3 IN 1 - Cây xanh. Đô Thị. Con người

01/07/2020 Kiến Admin FB Dang Thanh Hung
676
0

Nơi tôi đang ở cách xa Việt Nam hàng nghìn cây số, nước Anh có khí hậu ôn hòa đặc trưng và biên độ nhiệt hàng năm rộng. Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mùa hè ở đây đang nóng dần lên. Nếu phải ở nhà trong suốt mùa hè, đặc biệt như lúc này do dịch bệnh, thì đó là một mối nguy hiểm chết người...

Hàng cây lột da cổ dọc sông Thames (nguồn: dailymail.co.uk)

Sự sốc nhiệt thậm chí dẫn đến tỉ lệ tử vong cao ở người lớn tuổi. Người Anh đa phần là sợ nóng. Hoạt động lý tưởng vào mùa hè là ra đường hưởng gió mát và không khí trong lành. Mọi người ở đây ưa thích các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên như cắm trại, chạy bộ, đạp xe, đi bộ ngắm chim, đi bộ đường dài, tắm nắng, đọc sách dưới tán cây, hay chơi ném dĩa trên bãi cỏ rộng lớn. Tham gia vào mọi hoạt động xã hội đó luôn có sự hiện diện của cây xanh hay không gian xanh.

Các thành phố ở Anh là sự bền bỉ của quá trình giữ gìn cái cũ cộng với sự dung hòa và mở rộng của những cái mới. Quanh khu đô thị cổ, những tòa nhà bằng đá và gạch cổ kính, chắc nịch quay ra các mặt đường, nối tiếp nhau tạo thành các ô phố. Phần mảng trống còn lại của đô thị được lắp đầy bằng hệ thống đường lát đá. Các block nhà ôm lấy những công viên và không gian công cộng xanh mướt, rì rào xen lẫn. Do khí hậu ôn hòa cộng thêm vỉa hè hẹp nên thường sẽ không trồng nhiều cây dọc theo các tuyến đường. Dù vậy, ở hai bên những con đường lớn, con đường cạnh mặt nước là hàng cây cổ thụ, tán rộng, thân xù xì chạy xa hút. Chúng làm cho đô thị bề thế, trần tục trở nên mềm mại và lãng mạn. Ngày nay, chính quyền thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc quản lý, giữ gìn và phát triển mảng xanh cho cả khu vực đô thị mới và cũ. Chúng là thành phần tối quan trọng để xây nên không gian và môi trường thân thiện và bền vững cho người sử dụng bằng việc kết hợp với cây xanh với làn đi bộ, xe đạp, ghế nghỉ, và mặt nước.

Ở London hay nước Anh, chương trình của chính phủ đề trồng thêm cây xanh diễn ra hàng năm. Nguồn kinh phí cũng được sử dụng cho khoa học và mang đến những dự án cộng đồng, giải thưởng cho từng cá nhân hay tập thể đóng góp xây dựng đô thị xanh. Các hoạt động đều có sự tham gia của nhiều tầng lớp, độ tuổi, nghề nghiệp. Từ đó, tình yêu thiên nhiên được xây dựng. (Nguồn: https://www.london.gov.uk/what-we-do/environment/parks-green-spaces-and-biodiversity/greener-city-fund/community-tree-planting-grants-2019-20)

Hàng cây xanh kết hợp với làn xe đạp, vỉa hè cho người đi bộ, ghế nghỉ, làn xe cơ giới ở trung tâm London

Hệ thống cây xanh ở Chicago RiverWalk - dự án cải tạo cảnh quan dọc sông ở trung tâm Chicago. Toàn bộ cây được trồng theo phương pháp RSS (nguồn: greenblue.com)

Toàn bộ cây được trồng mới theo phương pháp RSS ở Leonard Circus Shared Space, Hackney, London (nguồn: greenblue.com)

Cảnh quan phía trước The Old Bailey, London được tân trang. Cây xanh được trồng theo kỹ thuật RSS (nguồn: greenblue.com)

Khác với vùng khí hậu ôn hòa, ở các nước/thành phố nhiệt đới, cây xanh là một mắt xích vô cùng quan trọng để duy trì hệ sinh thái tồn tại và sự cân bằng của môi trường sống dưới sự tác động của điều kiện khí hậu và sự biến đổi của nó ở hiện tại và trong tương lai, cho dù rằng khí hậu nhiệt đới là điều kiện tốt cho cây cối phát triển. Tuy nhiên, tỉ lệ và bố trí mảng xanh đang bị mất cân bằng ở nhiều đô thị lớn trong cuộc chiến phát triển kinh tế, mở rộng đô thị, gia tăng dân số. Điển hình ở Việt Nam là Sài Gòn, Hà Nội, gần đây là Đà Lạt hay Sapa. Hậu quả là nhiệt độ không khí tăng; môi trường gió, độ ẩm và lượng mưa thay đổi ở cả cấp độ khu và vĩ mô; mức độ giữ và thoát nước đô thị giảm; ngập lụt; hiệu ứng nhà kính; ô nhiễm không khí; và tỉ lệ tự vong tăng. Tuy nhiên, việc xanh hóa hay rừng hóa đô thị không diễn ra ở đây mà còn theo chiều hướng tồi tệ hơn.

Hàng cây xanh học hai bên đường nằm trong khu phố thời trang sầm uất bậc nhất Tokyo - Shinjuku (nguồn: info.truejapantours)

Theo thống kê của The Gobal Forest Change ở 162 thành phố vào 2010-2016, mật độ tán cây theo đầu người ở Sài Gòn được đánh giá 65 điểm (khá), ngang ngửa Paris. Trong khi ở London và Singapore, đạt gần 100 điểm. Tiêu chuẩn thấp nhất dùng để so sánh là 15m2/người. Có hai điều để nói về số liệu này. Thứ nhất, phương pháp đo đạc và dữ liệu (Treepedia, Global Forest Change Dataset, Google Street View images) đã bao gồm tất cả loại diện tích xanh được tìm thấy trên bề mặt đô thị (vỉa hè, công viên, quỹ xanh dự trữ, vùng chưa qui hoạch). Vì vậy, số điểm không phản ánh chính xác diện tích tán cây/người so với phần diện tích xây dựng của đô thị (650km2). Thống kê 2010 của UBND TP HCM, diện tích mảng xanh là 270ha (209 công viên), tăng lên 491ha (369 công viên) năm 2018 trên địa bàn tất cả các quận. Diện tích xanh/người chỉ đạt 0.7m2/người. Tuy nhiên, xét đến số lượng cây và độ phủ tán thực tế còn thấp hơn thế. Năm 2010, tổng số cây xanh ở thành phố là 43.000, năm 2018, con số này đã tăng thêm 59.000 cây. Thứ hai, trong hệ sinh thái, cây xanh lâu năm mới đem lại giá trị thực sự. Theo TS Lưu Đức Cường (2018), dù số lượng cây xanh và mảng xanh có tăng gần đây, nhưng so với 1998 diện tích xanh của thành phố đã giảm 50%, chưa kể sự mất mát của nhiều cây lâu năm.

Hàng cây với thân cây khẳng khiu 2 bên đường

Các nghiên cứu cho thấy cây xanh đem lại 3 giá trị to lớn cho một đô thị: kinh tế, môi trường, và xã hội. Việc tăng cường cây xanh sẽ làm cho đô thị trở nên xanh hơn, sạch hơn, sống động hơn và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu + đô thị hóa + tăng dân số nhanh hơn.

London – thủ phủ của nước Anh rộng 1.572 km2, dân số hơn 9.3 triệu. Nước láng giềng với Việt Nam là Singapore có diện tích 721km2 và dân số 6 triệu. Cả hai thành phố được xếp vào loại đô thị lớn, mật độ cao. Đây cũng là hai trong nhiều thành phố trên thế giới đang định hướng mô hình Đô thị rừng hay Rừng trong đô thị. Hiển nhiên, cây xanh đóng vai trò bắt buộc trong mô hình này. Toàn diện tích London được bao phủ bởi 14% diện tích cây xanh và 21% diện tích tán lá. Trong khi đó, ở Singapore, tỉ lệ này là 30% (theo thống kê 2018). Đối chiếu với Sài Gòn, diện tích cây xanh chiếm tỉ lệ nhỏ nhoi, 1%. Cây xanh ở Singapore được quản lý bởi tổ chức National Parks. Ở London là sự liên kết của Thị trưởng London, Nhà chức trách của Greater London và Tổ chức London Urban Forest. Trong khi ở Việt Nam, cây xanh và cảnh quan xanh đang được quản lý không tập trung và chồng chéo.

Bảng thống kê số lượng cây xanh và giá trị kinh tế và môi trường của chúng ở London trong năm 2015 (nguồn: London Urban Forest, 2015). Để có thêm thông tin, vui lòng tìm link đính kèm dưới bài viết

Giá trị của cây xanh với kinh tế vĩ mô được tính bằng sự đóng góp của chúng lên bầu không khí đô thị (giảm ô nhiễm, tiếng ồn; hấp thụ CO2; cô lập CO2; cung cấp oxy); giữ nước mưa; củng cố nền đô thị; điều tiết khí hậu; tăng tiện nghi cho đời sống đô thị; giảm năng lượng sử dụng trong công trình; giảm phát thải carbon từ công trình. Tất cả những lợi ích này đều được qui thành tiền. 1 cây xanh 50 tuổi đem đến giá trị kinh tế khoảng 11K USD/năm, sau khi trừ đi chi phí cây giống, chăm sóc, bảo trì, thay thế, quản lý còn 4K USD/năm (nghiên cứu của London). Độ tuổi cây càng lớn, giá trị càng tăng. Ví dụ, 1 cây 100 tuổi sẽ có giá trị gấp 4 lần cây 50 năm, cây 200 tuổi sẽ cho giá trị gấp 20-40 lần. Nếu được chăm sóc tốt thì lợi ích của 1 cây xanh trong đô thị có thể kéo dài ít nhất 260 năm. Theo thống kê của tổ chức London Urban Forest, toàn hệ thống xanh của thành phố đã đem về giá trị kinh tế đạt 175 triệu USD, giảm 2.241 tấn khí thải các loại, năm 2015. Dựa trên, giá trị kinh tế, môi trường, con người dài hạn mà cây xanh đem lại, kim chỉ nam để phát triển hệ thống xanh là giữ gìn cây lâu năm, thay thế cây hư, và trồng thêm cây.

Cây xanh trong đô thị được chia làm hai nhóm: cây trên vỉa hè và cây trong công viên/KGCC. Theo báo cáo 2015, London hiện có 8.4 triệu cây xanh, trong đó 900.000 cây trên vỉa hè. Diện tích cây xanh trên đầu người là 16m2. Trong khi đó, ở Singapore, tổng số cây xanh năm 2015 là 7 triệu, bao gồm 50.000 cây xanh trên vỉa hè. Diện tích cây xanh trên mỗi người dân là 7.5m2. Để đảm bảo toàn hệ thống xanh khổng lồ được “quang hợp” tốt cho lợi ích chung cho cả một đô thị dĩ nhiên rằng chính quyền thành phố cần đến một nguồn kinh phí lớn: Singapore - 235 triệu SGD/năm, London - 6 tỉ USD/năm. Tổng chi phí bao gồm cây, công tác trồng, bảo dưỡng, thay thế, di dời, nhân sự, quản lý. Mặc dù, chi phí hàng năm cho cây xanh không nhỏ, nhưng giá trị của chúng mới là điều đáng quan tâm vì sự tồn vong hệ sinh thái đô thị và con người. Chính quyền London đang đi sát chỉ tiêu 10.000 cây mới/năm (thực đạt 9.500 cây). Ở Singapore, chính phủ đặt mục tiêu 40.000 cây/năm. Sài Gòn, dao động 1500-4500 cây mới/năm.

Hệ thống cây lim sẹt cổ thụ dọc trên đường Yio Chu Kang ở Singapore, bên dưới là cỏ, cây tầng thấp, cây leo (nguồn: Jonathan Choo, 2017)

Khác với cây trong công viên, có thể trồng hẳn xuống đất tự nhiên. Nhưng với cây vỉa hè sẽ có nhiều khó khăn hơn vì ảnh hưởng đến chất lượng đường giao thông, vỉa hè, và hệ thống kỹ thuật. Vì vậy, cây xanh trên vỉa hè ở Singapore và London được chia làm hai loại: 1 - hiện hữu đã trồng lâu trước đó theo phương pháp truyền thống, 2 – được trồng theo kỹ thuật mới RootSpace System. Ở London, những cây trồng mới đều theo phương pháp RSS vì sự an toàn cho hệ thống khác trên đường; chi phí trồng, bảo trì, di dời đều thấp; độ cứng cáp cao; trong khi lợi ích mang lại cao hơn vài chục lần. Tuy nhiên không vì vậy mà cây hiện hữu đều bị đốn bỏ vì giá trị lâu năm sẵn có của chúng. Chúng vẫn được giữ gìn, quản lý và giám sát nghiêm ngặt bằng kỹ thuật lâm nghiệp, cảnh quan và kỹ thuật cao. Các cây trên vỉa hè và công viên ở London và Singapore đều được mã hóa. Việc trồng mới cũng đi kèm với bảo dưỡng hay di dời để phát triển hạ tầng đô thị. Singapore đã lên kế hoạch di dời 13.000 cây trong 15 năm tới. 2015, Singapore đã tiến hành di dời 8 cây cổ thụ, 40 năm tuổi ở khu vực Civic District sang bãi cỏ phía trước Nhà hát Victoria. Mỗi cây nặng 90 tấn. Tất cả gốc, thân, cành, tán lá được giữa nguyên (xem link và video bên dưới).

1 trong 8 cây lim sẹt 40 tuổi được di dời từ Civic District đến trước Nhà hát Victoria (nguồn: Janice Heng, 2015)​​​​​​​

Ở xứ nhiệt đời, mưa bão quanh năm có thể làm cây ngã đổ, hư hại. Tuy nhiên, sự ứng xử trước và sau quá trính rất là quan trọng để không tổn hại đến sự sinh trưởng của cây, duy trì lợi ích, không gây nguy hiểm tính mạng con người. Đầu tiên là chọn cây thích hợp, kỹ thuật trồng và bảo dưỡng đúng phương pháp, kiểm tra định kỳ, có giải pháp hợp lý trong từng điều kiện thời tiết. Cây con đều có lồng bao bọc hay khung đỡ để chống ngã đổ. Với cây lâu năm được kiểm tra, cắt tỉa định kỳ và có khung đỡ nếu bị nghiêng lệch. Trong trường hợp, cây ngã đổ sau mưa giông mạnh, thì việc đánh giá tai nạn, làm gọn hiện trường, hoặc có giải pháp trồng thay thế. Dọc đường xe hơi ở công viên Taiping Lake Garden, Malaysia, có một hàng cây lim sẹt cổ thụ trăm năm. Tán và cành vươn xa vài chục mét mỗi bên đến tận hồ. Do tải trọng cây nặng, tán rộng, nó đã ngã lệch sang 1 bên sau trận mưa. Nhưng không vì thế mà nó bị cưa gọn hay đốn bỏ. Giải pháp được đưa ra là giữ nguyên hiện trạng bằng khung gia cố (xem hình).

Năm 2017, 1 phụ nữ đã có 1 tai nạn tương tự dẫn đến tử vong (nguồn: https://www.straitstimes.com/singapore/tree-falls-on-car-along-scotts-road-in-front-of-grand-hyatt-hotel)​​​​​​​

2019, một cây cổ thụ 270 tuổi bật gốc trong cơn mưa lớn, đè lên 1 xe hơi đi ngang qua. Tai nạn xảy ra trên đường Orchard, Singapore. Sau đó các nhân viên cứu hộ đã đến xử lý hiện trường (nguồn: https://www.straitstimes.com/singapore/tree-falls-on-car-along-scotts-road-in-front-of-grand-hyatt-hotel)

Hàng cây cổ thụ dọc trên đường kế bên công viên Taiping Lake Gardens, Malaysia (https://www.monumentaltrees.com/en/mys/peninsularmalaysia/perak/4395_taipinglakegardens/)​​​​​​​

Cây bị ngã và được gia cố, gìn giữ tiếp tục sau cơn mưa giông tại Taiping Lake Gardens (nguồn: Sylvia Looi, 2018)​​​​​​​

Lợi ích dài hạn của cây xanh luôn được ưu tiên cho sự sống còn của hệ sinh thái đô thị, đặc biệt là con người. 1 cây xanh phải mất 50 năm mới có thể đóng góp 20% lợi ích. Vì vậy, để đảm bảo hệ thống cây xanh phát triển tốt, đem lại giá trị cao, giảm chi phí thì tại mọi mắt xích đều phải chú ý: giống cây phù hợp khí hậu, từng vị trí trồng (vỉa hè hay công viên); độ cao và phủ tán của cây; khả năng sinh trưởng; chế độ theo mùa; công chăm sóc và bảo dưỡng; giá trị với môi trường và kinh tế; hướng dẫn lâm nghiệp; mối liên hệ với các hệ thống khác như qui hoạch, xây dựng, và môi trường.

Bản đồ cập nhật vị trí, thông tin của từng cây xanh ở London (nguồn: chụp từ https://maps.london.gov.uk/trees/)

Bản đồ cập nhật vị trí, thông tin của từng cây xanh ở Singapore (nguồn: chụp từ https://www.nparks.gov.sg/trees)

Trong bộ hướng dẫn Sustainable Landscape, cây xanh trên vỉa hè đều phải trồng trên dãy xanh rộng 3m, ô đất trồng 2x2m. Với cây thân gỗ, tán rộng, bề rộng dãy xanh yêu cầu tối thiểu 4m. Khoảng cách giữa tim thân cây và tim đường đi bộ ít nhất 5m. Để đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng, hệ thống hạ tầng, xem xét giống cây, bộ rễ và tán cây vô cùng quan trọng. Bộ rễ cây luôn được đặt thấp hơn lớp cấu tạo của vỉa hè và đường xe cơ giới để cho rễ cây phát triển bình thường, đạt độ cứng cáp chống chọi tốt trước gió bão. Ngoài ra, thiết kế vỉa hè phải có khả năng thấm nước mưa cao. Cả cây lấy tán, cây bụi, cỏ và vỉa hè tạo thành hệ thống sinh học giữ nước cho toàn đô thị; vì vậy, tránh xảy ra tình trạng lụt trong thành phố.

Cây xanh trên vỉa hè được trồng theo kỹ thuật RootSpace System (nguồn: https://www.topiodomi.gr/en/products/greenblueurban/?id=27)

Cây xanh trên vỉa hè được trồng theo kỹ thuật RootSpace System (nguồn: https://www.greenblue.com/es/soil-compaction-what-it-means-for-urban-trees/)​​​​​​​

Mô phỏng hệ thống RSS cho 1 cây con trên vỉa hè và sự gắn kết của chúng trong hệ thống hạ tầng đô thị (nguồn: Green Blue Urban)

Sự đa dạng sinh học của thảm thực vật đô thị rất là quan trọng vì sức khỏe của toàn bộ hệ thống xanh, bên cạnh giá trị tinh thần cho con người; môi trường, cảnh quan đô thị; sự cộng sinh hệ thực vật và động vật. Singapore là một ví dụ điển hình cho điều này. Khảo sát ở Singapore, có 10 giống cây phổ biến được trồng trong đô thị, trong đó Xà cừ, Lim sẹt, Gụ, Angsana, Long não, Muồng tím là những cây được trồng nhiều nhất trên các vỉa hè (xem thêm thông tin theo link bên dưới). Độ tuổi của cây trồng rất rộng. Bên dưới những tán cây lâu đời vươn đến vài chục mét là tầng lớp cây trẻ hơn, đến cây bụi, dây leo, hoa và cỏ. Sự bền bỉ, ít tốn công và chi phí chăm sóc, và sự đa dạng sinh học của hệ thống cây xanh là mục tiêu quan trọng xây dựng mô hình Đô thị rừng.

Sự đa dạng sinh học của hệ thực vật đô thị ở Singapore (nguồn: Fisher-Y)

Ở một xã hội phát triển như Singapore hay London, ý nghĩa của cây xanh/thiên nhiên được giáo dục và gầy dựng một cách có hệ thống dựa trên các nguyên tắc để đúc kết thành sự cộng sinh giữa con người và thiên nhiên trong đô thị và khu vực hoang dã. Chính quyền thành phố nhận thức đầy đủ giá trị của cây xanh lên nền kinh tế vĩ mô; cảnh quan và hệ sinh thái vững chắc của đô thị; môi trường sống; sức khỏe và tinh thần của con người. Từ nhận thức được xác định ở cấp cao nhất, hàng loạt nghiên cứu và thống kê về chủng cây xanh, hệ thống phân loại, tác dụng, phương pháp trồng, bảo dưỡng, và chi phí đang được thực hiện theo vùng và thời gian biểu. Ngoài ra, các tiêu chuẩn và hướng dẫn trong việc gieo trồng, chăm sóc, di dời cũng được ban hành cho việc thực thi hiệu quả, đúng kỹ thuật và an toàn. Bên cạnh là sự hỗ trợ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, tư nhân về thiết kế, xây dựng, tư vấn, qui hoạch cảnh quan đô thị. Trong khi đó, ở phân cấp hệ thống xã hội thấp nhất, trẻ em và người lớn được giáo dục để có nhận thức và xây dựng tình yêu với cây xanh và thiên nhiên. Ba đối tượng cùng tham gia và đồng hành để xây dựng hệ sinh thái xanh của đô thị và hơn hết cho sự sống của họ thông qua tình yêu và lý trí của từng con người với thiên nhiên; sự đầy đủ và hiệu quả của các qui định, hướng dẫn kỹ thuật, hệ thống pháp lý, kế hoạch dài hạn; và sự vận hành minh bạch, tận tâm, nghiêm túc của chính quyền thành phố.

Trong khoa học và kinh tế, con số luôn biết nói, chúng tham gia vào sự hoạch định chiến lược của đô thị. Tôi đọc nhiều bài báo, quyết định chính phủ, tiêu chuẩn thiết kế cảnh quan đô thị ở Sài Gòn và Việt Nam, thống kê vẫn còn quá nhiều thiếu sót. Có vẻ như, chúng ta không thực sự có định hướng rõ ràng, hiệu quả và quyết liệt nào. Chúng ta cũng đang không tìm thấy sự tham gia và kết hợp bền chặt của 3 đối tượng trên để kiến tạo nên một hệ sinh thái xanh bền vững của đô thị. Con số thì phải có nhưng quan trọng là ý nghĩa và giá trị của chúng. Trên cả các con số, yếu tố tâm linh là sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên cũng rất quan trọng, nhất là với văn hóa lâu đời ở nước ta trong miền khí hậu nhiệt đới. Sự gãy liên kết như một ngôi nhà không có móng. Trồng một cái cây tốt cũng như nuôi một con người tốt. Với các đô thị Việt Nam, sẽ cần xây dựng lại mục tiêu/mô hình, viễn cảnh của mô hình đó; sau đó là sách lược hiệu quả, phù hợp; công cụ bắt buộc để vận hành bao gồm con người, tài chính, khoa học. Khi mục tiêu đã có, sách lược đã đúng, công cụ phù hợp, vấn đề còn lại là thời gian và niềm tin.

Dang Thanh Hung

 

Bài viết sử dụng nhiều thông tin và báo cáo khoa học và kinh tế được nêu ra ở các link bên dưới:

Báo cáo, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng cảnh quan ở Singapore:

Di dời cây xanh ở Singapore:

Lợi ích của cây xanh trong đô thị:

Báo cáo xây dựng đô thị rừng của London 2015:

Bài báo qui hoạch cây xanh ở HCM:

Bản đồ live cây đô thị ở Singapore và London:


 

Chuyên đề TỔNG QUÁT VỀ CÂY XANH:

 

Chuyên đề CÁCH TRỒNG & GIA CỐ CÂY XANH:

 

Chuyên đề TRỒNG CÂY TRÊN ĐỒI DỐC:

 

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1520
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy