Nhà mái lá Bình Định

13/09/2016 Kiến Admin Thư Viện Bình Ðịnh
4060
0

Anh về dỡ gỗ đa đa
Cất nhà lá mái tháng ba em về
(Ca dao Bình Định)

1. Dù quy mô thế nào, một nhà lá mái hoàn chỉnh thường có ba gian: nhà chính, nhà cầu và nhà lẫm. Nhà lầm chồi ra phía trước bên trái, tạo thành chữ L, trên cao làm kho chứa lúa, dưới là nơi ở của con cái. Nối sau nhà lẫm là phòng ở và bếp. Mỗi gian có hai mái trước sau, 2 chái phía còn lại nên nhìn tổng thể nhà có nhiều mái đá nhau. Có nhiều người gọi là nhà đá mái với lập luận nếu bảo lá mái vì lợp tranh thì nhà lợp lá dừa, lá cọ cũng có thẻ gọi như thế. Tuy nhiên tên gọi phổ biến vẫn là nhà lá mái và điều cơ bản khiến trúc này nổi tiếng vì chính cấu tạo của nó: mái, vách đều 2 lớp. Nhiều nhà có cả 2 lớp cửa.

Nhà chính có 4 vì kèo, mỗi vì kèo có 4 cột trụ tròn, 2 cột sát vách trước sau, 2 cột giữa nhà. Có thể nhìn thấy tổng cộng 16 cột nhưng hàng cột trong tạo thành 3 gian thờ, chỉ còn 2 cột hàng ngoài có vẻ thảnh thơi vì hàng cột ở kèo biên được lắp vách ván tạo thành 2 phòng là chái đông và chái tây. Chái tây gọi là chái tàu dành cho khách. Chái đông là buồng vợ chồng gia chủ. Tại sao lại “đông chủ”? Theo chúng tôi, từ chái đông (luôn là phía trái nhà từ bàn thờ nhìn ra) phát triển tiếp nhà cầu, nhà lẫm, bếp… cho tiện sinh hoạt - chữ L tổng thể sẽ che khoảng sân trước tránh gió bấc vì hướng nhà ở dao động từ đông tới nam. Các cụm từ “3 gian, 2 chái”, “đông chủ tây khách” rất phổ biến từ nhà lá mái mà có. Riêng “đông tây chủ khách” còn được người Bình Định vận dụng vào vị trí tiếp khách dịp lễ, tiệc đến tận ngày nay.

Ở nhà lá mái, giàn cột, kèo, xiên, trính… đều sử dụng gỗ tốt: lim, sơn, sầm, ná, xay, mít… Trừ cột tròn bào nhẵn, tất cả đều được xoi, tiện, chạm rất công phu. Các hình chạm chủ yếu là hoa lá, chim, nai, sóc, dơi, cây đàn… Một số nhà đầu kèo mái trước còn tạc nhái đầu rồng (nhà dân không được phép tạc rồng như cung vua phủ chúa). Các đường diềm 3 khám trên cao, các hàng bạo xổ hai bên cột được chạm thủng khiến 3 gian thờ cùng với cả tủ thờ, án thờ (án giò nai hoặc cò điếu) tạo nên vẻ đẹp vừa trang nghiêm vừa nhẹ nhàng thanh thoát. Hai vách ván tạo thành chái đông chái tây gọi là phên lụa giàn khép, trên cao trang trí ô hộc rất tinh tế.

Phần lớn nhà lá mái làm kèo ghép cho từng đoạn trụ. Ở đầu trụ, để cho lưng kèo phẳng, nơi ghép phải “uốn cong” âm dương bẩy tiếp nhau. Chỗ “uốn” này là cơ hội cho các nghệ nhân chạm khắc và bộc lộ tài năng. Chống từ trính lên giao nguyên - nơi 2 đầu kèo giao nhau trên đỉnh - là bộ phận trụ lỏng khá độc đáo và có màu sắc bí ẩn, người dân gọi nôm na là cối, chày. Cối là bộ đỡ tròn đặt từ trính, nhiều tầng nở dần lên ôm lấy chân chày, đầu chày thuôn nhỏ khớp với giao nguyên thành hoa thị 6 cạnh. Ni tấc của 2 chi tiết này, theo lưu truyền trong dân, hoàn toàn không thuộc tính toán của người thợ cả mà do quyết định của thầy tử vi, bói toán.

Áp ngay lưng kèo là lớp mái thứ nhất: trần sìa. Đó là những cây tre già ngâm nước hơn một năm để khỏi mối mọt, tẩy mắt, chẻ trái trả rồi ép phẳng thành tấm, bên trên đắp đất bùn trộn nhuyễn với rơm. Lớp cật tre sạch sẽ tinh tươm khá tương xứng với dàn gỗ bóng lộn. Lớp mái thứ 2 được chống cao phần đỉnh tạo độ dốc lớn có tác dụng che mưa nắng cho lớp trần sìa và dàn gỗ. Tre cũng ngâm nước kỹ, nguyên cây làm rui, chẻ ra làm mè, cột bằng dây mây neo giữ khoảng cách 10cm rất chắc chắn. Mái tranh được lợp dày 20, 30cm, chân mái xén bằng, thắt con rít bằng tre cặp vòng rất đẹp. Độ dốc lớn, khi lợp người thợ phải buộc dây lưng níu vào mè sau nếu không dễ cắm đầu xuống đất. Tranh dày, mái dốc, tới hơn 30 năm mới lợp lại!

Vách nhà là mầm trỉ trét đất. Mầm là những cây tre được dựng dọc, trỉ cũng bằng các thanh tre buộc ngang hai bên mầm. Đất ruộng nhào nhuyễn với rơm trét hai phía trong ngoài xong dùng đất gò mối trộn nước dây tơ hồng hồ lại lớp mặt cho phẳng. Gặp vách đất hai lớp kiểu này khi phá bỏ còn khó hơn tường xây. Toàn bộ vách dựng trên hàng liệt địa lá rộng 20cm theo tường. Lớp này đặt trên những tắc kê 3cm cách liệt địa bàn 20.30cm bằng gỗ xay chống mối. Khe hở vách tạo độ thông thoáng.

Dàn cửa chính theo kiểu thượng phong song hạ bản (còn gọi là bàn khoa, buồng khoa, bàn pha), trên là những song tiện, dưới panô, được xoi chỉ rãnh, chạm khắc công phu. Mái nhà kéo dài ra chỉ còn cách đất 1m6, nhiều nhà làm tiếp lớp cửa thứ 2 gọi là cửa thông hành. Vùng nhiều trộm cướp, cửa thông hành được làm bằng gỗ sung, thứ gỗ có đặc tính rìu chặt không tách, búa đánh không vỡ. Yếu điểm của nó là dùng lửa thổi sẽ tự ngún dần nhưng thời gian phá được sẽ lâu. Mái sau và chái làm vách thứ 2 tạo thành các luồng chứa chum, vại đựng các loại lương thực, các nông cụ…

Nền nhà dùng đất thịt trộn muối đằm kỹ, làm đất khong nứt nẻ khô rốc, vừa mát vừa không bụi khi quét. Do cấu tạo 2 lớp, đặc biệt là lớp mái đất, nhà lá mái rất mát mùa hè ấm áp mùa đông.

2. Tuy vật liệu chỉ là gỗ, tre, tranh, đất nhưng độ bền vững của nhà lá mái rất cao. Qua hàng trăm cơn bão, trận lụt nhà vẫn an nhiên đứng đó làm nơi che chở và hạnh ngộ, nới ươm mầm yêu thương của bao thế hệ, cuộc đời. Độ bền vững có yếu tố quyết định của những người thợ, những nghệ nhân dân gian. Long rong về những nếp nhà xưa, tôi gặp câu: “làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng” thật thú vị. Các vị thầy (cúng, bói,… cả thầy đồ) có xôi oản, gạo nếp, tiền bạc đem về cho gia đình; người thợ quanh năm suốt tháng ăn ở nhà chủ, làm bao giờ xong mới thôi. Theo cụ Trần Bá Tuyến, một người thợ từng làm rất nhiều nhà mái lá (hiện cư ngụ ở phường Đống Đa., T.P Quy Nhơn); và theo hồi ức nhiều cụ già, cái “bao giờ” nêu trên không dưới 3 năm, với một bạn thợ hơn 10 người gồm thợ cả, thợ chính, thợ học việc. Khi làm nhà xong, người thợ thành như thân quyến của gia chủ, lễ lộc cúng giỗ hàng năm đều về.

Bạn thợ được chủ cấp nồi niêu, gạo thóc tự nấu ăn, nước gạo cơm thừa họ dùng nuôi heo, heo con thành heo nái, để nhiều lứa mới xong nhà. Nhà ở đây bao gồm cả các vật dụng bên trong: giường, tủ, án thờ, tràng kỷ, phản gỗ… Dàn gỗ và vật dụng trong nhà có nhiều đường cong, chạm khắc, đòi hỏi sự khéo tay, khổ công. Cây trính chẳng hạn, không phải để thẳng mà đẽo cong 2 đầu kiểu giá chiêng, đầu chạm hoa cuộn. Tác phẩm này phải cần súc gỗ lớn gấp đôi làm nguyên liệu… Nét chạm khắc, bào, nạo đã hoàn chỉnh thì còn công đoạn cuối cùng là đánh bóng. Người thợ xưa không có giấy nhám. Công cụ để đánh bóng là chuối khô, dùng nùi lá đánh đến lên nước sáng bóng mới thôi. Công phu nhất, tinh xảo nhất chứng tỏ tay thợ nghề rõ nhất là hệ thống ngàm miệng. Vì không hề sử dụng định, chốt gỗ (con sẻ) nên ngàm miệng phải thật khít, vừa đẹp, vừa chắc. Những đường cong, những chi tiết chạm khắc, vừa đẹp, vừa chắc. Những đường cong, những chi tiết chạm khắc rắc rối khi lắp vào ôm kín đến mức chủ nhà thử bằng cách đổ nước vào tháo ra bên trong vẫn khô là được thừa nhận. Người thợ vừa khéo tay, vừa học đức kiên trì, nghiêm cẩn khi làm việc. Mất 3 năm miệt mài, người học việc mới được thầy cho ra nghề. Chữ “nuôi miệng” trong câu trên có 2 ý: miệng người và miệng gỗ!

3. Nhà lá mái Bình Định có tự bao giờ? Với gần 20 ngôi nhà tôi tìm tới ở Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ các chủ nhân bây giờ đều khẳng định nôm na: của ông cố, ông nội để lại. Với các cụ ngoài 80, 90 như Trần Sánh, Hồ Ngọc Anh (Lộc Ngãi, Phước Quang), cụ giáo Hiệp (Luật Lễ, Phước Long – Tuy Phước), bằng phép tính đơn giản cũng biết cách đây 120-150 năm. Hiếm hoi có nhà ghi năm xây dựng như nhà thờ Nguyễn An ở Cát Hưng, Phù Cát: người thợ đã tỉ mỉ khắc lên vì kèo thông tin chính xác cho ta bây giờ, niên đại thế kỷ rưỡi! Ngay cả nhà thờ danh thần triều Tây Sơn Lê Công Miễn (Phước Hòa) được xếp hạng di tích văn hóa cũng 200 năm trở lại. Mấy chục năm chiến tranh ác liệt đã triệt hạ hàng trăm ngôi nhà ở Hoài Ân, Phù Mỹ… Nhà nổi tiếng cột to vùng Ân Nghĩa, Ân Đức không còn; An Nhơn trù phú và cổ kính của đất vua cũng chẳng còn bao nhiêu. Nhà lá mái tồn tại đến giờ nhiều nhất là ở Tuy Phước, xã nào cũng có. Trên thực tế có thể xác nhận nhà lá mái Bình Định thuộc thế kỷ XIX. Yếu tố độc đáo nhất của nhà lá mái là phần mái đất. Nhà ở đắp đất nhiều nước trên thế giới cũng có. Riêng Việt Nam các ngôi cổ tháp của người Chăm chất liệu cơ bản là đất. Trụ lỏng từ trính lên giao nguyên cấu tạo cối, chày rất giống yoni-linga, những hình thờ sinh thực khí của người Chăm. Nhà lá mái Bình Định có thể kế thừa kiến trúc ở Chăm cổ?

4. Phó giáo sư Chu Quang Trứ, tác giả cuốn “kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam” đã nghiên cứu khá công phu ở các dân tộc 3 miền. Đầu năm 2000 ông đến Bình Định được anh Từ Như Huyền Trân, cán bộ Bảo tàng đưa ra một số nhà lá mái, ông thừa nhận cuốn sách của mình còn thiếu sót đáng kể! Nói tới văn hóa truyền thống Bình Định, không thể thiếu nhà lá mái! Dĩ nhiên thời bấy giờ ít ai nghĩ chuyện làm nhà lá mái để ở.

Chiến tranh đã lùi xa. Những ngôi nhà còn lại đang gánh nặng của thời gian sự quên lãng. Lớp con cháu thành đạt hướng về đô thị; còn lại những ông bà già bất lực nhìn mái dột cho mối xông dần hoa lá, sóc nho. Nhà lá mái bây giờ chỉ còn khung gỗ, trần sìa; vách đã được xây gạch, mái ngói , nền xi măng. Bằng khả năng của mình, từng gia đình cố gắng gìn giữ gia sản của ông cha. Nhà ông Ba Nghĩa (Nhơn Hòa, An Nhơn), anh Sáu Quảng, ông Trần Đình Trương (Tri Thiện, Phước Quang, Tuy Phước)… vẫn được bảo quản tốt bằng cách giữ nguyên vì kèo áp vách trang trí; tầng trên cũng vậy.

Thực tế trong dân là thế. Các nhà quản lý, các nhà chức năng thì sao? Ở Bảo tàng chỉ có một ảnh chụp nhà thật và một mô hình thu nhỏ chưa đạt yêu cầu. Ông Đặng Hữu Thọ giám đốc Bảo tàng cho biết mua lại và phục chế một ngôi nhà lá mái như thật thì điều kiện ở ta chưa làm được. Ở ngành Văn hóa cũng chưa thấy có kế hoạch gì cụ thể!

Theo chúng tôi, trong phạm vi có thể, bên cạnh tấm ảnh ngôi nhà, BTTH nên chụp nhiều tấm ảnh mô tả các chi tiết đặc sắc bên trong, phần nào đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của các em học sinh và khách tham quan, và trong tương lai nên xây dựng một ngôi nhà lá mái hoàn chỉnh, tiêu biểu từ rào giậu cổng ngõ vào, vừa để bảo tồn vừa làm phương tiện trực quan giáo dục truyền thống. Và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, lẽ ra đã có những công trình khoa học nghiên cứu một cách nghiêm túc về nhà lá mái.

Trong bài viết “Bình Định đất mẹ của thơ tôi” nhà thơ Chế Lan Viên thể hiện sự hàm ơn đất nước con người Bình Định, có trân trọng nhắc đến ngôi nhà lá mái như một phần máu thịt thơ ông. Hy vọng một ngày nào đó chúng ta còn có cơ hội tự hào nhiều hơn về kiến trúc đặc sắc này của quê hương Bình Định khi nó được nghiên cứu đánh giá chính xác và làm tốt hơn về các vấn đề bảo tồn.

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1263
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy