Các thủ pháp thiết kế kiến trúc của Zaha Hadid [Phần 2]

15/05/2017 Kiến Admin tapchikientruc.com.vn
5111
0

Mỗi KTS lớn đều có cho mình những thủ pháp thiết kế kiến trúc riêng, giúp họ sáng tác nhiều công trình để đời. Trong sự khai phóng sáng tạo, những KTS thuộc trào lưu hậu hiện đại và giải tỏa kết cấu không còn bị ràng buộc bởi kĩ thuật, đã sáng tạo ra những thủ pháp thiết kế độc đáo, phi thường...

Chúng ta đã thấy Frank O’ Gehry sử dụng thủ pháp phân tán mạnh mẽ hình khối, hoặc tạo ra sự tương phản cùng cực giữa lớn và nhỏ, giữa phẳng và cong. Santiago Calatrava luôn theo đuổi tính “động” trong kiến trúc, vận dụng tài tình những kết cấu đòi hỏi xử lý phức tạp. Những công trình được thiết kế bởi hãng Coop Himmelb(l)au lại luôn mang đến cho công chúng sự bất ngờ bởi những đứt gãy đột ngột, cảm giác choáng ngợp từ những hình khối dường như bị kéo giãn hoặc nén lại một cách dữ dội, hoặc cảm giác như hình khối vừa bị tôi luyện qua cả nóng lạnh – hay lửa và nước, hay Zaha Hadid với những sáng tạo tiên phong  và đột phá, xứng đáng là một tượng đài sáng tạo trong lĩnh vực Kiến trúc…

Tiếp theo bài trước về hai yếu tố thủ pháp kiến trúc đặc trưng của Zaha Hadid gồm: Xử lý hình khối, xử lý quan hệ mặt đất; bài viết này sẽ tiếp tục thống kê, phân loại và phân tích các thủ pháp thiết kế còn lại của bà theo hai yếu tố: Xử lý cảnh quan, xử lý không gian nội thất.

 

3. Xử lý cảnh quan

Nếu như trong giai đoạn đầu hành nghề, Zaha Hadid tập trung sự sáng tạo của mình vào công trình thì ở những giai đoạn tiếp theo, khi chín chắn hơn và nhiều kinh nghiệm hơn, bà chú ý nhiều hơn đến cảnh quan và sự hòa nhập của công trình vào bối cảnh khu đất. Zaha Hadid tâm sự: “Khi mới bắt đầu hành nghề, tôi cố gắng tạo ra những tòa nhà tỏa sáng như một thứ trang sức độc lập, tuy nhiên giờ tôi muốn những công trình của mình kết nối và tạo dựng nên một cảnh quan mới, chảy cùng với nhịp điệu của những đô thị đương đại và cuộc sống của những cư đân đô thị đó” – (The Guardian, 2006). Qua quan sát các công trình ở giai đoạn sau của Zaha, chúng tôi nhận định một số thủ pháp quan trọng của bà để phối kết công trình với cảnh quan gồm có:

An image
Hình 16: Trung tâm trình diễn nghệ thuật Abu Dhabi, UAE.

Cảnh quan tràn vào công trình hoặc chuyển hóa thành công trình

Với nhiều công trình, Zaha đã nhấc công trình khỏi mặt đất như một cách chối bỏ sự tồn tại của trọng lực. Chính tại phần công trình được nâng lên, bà xử lý cảnh quan bên ngoài “tuôn chảy” vào trong công trình, đưa cảnh quan trở thành một phần không thể tách rời của công trình. Thủ pháp này loại bỏ cảm giác cô lập của công trình trong bối cảnh, thay vào đó, là sự hòa quyện và thống nhất giữa công trình và không gian bao chứa nó. Trong một số trường hợp, Zaha lại cho cảnh quan xen cài từ nhiều hướng, một cách từ từ tập trung lại, dần biến đổi, rồi chuyển hóa thành công trình. Bà thường xuyên sử dụng thủ pháp này trong những công trình có hình thái lỏng và hình thái hữu cơ vì chúng có nhiều đường cong mềm mại, dễ tạo ra sự tiếp xúc và hòa nhập uyển chuyển với bối cảnh xung quanh. Các công trình kiểu này, dường như được sinh ra từ khu đất, lớn lên từ đó và trở thành một phần của bối cảnh – như cách chính chúng ta được sinh ra, lớn lên và tồn tại gắn bó với cuộc sống xung quanh. Trung tâm trình diễn nghệ thuật Abu Dhabi ở UAE (hình 16) là ví dụ điển hình cho thủ pháp này.

An image
Hình 17: Heydar Aliyev center, Azerbaijan

Trong một số dự án khác, Zaha Hadid lại phóng dài mái hoặc tường của công trình xuống đất và tràn ra ngoài tạo thành cảnh quan, xóa nhòa các khái niệm về trong và ngoài, xóa nhòa sự bắt đầu và kết thúc của vỏ bọc công trình. Công trình Trung tâm Heydar Aliyev ở Azerbaijan (hình 17) chính là ví dụ điển hình của việc sử dụng thành công thủ pháp này.

An image
Hình 10: Bảo tàng Maxxi, Rome, Italy.

Áp dụng lưới đô thị cho công trình

Đây là thủ pháp rất phổ biến được nhiều kiến trúc sư sử dụng nhằm đưa công trình hòa hợp với bối cảnh của đô thị. Khi sử dụng thủ pháp này, các trục đường phố, trục cảnh quan hoặc trục kiến trúc sẽ được chọn lọc để làm thành hệ lưới đô thị, từ đó chuyển hóa thành tỷ lệ và form dáng dựng lên công trình. Trong Dự án Bảo tàng Maxxi tại Roma (hình 10), Zaha Hadid đã khéo léo khai thác hai hệ trục đô thị chéo nhau tại khu đất để tạo nên một hình khối hoàn hảo, phù hợp với bối cảnh của Rome song lại đầy mới mẻ và ấn tượng.

An image
Hình 18: Nhà hát Opera Dubai, UAE.

Áp dụng đặc trưng địa hình cho công trình

Như chúng tôi đã nhận định trong bài viết trước, hình thái địa hình là một trong những hình thái được Zaha sử dụng thành công nhất. Đường nét và hình khối của địa hình sẽ được phân tích, giản lược rồi biến thành ngôn ngữ thiết kế chính cho công trình. Nhờ vậy, những công trình của Zaha vừa có cá tính riêng, ấn tượng và đặc sắc, nhưng lại rất đồng điệu với cảnh quan xung quanh. Thủ pháp này được Zaha Hadid áp dụng trong nhiều dự án, điển hình là Nhà hát Opera Dubai ở UAE – (hình 18).

An image
Hình 19: Sky SOHO, Thượng Hải, Trung Quốc.

Áp dụng ngôn ngữ thiết kế công trình cho cảnh quan

Ngược lại với thủ pháp trên, nhưng có kết quả và tác dụng gần như nhau khi những đường nét và mảng miếng từ công trình được nhắc lại trong thiết kế cảnh quan, tạo sự thống nhất và đồng thời nhấn mạnh hơn nữa ý tưởng của người thiết kế. Tiêu biểu cho thủ pháp này là công trình Sky SOHO ở Thượng Hải, Trung Quốc (hình 19).

 

4. Xử lý không gian nội thất

Chúng tôi cho rằng nếu chỉ phân tích những thủ pháp sáng tạo Zaha Hadid đã sử dụng trong thiết kế tạo hình bên ngoài công trình sẽ là không đầy đủ, mà còn cần quan tâm xem xét cả các không gian nội thất bên trong. Có thể nói, hầu hết công trình của Zaha đều là những công trình “truyền cảm hứng” cho công chúng, không chỉ bởi hình ảnh ấn tượng của chúng khi xuất hiện trong bối cảnh, mà cả những đột biến, phá cách một cách tài tình trong tổ chức, sắp xếp, pha trộn các không gian nội thất của các công trình này. Công chúng vẫn luôn “chìm” trong bất ngờ khi miệt mài theo đuổi những tưởng tượng riêng của mình và “lạc” vào những không gian nội thất của Zaha. Chúng tôi đã phân tích và nhận định một số thủ pháp chính của Zaha Hadid trong xử lý không gian nội thất, gồm có:

An image
Hình 20: Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật King Abdullah, UAE.

Xếp lớp

Zaha sử dụng thủ pháp này để tạo ra những không gian hoặc khoảng rỗng cực kỳ phức tạp nhưng đặc sắc và sinh động. Khi giới hạn của một lớp không gian không đủ thỏa mãn những kỳ vọng của Zaha, bà chọn cách xếp nhiều lớp liên tục theo chiều đứng hoặc liên tiếp tràn ra trên mặt bằng, tạo ra những hệ không gian chuyển tiếp liên tục, được kết nối với nhau qua hệ thống thông tầng độc đáo. Một số chuyên gia cho rằng có thể Zaha Hadid đã tìm được thủ pháp này từ hội họa – khi người họa sĩ thường chồng nhiều lớp màu lên nhau để đạt hiệu quả mong muốn. Hình 20 miêu tả quá trình xếp lớp để hình thành không gian bên trong của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật King Abdullah, UAE.

