Ngoài Nam Phương hoàng hậu - người vợ chính thức, vua Bảo Đại còn có các thứ phi và những cuộc tình.
Chân dung thứ phi Phi Ánh - Ảnh tư liệu
Câu chuyện tình của cựu hoàng Bảo Đại và thứ phi Phi Ánh là lý do quyết định khiến tôi tìm hiểu thêm về căn biệt thự này và mua
Ông Nguyễn Trọng Phương
Qua sự "mai mối" của dược sĩ Phan Văn Giáo - thủ hiến Trung Kỳ, cựu hoàng Bảo Đại đã gặp Lê Thị Phi Ánh (sinh năm 1925).
Người tình đặc biệt
Năm 1949, được tin cựu hoàng Bảo Đại trở về nước lại lên ngay Đà Lạt, ông Phan Văn Giáo đã xuống tận phi trường Liên Khương đón vua Bảo Đại và giới thiệu Phi Ánh cho ông.
Bà Lê Thị Phi Ánh là con út của ông Lê Quang Sáu ở Huế. Bác của Phi Ánh là ông Lê Quang Thiết, phò mã của vua Thành Thái.
Chúng tôi đã nhiều lần được gặp ông Nguyễn Đắc Xuân - một người luôn gắn bó với công việc nghiên cứu về Huế, đặc biệt là chuyện vua tôi nhà Nguyễn.
Khi nhắc đến Đà Lạt và những câu chuyện liên quan đến những bà thứ phi của cựu hoàng Bảo Đại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân rất vui và kể lại rành mạch.
Bà Lê Thị Phi Ánh người trắng trẻo, cao ráo, mũi cao, mắt sáng, đẹp nhất trong bốn cô "phi". Đang lúc buồn, gặp Phi Ánh, Bảo Đại phải lòng ngay.
Không rõ Phan Văn Giáo đã "tâu" với Bảo Đại như thế nào mà sau khi ân ái với Phi Ánh, Bảo Đại đã "tặng" cho bà một số tiền lớn. Và thật bất ngờ, theo một người thân trong gia đình Phi Ánh cho biết, ông vua "ham chơi" đã bị nhân tình "thất lễ" bằng một cái tát.
Phi Ánh giải thích cho Bảo Đại biết bà "muốn làm thứ phi của hoàng đế, chứ không phải là gái làm tiền". Bảo Đại vỡ lẽ, không những ông không phẫn nộ mà càng yêu quý Phi Ánh hơn.
Bà Phi Ánh xuất thân trong một gia đình tử tế và giàu có với nhiều nhà cửa và biệt thự tại Huế. Bà Ánh gọi bà Lê Thị Kim Lộc (bà ngoại của giáo sư Phan Lương Cầm) là cô ruột.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân còn cho biết thêm: Bà Phi Ánh đã sinh cho vua Bảo Đại được 2 người con. Người con gái là Nguyễn Phước Phương Minh, sinh năm 1950 và qua đời tại Mỹ năm 2012. Người con trai là Nguyễn Phước Bảo Ân, sinh năm 1951 tại Đà Lạt.
Sau năm 1975, bà Phi Ánh sống trong cô đơn tại Sài Gòn và qua đời vào năm 1986 ở tuổi 61.
Biệt thự đá thời điểm cựu hoàng Bảo Đại mua tặng bà Phi Ánh - Ảnh tư liệu
Nhà... đá tặng thứ phi
Cựu hoàng Bảo Đại đã mua một ngôi biệt thự bằng đá nằm trên đường René Robin (nay là đường Quang Trung, P.9, TP Đà Lạt) vào năm 1950, được người Pháp xây dựng theo kiến trúc Tây Ban Nha để làm quà tặng cho bà Phi Ánh.
Đây là món quà tặng đặc biệt của cựu hoàng, nên còn có tên gọi khác là biệt thự Phi Ánh. Theo Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, biệt thự được xây dựng vào năm 1928.
Khác với các ngôi biệt thự khác, kiến trúc của biệt thự Phi Ánh nằm trên một diện tích sân vườn vừa phải. Biệt thự được xây phần lớn bằng đá chẻ, có lối đi rộng nối từ căn nhà bên này sang bên kia, có những ô cửa lớn được thiết kế thành những chiếc vòm cao gió lùa bốn phía.
Trong biệt thự này có trưng bày các bức tượng vũ nữ, 12 phù điêu hai mặt trên tường, trong đó có 4 bức hoa sen cách điệu có hình hai đầu chim lạ. Một số bức tranh sơn dầu vẽ cựu hoàng Bảo Đại, thứ phi Lê Thị Phi Ánh trên tầng lầu phía bên trái nhìn từ ngoài vào.
Ông Đặng Nguyễn Văn Tích, giám đốc Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, cho biết biệt thự Phi Ánh sau năm 1975 được giao cho khoảng 30 hộ dân sống bên trong, khiến nó xuống cấp trầm trọng vì sử dụng không đúng công năng và quá tải bởi hơn trăm người cư ngụ, trong khi nó được thiết kế cho một gia đình.
Sau này, nhà đầu tư đã bỏ tiền di dời dân ra khỏi biệt thự, thuê chuyên gia khôi phục nguyên trạng. Đây là căn biệt thự được đánh giá hồi sinh sau khi giao cho tư nhân sử dụng kinh doanh du lịch.
Sau nhiều lần sang tay đổi chủ, hiện nay biệt thự này có tên mới là nhà hàng Phù Đổng. Ông Nguyễn Trọng Phương - người Hà Nội, là người chủ mới nhất của biệt thự này - không chỉnh sửa nhiều mà cố giữ nguyên trạng, đặc biệt là hình dáng và vật liệu làm nên sự độc đáo của ngôi biệt thự là những khối đá xanh lớn.
Ông Phương cho biết khi đến Đà Lạt có để ý nhiều biệt thự cổ, nhưng sau cùng ông quyết định mua biệt thự Phi Ánh: "Câu chuyện tình của cựu hoàng Bảo Đại và thứ phi Phi Ánh là lý do quyết định khiến tôi tìm hiểu thêm về căn biệt thự này và mua".
"Có hơi người thì biệt thự Phi Ánh mới có sức sống. Khi tiếp nhận nó, mở cánh cửa từng căn phòng, tôi cảm nhận hơi lạnh tràn từ góc nhà này sang góc nhà khác. Từ lúc đó, tôi biết căn nhà này không được đóng cửa dù chỉ một ngày" - ông Phương nói.
Ông bóng gió rằng chính ký ức mãnh liệt của Đà Lạt thời Bảo Đại khiến căn nhà này có sức sống và độ bền bỉ hơn hàng trăm biệt thự cổ khác ở Đà Lạt.
Khi còn sống, kiến trúc sư Nguyễn Văn Lập, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc tỉnh Lâm Đồng, nhận định biệt thự Phi Ánh có nét riêng biệt giữa 170 biệt thự cổ trên địa bàn TP Đà Lạt.
Xét về độ độc đáo, nó có thể so sánh với bốn công trình đặc trưng của Đà Lạt là: Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (trước kia là Trường Grand Lycée Yersin, thành lập năm 1927), nhà ga Đà Lạt, nhà thờ Con Gà, Cục Bản đồ (trước là Nha Địa dư) dù có quy mô khiêm tốn hơn nhiều.
Trong một tài liệu mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Trân cho biết: sau ngày cựu hoàng bị Ngô Đình Diệm truất phế, bà con, ngay cả bên gia đình của bà Phi Ánh cũng không ai dám chứa chấp mẹ con bà, nên ba mẹ con phải ở nhà thuê, rày đây mai đó, thật mệt mỏi...
Trong hoàn cảnh này, bà Phi Ánh đành phải bước thêm bước nữa cho đỡ cô đơn, vất vả. Các con của bà Phi Ánh và cựu hoàng Bảo Đại cũng có cuộc sống long đong, lận đận không khác gì mẹ mình.
Một bức phù điêu bên trong biệt thự đá Phi Ánh được lưu giữ đến ngày nay - Ảnh: NGỌC TRÁC
Quan tâm đến người tình
Không riêng gì với thứ phi Phi Ánh, cựu hoàng Bảo Đại luôn quan tâm đến các thứ phi cũng như người tình của mình khi họ cùng lên Đà Lạt sinh sống với ông.
Bà Bùi Mộng Điệp được cựu hoàng Bảo Đại mua tặng một ngôi biệt thự sang trọng của ông Basier trên đường Graffeuille, gần ngã ba Trại Hầm (giao giữa đường Hùng Vương và Hoàng Hoa Thám, P.10, Đà Lạt).
Bà Jenny Woong (Hoàng Tiểu Lan, còn có tên là Tran Ny) được cựu hoàng Bảo Đại đưa về Đà Lạt và dành cho bà một ngôi biệt thự tại số 3 đường Babey (nay là đường Nguyễn Du).
Ngọc Trác - Mai Vinh
Bình luận từ người dùng