọn là đỉnh cao nhất để kết thúc cho tổ hợp khối.

Tổng thể cấu trúc là một tổ hợp của những khối đa diện và có định hướng theo chiều dọc, phát triển lên trên.

Những thành phần gồ ghề trên mặt bằng tạo nên mặt đứng đa diện và phân mảnh tương tự như vách núi đá

Cấu trúc đa diện và nghiêng lệch của các thành phần mặt đứng lâu đài. Nhìn từ xa các bề mặt bắt sáng trông như các mảng đá núi tự nhiên

Vật liệu và màu sắc công trình hài hòa với màu của đá núi

Kiến trúc lâu đài như được cài vào cảnh quan tự nhiên theo kiểu zigzag

Tòa lâu đài như được mọc ra từ đỉnh núi

Tóm lại, khái niệm kiến trúc Hữu cơ (Organic architecture) đã xuất hiện từ rất sớm ở các kiến trúc lâu đài thời Trung cổ. Những lâu đài trên đỉnh núi thực sự là một phần của cảnh quan núi đá nơi nó tọa lạc. Khi mọc trên đỉnh núi, nó là hoa của núi, nở ra từ trong lòng núi. 

Nhu cầu thiết kế những tòa lâu đài cho giới "quý tộc" trong xã hội hiện đại ngày nay đang dần tăng lên do nền kinh tế phát triển. Chưa hẳn người chủ nhân họ thích trở lại mô hình lãnh chúa thời xưa cũ, có thể đơn giản chỉ là họ muốn trải nghiệm "sống thử trong lâu đài xem cảm giác nó thế lào", vì tiền nhiều để làm gì?!!...... Tuy nhiên, người KTS được thuê thiết kế lâu đài trong bối cảnh hiện nay nếu không có cái tâm khi thiết kế, vô tư coi nó chỉ là một hợp đồng thiết kế béo bở, không khéo lại tạo nên thảm họa!

Thiết kế kiến trúc lâu đài với bộ vỏ kiến trúc cổ điển kết hợp nhiều chi tiết trang trí cóp nhặt, phủ lên trên những khối hộp bê tông vô hồn, là sự "kế thừa" không tốt những nét đặc sắc của di sản kiến trúc lâu đài. Khi được xây lên những kiến trúc đó sẽ gây hại đến cảnh quan, làm ô nhiễm trường nhìn trong một khoảng thời gian rất dài, làm chướng mắt cộng đồng và về sau muốn xóa bỏ cũng không dễ. Nghiêm trọng hơn nó có thể tạo nên sự đảo lộn trong nhận thức thẩm mỹ của người dân vì khiến họ hiểu lầm rằng hễ là lâu đài, hễ có cổ điển, phào chỉ thì nó phải là một thực thể đẹp!

Saigon, 18/03/2021

KTS. Lê Minh Hưng

 

Xem thêm:

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1266
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy