Chuyện của tôi...
Trèo lên đỉnh núi, sau khi đạt được trạng thái chiến thắng của sự chinh phục, là lúc phải đi xuống sao cho an toàn. Lên hay xuống quả thật đều áp lực khó khăn không kém.
Cuộc sống của mỗi người đều như hình ảnh này. Lại càng không dễ khi nhận ra mình đã hết thời, khi đã từng đương thời lừng lẫy. Vậy phải chấp nhận, hóa giải, tìm cách sống thế nào với thời hoàng kim đã qua khi phong độ, sức khỏe, tâm lý với chính mình và mối liên hệ xung quanh là một biểu đồ đi xuống từng ngày. Để vẫn giữ được phong cách sống của người thành đạt phần lớn đã ở độ tuổi “ nắng xiên khoai” với thời gian cạn dần...
Tôi đã nghĩ về điều này khi còn là giáo viên trẻ trường Đại học Kiến trúc TP HCM. Nghe các thầy mơ màng nói về một ngày sẽ làm được tất cả những gì ấp ủ, mong muốn thực hiện lúc đến tuổi được về hưu. Nhưng hầu hết đều quá muộn với phần lớn là ưu tư khắc khoải, nếu không may rơi vào trầm cảm, tự kỷ, tai biến . . .
Quyết định sắp xếp quỹ thời gian còn lại tính từ năm 40 tuổi (2002), nếu Trời thương cho sống thọ 70 tuổi, tôi còn 30 năm để được sống làm việc và hưởng thụ thành quả của người thành đạt, với mục đích rõ ràng:
- Biến công việc thành thú tiêu khiển, hạn chế thấp nhất tinh thần bị stress, biết chăm sóc cơ thể.
- Thấy được 10, 20, 30 năm nữa mình sẽ ở vị trí nào là tốt nhất trong từng giai đoạn sống, vạch ra chương trình hành động và thực hiện bền bỉ từng chặng.
- 40 đến 50 tuổi ưu tiên cho hoạt động sáng tạo, đi nhiều nơi, học từ nhiều người.
- 50 đến 60 tuổi viết sách dạy học, tìm “đệ tử” chân truyền.
- 60 đến 70 tuổi chuyển giao chia sẻ cho cộng đồng thành quả của sự thành đạt. Thanh sạch tâm hồn và thể xác.
Vậy là kế hoạch 30 năm cho sự an cư lạc nghiệp hình thành. Việc đầu tiên là tìm mua được miếng đất thuận tiện lưu thông đường bộ, đường sông, xa thành phố vừa phải, diện tích tối thiểu 10.000 mét vuông (thực tế được 18.000 mét vuông).
Do đất thấp và nhiễm phèn nặng, giải pháp đào một hồ thật to để bù chỗ trũng và rửa phèn. Giữ nguyên hệ sinh thái vùng sông nước Nam bộ. Quy hoạch theo tiêu chí "mắt nhìn xa hơn bước chân đi" để khi già ngồi một chỗ nhìn đâu cũng thấy đẹp. Kiến trúc truyền thống và tiện nghi, tận dụng nắng gió thiên nhiên sẵn có.
Đó là không gian kiến trúc để ở, cảm nhận được tiếng thở của gỗ, mát lạnh của đá, nghe tiếng mưa trên mái, hoa lá tràn cả vào nhà.
Đó là không gian sân vườn có tiếng chim hót từ đâu bay về, tiếng gà gáy muộn. Vật nuôi cây trồng thêm vào đều là "đặc sản": chó Phú Quốc, cá chép Đồng Nai, mít Tố Nữ, dừa nước dừa dâu, bí mướp, rau má rau thơm... Vừa làm hoa kiểng vừa là rau quả hái ăn mỗi ngày. Hoa sứ hoa nhài, ao sen cho tách trà thêm hương đãi khách đến chơi nhà. Thấy con cua đồng nhả bọt bờ mương, ếch nhái hòa tấu đêm hè. Đám lục bình hoa tím, ô rô trái đỏ, có cả một ruộng lúa bao quanh như ngôi nhà bồng bềnh trên sóng lúa, đẹp và thơm từ lúc mạ còn xanh non đến vàng ươm lúa chín. Tất cả sẽ là đặc sản hiếm hoi khó tìm khi không xa một ngày đô thị hóa bê tông lan tràn.
Đó là không gian dạy học ngoài trời sinh động. Ý tưởng sáng tạo nghệ thuật phát sinh từ thiên nhiên bình dị. Là nơi tham khảo, lưu trữ, thư viện, phòng nghe nhìn, trưng bày hiện vật sưu tầm, tác phẩm hội họa, gốm, áo dài. Để khi già vẫn còn có người trẻ đến hỏi, có người giỏi đến thăm, gia đình sum họp giỗ chạp lễ tết. Để được sống trong một không gian hòa hợp thuần Việt mà vẫn mở ra được với bên ngoài.
Không gian ấy vẫn tiếp tục làm nên giá trị sống có tên là Chân Lạc. Cuộc sống ấy hết thời mà vẫn phong lưu, được sang và được trọng.
Chuyện của xung quanh...
Người ta gồng gánh bỏ lại làng mạc, ruộng đất hoang hóa để chen chúc dồn về thành thị. Nỗi nhớ trời nhớ đất bao la, nhớ màu xanh núi rừng vườn tược, chỉ còn qua ô cửa sổ rụt rè mở hé một khe nắng lọt, bên những chậu cây èo uột ngộp thở uằn nặng bụi bặm phố phường.
Cái giả và cái ảo thay dần cái thật trong không gian sống. Từ chính bản thân đến môi trường. Thẩm mỹ viện mọc lên như nấm để kịp thay hình đổi dạng. Bằng giả tri thức, học vị. Khí trời oxy mát lành muốn dễ thở phải cậy nhờ quạt điện, máy điều hòa. Tâm linh hướng về Đất – Trời – Tổ tiên được bọc bởi hoa trái nylon, nhang đèn bằng điện, máy tụng kinh cài đặt phong phú "chủ đề". Ra đường nhìn dòng xe lưu thông hỗn loạn, mới thấy mọi người đang bịt chặn đường thoát của nhau một cách rất có ý thức. Rồi vì có lẽ do không đi được xa nữa, đã hình thành kiểu kinh doanh tại chỗ trên tất cả mọi con đường với giá trị mặt tiền sôi sục.
Nhân nào quả nấy, đời sống giả nên chẳng ai thật được với nhau. Vật chất không mất đi chỉ chuyển dời từ hình thức này sang cái khác, như không gian chúng ta đang sống, sự rối loạn đang chuyền qua vứt lại mà chưa có được giải pháp đồng bộ nào hóa giải.
Loài ong kiến được xem là kiến trúc tài ba về tổ chức không gian sống trong thế giới côn trùng. Khi tổ cũ đã lớn và đông đúc, những con đầu đàn tách bầy tổ mới. Người thành đạt phải là tiên phong đưa những công trình Nhà ở - Xưởng làm ra xa đô thị quá tải, mở ra những trung tâm không gian sống mới.
Không gian ấy đang dần phải thành trào lưu trở về như những điều từ trong tâm thức tốt đẹp bị bỏ quên bấy lâu do ít nhiều biến cố thời cuộc. Một sự hòa hợp với thiên nhiên, trách nhiệm bảo vệ môi trường môi sinh. Đáp lại phần nào món nợ với nông dân tạo ra lúa gạo nuôi cả đất nước, đứng hàng thứ hai xuất khẩu gạo thế giới, mà mồ hôi lao động của họ vẫn chưa đủ để có những cây cầu vững vàng, mái nhà ấm êm.
Chuẩn bị về thôi, khi chúng ta đã đi xa xong rồi.
Cuộc sống ấy hết thời mà vẫn phong lưu, được sang và được trọng.
Sỹ Hoàng, Ngày 23/8/2008
Vài hình ảnh khu vườn Long Thuận…
Bình luận từ người dùng