Relax: Nhà là gì???

01/01/2017 Kiến Admin DoanDucThanh's Blog
731
0

Nhà, nghĩa thông thường là chỗ trú ngụ, che mưa, đụt nắng của con người cũng như hang, tổ của loài vật ...

Ta có nhiều loại nhà: nhà ngói, nhà gỗ, nhà gạch, nhà tranh, nhà lá, nhà tôn, nhà sàn, nhà lầu, nhà trệt ...

Nhà thường được hiểu là một kiến trúc có mái, vách tường, sàn nhà, các cửa sổ và cửa ra vào.

Nhà cửa, cụm từ chỉ chung những gì liên hệ đến kiến trúc để ở. “Nhà cửa dạo này lên giá”.

Nhà còn chia ra: nhà chính, nhà phụ, nhà ngang, nhà dọc, nhà trên, nhà dưới, nhà bếp, nhà để xe, nhà cho gia nhân, nhà để chứa nông cụ, thóc lúa... Nhiều nước có nhà tắm công cộng để người ta bỏ tiền vào tắm cũng như nhà cầu công cộng cho việc vệ sinh ...

“Nhà tôi”, lúc có nghĩa là cái nhà của tôi, lúc khác lại có nghĩa vợ tôi hay chồng tôi. “Thưa anh chị, ngưòi mặc áo dài mầu xanh là nhà tôi”; “Nhà chồng”: cả họ nhà chồng, cũng như “nhà vợ”: cả họ nhà vợ.

Chúng ta cũng có: nhà bố nuôi, nhà bố đẻ, nhà mẹ ghẻ, nhà mẹ chồng, nhà mẹ vợ, nhà ông bà. Nhà hàng xóm, nhà láng giềng, nhà bên Ðông, nhà bên Tây, bên Nam, bên Bắc, nhà xóm Dứa, nhà làng Dừa v.v...

Danh từ nhà còn đi đôi với nhiều danh từ khác, lại cho những nghĩa khác:

Nhà tù, nhà pha: nơi nhốt phạm nhân cũng gọi là nhà lao, nhà đá hay hỏa lò.

Nhà vua, để nói về một ông vua, nhà chúa để nói về vị chúa (như đời chúa Trịnh). “Sau khi thua chạy ra đảo Phú Quốc, nhà vua tính bề khôi phục...”, "Nhà Chúa bề ngoài tôn phò vua Lê nhưng bề trong tiếm quyền...”

Nhà quyền quí: gia đình có chức vị trong xã hội. Nhà giầu: gia đình giầu: Nó là con nhà giầu, trái với nhà nghèo tức gia đình nghèo: Cô ấy là con nhà nghèo mà rất có lòng...

Nhà làng: cái đình làng, chốn đình trung, nơi hội họp của làng. Nhà chay: đàn chay, đàn tràng, để cầu nguyện cho linh hồn người chết. “Nó quấy như quỉ quấy nhà chay”. Nó đây là một người đến làm phiền người khác. Nhà đòn: những người chuyên lo về tống táng, hậu sự nhưng nhà hòm lại là nơi bán săng, hay quan tài. Nhà in: nơi làm dịch vụ ấn loát. Nhà hàng: tiệm ăn lớn chứa được nhiều thực khách: “Thiên thai là nhà hàng tiệc cưới duy nhất ở thành phố này”.

Nhà mổ heo, nhà giết bò tức lò sát sinh.

Nhà hát: nơi để trình diễn nhạc kịch, thí dụ nhà hát lớn Hà nội, Nhà hát lớn Hải phòng. 

Nhà hát cũng có nghĩa nhà hát cô đầu: "Ông ta xuống nhà hát cô Tuyết ở Khâm thiên rồi”. Ðám cung văn đàn địch, hát xướng được gọi là nhà tơ. “Ðào thì đẹp mà nhà tơ thì đàn ngọt hát hay”. Nhà trò: những người đóng kịch, tuồng hay chèo.

Nhà dưỡng lão hay viện dưỡng lão: nơi dành cho các vị cao niên. Nhà làm phim, nhà đạo diễn, nhà sản xuất phim ảnh, băng nhạc, CD vv... Nhà nghề, người có nhiều tài khéo về nghề đó, “ Cô ấy là tay quần vợt nhà nghề”. Nhà vô địch: người đã chiếm giải quán quân về bộ môn gì. “ Anh H. là nhà vô địch đua xe đường trường”.

Ít lâu nay, chúng ta có phi hành gia hay nhà phi hành, người đi máy bay, phi thuyền lên không gian. Ta cũng có nhà chế tạo vũ khí, nhà chế tạo phi thuyền, nhà chế tạo hỏa tiễn, nhà chế tạo bom đạn. ”Boeing là nhà chế tạo phi cơ thương mại khổng lồ”

Nhà tranh vách đất, chỉ sự nghèo nàn trái với nhà ngói cây mít: sự giầu có. Nhà binh: thuộc về quân đội. “Anh ta gốc nhà binh”.

Nhà táng trong cụm từ “minh tinh nhà táng”, cái nhà do thợ hàng mã làm để đốt xuống âm ty cho người chết. Nhà hiếu: gia đình có người qua đời. Nhà hỉ: nhà có việc vui. Nhà trai, nhà gái, những người trong họ bên chú rể và bên cô dâu. Nhà thổ, nhà điếm: nơi các cô gái giang hồ kiếm ăn. Nhà lục xì: nơi khám bệnh hoa liễu cho các cô gái buôn hương bán phấn được cấp giấy hành nghề.

Nhà chung: nơi các giáo sĩ Thiên chúa giáo ở. Nhà chùa: nơi các vị tăng, ni trụ trì. Nhà thờ: giáo đường Thiên Chúa giáo, cũng có nghĩa là nơi thờ ông bà tổ tiên: nhà thờ họ Trần, nhà thờ họ Nguyễn. Nhà Chúa, nhà Phật cũng có nghĩa như nhà chung, nhà chùa. ”Anh ta đã dâng mình vào nhà Chúa có nghĩa anh ta đi tu để làm thầy giảng, linh mục"; “Tín đồ nhà Phật đều thuộc kinh Lăng Nghiêm.”

Nhà ma: nơi ma quỉ trú ngụ, cũng có nghĩa trở thành số không: “Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma”.

Nhà sư là một vị tăng trái lại nhà Cha không phải là một linh mục mà là nhà chung hay nơi thiên giới: ”Ông ta đã về nhà Cha từ ba năm nay” có nghĩa: ông ta đã qua đời. Nhưng nhà thầy lại là người đã đi tu bên Thiên Chúa giáo: ”Anh ta gốc nhà thầy ở Thanh hoá”. Nhà dòng: một dòng tu Thiên chúa giáo. ”Chị ta tu ở nhà dòng kín”.

Nhà lành như trong danh từ kép: con nhà lành, cô gái con nhà tử tế không phải con nhà cầu bơ cầu bất. “Em con nhà lành đó” có nghĩa cha mẹ em và em là những người tử tế.

Nhà báo: ký giả viết báo hay chủ nhiệm, chủ bút báo. Nhà văn, một danh xưng khác để gọi văn sĩ cũng như nhà thơ, một danh xưng khác của thi sĩ do tiếng hán tự: văn gia, thi gia mà thành (gia=nhà).

Từ đó, nhà khảo cứu còn gọi khảo cứu gia, nhà thiên văn hay thiên văn gia, nhà khoa học cũng là khoa học gia, nhà danh họa hay họa sĩ nổi tiếng, cũng còn gọi nhà hội họa. Nhà vẽ kiểu thời trang, nhà vẽ kiểu bàn ghế, nhà vẽ kiểu du thuyền, nhà vẽ kiểu xe hơi vv...

Ta cũng có nhà luân lý, nhà đạo đức, nhà triết học hay triết gia, nhà làm phim, nhà đạo diễn, nhà may tức tiệm thợ may.

Nhà công nghệ, nhà sản xuất. Nhà sử học, nhà địa dư, nhà triết học là những cách gọi khác của sử gia, địa dư gia, triết gia. Nhưng chỉ gọi nhà báo chứ không báo gia. Nhà giáo cách gọi thay cho giáo sư, giáo viên, thầy giáo, cô giáo. Ông ấy là nhà giáo đã về hưu.

Nhà địa lý hay thày địa lý cũng gọi là địa lý gia lại là người chỉ lo về phong thủy (fengshui) hướng dẫn cho thân chủ biết cách đặt hướng nhà, nơi táng mộ huyệt, sắp đặt đồ đạc trong nhà sao cho làm ăn khấm khá. ”Hòn đất mà biết nói năng, Thì nhà địa lý hàm răng chẳng còn”.

Có những địa phương, vợ chồng gọi nhau bằng nhà: ”Nhà lấy cho em cái xống trong rương” hay “Nhà có đi chợ mua cho anh cút rượu”. Cũng có nơi thêm chữ nó: “Nhà nó ơi, lấy giùm em cái xống”.

Nhà mát là nơi ngồi hóng gió, tương tự nhà thủy tạ, nhà để ngồi ngắm hồ, ngắm ao. “Ngồi nhà mát, ăn bát vàng” ý nói không vất vả mà được hưởng lợi lộc. Nhà ga, nơi xe lửa đến và đi. Nhà thương không thương ai hết nhưng chỉ là chỗ nhận người bệnh, còn gọi là bệnh viện, nhận bệnh nhân chữa bệnh.

Nhà mồ: mả của một người được xây lớn như cái nhà. Nhà xác: nơi chứa xác chết, cả những xác vô thừa nhận trong khi nhà quàn cũng là nơi chứa xác nhưng đã được bỏ vào trong quan tài chờ giờ đem đi chôn.

Nhà tằm là nơi hong những mẹt tằm để nó kéo thành kén. Nhà làng: chốn đình trung. Nhà băng tức ngân hàng. Nhà lồng chợ: kiến trúc có mái che trong một cái chợ ở miền Nam.

Nhà cái: không phải cái nhà lớn mà là người chơi bạc, một mình một phe, cũng còn gọi là hồ lì trái với nhà con là những tay chơi khác tranh nước bài với nhà cái.

Nhà cháu: tiếng tự khiêm với người cao niên: ”Nhà cháu không biết đánh bài”. Nhưng cũng có khi là vợ cháu hoặc chồng cháu: ”Nhà cháu mới chạy ra chợ”. Ở câu khác, nhà cháu là cái nhà của cháu: ”Nhà cháu năm gian, làm toàn bằng gỗ xoan”.

Khi tỏ sự bực mình, ta thêm chữ cái lên trên chữ nhà: Cái nhà bà này rõ hay chửa ?” “Ăn với nói, cái nhà ông này!” Nhà huyên hay huyên đường, chỉ mẹ. Nhà xuân, xuân đường chỉ cha. Nhà mai, nhà mối hay ông mai, bà mối: những người mai mối hôn nhân.

Nếu ta để chữ nhà ở dưới một danh từ thì nó lại có nghĩa là của mình. “Cá ở đâu ngon và béo quá vậy ?” “Cá ao nhà đấy.” “Rau mua ở chợ nào ?” “Rau vườn nhà”.

Mới vài thập kỷ nay ta có: “Xin mời vào thăm trang nhà trong web site”

Những người đàn ông chân chất, cả đời không biết ăn chơi, được gán cho là Cơm nhà, quà vợ”

Ăn no, anh chỉ cơm nhà, Chơi sang anh chỉ có quà vợ thôi (TÐN).

“Hôm qua, đội banh (tỉnh) nhà đã thắng đội khách 3-2”

Khi hỏi người ta, chữ nhà thêm vào để xác định rõ hơn: ”Thưa anh, chị nhà đã đỡ chưa ?” “Thưa bà, ông nhà có nhà không ?” Có người lại thêm chữ “ta” vào sau chữ nhà: ” Thưa anh, chị nhà ta đỡ chưa ?” “Thưa bà, ông nhà ta đi đâu ?”

Nhà Việt Nam có nghĩa là cái nhà do người Việt Nam xây dựng nên. Ở những câu khác, Nhà Việt Nam là nước Việt Nam: ” Nhà Việt Nam, Nam, Bắc Trung sáng trưng Á đông...”

Nhà nhà, hai tiếng đi liền có nghĩa mọi nhà, cũng như người người, hết mọi người. “Nhà nhà mừng vui”. Nhà nước chỉ chính quyền, chính phủ: “Nhà nước ra lệnh 18 tuổi nhập ngũ”.

Nhà cũng để chỉ một họ làm vua: “Nhà Ðinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần, Nhà Tây Sơn...”

Một vài thành ngữ:

” Gần nhà, xa ngõ”

“Xẩy nhà ra thất nghiệp”

“Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn dòn hơn ta “

“Nhà trống ba gian một thầy, một cô, một chó cái" (Nhà trống: cái nhà trống thiên trống địa, trước sau phên vách sơ sài).

”Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi" (Cao Bá Quát).

"Nhà rách, chạch vàng", ý nói nhà nghèo có con học giỏi.

"Ðèn nhà ai nấy rạng”

“Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”

“Nhà này có quái trong nhà, Có con chó mực cắn ra đằng mồm”.

 

Xuân Vũ TRẦN ÐÌNH NGỌC

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1513
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy