TL-KV - Theo tác giả - KTS. Dương Hồng Hiến, Giải thưởng quốc tế về Kiến trúc Xanh của công trình, anh xin trao lại cho các Chủ đầu tư - những người đã có tầm nhìn chiến lược về phong cách kiến trúc tiên phong này.
(Bài tham luận của KTS. DHH tại Hội nghị Ban chấp hành và Hội thảo Kiến trúc du lịch biển đảo VN tại Phú Quốc)
Phú quốc chưa phát triển để trở thành một đô thị hay một đặc khu đúng nghĩa của nó ở giai đoạn này. Âu cũng là điều may mắn cho đất nước theo một góc nhìn riêng.
Đó là quan điểm của bài tham luận này.
Các đô thị VN, đặc biệt các vùng có lợi thế về du lịch ở đất nước ta đang còn phải hứng chịu những cách khai thác không đồng bộ, thiếu tổ chức, thiếu triết lý và tính khoa học của nó. Do đó hầu hết các vùng được khai thác đặc biệt là mảng du lịch phải gánh chịu những hậu quả không tốt từ những dự án đầu tư chen chúc và “mạnh ai nấy làm”.
Ở những dự án vùng biển, việc khai thác bờ biển đẹp, khu vực có bãi tắm tốt nhất, cát trắng nhất đã được khai thác từ sớm. Điển hình Mũi Né, Phan Thiết với một vệt dài hàng chục km đã bị chiếm đóng xong kể từ ngày có nhật thực năm 1995 với hàng trăm khu du lịch mini chen chúc như nhà phố. Đà nẵng với hàng chục km nối đuôi nhau kể từ khi Furama khởi sự khai thác. Đây là bãi tắm tốt nhất của Đà Nẵng. Ngày nay đi ngang qua bãi tắm này chỉ thấy vách tường rào. Ở Nha Trang, hòn đảo của Vinpearl Land resort đã có thêm những hòn núi giả với khu giải trí và những con đường xẻ dọc đồi núi để tráng nhựa. Các hòn Tằm, Hòn Tre vừa đón khách vừa đón luôn hàng trăm… ký rác thải mỗi ngày được dấu trong các bụi rậm.
Như vậy, ngày nay người ta yêu thiên nhiên đến mức họ tấn công thẳng vào vẻ đẹp thiên nhiên để khai thác nó, bóp méo nó, nắn nó lại để phục vụ cho công cuộc kinh doanh. Dĩ nhiên những điều đơn giản này ai cũng thấy nhưng không phải ai cũng có được quyền để ngăn chận hoặc có điều kiện thuận lợi để góp phần thay đổi, hoặc là vì lợi nhuận mà cố tình bỏ quên. Điều này muốn giải quyết phải có một chiến lược rõ ràng, có tính dự phóng lâu dài với đầy đủ sự hiểu biết của tri thức. Và tất cả những điều vừa nói phải xuất phát đầu tiên từ những nhà quản lý đô thị và hệ thống giáo dục xã hội. Hai “gọng kềm” này sẽ giúp cho những nhà đầu tư định hướng được con đường mình đi và xã hội sẽ ủng hộ và đánh giá đúng được việc làm của nhà đầu tư.
Xin lấy trường hợp của một công trình Kiến trúc Xanh. Khách sạn Resort Mango Bay. Giá phòng của Mango Bay Resort bình quân là usd 120/phòng và luôn phải đặt trước. Đây là một resort có số lượng khách châu Âu đến ổn định và được đánh giá rất cao với những gì được gọi là khu nghỉ dưỡng du lịch cho khách nước ngoài ở Phú Quốc.
Như vậy nếu so với các khu resort khác, Mango Bay Resort không thua kém bất kỳ khu nào được đầu tư kỹ lưỡng với thiết kế nhân tạo hoàn hảo trong cùng thời kỳ. Nhưng nhìn vào những gì MGB có thì cả một điều ngạc nhiên: Nhà lá, vách đất nện (ramned earth), không trồng cây mới, sử dụng lại cây bụi có sẵn từ trước, không lối đi. Mới nhìn vào không khác một khu vườn sau nhà của một gia đình ở đảo Phú Quốc và sẽ không nhận ra đây là khu nghỉ dưỡng nếu không thấy vài người châu Âu đi qua đi lại. Trong phòng không TV, không tủ lạnh, không máy lạnh, không điện thoại.
Tôi tham gia thiết kế và theo dõi thi công vào năm 2003 mới hiểu hết triết lý của nhà đầu tư. Đây là công trình của 3 người Anh và Ireland, họ cương quyết không chạm nhiều vào thiên nhiên, không thay đổi nó, không làm tổn hại nó bằng sự tham gia của hoạt động du lịch khai thác của mình. Biến những gì có tại chỗ trở thành cái hấp dẫn, cái riêng của khu resort để thu hút khách. Điều này tạo nên sự cách biệt với những khu du lịch ở khắp nơi trên khu vực Đông Nam Á với thiên nhiên… ”nhân tạo”.
KTS. Dương Hồng Hiến
Để kết luận cho bài này tôi xin nói rằng, với những công trình du lịch Biển tại VN nói chung và Phú Quốc nói riêng, cần phải đi tìm cho ra những triết lý riêng biệt cho khu vực. Đối với vùng này phải như thế này, đối với vùng kia phải khác. Đối với Hội An, thiết kế theo kiến trúc cổ nhái lại thời đó đúng không? Đối với Vũng Tàu, kiến trúc giống Phan Thiết, Phu Khet Thái Lan không? Đối với Phú quốc tường gạch xây, mái ngói đúng không? Công trình bê tông đúng không? Mật độ bao nhiêu là vừa? Cá tính nào cho những vùng riêng biệt này? Điều này phải được bàn lại kỹ lưỡng trước khi cho đầu tư cùng với sự chia sẻ giữa nhà quản lý với dư luận xã hội và ngược lại sẽ giúp xây dựng được những tiêu chuẩn riêng cho từng trường hợp. Riêng đối với Phú Quốc, hòn đảo thiên nhiên còn lại trong số không nhiều lắm những gì còn sót lại của thiên nhiên VN, ta cần phải “viết lại lý lịch” của nó bằng cách sử dụng chính nguyên liệu, tâm hồn và thể xác nguyên trinh của nó để khẳng định với ngành du lịch VN là không ai có thể làm thay đổi “lý lịch và con người” của hòn đảo ngọc Phú Quốc.
KTS Dương Hồng Hiến
Bình luận từ người dùng