Thực trạng công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

(KTS. DHH) - Nhân sự ra đi của KTS. Nguyễn Trọng Hòa, để tưởng nhớ đến một đồng nghiệp 35 năm trước, mình xin post lên đây bài tham luận của anh về bảo vệ di sản với tư cách Viện Trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM năm 2012. Tham luận này cho thấy, ai cũng thấy cũng biết nhưng làm thì không làm được bao nhiêu. Nhưng ai đóng góp gì thì cứ góp, đừng im tiếng trước những thách thức phát triển. 

 

Thực trạng công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

PGS. TS Nguyễn Trọng Hòa
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tồn tại nhiều công trình mang tính lịch sử – văn hóa cũng như nhiều cảnh quan kiến trúc của nhiều trường phái khác nhau. Các yếu tố này tạo nên cho Thành phố một hệ thống di sản đô thị phong phú, đa dạng.

Trong giai đoạn từ 1975 đến 1986, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, phải đối mặt với những khó khăn, thử thách từ công cuộc tái thiết và phát triển đất nước sau 2 cuộc chiến tranh. Cũng từ nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan mà giai đoạn này, công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc (chủ yếu là công tác bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa) hầu như chỉ do Sở Văn hóa – Thông tin phụ trách. Cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn còn tương đối ít (chủ yếu áp dụng Pháp lệnh 14 LCT/HĐNN năm 1984 về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, Nghị định 288/HĐBT và Thông tư số 206/VH-TT). Thêm vào đó, do tình hình khó khăn của nền kinh tế cũng như những lý do về công tác quản lý nhà nước nên một số di tích đã bị xuống cấp, đồng thời ý thức bảo tồn các cảnh quan kiến trúc công trình tiêu biểu (nhất là các biệt thự cổ, công sở có kiến trúc đẹp…) chưa cao đã làm phá hủy một số công trình có giá trị. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế là do cơ chế quản lý và nền kinh tế mang tính bao cấp, khép kín nên cảnh quan kiến trúc của thành phố trong thời gian này chưa bị phá vỡ nhiều.

Khu trung tâm Sài Gòn xưa

Giai đoạn từ năm 1986 đến nay: Sự thay đổi cơ chế quản lý bao cấp sang thị trường đã tạo những thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Cùng với sự phát triển năng động của mô hình kinh tế thị trường, bên cạnh việc một số di tích đã bị xuống cấp, nhiều công trình tiêu biểu như các biệt thự cổ, công sở có kiến trúc đẹp, thậm trí cả các ô phô – dãy phố đã bị phá bỏ hoặc đang đứng trước nguy cơ bị thay đổi. Xét về mặt “Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị”, như một số chuyên gia đã nhận xét: đây là thời kỳ mà các thách thức đặt ra cho công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị lớn hơn nhiều so với các giai đoạn trước đây.

Khu vực xung quanh Nhà thờ Đức bà Sài gòn

Nhận thức được phần nào những thách thức này, các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị đã có những sự thay đổi đối với công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Những quy định pháp luật về xây dựng, quy hoạch, kiến trúc và bảo tồn di tích từng bước được soạn thảo và ban hành nhiều hơn, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc. Một số văn bản pháp luật có liên quan đã được ban hành như: Luật Di sản văn hóa năm 2002 (được bổ sung điều chỉnh năm 2010), Luật Xây dựng năm 2003, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, do quá trình phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa nhanh ở thành phố nên hệ thống di tích, cảnh quan kiến trúc cũng xuống cấp hay biến đổi nhanh hơn. Trong lúc đó, việc quản lý còn nhiều chồng chéo giữa các cấp ngành và khá bị động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn, từ năm 1993, lần đầu tiên Thành phố tiến hành thực hiện Chương trình Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, Chương trình này do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chủ trì, TS-KTS. Lê Quang Ninh làm chủ nhiệm. Đây có thể nói là chương trình nghiên cứu có quy mô nhất về bảo tồn cảnh quan kiến trúc cho đến nay. Chương trình kéo dài trong 5 năm (1993 – 1998) với kết quả nghiên cứu gồm những đánh giá, phân loại, hệ thống các cảnh quan kiến trúc tiêu biểu của thành phố. Chương trình đã đề xuất cách phân loại, xếp hạng theo các tiêu chí, qua đó đã phân hệ thống bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị thành phố Hồ Chí Minh gồm 4 loại hình:

(1) Mảng cảnh quan đô thị tiêu biểu,

(2) Tuyến cảnh quan tiêu biểu,

(3) Cụm cảnh quan tiêu biểu, và

(4) Điểm cảnh quan kiến trúc.

Đặc biệt, chương trình nghiên cứu đã đề xuất danh mục 108 đối tượng bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố. Từ nghiên cứu của Chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc, ngày 17/5/1996, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Thông báo số 46/TB-UB-QLĐT về việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc TP.HCM, trong đó nêu rõ “tạm xác định 108 đối tượng đã được Chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đưa vào danh mục và sớm soạn thảo quy chế (tạm thời) để thực thi công tác này trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”. Mặc dù chưa được pháp lý hóa, Thông báo số 46/TB-UB-QLĐT của Ủy ban nhân dân thành phố cho đến hiện nay vẫn là văn bản chính để các cơ quan quản lý nhà nước tham khảo trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc. 

