(Tiến sĩ Nguyễn Khắc Tụng)
Là một dân tộc có lịch sử lâu đời và địa bàn cư trú khá rộng rãi, ngay từ thiên kỷ II trước công nguyên, tổ tiên người Việt (Lạc Việt) đã đi vào thời đại đồng và trở thành xã hội có giai cấp, có Nhà nước với nhiều ngành nghề khá phát triển đặc biệt là nghề nông và nghề đánh cá.
Ngoài ra, các nghề thủ công khác cũng đạt được nhiều thành tựu. Tất cả những điều đó phần nào biểu hiện thông qua ngôi nhà, đơn vị sinh hoạt nhỏ nhất, và sau đó là xóm làng cùng các đơn vị hành chính cao hơn nữa.
Làng xóm của người Việt xưa được gây dựng ở những vị trí tiện nước sinh hoạt và sản xuất, đồng thời phải là nơi cao ráo có khả năng chống thú dữ, giặc giã. Về sau này, tiêu chí đó còn được mở rộng thêm, đó là tiện lợi về giao thông, khi phương thức sản xuất đã vượt qua khỏi phương thức tự cung tự cấp hai loại nhà chủ yếu là nhà sàn và nhà đất, tùy thuộc vào địa hình cũng như nhu cầu sử dụng về mặt không gian. Về sau này, khái niệm khuôn viên xuất hiện làm hoàn chỉnh thêm quy mô của mỗi ngôi nhà.
Bao gồm trong mỗi khuôn viên là một tổ hợp nhà gồm có nhà chính, nhà phụ và các công trình phục vụ sinh hoạt khác như vườn, ao, nhà bếp, nhà kho... Cách bố trí trong khuôn viên gia đình không chỉ khác nhau bởi mức độ giàu nghèo, mà còn khác nhau ở mỗi địa phương. ở miền bắc thường có các loại tổ hợp nhà như nhà chữ môn; nhà chữ công; nhà chữ nhị; nhà thước thợ... ở miền nam lại có các loại tổ hợp nhà như: nhà chữ đinh; nhà nối đọi (còn gọi là xếp đọi, sắp đọi hay sóc đọi) cùng một số biến thể trên cơ sở của các loại nhà này.
Cũng như nhiều dân tộc khác, nhà ở của người Việt thường sử dụng các loại thảo mộc kết hợp với đất đá. Càng về sau này, tỷ lệ đất đá càng nhiều hơn thay thế cho chất liệu thảo mộc. Ngôi nhà nhờ đó mà cũng vững chãi, ổn định hơn. Tuy nhiên, một số quy cách trong việc xây dựng thì vẫn được bảo đảm. Các quy cách này được ghi trên một chiếc sào tre gọi là thước tầm. Tùy theo từng địa phương cũng như quy ước của từng nhóm thợ, các ký hiệu trên thước tầm có thể khác nhau, song đây thực sự là một "bản vẽ" vô cùng chính xác mà cũng vô cùng bí ẩn của những ngôi nhà Việt.
Nói đến một ngôi nhà, điều cơ bản nhất vẫn là mặt bằng sinh hoạt được tạo ra từ những kết cấu của ngôi nhà đó. Khái niệm xây dựng nhà không chỉ là dựng lên những bức tường, mà chính là không gian được tạo ra bởi những bức tường đó là hoàn toàn chính xác. Tùy theo điều kiện và tập quán ở mỗi nơi, mặt bằng sinh hoạt của mỗi ngôi nhà cũng có nhiều điểm khác nhau. Cùng trên một diện tích, nhưng mặt bằng sinh hoạt của một ngôi nhà sàn có thể gấp từ 2 đến 2,5 lần một ngôi nhà gỗ hoặc nhà gạch khác. Nhà ở của cư dân ven biển khác nhiều so với nhà ở của cư dân vùng đồng bằng; nhà đô thị khác với nhà nông thôn, ở miền bắc, miền trung và miền nam, cách bố trí tạo ra mặt bằng sinh hoạt của mỗi ngôi nhà đều khác nhau. Đây chính là nét phong phú, đa dạng của những ngôi nhà Việt, gắn với tập quán và tín ngưỡng của từng vùng.
