Chúng ta có lãng quên mảng NƯỚC trong quy hoạch xây dựng & cải tạo Tp.HCM?

14/12/2017 Lý Thái Sơn
1465
0

Từ NAM VANG - PHNOM PENH

“Ai đã từng đi qua bên xứ Nam Vang, xứ Phnom Penh... sóng trào, nước xoáy” ắt không khỏi ngạc nhiên vì vẻ đẹp và trật tự quy hoạch hoàn chỉnh của nó so với các thành phố lớn khác ở Đông Dương cùng thời (Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt). Cả bốn thành phố này, đều có khối óc, trái tim và bàn tay của nhà kiến trúc tài hoa bậc thầy người Pháp thời bấy giờ : KTS. Ernest Hébrard, với tư cách chủ trì quy hoạch. Và chỉ có hai đồ án Đà Lạt và Nam Vang được thực hiện đến nơi đến chốn đúng với ý đồ thiết kế của Hébrard.

quy hoạch phnom penh

Một góc Phnom Penh

Giống như Thăng Long – Hà Nội mười thế kỷ trước, Nam Vang có hệ thống cảnh quan địa lý tự nhiên (cảnh quan SƠN – THỦY) với gò đống và ao hồ lớn đan xen như chiếc bánh da lợn, giúp bài toán thoát nước đô thị khá thuận lợi. Quy hoạch Nam Vang với hệ thống đường đa cấp rõ nét – tương tự cấu trúc CÂY (thân, cành, lá) không chỉ giúp cho sự giao thông ít bị ách tắc, mà còn có quan hệ hữu cơ với cách tổ chức không gian và phân khu chức năng đô thị hợp lý.

Công thự, công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, bám theo các trục đường Boulevard lớn (đường hai chiều cách ly bởi dãi cây xanh). Các cấp đường nhỏ hơn dẫn đến các BLOCK (đơn vị tế bào cấu tạo nên nhóm nhà ở) có hình dạng và quy mô hợp lý (2 dãy nhà phố, liên kế, hoặc biệt thự đâu lưng nhau, ở giữa là địa dịch hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước) hoàn toàn không cho phép sự hình thành tự phát các khu “ổ chuột” bên trong lòng nó. Bản sắc dân tộc trong kiến trúc Nam Vang là “nghị quyết”, là chủ đề xuyên suốt của Nhà nước Cam-pu-chia, kể cả chính quyền của Thủ tướng Hun Xen đương đại, là tiêu chí thẩm kế kiến trúc đầu tiên đối với bất kỳ đồ án nào dù do kiến trúc sư trong hay ngoài nước thiết kế.

Đến  SÀI GÒN – TP.HCM

Địa hình Tp. HCM có khác so với Nam Vang và Hà Nội. Đất đai bằng phẳng, không có ao hồ lớn đan xen. Bù lại, hệ thống thủy đạo tự nhiên và nhân tạo chằng chịt với tổng chiều dài 1.200km và 240 tuyến giao thông. Riêng sông rạch nội thành, dài trên 115km, chưa kể 23km sông Sài Gòn chảy ngang, chính là ƯU THẾ và VẺ ĐẸP “trời cho” của Thành phố này. Sông rạch không đơn thuần là chuyện GIAO THÔNG VẬN TẢI, hay KIẾN TRÚC CẢNH QUAN mà còn là MÔI TRƯỜNG – SINH THÁI, vấn đề sống còn của mọi vùng đô thị, đặc biệt trong thế kỷ 21.

quy hoạch sông rạch hcm

Kể từ thời điểm 1859, sau khi thành Gia Định (thành PHỤNG) bị hải quân Pháp triệt hạ và san thành bình địa, hết các nhà quy hoạch đô thị người Pháp (trong đó có E.Hébrard) rồi đến người Việt (nữa sau thế kỷ 20) chỉ loay hoay chung quanh cái CHỮ THẬP hợp thành bởi hai trục đường huyết mạch :

  • Trục XUYÊN VIỆT (Đông – Tây) phát triển từ con đường “Mẹ” NGUYỄN TRI thành các đường “con” song hành Lê Thánh Tôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu ...
  • Trục XUYÊN Á (Bắc – Nam) phát triển từ con đường “Mẹ” CÁCH MẠNG THÁNG 8 thành các đường “con” song hành, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng...

Cùng với hàng trăm con đường “cháu” phát triển mở rộng theo hai vạch chuẩn bên trên, Tp. HCM là MỘT BÀN CỜ KHỔNG LỒ với các con đường có bề rộng mặt lộ sàng sàng như nhau, hoàn toàn thiếu vắng tính HỆ THỐNG – CẤU TRÚC. Tổng chiều dài toàn thành 1.240km (tương đương hệ thống thủy đạo), với 1.210 giao lộ, 319 chiếc cầu (dài 117km). Thống kê như sau: 81 đường rộng hơn 18m, 57 đường 12-18m, 325 đường 7-12m và 275 đường dưới 7m. Tóm lại, có 18% đường 12-18m và 82% đường 7-12m.

Làm sao giải được bài toán hóc búa này? Không chỉ là chuyện của các chuyên gia, hay của chính quyền đương nhiệm, mà còn làvấn đề Ý THỨC CÔNG DÂN của từng thành viên trong cộng đồng hơn 5 triệu cư dân thành phố. Có thể giải được bài toán này không khi mà hàng ngày tại 220 giao lộ có hiệu báo giao thông, các ông bố chở con mình – ngồi trên bình xăng – cứ “vô tư” lấn, vượt đèn bất kể màu gì, còn các bà mẹ cũng “vô tư” vất rác bừa bãi xuống lòng lề đường... Không còn ngờ gì nữa, vai trò của GIÁO DỤC CÔNG DÂN và GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG phải được đặt ưu tiên trên mọi ưu tiên.

quy hoạch sông rạch hcm

Ngoài ra, nếu trong quy hoạch định hướng phát triển không gian thành phố có sự hợp lý nhất định, thì ngược lại, các đồ án quy hoạch chi tiết cho thấy sự đóng khung một cách máy móc và cục bộ vào bên trong các ranh giới hành chánh của từng quận, từng phường. Các đồ án quy hoạch phân lô thực dụng đã tạo thêm những Ô CỜ MỚI, góp phần làm trầm trọng thêm các nhược điểm cố hữu trong cấu trúc bàn cờ xưa kia của thành phố. Có quá dễ dãi không khi chúng ta chỉ giản đơn áp đặt các tiêu chuẩn quy phạm trong quy hoạch XÂY DỰNG ĐÔ THỊ MỚI vào một CƠ THỂ SỐNG như thành phố thay vì thích ứng các quy phạm này, với các nguyên lý CHỈNH TRANG, hoặc TÁI CHỈNH TRANG đô thị, dựa trên cái nền cấu trúc đã có một cách linh hoạt và sáng tạo?

Trên thực tế cái mảng NƯỚC sơn màu xanh lơ trên các bản vẽ quy hoạch hầu như bị lãng quên, bị phó mặc, cho đến khi lãnh đạo thành phố hạ quyết tâm TRỊ THỦY bằng các chương trình tổng lực, nạo vét, khai thông hệ thống thủy đạo cách nay gần mười năm. Chương trình NHIÊU LỘC – THỊ NGHÈ mang tính đột phá này (pilot project)  cần được nhận thức như là CÔNG TRÌNH QUAN TRỌNG NHẤT và CÓ Ý NGHĨA NHẤT đối với vận mệnh của thành phố trong giai đoạn lịch sử nửa thế kỷ vừa qua. Đây không chỉ là câu chuyện riêng của Tp.HCM, mà còn của rất nhiều đô thị khác trên khắp đất nước, đặc biệt đối với thủ đô Hà Nội, mà các con “kênh nước đen” Tô Lịch, Kim Ngưu... thật sự là nỗi đau nhức triền miên.

Chương trình TRỊ THỦY xứng danh này chẳng những trả dần lại cái SINH KHÍ cho môi trường – sinh thái (nói theo triết học xây dựng đô thị truyền thống phương Đông), mà còn đem lại một KHẢ NĂNG MỚI cho việc giải bài toán giao thông – vận chuyển một cách tích cực, nhằm giảm bớt áp lực đang đè nặng lên hệ thống đường bộ đã quá tải, khó có hy vọng cải tạo.

quy hoạch sông rạch hcm

Có mơ mộng quá đáng không khi hình dung trong 20 năm đầu của thế kỷ 21, sau khi chương trình trị thủy của thành phố thực hiện thành công, hệ thống đường thủy nội thành có thể giúp giải quyết 20% khối lượng vận chuyển hành khách, rồi 50% sau 50 năm nữa, v.v...

Trong những ngày đầu mưa năm 2000 này, chúng ta đã chứng kiến một cảnh tượng “phi thường”: trẻ con quận 1 và quận Bình Thạnh đã quay lại tắm mát đì đùng dưới cầu “sắt” Bùi Hữu Nghĩa. “Phạm pháp” tất nhiên, bố mẹ các cháu cần nhắc nhở nghiêm khắc. Dù vậy, hiện tượng này đã hé cho chúng ta thấy rằng nước con rạch này đã tốt dần lên một cách đáng yêu. Xa hơn một chút, chúng ta còn có quyền tưởng tượng hình ảnh nhộn nhịp tại các trạm dừng của “tàu” buýt dọc theo 115km kênh rạch nội thành, y hệt như các trạm xe buýt trên bộ, trạm xe ray trên không. Và ai là người ngồi ung dung nhàn tản câu cá bên cạnh các trạm dừng kia, nếu không phải là chính thế hệ của chúng ta hôm nay...? “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”...

Nhân chuyến đi Phnom Penh tháng 03/2002

KTS. Lý Thái Sơn

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1263
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy