Câu chuyện pho tượng Phật nằm lớn nhất Đông Nam Á ở Bình Thuận

18/08/2020 Kiến Admin
2700
0

Sáng nay (12/8), sắp xếp hồ sơ thì bất ngờ phát hiện tài liệu về câu chuyện pho tượng Phật nằm lớn nhất Đông Nam Á trên núi Tà Cú, Bình Thuận.

Càng bất ngờ hơn khi biết hôm nay là ngày sinh của người điêu khắc sư tài hoa đã bỏ giảng đường, bỏ Sài Gòn lên núi suốt hơn 4 năm để tạc nên bức tượng khổng lồ này. Đó là điêu khắc sư Trương Đình Ý (sinh ngày 12/8/1910 và tạ thế năm 1995 thọ 85 tuổi).

Xin chép lại câu chuyện như một nén nhang nhớ và biết ơn ông...

Thực hư về “cánh cửa tử thần”

Núi Tà Cú là ngọn núi trẻ, chỉ cao xấp xỉ 650 m nhưng từ lâu đã nổi tiếng nhờ ngôi chùa được tạo lập từ hơn 150 năm trước và đặc biệt là nơi có tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài 49 m đã được công nhận là Guinness Việt Nam.

Tương truyền, chùa Tà Cú được sư tổ Hữu Đức khai lập khoảng năm 1870. Bấy giờ, ngọn núi này còn là nơi thâm sơn cùng cốc, đầy thú dữ.

Ảnh phải: Bảo tượng Tổ sư khai sơn Thông Ân Hữu Đức.

Năm Tự Đức thứ 33 (1880), Hoàng Thái hậu Từ Dũ mắc bệnh nặng, ngự y trong triều đều bó tay. Trong lúc ấy, có quan chủ tỉnh Bình Thuận làm biểu sớ gởi về triều đình, tâu vua về việc sư Hữu Đức rất giỏi thuốc Nam và thường dùng cây cỏ trên núi để chữa bệnh cho mọi người trong vùng, rất hiệu nghiệm. Lập tức Vua Tự Đức nghe theo, liền cho sứ đến thỉnh về triều nhưng sư Hữu Đức từ chối không về, vì đã có lời hứa không xuống núi. Vị sư chỉ trao cho viên sứ một bài chú Chuẩn Đề, thảo dược hái vội trên núi và cách dùng, bảo về trì tụng trong ba ngày thì bệnh tình Hoàng Thái hậu sẽ lành hẳn.

Sau khi sứ thần trở về và làm y theo lời dặn, quả thật sau ba hôm Hoàng Thái hậu lành mạnh như cũ. Nhà vua rất phục và để tỏ lòng tri ân, nhà vua sắc phong danh hiệu của chùa là Linh Sơn Trường Thọ và tôn xưng sư Hữu Đức là Đại Lão hòa thượng.

Về sau, có mẹ vợ của công sứ Pháp tên Gat-Nhe đi chùa lễ Phật và có xin một bài chú Chuẩn Đề và một số thang thuốc do sư Hữu Đức bốc để hộ thân. Gặp lúc con gái bà là vợ công sứ lâm bệnh nặng, bà đem thần chú ra trì tụng và sắc thuốc cho uống thì con bà bỗng được bình phục. Công sứ Gat-Nhe thấy vậy liền lên chùa tạ ơn và xin họa chân dung của sư Hữu Đức để làm kỷ niệm. Ngày nay bức chân dung ấy vẫn còn.

Chùa núi Tà Cú

Đến đời Vua Đồng Khánh thứ nhất, nhằm năm Đinh Hợi, sư Hữu Đức viên tịch ở tuổi 76, sau khi đã ủy phó Phật sự lại cho các đệ tử. Năm 1960, hòa thượng trụ trì Thích Vĩnh Thọ phác thảo pho tượng Thích Ca nhập Niết Bàn lộ thiên khổng lồ phía sau lưng chùa.

Năm 1962 công trình tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn được khởi công do điêu khắc sư Trương Đình Ý chủ trì. 5 năm sau, pho tượng Phật khổng lồ dài 49 m, cao 11 m mới hoàn thành và phía sau cổ tượng có cánh cửa mà một người lớn có thể lách mình chui lọt vào trong.

Công trình tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn hoàn thành vào năm 1967, sau 5 năm xây dựng

Chính từ cánh cửa này nên dấy lên hàng loạt chuyện đồn thổi, bởi công trình trên núi cao phải tốn hàng trăm ngàn lượng vàng, trong khi Linh Sơn Trường Thọ lại là một ngôi chùa nghèo. Thậm chí có tin còn cho rằng trong chiến dịch đàn áp Phật giáo, vợ chồng ông Ngô Đình Nhu còn ra lệnh thuộc cấp giả vờ tổ chức đại hội Phật giáo trên núi Tà Cú. Sau đó, lùa hàng trăm tăng ni vào lòng pho tượng, rồi dùng vũ khí sinh học để giết chết ngạt và bít luôn cánh cửa làm mồ chôn tập thể!

Phía sau bức tượng Phật - phần cổ

Phía sau bức tượng Phật - phần thân trước

Phía sau bức tượng Phật - phần thân sau

Chỉ cần thông hiểu chút ít về thời cuộc cũng đủ thấy đây là đồn thổi vô căn cứ. Bởi “Sự kiện Phật đản” xảy ra từ tháng 5-1963 khi tượng Phật mới khởi công được một năm. Trong khi đó, tượng Phật trên núi Tà Cú đến năm 1967 mới hoàn thành.

Bà Khương Thị Hội, pháp danh Bổn Hiệp năm nay gần 80 tuổi, cho biết gần nửa thế kỷ trước, bà đã từng tham gia vác đá xây dựng công trình tượng Phật trên núi Tà Cú. Bà Hội khẳng định gần bốn năm tham gia làm công quả với hàng ngàn người khác, bà không hề thấy một đại hội Phật giáo nào và cũng không có ai chết vì tai nạn khi xây dựng công trình.

Theo bà Hội, tất cả vật liệu xây dựng như xi-măng, sắt, thép đều được gánh vác từ dưới chân núi lên, không hề có trực thăng vận chuyển như người ta thường đồn đại. Tuy nhiên, bà Hội cũng thừa nhận là không hiểu cánh cửa sau cổ tượng Phật được chừa lại để làm gì và được lấp lại lúc nào. Đặc biệt, một điêu khắc gia đi cùng tôi lên núi Tà Cú, sau khi ngắm khá kỹ khuôn mặt tượng Phật liền nửa thắc mắc nửa như nhận xét: “Tôi có cảm giác khuôn mặt tượng Phật trên núi Tà Cú có một mối liên hệ nào đó với các tượng Phật ở các chùa Ấn Quang, Xá Lợi, Phật Cô Đơn ở Bình Thới (TP.HCM) hay chùa Đại Giác ở Vũng Tàu. Tất cả đều quá đẹp, từ bi mà không ủy mị!”.

“Cánh cửa tử thần” ra đời thế nào, có thật hay không. Và khuôn mặt tượng Phật ở núi Tà Cú có liên hệ gì với một số tượng Phật ở nhiều địa phương khác. Người viết bài này bất ngờ nhận được một e-mail gửi từ Thụy Sĩ.

Pho tượng Phật dở dang

Như đã đề cập, người đứng ra chủ trì xây dựng bức tượng Phật là điêu khắc sư Trương Đình Ý (chứ không phải kiến trúc sư như nhiều tài liệu lầm tưởng lâu nay). Để thực hiện ý nguyện tạc bức tượng Phật khổng lồ để đời, ông Ý đã rời bỏ giảng đường Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định mà mình đang là giảng viên để tòan tâm tòan ý lên núi.

Ông Trương Đình Ý là một trong 10 sinh viên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khoa điêu khắc Trường Mỹ thuật Đông Dương 1935. Bàn tay tài hoa của ông được làng điêu khắc trong và ngòai nước đánh giá rất cao, đặc biệt là chuyên về Phật Tượng. Ông từng là giáo sư hội họa các trường Võ Tánh, Quy Nhơn (1940), Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn (1950); giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1958); giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1956-1957; 1961-1962).

Đầu năm 1962, hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Gia Định bất ngờ nhận được lá đơn xin nghỉ dài hạn của giảng viên Trương Đình Ý để lên núi Tà Cú theo lời mời của vị sư trụ trì. Trước đó chùa Linh Sơn Trường Thọ đã cử nhiều đòan đi từ Quảng Trị đến tận mũi Cà Mau để kêu gọi phật tử đóng góp thực hiện công trình. Sư trụ trì Thích Vĩnh Thọ cũng đích thân đi đến nhiều nơi giải thích về lợi ích khi làm được pho tượng Phật khổng lồ này.

Nhiều người càng ngạc nhiên hơn khi thấy vị giảng viên điêu khắc tài hoa xuống tóc, mặc áo lam bỏ đô thị lên núi và sống nhiều năm để thực hiện công trình. Trong khi đó, vợ ông bà Công Tôn Nữ Liên Chi phải một mình nuôi các con ăn học còn ông làm việc hòan tòan không công. Sau này khi điêu khắc sư Trương Đình Ý qua đời, bà Liên Chi đã tự hào nói với các con: “Ba không để lại gia tài của cải gì cho tụi con như những người bạn đồng lưu nổi tiếng của ba, nhưng để lại một di sản lâu dài cho những thế hệ sau này. Như vậy Mạ cũng hãnh diện lắm.”

Khuôn mặt của pho tượng khổng lồ đạt đến nét “điêu khắc thuần tịnh”

Quả thật, pho tượng khổng lồ đúng là di sản độc đáo của Phật giáo Việt Nam. Nét đẹp của khuôn mặt tượng Phật núi Tà Cú đã được một trang web cho rằng sánh ngang hoặc hơn với các kiểu Phật tượng ở Ấn Độ, Đông và Tây Bắc Trung Quốc ở vùng Tôn Hòan (Dun Huang), Nhật Bản (Kamakura), Triều Tiên (Sokkuram) Campuchia (Angkor) Indonesia (Borobudur-Java) với nhiều sắc thái, đặc thù của từng vùng quốc gia.

Trong một tài liệu chuyên môn, điêu khắc gia Trương Đình Vĩnh Lân (Hoa Kỳ) đã viết về lời dạy của cha mình “Tâm của người điêu khắc với tượng là một”. Theo ông Lân, cha ông từng dạy với điêu khắc Phật tượng làm sao phải rõ 32 tướng hảo và 80 tùy hình phụ để thể hiện nét tướng với cấu trúc chính xác nhân hình học mà điêu khắc phải có. Có lẽ chính vì tạo tượng với thân tâm thanh tịnh cộng với khả năng điêu luyện về Phật tượng nên hơn 50 công trình của ông như ở chùa Ấn Quan, Xá Lợi, Phật Cô Đơn hay tượng Phật ở chùa Đại Gíac ở Vũng Tàu, chùa Hồng Ân ở Huế… đều hao hao nhau và đạt đến nét “điêu khắc thuần tịnh” (diệu lực của không tánh) mà một điêu khắc gia từng nhận xét.

Nỗi buồn sau công trình và chuyện tác quyền

Trong email gởi về từ Rheinfelden, Thụy Sỹ , ông Trương Đình Vĩnh Qúi (một người con trai của ông Ý) cho biết sở dĩ cha ông khi làm pho tượng còn để lại cánh cửa là do công trình vẫn còn dang dở. Việc để lại cánh cửa mà sau này dấy lên nhiều đồn thổi chỉ là ý định của ông Ý và trụ trì chùa đưa vật liệu lấp kín vào trong lòng tượng để pho tượng bền vững và vĩnh cửu. Tuy nhiên do kinh phí không còn, hơn nữa lúc đó chiến tranh liên miên nên công trình xem như vẫn còn dang dở. Sau này vào khỏang năm 1998, Ban quản lý núi Tà Cú đã cho lấp lại cánh cửa nói trên.

Để làm được công trình đồ sộ này, hàng ngàn người đã đã phải vác từng viên đá, gánh từng bao xi măng từ chân núi lên. Thế nhưng không hề vận chuyển dù chỉ một hạt cát. Tương truyền, để có cát xây dựng , trước ngày thi công, Hòa Thượng Thích Vĩnh Thọ, trụ trì chùa cho trữ nước dùng vào cái mái chứa rồi bít kín các mạch nước chảy hàng ngày. Hoà Thượng thắp nhang chú nguyện, sáng ra từ các mạch nổi đã trào ra những đụn cát nhuyễn dùng được cho công trình mà không cần mang từ chân núi lên... Điều này cũng đã được lý giải đây là cách lấy cát của người xưa ở những vùng rừng núi. Theo đó với độ dốc cao, nước chảy mạnh chỉ cần hướng lực nước âm xuống những vùng đất sẽ đãi được cát. Ngòai ra theo ông Trương Đình Vĩnh Qúi thì hàng ngàn nhân công còn tỉ mẩn kiên trì rửa đất để lấy cát. Để hòan thành tượng Phật trong gần 5 năm đã có hàng chục, hàng trăm ngàn người đã tự nguyện góp công sức, tiền tài, vật lực. Trong số đó có thể kể đến các ông Thích Bổn Hải, Thích Bổn Long. Hay như ông Ba Đá, mù một mắt chẻ từng viên đá nhiều năm liền; ông Tư Câm bị câm điếc bẩm sinh nhưng theo suốt công trình. Đặc biệt là người thợ hồ Lê Quang Ký rời bỏ gia đình ở Huế để theo chân điêu khắc gia Trương Đình Ý thực hiện từ đầu đến cuối công trình…

“Quan trọng nhất là Hòa Thượng Thich Vĩnh Thọ, là thầy bổn sư của ba tội, qui y năm 1937, với pháp danh Quảng Lưu, người hướng dẫn tinh thần đã khởi xướng tạo lập Cái Cảnh Tịnh Độ (1958) và Niết Bàn (1962). Không có ý nguyện to lớn của Ngài Vĩnh Thọ, Cha tôi không làm được pho tượng này” Ông Trường Đình Vĩnh Qúi cho biết.

Theo ông Qúi, cha ông là một Phật tử thuần thành, một tín sỹ điêu khắc và chỉ thích làm tượng Phật. Ngoài những công việc kiếm sống hằng ngày cho gia đình, chỗ nào có chùa chiền cần có tượng Phật để thờ là cha của ông sẵn sàng thực hiện trong những giờ rảnh rỗi (khoảng 50 chùa). Vì vậy khi gặp lại thầy bổn sư của mình vào năm 1958, và theo ý muốn của Thây tạo cảnh Tịnh Độ nhân gian nên cha ông đã làm 3 pho tượng A Di Đà, Quan Âm và Đại Thế Chí.

"Cái khó khăn nhất của Cha tôi là làm sao diễn tả được khuôn mặt giải thoát không còn buồn, vui, giận, hờn, thương, ghét, tham muốn nữa. Trong suốt thời gian thực hiện công trình, Cha tôi niệm phật, công phu hằng ngày cầu mong làm cho được để những ai có dịp đến đây, khi nhìn thấy khuôn mặt từ bi hỷ xã của pho tượng này sẽ phât tâm tu hành hoặc làm điều tốt cho đời". Khi cái nền tảng của pho tượng đã được hình thành, Cha tôi bắt đầu làm khuôn cái thủ Phật năm 1965, Ba tôi khiêm tốn nói "cái diện Phật hoàn hảo rồi, đây là nhờ long thần hộ pháp làm cho, chớ Ba không tài sức nào làm được cái thủ Phật khổng lồ này được" - ông Qúi kể lại.

Cáp treo Tà Cú

Ngày 7/1/1993, cụm chùa và tượng Phật trên núi Tà Cú được Nhà nước công nhận là Di tích Văn hóa-Lịch sử Quốc gia. Hai năm sau, tác giả pho tượng khổng lồ này qua đời. Sau đó mấy năm, các con của điêu khắc sư Trương Đình Ý từ Thụy Sỹ, Mỹ về thăm núi Tà Cú để chiêm ngưỡng tác phẩm của cha mình. Ông Trương Đình Vĩnh Qúi chua chát “Một tác phẩm khổng lồ để đời nhưng chẳng thấy một bảng nhỏ nào ghi danh cha tôi và những cộng sự làm nên. Chắc cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện này” Ông Qúi cho biết lần đó ông còn nghe có người định sửa đổi khuôn mặt pho tượng Phật vì cho rằng “cái khuôn mặt của Phật hơi ốm, đôi mắt nhắm híp không mở ra, không đúng tướng tốt của Phật…., và vai hơi thấp không được cân bằng…”. Theo ông Qúi nếu sửa đổi cái diện của đức Phật khổng lồ này là đã vi phạm tác quyền của thân phụ ông. Hơn nữa sửa đổi tác phẩm hơn nửa thế kỷ trước của một điêu khắc sư hơn 50 năm hành nghiệp chuyên về Phật tượng đã được giới chuyên môn trong và ngòai nước công nhận thì thật là đau lòng.

Di Đà Tam Tôn trên chùa núi Tà Cú

Đến nay cái dự án sửa đổi khuôn mặt tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn trên núi Tà Cú đã không thực hiện. Song có điều rất thật là bảng tôn vinh, tán thán công đức của những người làm nên vẫn không thấy đâu. Trong khi cáp treo của khu du lịch Tà Cú hiện do Tập đoàn TTC làm chủ hàng ngày vẫn bán vé, đưa nhiều lượt người lên núi để chiêm ngưỡng tuyệt tác của Phật giáo Việt Nam này…

Một tấm bảng ghi lòng biết ơn những người đã tạo ra khác biệt ở vùng núi này chắc không bao nhiêu tiền nhưng sẽ tôn vinh công trình linh thiêng này lên nhiều lần. Bởi nếu một người không biết ơn những gì đang có, thì người đó cũng sẽ không có cơ hội để được biết ơn những gì sẽ nhận được.

Nam Mô A Di Đà Phật

Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ (áo lam) và điêu khắc sư Trương Đình Ý (áo sẫm) cầu nguyện bên tượng Phật vào năm 1966 khi sắp hoàn thành - Ảnh do gia đình ông Trương Đình Ý ở Thụy Sỹ, Mỹ cung cấp.

Mỗi ngày trước khi bắt tay vào hoàn thành pho tượng, Hoà thượng trụ trì cùng điêu khắc sư và nhiều người luôn hướng về Phật Thích Ca cầu mong bình an và lạ thay công trình lớn xây dựng khó khăn nhiều năm liền nhưng không hề có một vụ tai nạn nhỏ nào.

 

PHƯƠNG NAM

FB Nguyễn Mỹ Khanh

---

​​​​​​​

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1507
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy