Cú húc thẳng ngực giới kiến trúc sư Việt Nam?

06/10/2016 Võ Thành Lân TuanVietnam.net
2189
0

Thương trường phải chăng chỉ có tính toán hiệu quả cao nhất về tài chính, không có chỗ để tinh thần và văn hóa xen vào. Ở đó chỉ có sự thỏa hiệp về quyền lợi của các bên chứ không có kẽ hở nào cho những trái tim lên tiếng...?

Xung quanh chủ đề kiến trúc Việt, chúng tôi xin đăng tải bài viết của kiến trúc sư Võ Thành Lân, về một dự án khu đô thị đã thành hiện thực nhiều năm, nhưng những vấn đề đặt ra từ dự án này vẫn mang tính thời sự. Mời bạn đọc cùng thảo luận, tranh biện với KTS Võ Thành Lân.

Tổ hợp kiến trúc không bao giờ bị "đụng hàng"

Từ sân bay Nội Bài về Hà Nội, chưa qua hết cầu Thăng Long rất nhiều người có thể bị thu hút bởi một cái cổng bề thế, lạ lùng ở giữa một không gian trống trải trước kia là cánh đồng. Cấu trúc hình thể như một khải hoàn môn và có cả một bầy ngựa đang lồng lên trên mái như sẵn sàng bay vút lên trời xanh. Chắc nhiều người từ xa đến Hà Nội - cũng như tôi - thắc mắc: "Cái quái gì thế nhỉ? Hóa ra, đó là cái cổng của "Khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra" đấy!

Tìm hiểu thêm chút nữa được biết: "Khu đô thị Nam Thăng Long nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội, quy mô 366,9 héc ta, là khu đô thị mới lớn nhất và triển khai sớm với mục tiêu đột phá, nhằm tạo dựng một diện mạo hiện đại có bản sắc cho Thủ đô" (Tiến sĩ. KTS. Đào Ngọc Nghiêm).

Ciputra là một khu đô thị có vốn đầu tư nước ngoài với sản phẩm được đưa ra thị trường là nhà ở và các dịch vụ liên quan. Phàm đã kinh doanh thì ai cũng muốn và cố làm mọi cách (trong điều kiện có thể) để sản phẩm được thị trường chấp nhận và chấp nhận với giá cao. Bài toán kinh doanh đó đương nhiên phải bắt đầu từ công việc nghiên cứu thị trường.

Ciputra - khu đô thị được rao là cao cấp và hoàn chỉnh, tất nhiên đối tượng nhắm tới phải là người có tiền. Và hẳn nhiên chủ đầu tư cũng đã bỏ nhiều công sức cho việc cân nhắc chọn lựa một phương thức, phong cách xây dựng phù hợp nhất với kết quả nghiên cứu thị trường của họ...

Vào bên trong khu Ciputra, tôi thật sự bị choáng ngợp và bối rối. Nhiều dãy nhà san sát dài mút mắt dựng lên như những bức tường thành, được trang trí, tô điểm bằng vô số các họa tiết, chi tiết hỗn độn chen lẫn nhau giữa các thức cột cô-rin, i-ô-nic cổ điển; diềm mái kiểu Ba-rốc; mái nhà kiểu Pháp; bệ nhà kiểu Phục hưng Ý... cộng thêm với vô số các kiểu gờ chỉ... Tất cả để dựng lên một loại tổ hợp kiến trúc không bao giờ bị "đụng hàng" dù ở bất cứ nơi nào.

Ở đây, tôi không làm công việc phê bình kiến trúc, nhưng không thể không nhìn nhận rằng, từ những cung cổng to lớn quá mức đến kiểu áp dụng ngôn ngữ kiến trúc đầy lỗi chính tả, cái kiểu xây dựng hổ lốn, tùy tiện nửa đền đài nửa cung điện kia là một cú húc thẳng vào ngực giới kiến trúc sư Việt Nam. Thêm nữa, nếu khối xây này được nhìn nhận là hiện đại, có bản sắc, thì thực sự chúng ta như bị một cú nốc ao!

Thương trường phải chăng là như thế, ở đó chỉ có sự thắng thua, không có chỗ để bàn luận về tốt xấu, phải trái. Ở đó chỉ có tính toán hiệu quả cao nhất về tài chính, không có chỗ để tinh thần và văn hóa xen vào. Ở đó chỉ có sự thỏa hiệp về quyền lợi của các bên chứ không có kẽ hở nào cho những trái tim lên tiếng...?

"Giải quyết các lợi ích xã hội trong đô thị là một nội dung của công tác quản lý đô thị. Đặt lợi ích xã hội hài hòa với thị trường là một nội dung của định hướng xã hội chủ nghĩa. Trách nhiệm này thuộc chính quyền. Các bất cập thực tế cần khắc phục từ cơ chế". KTS. Nguyễn Thúc Hoàng (Nhìn nhận khu nhà ở mới dưới góc độ lợi ích xã hội).

Các kiến trúc sư ngày càng dễ tính?

Có lẽ điều quan trọng hơn là cần soi rọi thêm, đằng sau, bên trong vô số các khu đô thị mới đang mọc lên trên đất nước ta ẩn chứa những điều gì?

Xã hội có những tầng cấp của nó, đó là điều tự nhiên. Người có tiền họ xài tiền theo kiểu mà họ thích. Xã hội cần khuyến khích người có tiền tiêu xài để ngân sách thu được tiền thuế, người lao động có công ăn chuyện làm. Thế nhưng, trong không gian văn hóa của xã hội, trong môi trường nhân văn của cộng đồng, đâu là cái chỉ giới để cho sự thể hiện những ý thích, sự phô diễn những ước vọng nhiều màu lắm vẻ của cá nhân biết dừng lại đúng chỗ?

Mỗi dự án đầu tư, mỗi đồ án xây dựng đều phải chịu sự giám sát của nhiều cơ quan chức năng, phải qua sự săm soi ở các hội đồng xét duyệt, các hội đồng thẩm định. Lãnh đạo các cơ quan và các hội đồng này không thiếu các tiến sĩ, giáo sư, những người ngồi chiếu trên, chiếc chiếu hàn lâm đại diện cho tri thức, văn hóa và đạo đức của cộng đồng xã hội.

Việc quản lý lộ giới, việc định ra mật độ xây dựng, số tầng cao... đã có trong quy chuẩn xây dựng không cần đến những giáo sư, tiến sĩ. Thế thì ta kỳ vọng gì vào các bậc cao nhân này? Chẳng phải chính họ chứ không phải ai khác là người chịu trách nhiệm vạch ra và kiểm soát cái lằn ranh xã hội và văn hóa như đã nêu ở trên, cái lằn ranh hết sức nhạy cảm và mong manh nhưng vô cùng cần thiết cho sự cân bằng xã hội, cho sự tồn tại và phát triển bền vững của đất nước trên cái nền văn hóa của địa phương và lòng tự trọng của một dân tộc.

Thế nhưng, ở đây, ở ngay cửa ngõ Thủ đô vừa kỷ niệm một ngàn năm này, hình như lại vắng bóng dáng họ?!

Cũng đã có vài kiến trúc sư có phát biểu về những hình ảnh phản cảm đó ở mức độ hết sức bao dung và nhân từ dưới dạng: "Một số suy nghĩ về..."; "Vài nhận xét về..."; "Đôi điều về...", theo cái công thức khen ba chê một, rốt cuộc là huề...

Từ Hà Nội Vàng đến Hàm Cá Mập, rồi thì trụ sở Bộ Tài chính... nay đến khu triển lãm kiến trúc Ciputra. Phản ứng của giới chuyên môn về những thứ trái tai gai mắt đó theo thời gian cứ yếu dần, nhạt dần...

Người Hà Nội, các kiến trúc sư Hà Nội có lẽ ngày càng dễ tính, dễ chấp nhận mọi thứ, hay là họ đã chán ngán cái cảnh đời quay cuồng mà có muốn cưỡng lại cũng chỉ là hành động lạc lõng và vô ích?!

Ca cẩm dài dòng như thế, có phải tôi đang lợi dụng tình cảm và tâm tư của bạn để vẽ lên một bức tranh xám về cái kiểu quản lý xây dựng đô thị hiện nay? Có phải tôi đang nhìn vấn đề một cách phiến diện, chuyện bé xé ra to, suy diễn và tô đậm để tạo thêm những bức xúc?

Ai cũng nói là mình yêu Hà Nội, tôi cũng nói như vậy. Chỉ mong bạn hiểu cho rằng tôi không thể không nói lên những cảm nghĩ này dù chỉ với chính mình, với chút tự ái nghề nghiệp nhỏ nhoi còn sót lại, với một tấm lòng chân phương của một người yêu Thủ đô.

KTS. Võ Thành Lân

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1290
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy