Sự sơ xẩy của tác giả khi gọi mô hình của Clarence Perry chỉ bằng cụm từ “đơn vị ở” dường như đã vô tình làm câu chuyện của chúng ta trở nên thú vị hơn. Độc giả và ban biên tập đều muốn biết thêm về số phận của mô hình cũng những phiên bản của nó trên khắp thế giới và tại Việt Nam. Trong khi đó, bản thân tác giả thì giật mình nhận ra rằng trong các khái niệm quy hoạch Anglo Saxon không tồn tại “đơn vị ở” mặc dù cụm từ này được sử dụng tràn lan tại Việt Nam và được định nghĩa trong Quy chuẩn Xây dựng quốc gia.
Mặt bằng khu Redburn
Tên gọi chính xác của mô hình mà Clarence Perry, một nhà xã hội học, đã đề xuất là “neighborhood unit” vốn được biết đến ở Việt Nam bằng cụm từ “đơn vị láng giềng”. Thực tế thì trong tiếng Anh, từ “neighborhood” được dùng tương đương như từ “community” để chỉ một khu dân cư. Tuy nhiên, có lẽ Perry đã tránh dùng từ “community” vốn có nghĩa quá rộng và diễn giải: “đơn vị láng giềng” là một trong 3 cấp cộng đồng của một vùng đô thị lớn (regional community – cộng đồng vùng, city community – cộng đồng thành phố và neighborhood community – cộng đồng láng giềng). Ông cũng đề xuất việc áp dụng “đơn vị láng giềng” không chỉ đối với các khu dân cư ngoại ô có mật độ thấp như nhiều người vẫn làm tưởng mà cả đối với các khu chung cư và khu dân cư kết hợp công nghiệp – thương mại và giao thông đường sắt. Trong khi đó, “đơn vị ở” vốn là phiên bản tiếng Việt của “unité d’ habitation” – thuật ngữ mà kiến trúc sư Le Corbusier gọi một module nhà chung cư mà ông đề xuất với cách tiếp cận hoàn toàn đối lập với “đơn vị láng giềng” của Clarence Perry. Điều thú vị là hầu hết các tài liệu học thuật và pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng tại Việt Nam đều diễn đạt “đơn vị ở” giống như những ý tưởng cơ bản do Clarence Perry đề xuất trong mô hình “đơn vị láng giềng”. Và chúng ta có thể chấp nhận ý tưởng của Perry như là một trong những nền tảng đầu tiên của các mô hình “đơn vị ở” sau này.
Một trong những ứng dụng tức thời của “đơn vị láng giềng” là dự án kinh điển Redburn ở tiểu bang New Jersey. Tác giả của Redburn, Clarence Stein (1882-1975), là một trong những nhà đô thị ảnh hưởng nhất tại Hoa Kỳ trong thế kỷ 20 và là người tiên phong trong đề xuất và ứng dụng nhiều mô hình quy hoạch tại quốc gia này. Là người đứng đầu cơ quan phụ trách vấn đề quy hoạch vùng của New York, Stein không chỉ học hỏi từ lý thuyết của Clarence Perry. Ông lặn lội qua tận nước Anh để nghiên cứu những thành phố vườn đầu tiên ở Welwyn và Letchworth. Trở về Mỹ, ông đề xuất thiết kế tại Redburn những ô phố lớn rộng từ 12 đến 20 ha (superblock) không có giao thông xuyên cắt và những nhóm nhà gắn vào một trục công viên với 15 – 20 căn nhà quay xung quanh những con đường cụt (cul-de-sac). Ông cũng học hỏi cách phân tách đường đi bộ và đường giành cho giao thông cơ giới mà kiến trúc sư cảnh quan Federick Law Olmsted trong thiết kế công viên Central Park, New York. Bản quy hoạch Redburn, hoàn thành năm 1930, kiến tạo một cộng đồng 25.000 người với những dải công viên liên tiếp kết nối từng nhóm nhà ở biệt lập, yên tĩnh với trường học, nhà trẻ, sân chơi và khu thương mại. Tại Redburn, không có bất cứ ai phải băng qua những con đường xe ô tô chạy để tiếp cận với tiện ích xã hội. Stein viết trong tác phẩm “Towards New Towns for America”: “chúng tôi đã nỗ lực hết mình để theo đuổi đề xuất của Aristotle rằng một thành phố cần được xây dựng để mang lại cho cư dân sự an toàn và hạnh phúc”. Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Đỗ Dũng
Bình luận từ người dùng