An image
Hình 21: Nội thất Jockey Club Innovation Tower Hong Kong

Thông tầng hành lang cầu và thang bộ

Zaha Hadid thường xuyên sử dụng các không gian thông tầng trong nội thất của mình. Giữa những khoảng thông tầng ấy, bà sẽ thường cho chạy qua với mật độ dày và liên tục những hành lang cầu và những cầu thang (không có vế nào tựa tường). Những hành lang cầu và cầu thang này vừa là không gian chức năng giao thông ngang và đứng, giúp mọi người di chuyển trong công trình; vừa là những con đường, những trạm nghỉ, giúp tham quan chiêm ngưỡng không gian nội thất bà tạo nên. Bà đã áp dụng thủ pháp này trong xử lý nội thất các không gian sảnh lớn hoặc không gian lõi tại các trung tâm thương mại, các cao ốc, các bảo tàng, như ở công trình trong các hình 21, 23, 24, 25.

An image
Hình 22: Nội thất tương đồng mặt bằng tại Maggie‘s Centre Fife, Scotland.

Đồng nhất giữa nội thất và mặt bằng

Tại công trình Maggie‘s Centre Fife, Scotland (hình 22), hình dạng mặt bằng hoặc hình khối kiến trúc được tái hiện trong các không gian nội thất. Sự tái hiện này được xử lý tới cả những chi tiết nhỏ nhất như chao đèn hay hốc trang trí trên tường. Thủ pháp này tưởng như đơn giản song khá quan trọng trong việc nhấn mạnh và thể hiện tính nhất quán xuyên suốt của ý tưởng kiến trúc, đồng thời nó gây ấn tượng mạnh hơn tới công chúng.

An image
Hình 23: Nội thất bảo tàng Maxxi, Italy.

Ánh sáng nội thất

Ánh sáng trong các không gian là công cụ giúp Zaha nhấn nhá kiến trúc và nội thất. Zaha suy tính xử lý ánh sáng trước cả khi thiết kế hình khối không gian – “Nếu bạn nhận thấy cơ hội để chơi với ánh sáng trong một công trình trước khi nó được xây lên, bạn có thể thực sự điểu khiển sự thay đổi màu sắc và cảm nhận của bê tông chỉ bằng ánh sáng ban ngày thuần túy” – (Zaha Hadid, The Guardian – 2006). Zaha đã thiết kế một hệ thống mái xếp cơ động tại Bảo tàng Maxxi có thể mở ra để lấy ánh sáng tự nhiên hoặc khép lại để sử dụng ánh sáng nhân tạo (hình 23); hoặc công trình Guggenheim Hermitage Vilnius, Lithuania cũng cho thấy cách “chơi” ánh sáng thú vị của bà (hình 24).

An image
Hình 24: Ánh sáng nội thất bảo tàng Guggenheim Hermitage Vilnius, Lithuania.

Chối bỏ góc hoặc cạnh vuông

Đồng nhất với hình khối bên ngoài, nội thất nhiều công trình của Zaha Hadid hầu như không tồn tại bất cứ góc hay những đường vuông góc nào, kể cả các hệ thống kết cấu như tường, cột. Các không gian nội thất của bà cũng song hành ngôn ngữ thiết kế lỏng hoặc hữu cơ. Hệ thống cầu thang cũng thường được đặt chéo để tránh sự xuất hiện của góc vuông – Các không gian nội thất thường là liên thông thành chuỗi hoặc ít nhất cũng đủ rộng để có thể phô diễn những đường cong đầy mê hoặc của tạo hình kiến trúc. Mọi ý niệm về phòng ốc và kết cấu đều bị quên lãng để nhường chỗ cho nguồn năng lượng sống và sự hứng khởi đang cuộn chảy trong công trình. Ví dụ: Nội thất sảnh thang công trình Dominion Tower, Moscow, Nga (hình 25).

An image
Hình 25: Nội thất Dominion Tower, Nga.

Màu sắc

Trong giai đoạn sau này, Zaha Hadid thường chọn hai gam màu duy nhất là trắng và đen cùng hệ thống các sắc thái nằm giữa hai màu này cho các thiết kế nội thất của mình. Dù chỉ sử dụng trắng và đen làm màu chủ đạo, song các không gian nội thất không hề buồn tẻ bởi Zaha đã nghiên cứu hết sức tỉ mỉ và phối kết hợp đan xen hợp lý các khoảng sáng / khoảng tối để đạt được cân bằng thị giác và sự hài hòa đồng điệu. Ngoài ra, việc sử dụng các gam đơn sắc cũng giúp cho các hình khối, đường nét kiến trúc và nội thất trở nên thuần khiết hơn. Như một sự dung hòa với những tạo hình phức tạp của chúng (hình 21,22,23,24,25).

 

Kết luận

“Tôi chưa bao giờ tự thưởng cho mình một ý nghĩ xa xỉ: Tôi đã làm được. Tôi không còn giống tôi 20 năm trước, nhưng tôi luôn nâng mục tiêu của mình cao hơn nữa.” – Đó là tinh thần làm việc và nỗ lực vươn lên phi thường của Zaha Hadid khi bà chia sẻ với nhà báo Louisa Peacock của tờ The Telegraph vào năm 2013. Zaha luôn nghiên cứu không ngừng nghỉ, luôn tìm tòi để sáng tạo ra những thủ pháp thiết kế kiến trúc mới và tốt hơn, tạo dựng những công trình thức thời và hoàn hảo hơn. Ngay khi đột ngột từ giã cuộc sống cách đây một năm trước, bà vẫn đang trực tiếp chỉ đạo thiết kế và xây dựng hơn 50 công trình lớn nhỏ trên khắp thế giới.

Tuy đã đi xa, song các thủ pháp kiến trúc của Zaha vẫn luôn là kho tàng quý báu để các thế hệ KTS học hỏi và phát triển. Có thể đến một thời điểm nào đó, những thủ pháp thiết kế Zaha sẽ không còn phù hợp với thời đại, nhưng tinh thần hết mình vì kiến trúc của Zaha sẽ luôn cháy sáng và xứng đáng để nhiều thế hệ KTS học hỏi, ngưỡng mộ. Xin dành bài viết này tưởng nhớ đến một nữ KTS tài năng, một Tượng đài sáng tạo – Người tiên phong Zaha Hadid.

 

TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân  &  ThS.KTS. Hồ Phương Thành

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 3 – 2017)


 

Tài liệu tham khảo

1. Platt, K. H. (12/9/2012). Zaha Hadid and the Energy of Change. The New York Times.
Link: http://www.nytimes.com/2012/09/13/arts/13iht-rarthadid13.html.
2. Schumacher, P. (2004). Digital Hadid: landscapes in motion.
Link: http://www.patrikschumacher.com/Texts/digitalhadid.htm
3. Peacock, L. (23/4/2013). Women are always told they won’t make it’. The telegraph magazine,
Link: http://www.telegraph.co.uk/women/womens-business/10011974/Zaha-Hadid-interview-Women-are-always-told-they-wont-make-it.html
4. Glancey, J. (9/10/2006). I Don’t Do Nice. Art and Design. The Guardian magazine.
Link: http://www.guardian.co.uk/artanddesign/2006/oct/09/architecture.communities.
5. Designboom (16/1/2007).  Designboom Interview: Zaha Hadid.  Designboom Magazine.
Link http://www.designboom.com/eng/interview/hadid.html
6. Amatalraof, A. Ismail B. S. Dilshan R. O. (2013). Zaha Hadid’s Techniques of Architectural Form
-Making, Open Journal of Architectural Design
7. Mertins, D. (2006).  The Modernity of Zaha Hadid, in Zaha Hadid the Complete Building and Projects. New York: Guggenheim Museum, 33-37.
8.  Hadid, Z. (2010). An Email Dialogue, Zaha Hadid. In: Futagawa.
Y. (Ed.). Zaha Hadid Recent Projects, GA. Tokyo: A.D.A. Edita Tokyo, 6-8.
9. Belogolovsky, V. (2008, August 31). Zaha Hadid. Russian Architectural News Agency.
Link: http://archi.ru/agency/eng/news_current.html?nid=8497.
10. Cooke, C. (1995). Russian avant-garde: theories of art, architecture, and the city. London
11. Schumacher, P. (2009).  Parametricism – A New Global Style for Architecture and Urban Design. AD Architectural Design – Digital Cities. 79 (4).
12. Woods, L. (2008). Drawn into Space: Zaha Hadid. Architectural Design, 78(4), 28–35.
13. Aref, M. (2011). Zaha Hadid, genius of the place. Contemporary Arab Affairs, 4 (3): 267-287
14. Reid, L. E. (2009). Zaha Hadid: The Female Modernist of the Twenty-First Century.Southern Methodist University.

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1491
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy