Các kiến trúc sư đã thả trôi trí tưởng tượng của mình bềnh bồng trên mặt nước khi tạo nên những công trình độc đáo, khác biệt khiến nhiều người thán phục, trầm trồ...
Alexander Remizov, một kiến trúc sư người Nga, vừa công bố bản thiết kế ngôi nhà có khả năng bảo vệ con người trước mọi loại thảm họa môi trường. Ngôi nhà này được gọi là Ark có hình dáng giống con ốc xây dựng bằng gỗ thép và nhựa chất lượng cao. Ngôi nhà có sức chứa đến hơn 10 nghìn người.
Trung tâm xử lý rác Plastic Fish Tower do các kiến trúc Hàn Quốc phát triển có thể chứa khối lượng rác khổng lồ và xử lý rác thành năng lượng có ích.
Dự án thành phố nổi do kĩ sư Bỉ thiết kế giúp con người vượt qua sự thay đổi khí hậu bất ngờ nhờ sử dụng năng lượng tự nhiên an toàn và thân thiện với môi trường. Sức chứa của thành phố lên tới 50 nghìn người.
Siêu khách sạn nổi nằm trong dự án chuẩn bị cho World Cup 2022 diễn ra tại Qatar nhằm đáp ứng lượng du khách khổng lồ sẽ đổ về đây dự sự kiện quan trọng này. Ước tính khách sạn nổi sẽ đảm bảo chỗ nghỉ ngơi cho 25 nghìn cổ động viên trên khắp thế giới.
Khách sạn Hydropolis ở Dubai, các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất là khách sạn xa xỉ bậc nhất thế giới nằm sâu dưới đáy biển. Du khách sẽ đi qua một đường hầm dưới nước tới khu nhà nghỉ bao gồm 220 căn hộ hiện đại và sang trọng.
Matsumoto là một trong những lâu đài nổi tiếng nhất của xứ sở hoa anh đào bởi bình thường các lâu đài ở Nhật thường được xây trên núi, đồi trong khi Matsumoto lại được xây dựng trên một hào nước. Lâu đài được hoàn thành trong khoảng thời gian giữa năm 1504 và 1508 khi con người vẫn sử dụng những công cụ thô sơ để xây dựng.
Tòa nhà nổi New Orleans Arcology Habitat (NOAH) hình kim tự tháp với chiều cao 365m, rộng 9 triệu m2 và có thể chứa được 40.000 người, bao gồm các khu dịch vụ từ khách sạn đến cửa hàng, casino và trường học. Thiết kế hình kim tự tháp giúp tòa nhà NOAH giảm thiểu sự ảnh hưởng của các trận bão nhiệt đới mạnh và có thể nổi trên mặt nước.
Lấy hình mẫu phi thuyền trong phim Star Trek, khách sạn nổi hiện đại bậc nhất thế giới do chủ đầu tư người Thụy Sỹ xây dựng với tổng vốn 50 triệu USD bằng công nghệ hàng đầu thế giới Deep Ocean của một công ty Ba Lan phát triển. Công trình này sẽ được xây dựng tại Maldives.
Ý tưởng về ngôi nhà di động giữa đại dương đã manh nha từ 12 năm trước nhưng mãi đến năm 2012 nó mới được chính thức khởi công bởi kiến trúc sư người Pháp Jacques Rougerie thiết kế với vốn đầu tư 52,7 triệu USD. Ông cho biết, thiết kế nó dựa trên sự kết hợp của tàu biển, tàu vũ trụ và những khách sạn nổi tiếng nhất thế giới hiện nay.
Bình luận từ người dùng