Ngôi nhà với tín ngưỡng dân gian
Tuy chỉ là một tế bào rất nhỏ trong đời sống cộng đồng, nhưng với mỗi cá nhân, ngôi nhà lại là cả một vấn đề lớn. Nó không chỉ đơn thuần là nơi cư trú, sinh hoạt của gia đình mà hướng nhà, thế đất còn ảnh hưởng đến cả tương lai con cháu sau này theo quan điểm của người xưa. Chính vì thế mà dựng nhà được coi là một trong những việc lớn của đời người, phải được chọn lựa rất kỹ càng với nhiều thủ tục không hề đơn giản. Muốn có được địa điểm "đắc địa" chủ nhà phải nhờ đến thầy "địa lý" hay các vị khoa bảng hiểu biết thuyết phong thủy và khoa phối hợp âm dương, ngũ hành để xem giúp. Người ta phải quan sát hình thế các mạch đất, hướng di chuyển của nước trong mạch đất để tìm ra nơi có chứa tụ khí của mảnh đất ấy. Chỗ đó gọi là đất "kết dương cơ" và sẽ được chọn để dựng nhà.
Thế đất đẹp nhất phải là: "Minh đường thủy tụ" tức là trước nhà có nước tụ trong sáng như gương để nuôi dưỡng khí mạch của đất. Trước nhà mà có mặt nước rộng như thế thì gia chủ sẽ làm ăn phát tài, gặp nhiều may mắn. Còn trái lại, nếu thủy tụ bất thường, khi có, khi không, nước lại đục là không tốt.
Cũng vì lý do này mà nếu trường hợp không có "thủy tụ" tự nhiên, người ta thường đào ao trước nhà hoặc xây hòn non bộ để tượng trưng cho yếu tố đó. Ngoài ra còn cần đến thế đất hai bên tả, hữu. Thế đất bên trái được gọi là "Thanh long", bên phải là "Bạch hổ". Nếu nhà có thế đất hai bên là thanh long và bạch hổ, như vậy là cân xứng "Tả phù hữu bật" làm ăn sẽ phát tài, nhiều lộc, con trai, con gái đầy nhà. Người Nam Bộ có câu:
Không "long" như người không chân
Không "hổ" như đứa ở trận không tay.
Như vậy là bên trái phải có sông nước (thanh long: âm). Bên phải có đất cao (bạch hổ: dương). Nếu không có đất cao thì thay bằng vườn cây. Không những thế, mảnh đất để cất nhà còn phải phù hợp với hướng tuổi của gia chủ, nhà phải xa đình chùa, miếu mạo, cây cổ thụ. Nếu bắt buộc phải làm nhà gần đình chùa mà cùng trên một đường thẳng thì phải làm thụt lùi về phía sau một chút. Nhà không được làm trên mộ vì nhà là dương, mộ là âm. Tối kỵ là con đường, con nước (sông, ngòi, khe, suối hoặc đòn dông nhà người khác đâm thẳng vào mặt nhà mình.
Hướng nhà cũng là điều rất quan trọng nên phải lựa chọn vô cùng cẩn thận. Trước hết phải là "hướng thuận tuổi" với tuổi chủ nhân. Nếu muốn có hướng nhà "đại lợi" thi căn cứ vào bát quái. Tỷ như: gia chủ tuổi Tuất, Hợi, thì không được làm nhà theo hướng tây - bắc.
Hướng nhà còn được ấn định của năm làm nhà. Năm Giáp Tuất thì nhà không được quay về hướng bắc. Năm Giáp Tý, nhà không nên nhìn về hướng nam hoặc bắc... Ngoài ra còn phải để ý đến hướng nước chảy của các dòng nước gọi là "cuộc". Nước chảy về hướng tây là "kim cuộc", hướng đông là "mộc cuộc", hướng bắc là "thủy cuộc" và hướng nam là "hỏa cuộc". Nếu tuổi của gia chủ hợp với "mộc" thì nhà phải hợp với "mộc cuộc" tức hướng đông. Nếu nhà ở vị trí có dòng nước chảy quanh thì đó là địa điểm tốt vì được nhiều cuộc đất hợp lại.
Xem thế đất và hướng nhà theo thuyết phong thủy thì rất phức tạp và không phải nơi nào cũng có người am hiểu thuyết này, cho nên hướng nhà thường được thực hiện theo kinh nghiệm của cha ông để lại:
"Nam phương quý đường
Bắc phương quý án
Tứ thời bất hạn"
Hay:
"Ăn quả cành lạ, làm nhà hướng nam "
Hoặc:
- "Cất nhà quay cửa vô nam
Quay lưng về chướng không làm mà cũng có ăn "
- "Cất nhà quay mặt hướng đông
Con gái không chồng mà lại chửa hoang"
Nhà hướng nam phổ biến ở miền bắc vì đối với miền bắc hướng nam là hướng mát mẻ nhất. Còn ở nhiều vùng khác, nhất là miền trung trở vào Nam Bộ lại tùy thuộc vào hướng gió thịnh hành trong năm mà có hướng nhà khác nhau. Tuy vậy phổ biến nhất vẫn là hướng nam, đông, đông-nam hay tây-nam.
Sau khi đã chọn được thế đất và hướng nhà rồi, tiếp đến là công việc tạo tác ngôi nhà. Từ khi bắt tay vào làm nhà cho đến khi ngôi nhà được hoàn tất, người ta còn phải thực hiện khá nhiều nghi lễ. Song tùy từng nơi từng vùng những nghi lễ này có gia giảm khác nhau:
- Lễ bình cơ (Phú Yên) gia chủ mua sắm lễ vật đặt ngay trên miếng đất định chọn để cúng gia tiên, thổ thần rồi mới định hướng nhà. Sau đó gia chủ đi mời thợ bàn việc làm nhà.
- Lễ phạt mộc, kiểu cách của ngôi nhà đã được thống nhất giữa chủ và thợ, người ta làm lễ khởi công gọi là lễ phạt mộc. Gia chủ làm hai mâm cỗ, một để cúng gia tiên, thổ thần, một để cúng tổ sư thợ mộc. Cúng xong người thợ cả cầm rìu chặt ba nhát vào một cây gỗ định làm cột cái để làm phép. Có nơi gia chủ nhặt lấy ba miếng gỗ do người thợ vừa chặt văng ra giữ lấy để đề phòng thợ làm phản thì đem ba miếng gỗ ấy ra ếm lại.
Sau lễ này có thể bắt tay ngay vào công việc. Nhưng cũng có thể để lùi vài ngày sau cũng được. Nhưng nhất thiết người thợ cả phải lên rui mực định kích thước ngôi nhà vào lòng của nửa thân cây tre hay hóp. Rui mực còn gọi là thước tầm, sào nhà... tùy theo từng địa phương.
- Lễ lập tục hay lễ cắt nóc, lễ này được coi là quan trọng nhất không thể bỏ qua. Chọn được ngày tốt gia chủ nhờ một người nào đó trong họ phải là vợ chồng song toàn, nhiều con lắm cháu, làm ăn phát đạt để làm lễ đặt cái nóc (đòn dông) lên gian chính giữa. Nếu nhà làm chưa xong mà chọn được ngày tốt người ta cũng có thể tổ chức lễ này. Nếu vậy người ta làm hai cái nạng để nâng đoạn cái nóc của gian chính giữa lên. Đoạn gỗ này phải để nguyên đó cho đến khi dựng nhà thì đặt vào vị trí của nó trong bộ khung.
Trong khi làm lễ, đoạn đòn nóc đó được buộc hai cành lá thiên tuế, một vài vuông vải đỏ hay vóc đại hồng có vẽ hình bát quái (bùa), trừ yểm để ma khỏi vào nhà quấy nhiễu. Ngoài ra người ta còn treo một cuốn lịch tàu hay một cuốn sách chữ Hán, cầu mong cho con cháu học hành tấn tới.
- Lễ an thổ, lễ này để báo thổ thần biết nhà đã làm xong. Trong số lễ vật có gạo rang trộn với nước để rắc vào bốn góc nhà.
- Lễ động sàng, cúng báo gia tiên để dọn về nhà mới và được kê gia cụ vào nhà.
- Lễ hoàn thành hay còn gọi là lễ lạc thành, lễ cài sào (gác thước tầm lên hai đầu cột cái của gian chính giữa). Lễ mừng nhà mới, chủ nhà tổ chức cúng gia tiên, thổ thần rồi liên hoan. Những người được mời tới dự thường tặng chủ nhà tiền, câu đối, pháo...
- Lễ trả công thợ, lễ này do thợ tổ chức cúng tiên sư để nhận tiền công.
- Lễ an cư, lễ tạ tổ tiên, thổ thần để báo cho biết là chủ nhân đã làm ăn yên ổn trong nhà mới.
Ngoài hàng loạt những nghi lễ, thủ tục kể trên, việc chọn kích thước cho mỗi ngôi nhà cũng là điều khá đặc biệt. "Nhà nào sào nấy". Cái sào ở đây chính là cái thước tầm của mỗi ngôi nhà. Nó quyết định quy mô của mỗi ngôi nhà theo yêu cầu của chủ nhân. Còn việc chọn đơn vị đo lường dùng vào việc làm nhà thì chỉ mấy thập kỷ gần đây người thợ làm nhà mới dùng thước mét, còn xưa kia họ sử dụng một loại thước đo khá đặc biệt. Cái thước này biểu hiện mối tương quan giữa tầm vóc của chủ nhân với ngôi nhà của mình. Làm nhà cho ai, người thợ cả lấy chiều dài đốt gốc ngón tay út của chủ nhân làm đơn vị cơ bản cho cái thước đo. Mỗi thước dài bằng 10 đơn vị cơ bản đó. Như vậy mỗi thước này cũng vào khoảng trên dưới 40 cm. Riêng diều này cũng đủ thấy ngôi nhà gắn bó với con người ta đến thế nào.
Nhìn lại một khoảng thời gian
Từ sau Cách mạng Tháng Tám tới nay, nhất là vào những năm cuối thập kỷ hai mươi, nhà cửa ở nông thôn người Việt đã có rất nhiều thay đổi. Nhà mới mọc lên san sát khắp nơi làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn. Tuy vậy sự phát triển nhà cửa ở nông thôn của từng địa phương cũng có sự khác biệt: về tốc độ xây dựng, về vật liệu xây dựng, về kiểu dáng và thị hiếu...
Ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ có những kiểu nhà giống nhau tùy từng thời điểm và hình như những cư dân vùng này có thị hiếu gần nhau. Riêng những nơi gần đô thị lại có khuynh hướng làm nhà theo kiểu thành phố.
Còn ở nông thôn miền trung và miền nam, nhà cửa mới được xây dựng lại có sắc thái khác.
Tuy rằng nhà cửa mới được xây dựng ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ ngày một nhiều, nhưng về kiểu cách (mẫu nhà) còn nghèo nàn và đơn điệu.
Giống nhau vẫn là cơ bản, chỉ khác nhau về chi tiết mà chủ yếu lại là mặt trang trí "mỹ thuật" trong kiến trúc.
Từ sau cách mạng cho đến những năm 60, người ta vẫn làm nhà theo kiểu cũ. Bộ sườn hoàn toàn bằng gỗ với các kiểu vì kèo phức tạp. Hãy còn chạm trổ nhưng đã khác xưa là đường nét không những thô vụng mà còn bôi thêm sơn xanh đỏ lòe loẹt... Tất nhiên cách tổ chức trên mặt bằng sinh hoạt vẫn ít có sự thay đổi so với trước cách mạng. Nhưng rồi kiểu nhà này đã được coi là cổ lỗ, ngày càng ít người ưa thích. Một dạng nhà khác được thay thế, nhưng chẳng bao lâu nó lại bị phủ định để dẫn đến một kiểu nhà được coi là "mốt nhất".
Dạng nhà sớm bị phủ định đã có chiều hướng tiến bộ: tuy không khác nhà xưa bao nhiêu, nhưng người ta đã sử dụng những kiểu vì kèo đơn giản, thay một số cột bằng tường chịu lực, số gian nhà không nhất thiết phải là lẻ. Nhà cao ráo thông thoáng, nhiều cửa. Gian dành cho phụ nữ không còn bịt bùng như xưa.Trong nhà hầu như không có chạm trổ, tô vẽ mà chỉ có một vài mô típ đơn giản nơi diềm dưới mái ở hàng cột hiên.
Còn kiểu nhà được coi là "mốt" ấy, đó là kiểu nhà "tường hoa quá mái" nhà "hiên tây". Thật ra không có gì mới. Vào những năm 30 người ta đã thấy nó xuất hiện ở các đô thị và một vài nơi ở nông thôn của những quan lại về hưu hoặc của một vài thương gia có gốc gác ở quê... tất nhiên là của những người giàu có. Họ tiếp thu một vài bộ phận, vài chi tiết của kiến trúc Pháp rồi cấy vào ngôi nhà cổ truyền. Do vậy mà người dân quê gọi là "nhà lai Tây". Vẫn là nhà ba gian hai chái hay năm gian đứng (không có chái), vẫn những kiểu vì kèo phức tạp. Riêng hiên không có mái dốc mà đổ mái bằng được đỡ bằng một hàng cột phảng phất kiểu cột inônic hay corantơ. Hàng cột nay còn phải đỡ một mảng tường dài suốt mặt nhà và được xây cao quá mái cho nên mới có tên là "hiên tây" hay "tường hoa quá mái". Mọi mô-típ trang trí người ta đều phô ra ở cái mặt tường này. Còn cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt hầu như không khác xưa là mấy.
Gần đây, bước vào thập kỷ 20 này, nông thôn miền bắc đã có nhiều nhà tầng, một khuynh hướng tốt là tiết kiệm được diện tích nền mà diện tích sử dụng lại nhiều hơn. Tất nhiên là cần đến xi-măng, sắt thép thay cho gỗ, tre. Điều đáng quan tâm ở đây là nhiều kiểu nhà mới chỉ là sự sao chép, chắp vá lai căng. Người ta đã lạm dụng quá nhiều trang trí, hoàn toàn mang tính hình thức phô trương, lãng phí vật liệu, tiền của mà không mấy mỹ thuật. Dù vậy, phải thừa nhận rằng nhà cửa ở nông khôn miền bắc đã có nhiều thay đổi. Hầu như khó tìm ra những túp lều lụp sụp siêu vẹo như dưới chế độ cũ. Nhà mới khang trang, sáng sủa, hợp vệ sinh, nhiều nhà gạch ngói hơn, nhiều tiện nghi hơn. Tuy nhiên, lối sống ở trong nhà hãy còn thay đổi chậm. Cái tâm lý phô trương, hình thức, ưa lòe loẹt... hình như ngày càng có cơ hội để phát triển.
Còn với nông thôn miền trung và miền nam, nhà cửa mới được xây dựng cũng ngày một nhiều và với tốc độ ngày càng tăng. Ở miền trung kiểu nhà cổ truyền đã có sự thay đổi từ khá lâu do nhiều lần tu sửa, thêm bớt hoặc xây dựng mới. Chủ yếu là dùng những vì kèo đơn giản và nhiều nhà đã dùng tường thay cột. Nhà được xây dựng với phong cách giản dị, thanh nhã, ít phô trương bề ngoài mà chú ý nhiều đến thiết bị bên trong. Song cũng còn nhiều nhà quá thừa thãi bàn ghế, giường phản... làm cho không gian trong nhà thêm chật chội, vướng mắc kém phần thoải mái.
Cho dù từ khía cạnh nào đi nữa, một điều không thể phủ nhận là mỗi ngôi nhà với từng gia đình và cả cộng đồng bao giờ cũng mang trong sự tồn tại của nó cả một ý nghĩa vô cùng to lớn. Thời gian, sự vận động xã hội và tốc độ đô thị hóa ngày một tăng đã làm mai một dần đi dáng dấp của những ngôi nhà cổ kính, chứng nhân của cả một hành trình lịch sử, đồng thời cũng là một mảng lớn bản sắc của văn hóa dân tộc. Đây thực sự là một thách thức lớn đòi hỏi phải có một cách đặt vấn đề nghiêm túc và những biện pháp tích cực, kịp thời, của nhiều cơ quan chức năng trong giai đoạn hiện nay, để quá trình phát triển đô thị của chúng ta không đi quá xa những gì thiêng liêng vốn có, bởi lẽ bên trong mỗi ngôi nhà là những con người.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Tụng
Bình luận từ người dùng