Bên cạnh Thông báo 46/TB-UB-QLĐT, Trung tâm bảo tồn di tích Thành phố hiện đang quản lý danh mục khoảng 140 công trình, địa điểm đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia và Thành phố. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 5360/QĐ-UBND ngày 25/11/2010 về thực hiện kiểm kê di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn TP.HCM, trong đó qui định Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Sở ngành chức năng và UBND các Quận huyện tổ chức nghiên cứu, khảo sát, nhận diện, xác định giá trị, lập hồ sơ xếp hạng di tích đối với các công trình, địa điểm đủ tiêu chí xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa trình Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt công nhận, kèm theo Quyết định là danh mục 124 công trình, địa điểm (và đã đề nghị bổ sung thêm 13 công trình, địa điểm) dự kiến đề nghị lập hồ sơ xếp hạng di tích, trong các công trình này bao gồm cả các công trình có giá trị về mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị. 

Tòa đô chánh Sài Gòn, nay là Ủy ban nhân dân Thành phố

Về nghiên cứu cụ thể, thời gian qua trên địa bàn Thành phố cũng đã triển khai thực hiện cho một số khu vực như Quy hoạch chi tiết và Quy chế quản lý kiến trúc đô thị cấp 2 Khu trung tâm TP hiện hữu (930ha), dự án Nghiên cứu bảo tồn khu phố cổ Chợ lớn; các nghiên cứu này khá chi tiết và đã có một số đề xuất cho việc bảo tồn một số khu vực với các biện pháp tương đối cụ thể, tuy nhiên chưa được pháp lý hóa để quản lý.

Trên cơ sở qui định trong các văn bản hiện hành và thực tế quản lý có thể tạm phân loại các công trình kiến trúc đô thị có giá trị bảo tồn theo 2 nhóm:

  • Nhóm 1: Các công trình đã và dự kiến xếp hạng di tích như kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật được quản lý theo Luật Di sản Văn hóa 2002.
  • Nhóm 2: Các công trình, không gian cảnh quan kiến trúc có giá trị cần bảo tồn, mặc dù không đủ điều kiện xếp hạng di tích như nhóm 1 nhưng cũng cần được quản lý bằng các quy định, quy chế về quy hoạch kiến trúc, ví dụ như các biệt thự cũ ở quận 1, 3…, các dãy phố như ở Chợ Lớn, dọc Đường Võ Văn Kiệt…, một số trường học, công sở, nhà xưởng công nghiệp cũ…

Hiện nay Thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, không chỉ đối với các đối tượng thuộc nhóm 2 mà ngay cả ở nhóm 1, cụ thể là tình trạng xây dựng thêm các công trình phụ trong khuôn viên di tích làm sai lệch giá trị di tích, và việc quản lý xây dựng ở vùng 2 theo qui định của Luật di sản. 

Bưu điện trung tâm Thành phố

Có thể tóm tắt một số vấn đề từ thực trạng công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc của Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

1- Mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển đô thị và bảo tồn cảnh quan kiến trúc vẫn chưa được giải quyết hợp lý. Áp lực giải quyết tăng trưởng kinh tế trong quá trình phát triển đô thị đã lấn át công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc. Điều này có thể thấy qua các trường hợp cụ thể trong việc xây dựng công trình cao tầng ở các khu vực cảnh quan kiến trúc tiêu biểu của thành phố. Hay việc phá bỏ các biệt thự có kiến trúc đặc sắc thay vào đó là các cao ốc.

2- Mặc dù có khung pháp lý là hệ thống các bộ luật liên quan đến công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Di sản… nhưng việc áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Thành phố còn chậm trễ trong việc xây dựng và ban hành Quy chế quản lý cảnh quan kiến trúc đã dẫn đến sự “biến mất”, thay đổi cảnh quan kiến trúc trong thời gian gần đây khá nhanh. Các cấp chính quyền, các ngành chức năng vẫn còn phải giải quyết từng trường hợp cụ thể do chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh như các trường hợp: Ụ tàu Ba Son, Trường Lê Quý Đôn, Cụm Nhà khách Chính phủ số 1 Lý Thái Tổ…. 

3- Chưa có các nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, mang tính hệ thống và cụ thể về hệ thống các đối tượng cần được bảo tồn cảnh quan kiến trúc, để từ đó có các định hướng, quy định cụ thể cho công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc.

4- Về chức năng và nhiệm vụ của các ngành, các cấp vẫn chưa rõ ràng, nhận thức về công tác bảo tồn cảnh quan ở một số nơi, số ngành còn chưa đầy đủ. 

5- Vấn đề sở hữu liên quan đến những đối tượng bảo tồn như biệt thự, nhà ở tư nhân… vẫn chưa có chính sách giải quyết lợi ích hài hòa để người dân tham gia vào quá trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc một cách hiệu quả. 

Trước thực trạng biến đổi nhanh của hệ thống cảnh quan kiến trúc cổ và yêu cầu cần nhanh chóng xây dựng những quy định cho công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc, ngày 21/8/2010 Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 3691/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch và chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc TP.HCM. Theo đó, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng đề án, chương trình tổng thể, kế hoạch hành động, mục tiêu nhằm cụ thể hóa những nội dung, yêu cầu trong công tác bảo tồn kiến trúc, cảnh quan đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời chỉ đạo, điều hành việc xây dựng các quy định chung về bảo tồn kiến trúc, cảnh quan đô thị; xác định các khu vực cần bảo tồn, chỉ đạo điều hành việc nghiên cứu xây dựng quy chế bảo tồn cho một số khu vực trọng điểm, trước mắt tập trung tại các quận 1, quận 3, quận 5. 

Mặc dù đã được thành lập hơn hai năm nhưng Chương trình trình tổng thể, kế hoạch hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được phê duyệt, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện. Chúng ta, những người tâm huyết với công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị cần tiếp tục phối hợp với nhau để thực hiện cho được sứ mạng cao cả mà các thế hệ người dân Thành phố giao phó này.

PGS. TS Nguyễn Trọng Hòa

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1254
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy