Tản mạn về cái đẹp – cái duyên trong Kiến trúc và Không gian Đô thị

01/01/2017 Nguyễn Văn Tất Hơi thở nhiệt đới
1922
0

Từ bao đời nay, con người luôn mong muốn tìm tòi, khám phá ra cái đẹp. Thiên nhiên đẹp, con người đẹp, cuộc sống đẹp. Những cái đẹp luôn hiện hữu trong tiềm thức, ý thức con người. Mỗi người có quan niệm riêng, cái nhìn riêng khi nhận xét về cái đẹp. Trong Kiến trúc cũng vậy, khi đặt vấn đề về cái đẹp trong Kiến trúc, tôi biết là đã đụng đến điều hệ trọng của mỗi Kiến trúc sư, dù cái đẹp chỉ là một yếu tố Kiến trúc, thậm chí đôi khi chỉ là sự xa xỉ vì Kiến trúc trước tiên là phải Đúng cái đã.

(Ảnh bên: KTS. Nguyễn Văn Tất)

Vì vậy, khi bàn về cái đẹp trong Kiến trúc, tôi xin được Quý kiến trúc sư đồng nghiệp hiểu cho tính tế nhị của vấn đề. Tôi không khẳng định đi tìm một công thức nào cả – vì bản thân cái đẹp không có công thức, mà đó là cái điều được cảm nhận trong tâm hồn mỗi chúng ta. Những điều sẽ đề cập đến hoàn toàn mang tính chất riêng tư như là những mơ ước, ham muốn, là làm thế nào để có điều kiện thuận lợi đạt đến CÁI ĐẸP hoàn thiện trong mỗi công trình Kiến trúc, trong mối quan hệ giữa Kiến trúc và không gian Kiến trúc đô thị nói riêng và giữa Kiến trúc với cuộc sống nói chung. Mối quan hệ thật là to lớn, là phức tạp, nếu muốn nói về nó cho mạch lạc, dễ hiểu. Nhưng làm thế nào?

Đâu là mục tiêu của mỗi Kiến trúc sư khi đi tìm cái đẹp cho công trình – tác phẩm của mình? 

Tôi bất giác nhớ một phát hiện bất ngờ khi Máy tính đi tìm một người con gái đẹp tiêu biểu từ cổ chí kim. Dữ liệu chi tiết thật là phong phú. Từng chi tiết cơ thể, làn da, mái tóc, bàn tay, đôi mắt, … đều lấy từ chi tiết đẹp nhất của những người đẹp nổi tiếng trên thế giới. Máy tính ngày nay đã thừa sức vẽ ra Người đẹp tiêu biểu đó – và điều bất ngờ đã xảy ra – khi được đặt chung với nhiều chân dung thực, người đẹp hoàn thiện của máy tính đó chỉ được một thiểu số người đàn ông để ý. Phải chăng điều này cũng đúng với Kiến trúc? Cái đẹp không đơn giản là ghép nối nhiều chi tiết vừa mắt – nó là cái DUYÊN – bất chợt hấp dẫn người sử dụng. Sử dụng nó chứ không chỉ là nhìn. Và điều kiện bất chợt ấy là sự cố tình tìm kiếm khó nhọc của KTS – để lặng lẽ khoác lên cho Kiến trúc của mình. Điều đó trước tiên chỉ có Người Kiến trúc sư biết, đôi khi không thể giải thích, và nguy cơ thay nếu không thể giải thích rõ ràng những điều cảm nhận được với thân chủ – là người quyết định cho nó ra đời hay không. Cho nên CÁI ĐẸP CÁI DUYÊN vừa hữu hình, vừa vô hình, thật gần gũi nhưng cũng cao siêu.

Vậy Cái đẹp – Cái duyên có phải là điều gì cao siêu?

Nói là điều trọng đại nên nhiều Kiến trúc sư đã quá cao siêu quá công việc của mình, biện luận cho những ý đồ độc đáo bằng phương pháp ‘Tam đoạn luận’, bằng các diễm từ – và cuối cùng, cái đẹp độc đáo của tác phẩm được nêu lên như một hệ luận lạnh lùng.

Một khuynh hướng khác chú trọng đến tính thực dụng của công trình – tính thuộc bài: đúng tiêu chuẩn, đúng quy phạm, trơn tru, sạch sẽ, vừa lòng khách hàng. Vậy cái khác thường chưa hẳn là đẹp, sạch sẽ trơn tru chưa hẳn là đẹp. Thực ra đó chỉ là từng mặt riêng biệt của kiến trúc.

Cái đẹp bao hàm nhiều ý nghĩa, nhiều góc cạnh. Có thể qua nhiều trăn trở, nhiều luận cứ, nhiều chắt lọc … để có được một nét ĐẸP. Nhưng với người thụ cảm, cái đẹp là một thoáng rung động không trăn trở, không lý luận. Nó là một xúc cảm ập đến tự nhiên. Kiến trúc cũng vậy, cái đẹp của nó không sáo rỗng, không rập khuôn, càng không được lố bịch.

Thật là khó chịu khi một chủ nhà với Kiến trúc sư bắt mọi người trong khu phố phải nhìn ngôi nhà với đầy đủ ý thích riêng tư, khác thường của mình. Hoặc cũng thật là sống sượng nếu mọi người xộc vào phê phán nặng lời nội thất của ngôi nhà mà chủ nhân của ngôi nhà rất vừa ý khi sống trong đó.

Phải chăng một trong những điều kiện đầu tiên của cái đẹp – cái duyên là sự vừa phải, hợp cảnh – hợp tình của Kiến trúc trong bao cảnh chung, dưới mắt mọi người sử dụng hoặc đơn giản chỉ bắt gặp và nhìn ngắm nó. Cho nên cái đẹp Kiến trúc hàm ý nghĩa văn hóa và …

Sài Gòn Mũi Né Resort - Tác giả: KTS. Nguyễn Văn Tất & cộng sự

Kiến trúc đẹp là Kiến trúc có văn hóa

Người có văn hóa không ăn nói bổ bả chốn tôn nghiêm, không ăn mặc quá chải chuốt khi đi làm công tác từ thiện, biết thế nào là sáo rỗng, lố bịch khi đọc diễn văn ở nhà trẻ v.v … , thì lẽ nào một Kiến trúc ĐẸP lại cư xử giống như người thiếu văn hóa đối với cảnh quan và Kiến trúc lân cận, đối với người sử dụng hoặc là chỉ bắt gặp nó. Kiến trúc xuất hiện như là một lời chào của người xa lạ, như lời thăm hỏi đối với khách viếng thăm, như lời lẽ tâm tình với người sống, sinh hoạt trong đó. Kiến trúc là những lời chào đúng mức, những lời thăm hỏi chân tình, sự ấm áp, sẻ chia đầy xúc cảm. Nếu không khéo dừng, không khéo lượng, thì dù có yêu tà áo dài dân tộc mấy đi nữa, nếu không mặc đúng chỗ, cũng sẽ trở nên diêm dúa sống sượng hơn là một chiếc váy Tây nhưng giản dị hợp cảnh, hợp tình.

Vì không chỉ ở hình thức, cái ĐẸP Kiến trúc là ĐẸP trong ngoặc kép. Và như thế ở góc độ thành phố, mỗi công trình Kiến trúc xuất hiện như một cá thể trong cộng đồng của nó, đó là không gian Kiến trúc đô thị.

Lẽ nào một cộng đồng bát nháo lại có tác động tốt với mỗi cá thể trong nó. Và điều chắc chắn, nhiều cá thể có văn hóa sẽ tạo ra một bộ mặt dễ chịu cho cộng đồng.

Không gian Kiến trúc đô thị – cộng đồng của các cá thể Kiến trúc

Nếu đòi hỏi cung cách CÓ VĂN HÓA của cá thể Kiến trúc, cộng đồng của nó – không gian Kiến trúc đô thị phải giữ được vai trò cầm cân nảy mực của một cộng đồng có giềng mối mẫu mực.

Đến lượt nó, ở quy mô lớn hơn, phải có cái ĐẸP, cái DUYÊN của những mảng không gian Kiến trúc đô thị.

Cái DUYÊN Kiến trúc khởi đi từ bên trong cho đến dáng vẻ Kiến trúc. Cái DUYÊN của không gian Kiến trúc đô thị ở khoảng trống còn lại giữa các công trình. Nhưng điều có chung giữa Kiến trúc và Quy hoạch vẫn là mối quan hệ với người sử dụng. Và chung quy vẫn là cái xúc cảm cuộc sống ở đó, chứ không phải những quy phạm cứng nhắc, đi tìm một trật tự bài bản, đơn giản, trật tự của sự lạnh lùng, khô khan.

Có người hay nhắc nhở thành phố Paris hoa lệ vẫn tồn tại bao đời nay những hè phố café, khu bán sách cũ và … phân chó (!) như là dấu hiệu hơi thở của cuộc sống. Nó cần hơn sự sạch sẽ, tinh tươm áp đặt lên mọi sinh hoạt diễn ra theo luật lệ ở Singapore.

Như vậy quy hoạch chi tiết không gian đô thị đâu chỉ là con số cộng của những luật lệ. Nó cũng cần sự xúc cảm sáng tạo của người kiến trúc sư quy hoạch và kiến trúc. Công việc bề bộn đó phải được mở rộng ra cho đội ngũ KTS của thành phố đóng góp lao động sáng tạo của mình chứ không chỉ quan niệm như công việc ‘làm luật quy hoạch’ của Viện Quy hoạch …

Viện Quy hoạch là người đặt đề bài và thúc đẩy sáng tạo cho Kiến trúuc sư chứ không đơn giản là việc giới hạn và cấm đoán.

Cái đẹp là hiển hiện trong sự xúc cảm của con người. Con người có những đặc thù về tâm sinh lý, thói quen … Đôi lúc đặc thù đó mang bản sắc rất riêng – có tính dân tộc. Bản sắc dân tộc là điều cũng cần phải đề cập – khi xét về cái đẹp với tính cách là sự thụ cảm của mỗi con người.

Thực tế bản sắc dân tộc ai cũng nói, lĩnh vực nào cũng được đề cập như một khẩu hiệu. Trong Kiến trúc cũng vậy, Kiến trúc mang bản sắc dân tộc là gì? Không xác định được. Nhưng nó là ‘Tên đao phủ’ giấu mặt trong các cuộc xét duyệt đồ án. Vậy bản sắc dân tộc ở đâu?

Ở đây tôi muốn bộc lộ suy nghĩ, quan niệm của mình, không phải chỉ ra, mà chỉ định hướng để đi tìm …

Cái duyên – cái xúc cảm chính là lời cho khẩu hiệu dễ hiểu mà huyền bí: đậm đà bản sắc dân tộc.

CÁI XÚC CẢM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM sẽ có những nét riêng so với Người nước khác.

Như vậy Người Việt Nam cảm nhận cái DUYÊN cũng khác Người nước khác.

Cái giống nhau có thể là 90% - chính cái 10% còn lại là nói lên Bản sắc Việt Nam – Bản sắc Dân tộc.

Do đặc thù khí hậu, địa lý, thói quen … Người Việt Nam có nhu cầu sống đặc thù. Có thể 300 năm trước đây cái đặc thù đó 90% khác với Người nước khác. Còn ngày nay, sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc ngày càng phát triển. Cho nên 90% sự giống nhau là điều không tránh khỏi. Cục diện đã thay đổi. Sự khác biệt chỉ còn 10%.

Phải chăng đó là điều khó khăn để khẳng định bản sắc dân tộc khi thực tế nó chiếm tỉ lệ vật chất quá nhỏ trong Kiến trúc. Mà nguy cơ thay, điều nhỏ đó khẳng định một giá trị lớn rất quan trọng, rất đau đầu.

Một thí dụ nhỏ: Khu nhà ngang với sân nước, non bộ, chiếc võng, chậu cảnh … quen thuộc ở nhà của người Việt Nam thôn quê từ từ mất đi dần và không còn thấy ở thành phố nữa. Nhưng ở một góc tiềm thức nào đó của người Việt Nam nhu cầu về nó vẫn còn ở những người dân thành phố. Vì thực ra nó là một nhu cầu tâm sinh lý – khí hậu, nhưng làm sao tìm được nó ở một không gian chật chội của thành phố. Và nếu ở một góc nhỏ nào của Kiến trúc, khơi gợi được nhu cầu vô thức này, thì phải chăng đó chính là nét đặc thù dân tộc, nó đánh thức ngay sự thỏa mãn từ vô thức của một người Việt Nam.

Kiến trúc sư Kenzo Tange đã nói đại ý ‘Tính dân tộc như một cái vòng đá cổ – muốn đem giá trị của nó vào Kiến trúc, nếu không phải là chưng nó như một vật bảo tàng, thì chỉ có cách đập vỡ nó ra và khéo léo cho những mảnh vỡ của nó phản phất trong Kiến trúc’.

Như vậy phải chăng đi tìm một Kiến trúc mới 100% mang đường nét dân tộc là chuyện không bao giờ xảy ra ngoài việc phục chế Đình, Chùa?

Đi tìm bản sắc dân tộc trong Kiến trúc ngay bây giờ chưa hẳn phải chỉ rõ ra đó là cái gì, mà phải định hướng chúng ta đang bước ở con đường nào là con đường đúng đắn – có nhiều cơ may nhất để đi tìm cái cần có. Điều tiên quyết là ‘Cái vòng đá đó ở đâu?’.

Rất lúng túng nhưng lại thường hay nói, rất ‘dị ứng’ với cái gọi là ‘Không phải bản sắc dân tộc’ trong khi người ta cũng không chỉ được Bản sắc Dân tộc là Cái gì?

Một thí dụ: Chiếc áo Bà ba được cho là mang bản sắc dân tộc, nhưng cách đây chưa lâu lắm, người mặc chiếc áo này bị sỉ vả là ngoại lai, đáng xấu hổ. Vì xuất xứ chiếc áo này là của người Mã lai. (Click vào dòng chữ nghiêng để xem chi tiết)

Hay chỉ mới đây thôi, chiếc Áo Dài dân tộc được ca tụng hết lời, nhưng vào thập kỷ 30-40 của thế kỷ trước thì đó là một sáng tạo táo bạo của Lemur Nguyễn Cát Tường. Và dư luận thời đó là thế nào? Những cô gái mới Hà Nội, tóc chải ngôi, để răng trắng mặc áo dài Lemur thì được xếp vào hạng không đàng hoàng, đĩ thõa (!).

Lại nữa, nét nông dân đặc trưng Nam bộ là điếu thuốc rê, khăn rằn vắt vai – mà xét cho cùng, cái thú vấn thuốc rê có phải là đặc trưng của Nam bộ hay là gốc gác Tây chính hiệu?! Có khác chăng là việc dán những đuôi thuốc lên vách như những con sâu kèn (!).

Cái khăn rằn đâu phải nguồn gốc của người Nam bộ – mà ảnh hưởng của người Khơ Me ( Khơ Me – Mã Lai).

Những thí dụ trên đều thuộc lĩnh vực xã hội. Nhưng tôi nghĩ nó rất đáng được suy gẫm như một trong những Phương pháp định hướng để xác định Bản sắc Dân tộc trong Kiến trúc.

Phố cổ Hội An nổi tiếng với các kiểu nhà Nhật, Tàu… mà vẫn rất Việt Nam, xét về không gian sống Đô thị là một điều đáng để chúng ta suy nghĩ.

Và một kiểu Kiến trúc hoàn toàn có đường nét mới mẻ nhưng Bản sắc Dân tộc của nó vẫn phảng phất trong sự cảm nhận của mọi người Việt Nam là chuyện thực tế mà mỗi Kiến trúc sư phải đi tìm …

Vậy trên đường ‘hành hương’ xin mọi người hãy chúc may mắn cho tôi và cho mọi Kiến trúc sư trong cái NGHIỆP KIẾN TRÚC của mình.

KTS. Nguyễn Văn Tất

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1513
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy