Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị: Rạp Hoà Bình sẽ thành một quảng trường đẹp và Dinh Tỉnh Trưởng sẽ trở thành công trình văn hóa ý nghĩa

26/03/2019 Kiến Admin baoxaydung.com.vn
3340
0

Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng công bố “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt”, rất nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra, đặc biệt là việc dỡ bỏ rạp Hòa Bình và di dời Dinh Tỉnh Trưởng. Để hiểu hơn về đồ án này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với tác giả đồ án – Kiến trúc sư (KTS) Hồ Thiệu Trị.

KTS Hồ Thiệu Trị - Tác giả của Đồ án quy hoạch khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt.

PV: Thưa ông, Đồ án “Quy hoạch khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt” được ông thực hiện với ý tưởng như thế nào?

KTS Hồ Thiệu Trị: Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, TP Đà Lạt trong đó khu trung tâm đã có rất nhiều nghiên cứu về quy hoạch với các định hướng khác nhau và đôi khi có giống nhau. Tuy nhiên, tất cả đều có một điểm chung (cũng là đặc trưng của trung tâm Đà Lạt) đó là không gian xanh và nhiều quảng trường lớn.

Trải qua thời gian hình thành và phát triển, môi trường sống hiện tại của khu trung tâm Đà Lạt ngày càng ô nhiễm, cùng với đó là hệ thống hạ tầng không theo kịp sự phát triển của xã hội. Lượng khách du lịch tăng đột biến, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội và ảnh hưởng đến không gian sống, không gian sinh hoạt, không gian làm việc cũng như cảnh quan đô thị và sự phát triển chung của khu trung tâm Đà Lạt.

Thêm vào đó là sự xuống cấp trầm trọng của các công trình lâu năm trong khu vực trung tâm Đà Lạt như rạp Hòa Bình, nhà văn hóa thành phố (Dinh Tỉnh Trưởng cũ). Cộng với kiến trúc chưa được hài hòa của các khu dân cư trong khu trung tâm và việc khai thác không hiệu quả các khu vực này cũng góp phần làm ảnh hưởng đến không gian kiến trúc, cảnh quan khu trung tâm Đà Lạt, làm cho khu trung tâm này trở nên hỗn độn, mất thẩm mỹ về kiến trúc và cảnh quan.

Bản đồ hiện trạng khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt

Từ những thực tế đó, tôi đã xây dựng những ý tưởng quy hoạch và các định hướng chính, tập trung theo 3 tiêu chí: Quy hoạch theo hướng không gian mở; tạo không gian trung tâm xanh và bền vững; tạo cảnh quan mang tính đặc thù của Đà Lạt.

Cụ thể rõ hơn cho những ý tưởng và định hướng chính: Thứ nhất, yếu tố đặc biệt quan trọng đồng thời là yếu tố ảnh hưởng đến ngôn ngữ cảnh quan và kiến trúc nơi đây chính là không gian xanh, sự phong phú đa dạng của hoa cỏ ở Đà Lạt. Những yếu tố đặc biệt này trở thành định hướng chính cho việc quy hoạch, phát triển trong tương lai, nhưng vẫn bảo tồn được những nét riêng của khu trung tâm Đà Lạt. Định hướng chủ chốt này một mặt tôn trọng, một mặt đảm bảo phát triển thống nhất theo các chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt trước đây.

Thứ hai, tiếp nối là ý tưởng mở rộng khu trung tâm, giúp tạo thêm không gian xanh kết hợp quảng trường đi bộ phục vụ cho dân cư hiện hữu và đáp ứng nhu cầu tham quan của khách du lịch.

Thứ ba, chính là việc tạo không gian xanh, ngôn ngữ kiến trúc xanh, quảng trường xanh nhiều màu sắc mang tính đặc thù, đặc biệt và duy nhất cho TP Đà Lạt.

Thứ tư, mở rộng khu trung tâm kết hợp nghiên cứu và đề xuất mở rộng các tuyến đường kết nối với khu trung tâm và các khu lân cận với mục đích giảm lưu lượng xe tập trung về khu trung tâm, nghiên cứu và đề xuất các không gian để xe ngầm.

Thứ năm, nghiên cứu chỉnh trang đô thị khu trung tâm Đà Lạt, chỉnh trang các tuyến hẻm đã xuống cấp, các khu dân cư đã xuống cấp, đề xuất chỉnh trang “mặt tiền thứ 5” tại các khu dân cư nhằm tạo bộ mặt mới, thúc đẩy và đánh thức sự phát triển thêm - mới mẻ các loại hình du lịch; thu hút khách tham quan, khám phá qua các tuyến hẻm chỉnh trang.

Thứ sáu, định hình chỉnh trang khu dân cư với nguyên tắc tôn trọng hiện trạng không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, khuyến khích người dân tự chỉnh trang, trồng thêm cây xanh.

Thứ bảy, định hướng giao thông, tổ chức giao thông kết nối các khu vực, phát triển và phục vụ cho yếu tố kinh tế du lịch, thương mại và dịch vụ.

PV: Nhiều kiến trúc sư cho rằng, đồ án quy hoạch này sẽ biến Đà Lạt thành nơi xa lạ với mọi người. Ông nhận xét gì về đánh giá này?

KTS Hồ Thiệu Trị: Sự hình thành của đồ án quy hoạch chắc chắn sẽ mang đến một diện mạo mới cho khu trung tâm Đà Lạt. Chúng ta sẽ thấy một hình ảnh trung tâm Đà Lạt khác với hình ảnh hiện tại và có thể nói xa lạ với thói quen nhìn nhận và sinh hoạt hiện có.

Khái niệm về một khu trung tâm không hẳn phải đông đúc, mật độ xây dựng dày đặc với nhiều công trình kiến trúc, xe cộ dày đặc, hệ thống giao thông chằng chịt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt thường ngày của dân chúng.

Tôi nghĩ rằng trung tâm Đà Lạt phải là một khu trung tâm với nhiều không gian xanh, nhiều quảng trường xanh, đẹp phục vụ cho cư dân. Tại đó, con người có thể sống, sinh hoạt và được hít thở không khí trong sạch, không gian xanh đầy màu sắc. Cùng với đó, mật độ xây dựng công trình tại khu trung tâm thấp sẽ không còn thấy những hình ảnh các công trình mọc lên chen chúc hỗn độn như hiện tại.

Đà Lạt được thiên nhiên ban tặng với những đồi thông bát ngát, những con suối, thác vàng, những mặt hồ lung linh - đó là những không gian đặc trưng, những ngôn ngữ cảnh quan của Đà Lạt. Đó cũng là tất cả những yếu tố cấu thành ngôn ngữ quy hoạch của khu trung tâm Đà Lạt. Bởi vậy, chúng tôi nghĩ rằng diện mạo mới của khu trung tâm Đà Lạt sẽ tạo được sự “khác biệt và gần gũi với con người” hơn là sự “xa lạ với mọi người”.

KTS Hồ Thiệu Trị cho rằng, đồ án của ông sẽ biến rạp Hoà Bình thành một quảng trường đẹp và Dinh Tỉnh Trưởng thành công trình văn hóa ý nghĩa hơn.

PV: Tại sao trong đồ án, ông lại quyết định dỡ bỏ rạp Hoà Bình, di dời Dinh Tỉnh Trưởng là những địa điểm đã gắn liền với lịch sử của Đà Lạt?

KTS Hồ Thiệu Trị: Đối với rạp Hòa Bình, công trình này đã được cải tạo thay đổi diện mạo cũng như chức năng qua nhiều thời kỳ khác nhau. Đầu tiên, trên thửa đất vị trí này là một khu chợ xây dựng bằng gỗ (năm 1929) hay còn gọi là chợ Cây để phục vụ cho số ít dân chúng bản địa và binh lính Pháp thời thuộc địa. Năm 1937, sau sự cố cháy chợ Cây, một khu chợ khác được xây dựng kiên cố hơn, 20 năm sau chợ được cải tạo thành hội trường và đến nay là rạp hát Hòa Bình.

Rạp Hòa Bình - Khu Hoà Bình, Phường 1, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng

Hình ảnh kiến trúc bên ngoài từ chợ Cây, qua chợ Hòa Bình đến rạp hát Hòa Bình cũng đã thay đổi theo thời gian. Có những phần xung quanh rạp Hòa Bình được cơi nới thêm để sử dụng làm các cửa hàng, chỗ để xe… làm cho công trình rạp Hòa Bình thêm phần mất mỹ quan. Ngoài ra, khu rạp Hòa Bình hiện tại đang bị xuống cấp trầm trọng và khai thác không hiệu quả. Hệ thống giao thông tại khu vực này hiện tại rất phức tạp với lưu lượng và mật độ xe rất cao, đặc biệt vào các ngày cuối tuần và lễ hội. Tình trạng thiếu chỗ đậu xe, giao thông hỗn độn càng trở nên phổ biến. Hiện tại, rạp Hòa Bình đang là một vòng xoay với giao thông xe cộ xung quanh.

Khi quy hoạch, nơi đây sẽ được trở thành không gian Quảng trường trung tâm Hòa Bình với các công trình bên dưới mang đầy đủ chức năng văn hóa, thương mại dịch vụ ở quy mô lớn, phù hợp với sự phát triển chung của TP Đà Lạt. Khu trung tâm – Quảng trường Hòa Bình sẽ được kết nối không gian trên của chợ, quảng trường chợ và các công trình dưới đất sẽ tạo thành một quần thể văn hóa, thương mại dịch vụ phục vụ cho toàn khu trung tâm Hòa Bình.

Đối với Dinh Tỉnh Trưởng: Đây là một công trình mang tính lịch sử, là nơi làm việc của Tỉnh trưởng cũ thời Pháp thuộc, là nơi có giá trị về kiến trúc được giữ lại trong khuôn viên Đồi Dinh. Hiện trạng khu vực này đã xuống cấp, không thu hút được khách tham quan du lịch. Việc đề xuất cải tạo hoặc di dời trong khuôn viên là định hướng chung để các nhà thiết kế có thể đưa ra các phương án tối ưu nhất, kết hợp cảnh quan giữa kiến trúc Dinh Tỉnh Trưởng và công trình kiến trúc mới nhằm tạo thành một quần thể kiến trúc đặc biệt có giá trị trên Đồi Dinh, đỉnh cao nhìn về khu trung tâm Hòa Bình.

Dinh Tỉnh trưởng - Phường 1, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam

Việc cải tạo tại chỗ hay di dời Dinh Tỉnh Trưởng sẽ phụ thuộc với thiết kế, công năng sau này, hoặc cũng có thể biến Dinh Tỉnh Trưởng thành bảo tàng kiến trúc Đông dương…

PV: Trước nhiều ý kiến phản đối của kiến trúc sư và người dân, ông có muốn thay đổi đồ án quy hoạch của mình hay không?

KTS Hồ Thiệu Trị: Tôi nghĩ rằng đây là một dự án quy hoạch được thiết kế dựa vào sự nghiên cứu, phân tích, đánh giá và sáng tạo để trở thành một đồ án quy hoạch để được triển khai. Đồ án thể hiện tất cả những suy nghĩ, tư duy và sự sáng tạo theo quan điểm, định hướng phát triển cho tương lai.

Chính bởi vậy, tôi nghĩ rằng đồ án quy hoạch được đưa ra sẽ làm thay đổi nhiều về không gian, cảnh quan và định hướng được kiến trúc, hình thức chỉnh trang cho khu vực trung tâm.

Sự thay đổi nếu có trong tương lai sẽ theo tiến trình nghiên cứu sâu vào thiết kế kiến trúc và cảnh quan cho từng khu trong dự án.

Thiên Trường (thực hiện)

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1521
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy