Mỗi KTS lớn đều có cho mình những thủ pháp thiết kế kiến trúc riêng, giúp họ sáng tác nhiều công trình để đời. Trong sự khai phóng sáng tạo, những KTS thuộc trào lưu hậu hiện đại và giải tỏa kết cấu không còn bị ràng buộc bởi kĩ thuật, đã sáng tạo ra những thủ pháp thiết kế độc đáo, phi thường...
Chúng ta đã thấy Frank O’ Gehry sử dụng thủ pháp phân tán mạnh mẽ hình khối, hoặc tạo ra sự tương phản cùng cực giữa lớn và nhỏ, giữa phẳng và cong. Santiago Calatrava luôn theo đuổi tính “động” trong kiến trúc, vận dụng tài tình những kết cấu đòi hỏi xử lý phức tạp. Những công trình được thiết kế bởi hãng Coop Himmelb(l)au lại luôn mang đến cho công chúng sự bất ngờ bởi những đứt gãy đột ngột, cảm giác choáng ngợp từ những hình khối dường như bị kéo giãn hoặc nén lại một cách dữ dội, hoặc cảm giác như hình khối vừa bị tôi luyện qua cả nóng lạnh – hay lửa và nước, hay Zaha Hadid với những sáng tạo tiên phong và đột phá, xứng đáng là một tượng đài sáng tạo trong lĩnh vực Kiến trúc…
Zaha Hadid cũng không nằm ngoài cuộc chơi sáng tạo, đầy hứng thú song cũng không ít thử thách này. Ngay từ khi còn học tập và nghiên cứu kiến trúc ở AA (trường Kiến trúc London), Zaha đã được các giáo sư miêu tả là một sinh viên luôn khát khao tạo dựng triết lý thiết kế mới, sáng tạo ra những công trình dường như không thể tưởng tượng nổi ở thập niên 70. Miệt mài trau dồi, nghiên cứu và hoàn thiện mình, Zaha Hadid đã từng bước xây dựng một tập hợp những thủ pháp thiết kế giúp bà tạo ra những công trình được đánh giá là hấp dẫn nhất hiện nay. Đó là kết quả được vun đúc từ nhiều nguồn: Những kí ức tuổi thơ, những tri thức được học trong trường kiến trúc, những nền văn hóa hay nghệ thuật Zaha đã đam mê và theo đuổi, và những kinh nghiệm được bà tích lũy trong suốt những năm tháng hành nghề đầy thăng trầm của mình.
Tiếp theo bài trước về các hình thái kiến trúc đặc trưng của Zaha Hadid đăng trên Tạp chí Kiến trúc, bài viết này sẽ thống kê, phân loại và phân tích các thủ pháp thiết kế của bà theo bốn yếu tố: Xử lý hình khối, xử lý quan hệ mặt đất, xử lý cảnh quan, xử lý không gian nội thất. Thông qua phân tích một số công trình tiêu biểu, chúng tôi nhận dạng các thủ pháp chính đã được Zaha sử dụng. Và phân tích chúng không theo trình tự thời gian hay tần suất sử dụng mà theo các yếu tố có mối liên hệ chung như đã đề cập ở trên.
Trước công trình của Zaha, chúng ta thường có cảm giác choáng ngợp và bị hấp dẫn như đang đứng trước một tác phẩm nghệ thuật đầy năng lượng và bí ẩn. Để làm được điều này, Zaha đã vận dụng nhiều thủ pháp khác nhau để xử lý hình khối kiến trúc, nhưng luôn hướng đến mục tiêu duy nhất là xóa bỏ giới hạn thông thường để tạo ra những không gian đầy đột phá. Phần lớn các thủ pháp xử lý hình khối của Zaha được vận dụng từ nghệ thuật trừu tượng. Bà đã sớm tìm thấy nguồn cảm hứng từ nghệ thuật trừu tượng nói chung và nghệ thuật siêu việt nói riêng trong những năm đầu hành nghề. Bà nhanh chóng nhận ra rằng: Trừu tượng chính là con đường ngắn nhất đế tìm đến những cách tiếp cận đa chiều, giàu cảm xúc, hấp dẫn hơn và cũng bí ẩn hơn vào trong việc xử lý hình khối kiến trúc. Chúng ta hãy xem xét một số thủ pháp của bà:
Hình 1: Bức vẽ bối cảnh đô thị Hồng Kông (1982) và dự án The Peak
Phân mảng
Phân mảng chính là thủ pháp nhằm phá bỏ các giới hạn trong kiến trúc của Zaha. Nếu coi tổng thể kiến trúc là một khối thống nhất, kỹ thuật phân mảng sẽ phá vỡ và chia cắt nó thành hàng loạt các mảng miếng với sắc thái và công năng khác nhau. Người thiết kế sẽ quan sát và nghiền ngẫm những mảng miếng mới này, nhờ đó tìm ra các cách tiếp cận mới với vô vàn hướng đi, đột phá. Thủ pháp phân mảng được Zaha miêu tả một cách hoàn toàn đơn giản: “Hãy phá nát một hình khối, khiến nó trở nên vụn xốp” và từ đó sẽ xuất hiện “mẫu hình mới đầy tính tổ chức và bất ngờ, chắc chắn gợi mở ra một hình khối mới” . Ví dụ cho kỹ thuật phân mảng là thiết kế câu lạc bộ The Peak ở Hồng Kông (hình 1) – tác phẩm thành công đầu tiên của Zaha. Công trình đã được phân mảng mạnh mẽ, tạo nên sự liên tưởng và đồng điệu với bối cảnh không gian của nó là Hồng Kông – một thành phố đầy sôi động và hỗn độn, nơi hàng nghìn công trình kiến trúc, cao, thấp, lớn, nhỏ, hiện đại hay cũ nát, đan xen với nhau trên một diện tích chật chội kẹp giữa núi và biển. Ở dự án Malevich’s Tektoni – một khách sạn bắc qua sông Theme, Zaha đã từng đập vỡ mô hình con thuyền và sử dụng những mảnh vỡ như nguồn cảm hứng để thiết kế công trình.
Va chạm và giao thoa
Hình 2: Trạm cứu hỏa Vitra, Đức (1990)
Có thể coi đây là thủ pháp tiếp biến của phân mảng. Những mảng miếng, hình khối sau khi được chọn lọc, sẽ được cho di chuyển và va chạm tự do với nhau, kết quả của quá trình va chạm sẽ tác động lên một hay nhiều hình, từ đó tạo nên sự thay đổi về hình thức của chúng như bị tù, vỡ, méo, lõm, cụt … Nếu chúng ta coi đặc tính vật chất của các mảng miếng là không hoàn toàn đặc, thì sau khi các mảng miếng va chạm sẽ đạt được sự giao thoa với các trạng thái như: Ngàm một phần, ngàm toàn bộ hoặc xuyên qua nhau… Kỹ thuật này đã giúp Zaha thiết kế nên những công trình mang tính trừu tượng cao, mạnh mẽ và cứng cáp, điển hình nhất là công trình trạm cứu hỏa Vitra (CHLB Đức – năm 1990). Kiến trúc của trạm cứu hỏa Vitra cho thấy tuy hình khối được tổ hợp từ sự va chạm và giao thoa của nhiều mảng miếng, song nổi bật lên có hai dạng chính: Những mảng miếng to tượng trưng cho những nhà máy xung quanh, trong khi những mảnh dài và mảnh được sắp xếp xuôi chiều với tuyến đường vát chéo chạy qua trước mặt công trình (hình 2).
Bóp méo
Hình 3: Eli and Edythe Broad Art Museum.
Zaha đã sử dụng thư pháp bóp méo để tạo điểm nhấn cho công trình. Những điểm như đỉnh mái, điểm kết thúc của một khối nhà vượt khẩu độ lớn, hiên chơi,… sẽ được Zaha nhấc lên hoặc hạ xuống nhằm tạo nên sự bóp méo nhất định cho hình khối. Khi một điểm được nhấc lên và di chuyển đồng nghĩa các cạnh và mặt chứa điểm đó sẽ chuyển động theo, tạo nên sự biến đổi của khối, thường là theo chiều hướng méo đi. Sự biến dạng này được nhận ra rõ nhất từ các góc phối cảnh thấp với 3 điểm tụ, dạng phối cảnh mà Zaha cho rằng rất quan trọng – Vì nó gần gũi với sự quan sát của mắt thường nhất. Chúng ta dễ dạng nhận thấy thủ pháp này được bà áp dụng trong thiết kế Trụ sở bến cảng Antwerp ở Bỉ (hình 4) hay Bảo tàng Nghệ thuật Eli & Edythe Broad (hình 3).
Hình 4: Trụ sở bến cảng Antwerp, Bỉ
Gấp hình
Thủ pháp này được Zaha sử dụng chủ yếu ở sàn và mái công trình, nhằm tạo ra sự liên tục kì diệu khi mặt phẳng đang nằm dưới chân sẽ đột ngột chuyển lên thành tường và cuối cùng biến thành trần và mái – Và ngay sau đó có thể lại hoàn toàn quay lại thành sàn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, Zaha không bao giờ gấp ở một góc vuông mà luôn gấp ở một góc nhọn hoặc tù. Điều này giúp loại bỏ tính “tĩnh tại”, đồng nghĩa với việc sẽ gia tăng tính “động” cho công trình. Kỹ thuật này tạo ra những diện tường nghiêng độc đáo, có thể mở lên trong trường hợp muốn đón nhận nhiều ánh sáng kết hợp với hướng nhìn ra núi / thành phố, hoặc hướng xuống trong trường hợp muốn thưởng thức hồ nước hoặc sân và cảnh quan vườn tược, hay đơn giản là đủ thoải để đi bộ lên trên công trình. Có thể xem Maggie‘s Centre Fife tại Kirkcaldy, Scotland như công trình tiêu biểu cho thủ pháp gấp (hình 5).
Hình 5: Maggie‘s Centre Fife, Kirkcaldy, Scotland.
Xoắn vặn
Hình 6: Soho Li Ze Tower, Beijing
Thủ pháp này chủ yếu xuất hiện trong các công trình cao ốc hoặc công trình sử dụng thiết kế tham số của Zaha Hadid (đã được chúng tôi đề cập đến trong bài trước). Khi thay đổi một tham số thiết kế, các chi tiết sẽ đồng loạt thay đổi khiến hình khối được xoắn vặn theo một quy luật được tính toán trước. Đôi khi, Zaha lại tiến hành quay phần đế và phần ngọn của công trình theo hai chiều ngược nhau khiến phần thân giữa sẽ được xoắn lại. Việc xoắn vặn này đem đến những cảm giác hết sức mới mẻ và hấp dẫn cho công trình, ví dụ tiêu biểu nhất là Dự án Tháp Soho Li Ze tại Bắc Kinh, Trung Quốc (năm 2007) – (hình 6).
Xói mòn (ăn rỗng)
Hình 7: Tháp văn phòng Opus tại Dubai.
Đây là thủ pháp mô phỏng lại quá trình xói mòn hay ăn rỗng tự nhiên của các vật chất như nước, đá, đất, cát, cây cối… được Zaha quan sát và nghiên cứu tỉ mỉ từ tự nhiên rồi vận dụng vào các thiết kế của mình. Chiều của không gian ăn rỗng có thể tiến từ ngoài vào trong nhà, hoặc từ trên xuống dưới xuyên qua các mặt bằng. Các không gian này đóng vai trò là giếng trời, là hang động nhân tạo cung cấp gió và ánh sáng vào bên trong công trình; đồng thời là không gian thư giãn cho người sử dụng. Hình khối chung của công trình nhờ đó có những điểm nhấn hết sức ấn tượng. Kỹ thuật này được Zaha áp dụng trong các công trình như Tháp văn phòng Opus tại Dubai (hình 7), Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật King Abdullah – (hình 8) hay tháp Soho được đề cập ở trên (hình 6)
Hình 8. Trung tâm văn hóa nghệ thuật King Abdullah.
Hóa lỏng
Zaha Hadid ưa thích việc “nhào nặn” công trình theo hình thái lỏng với những đường cong miên man và liền mạch. Những đường cong được bà vẽ nên từ cảm hứng thư pháp Ả rập và thiên nhiên quê hương Iraq – nơi có những cồn cát miên man quyện vào nhau. Đôi khi, từ khối hình kỉ hà ban đầu, Zaha cho hóa lỏng và tan chảy ở một số khu vực định sẵn như lối vào, điểm kết nối mái và thân nhà, hay điểm liên kết với một khối công trình khác. Thủ pháp này tạo ra sự chuyển tiếp mềm mại trên bề mặt hình khối công trình, hay tạo các không gian đóng / mở / cao / thấp đầy linh hoạt. Nhà ga Nordpark Cable Railway tại Innsbruck, Áo là công trình thi công gần đây nhất được Zaha áp dụng thủ pháp hóa lỏng này – (hình 9).
Hình 9: Nordpark Railway station, Innsbruck, Áo.
Chồng chéo và đan xen
Zaha phản ánh những đặc trưng (chật chội và hỗn độn) của đô thị một cách tài tình ở những dự án nằm trong các thành phố lớn, có mật độ cao, thông qua việc tạo ra hàng loạt khối công trình chồng chéo và đan xen lẫn nhau, tích tụ nhiều hình khối đa dạng không theo quy luật nhất định nào. Thủ pháp này ngay lập tức tạo ấn tượng mạnh mẽ cho công trình, song đồng thời cũng gây cảm giác ngột ngạt và nặng nề nhất định trong khung cảnh đô thị có mật độ cao. Các công trình như bảo tàng Maxxi tại Roma (hình 10) hay The Habitable Bridge tại London thể hiện rõ thủ pháp này.
Hình 10: Bảo tàng Maxxi, Rome, Italy.
Đồng nhất giữa mặt bằng với mặt cắt mặt đứng
Sự liên hệ và tương đồng giữa mặt bằng và mặt cắt / mặt đứng giúp tạo nên sự thống nhất chung cho toàn thể công trình. Thủ pháp này được Zaha áp dụng cho khá nhiều công trình – đặc biệt ở những khu đất bà được tự do hơn về diện tích và không gian như Dự án Regium Waterfront, Reggio Calabria, Italy (hình 11).
Hình 11. Regium Waterfront, Reggio Calabria, Italy.
Một trong những yếu tố giúp Zaha thành công và khẳng định được phong cách thiết kế của mình chính là cách xử lý quan hệ của công trình với mặt đất. Theo bà, quan niệm mặc định công trình phải được định vị ổn định và vững vàng trên mặt đất đã kìm hãm sự sáng tạo của các KTS, khiến họ tạo ra những công trình quá giống nhau. Bằng hàng loạt thủ pháp được trình bày sau đây, Zaha đã thể hiện khát khao lớn của bà trong việc đẩy công trình thoát ly khỏi mặt đất, chối bỏ sự tồn tại của trọng lực. Có thể nói, chuỗi thủ pháp này là yếu tố quan trọng bậc nhất dẫn tới thành công của Zaha Hadid.
Khối vươn ra ngoài vượt khẩu độ lớn
Hình 12: Thư viện đại học WIEN.
