“Một logo nhìn lâu được, là logo khiến người nhìn cảm thấy mình có dự phần thẩm mỹ, chia sẻ cảm xúc tích cực, càng nhìn càng thấy thêm đẹp, thêm hay.” – nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông.
Từ ngày 18 – 25/5/2018, tại Hà Nội, lần đầu tiên triển lãm 500 logo Việt Nam với sự góp mặt của 60 hoạ sĩ thiết kế logo nhiều thế hệ, đồng thời ra mắt cuốn sách Logo Việt Nam. Báo Thế Giới Tiếp Thị phỏng vấn nhà thiết kế đồ hoạ Nguyễn Tri Phương Đông chung quanh câu chuyện logo Việt Nam đang ở mức… bình thường so với thế giới.
– Một câu hỏi của bạn đọc Thế Giới Tiếp Thị: “Logo có nhìn lâu được không?” Theo ông, làm sao để nhìn lâu một logo?
– Trước khi nói đến nhìn lâu, tôi muốn đề cập đến nhìn mau.
Nhà thiết kế không bao giờ có lần thứ hai để tạo ấn tượng đầu tiên. Họ chỉ có vài giây để thu hút sự chú ý, nhất là bao bì sản phẩm, và logo. Thông qua các dạng thức truyền đạt, ấn tượng đầu tiên phụ thuộc vào logo. Tiếp thị của doanh nghiệp có thành công hay không, bắt đầu với logo.Tuy nhiên, tỷ lệ logo thuyết phục từ lần thẩm định đầu tiên này luôn thấp.
Xưa nay, logo hiếm khi được yêu thích từ cái nhìn đầu tiên. Để một logo thành công, doanh nghiệp phải là một thương hiệu được tôn trọng. Theo thời gian, logo sẽ có thêm uy lực.Logo như một thiếu nữ trẻ mãi không già, cho đến lúc… chết.
Bao nhiêu năm nay người ta vẫn hát nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn…, vì chia sẻ cách nhìn sâu sắc, tâm hồn phong phú, cảm xúc linh động… Làm sao có thể nhìn lâu không chán logo? Đó là sự tương tác giữa cách nhìn của tác giả và cái nhìn của người xem. Một logo phải có các thủ pháp tạo hình: khái quát, ước lệ, cách điệu, tượng trưng…
Với các nhà thiết kế đồ hoạ logo, cách nhìn ấy là suy nghĩ hay, khái quát chuẩn, cảm giác đẹp, tương tác trúng.
Những logo đầy ắp sự ổn định ít chứa đựng điều mới mẻ, thường mau quên. Ngược lại, những logo thách thức những chuẩn mực thông thường, bao giờ cũng tạo được ấn tượng mạnh và đáng nhớ. Logo không được cũ, mà còn phải dự báo thẩm mỹ. Nhìn vài thập niên vẫn không chán mắt, là thành công! Một logo nhìn lâu được, là logo khiến người nhìn cảm thấy mình có dự phần thẩm mỹ, chia sẻ cảm xúc tích cực, càng nhìn càng thấy thêm đẹp, thêm hay.
– Ông có cho rằng một người phương Tây nhìn logo của người phương Đông làm, sẽ có cảm xúc như vậy?
– Là một trong những phương tiện nhận biết thế giới của cái đẹp, logo là nghệ thuật của tín hiệu. Là “ngôn ngữ quốc tế”, logo tham gia nhận dạng một thế giới giàu màu sắc và dễ hiểu với đại đồng.Một số cách điệu đặc trưng Việt của logo đã được một số người phương Tây duy tình chú ý. Và nếu không xem logo trong thị trường đường nét màu sắc này chất chứa quá nhiều thứ là bản sắc Việt, logo của chúng ta chưa đậm bản sắc gì cả. Với hàng tỷ công ty trên hành tinh này, chỉ có vài ngàn logo đáng nhớ.
Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều mơ ước có một logo theo kiểu của Nike. Hãy khoan định giá sản phẩm, theo ông mối quan hệ giữa người thiết kế và chủ công ty nên là gì để có thể bắt gặp được nhau để truyền cảm hứng cho nhau?
Tiến trình đào luyện và trải nghiệm của nhà thiết kế tài năng đích thực là tiến trình chuẩn bị tư duy và kỹ năng dài hơi, không giống như showbiz. Gần 30 năm kể từ “đổi mới” mà chưa có hiệp hội và quy chuẩn nghề nghiệp, đến nay vẫn chưa có mẫu hợp đồng thiết kế chính thống, chỉ là hợp đồng dịch vụ sơ sài.
Để có được một logo hay, điều này phụ thuộc trước hết vào chính họ – người đặt hàng. Đó là ban lãnh đạo từ giám đốc điều hành đến giám đốc tiếp thị. “Đề bài” của họ có tính áp đặt bao nhiêu, thì “từ trường” thẩm mỹ của họ khẳng định bấy nhiêu. Bấy giờ, nhà thiết kế là một “cửu vạn” mỹ thuật đích thực. Thời trai trẻ tôi thiết kế logo cho một ngân hàng, đã vẽ và “nhét” được từng này thứ: bó lúa, bánh răng, máy cày, con tàu, đồng tiền cổ, ngôi sao, cùng hai dòng song ngữ lên một hình tròn!
Để thiết kế logo, tôi phải đầu tư nhiều hơn cho giai đoạn “tiền logo” trước khi nhận lời, đó là giao thiệp vài lần để tìm biết đích thực “gu” của họ về logo, kiểu như bên nhạc vậy. Để truyền cảm hứng và giao thoa, chúng tôi đã phải dìu dắt, nỉ non thuyết phục chỉ để họ cảm và duyệt thứ “thẩm mỹ thị thành”.
Tài năng và phong cách của các nhà thiết kế logo nay đã phong phú hơn trước, đã có những tác giả và thể loại chuyên như logo phong trào, logo thời trang, logo quốc doanh, logo liên doanh, logo event, logo tỉnh thành…
– Là một người “gạo cội” trong làng design, liệu ông có thể cho biết “vị trí” của các nhà thiết kế logo Việt Nam so với thế giới?
– Tôi được biết, để smartphone Samsung có vị trí và thu hút như hiện nay, từ hơn 20 năm trước, họ đã tung các nam thanh nữ tú ngao du khắp các đô thị sầm uất toàn cầu, hoà nhịp sống, để thu lượm các tín hiệu thẩm mỹ, phong cách sống… Các đổi mới về dáng vẻ, chất liệu, màu sắc, giao diện, trải nghiệm người tiêu dùng… đều ứng dụng từ các nghiên cứu cập nhật mà có. Đó là việc họ làm từ hôm qua đến ngày mai.
Chúng ta, khi thị trường thiết kế cập nhật nhanh hơn đào tạo, khi chưa có chiến lược thương hiệu quốc gia minh bạch, khi chưa có sinh hoạt và hiệp hội nhà nghề, chưa có kết nối và hợp tác quốc tế, khi cái đẹp xu thời là cái đẹp kim tiền, khi nhiều nhà thiết kế trẻ đều đứng hàng ngang trên Facebook và đều là… gạo cội, thì hàng thập niên nữa, chúng ta vẫn chưa có vị trí nào cả trên bản đồ logo thế giới.
– Làm thế nào có được những logo – thương hiệu quốc gia bao hàm giá trị văn hoá của một đất nước?
– Ai từng ghé các sân bay Narita (Nhật Bản), Incheon (Hàn Quốc), Đài Bắc…, nhìn logo của các thương hiệu là thấy đặc trưng quốc gia, dân tộc. Chỉn chu và thu hút.
Thế giới phát triển vì sự khác biệt. Các khác biệt ấy luôn bắt đầu từ sáng tạo, đích đến là bản sắc, là nhận diện thương hiệu. Dù to hay bé, logo của hãng xưởng luôn là điều đẹp đẽ, vì chúng ta đã trình bày một cách tích cực và nhà nghề! Khi có bản sắc, chúng ta sẽ được biết đến như sự ổn định và đáng tin.
– Xin cảm ơn ông.
Ngân Hà thực hiện (theo TGTT)
Bình luận từ người dùng