Tạo ra những khối lớn vươn ra là tuyên khôn mạnh mẽ nhất của chủ nghĩa giải toả kết cấu – Và cũng là cách giải phóng công trình khỏi mặt đất và chối bỏ trọng lực hoàn hảo nhất. Những khối vượt khẩu độ trong thiết kế của Zaha vừa đem lại cảm giác đầm và chắc nhờ khối tích và vật liệu, vừa đem lại cảm giác thanh thoát và bay bổng nhờ chiều vươn lên và hướng ra không gian bên ngoài. Nổi tiếng nhất trong những công trình sử dụng thủ pháp này là bảo tàng Maxxi tại Roma (hình 10) hay thư viện đại học WIEN tại Vienna (hình 12).
Nâng công trình lên khỏi mặt đất bằng các chóp đỡ hoặc trụ mảnh
Hình 13: Phaeno Science center.
Tại công trình Trung tâm khoa học Phaeno tại Đức – (hình 13) hay Bảo tàng Guggenheim Hermitage ở Vilnius, Lithuania, Zaha đã sử dụng những khối hình chóp cụt nặng và chắc để nâng khối chính công trình lên khỏi mặt đất mà không dùng cột, đồng thời bố trí các không gian sảnh vào, khối thang máy, thang thoát hiểm, hội trường, kho chứa… trong chính các khối nâng đỡ này.
Ngược lại, Zaha đôi khi lại chia nhỏ những bệ (trụ) đỡ mái lớn thành nhiều cây cột mảnh hơn, đẩy nghiêng đi. Thủ pháp này giúp phần dưới của công trình sinh động, thanh thoát và nhẹ nhõm hơn. Khi quan sát từ xa, những khối lớn sẽ tạo ấn tượng lấn át những cột mảnh, khiến công trình như bay lên khỏi mặt đất. Zaha áp dụng thủ pháp này trong nhiều công trình, tiêu biểu là Ga Hoenheim-Nord tại Strasbourg, Pháp – (hình 14).
Hình 14: Ga Hoenheim-Nord.
Nâng công trình lên khỏi mặt đất bằng khối cong hoặc gấp khúc
Trong một số trường hợp, Zaha thiết kế khối chính của công trình theo dạng cánh cung như kết cấu những cây cầu, khiến cho cả công trình chỉ cần tiếp xúc mặt đất tại một số điểm chạm nhất định. Theo cách làm tương tự nhưng với hình gấp khúc, Zaha đã biến những đầu mút và góc nhọn của đường gấp khúc thành điểm tiếp giáp mặt đất hoặc cột đỡ. Chúng ta có thể thấy thủ pháp này trong thiết kế Bảo tàng Guggenheim Hermitage, tại Lithuania hoặc Cầu Sheikh Zayed tại Abu Dhabi
Hình 15 (từ trái qua phải): Spiral Tower tại Barcelona, Tây Ban Nha; Dominion Tower tại Moscow, Nga: Beach Parking tại Miami, Mỹ.
Đa dạng hóa sàn hoặc đẩy sàn vượt trên địa hình
Để tạo ra hình ảnh sống động hơn cho công trình, khiến công trình thoát khỏi ý niệm về mặt đất và trọng lực, Zaha “phóng” sàn của công trình “bay” trên địa hình ấy, chỉ cho tiếp đất tại một số điểm. Thủ pháp này làm cho một công trình càng nổi bật hơn – trong cảm thụ của con người và cả bối cảnh địa hình tự nhiên của những nền đất khó. Zaha luôn cố gắng đa dạng hóa từng mặt bằng sàn trong các công trình cao tầng bằng nhiều cách khác nhau như: Dịch chuyển vị trí các sàn, thay đổi thiết kế mặt bằng, đa dạng cao độ các tầng. Ba công trình dưới đây thể hiện rất rõ thủ pháp này (hình 15).
TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân & ThS.KTS. Hồ Phương Thành
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 3/2017)
Bình luận từ người dùng