Nhà phố muôn năm?

Nhà phố và Vỉa hè...

Nhân lúc bà con đang bình luận xôn xao về việc giải tỏa hè phố, mời đọc lại bài viết về nhà phố viết cách đây đã lâu. Bài hơi dài, tóm lại là cuộc sống cư dân đô thị của ta hiện nay vẫn sống bám theo trục đường,hình thành lên nhà phố. Không như theo lí thuyết quy hoạch cư dân đô thị phải có nơi ở tách biệt (hình thức nhà chung cư nơi trung tâm hoặc nhà ở riêng lẻ bố trì tại khu vực ngoại ô) khỏi nơi làm việc, nhà phố của ta vừa là nơi ở vừa là nơi kinh doanh cho thuê mặt bằng...

Cái bất tiện của nhà phố ai cũng biết từ giao thông tới PCCC,từ môi trường đến mỹ quan đô thị... Tuy nhiên để giải quyết vấn nạn nhà phố không hề đơn giản, từ kinh tế tới tâm lí, hình thức việc làm... Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ đô thị của chúng ta mới chấm dứt việc cư dân sinh sống buôn bán theo hình thức nhà phố? Câu trả lời xin dành cho các nhà kinh tế học, xã hội học, tâm lí học, đô thị học, không dành cho KTS.

Theo đó cái liên hệ mật thiết với nhà phố hiện nay chính là cái vỉa hè mà chúng ta đang đề cập đến. Vỉa hè của ta không chỉ là để đi bộ (người ta chỉ đi bộ nhiều ở những khu phố trung tâm) mà vỉa hè chính là cái không gian đệm giữa nhà phố và đường. Muốn đi từ nhà ra đường phải thông qua hè phố và ngược lại. Cũng chính vì cuộc sống làm ăn buôn bán bám theo trục đường nên vỉa hè bây giờ trở thành chỗ để xe, thậm chí còn bày bàn ghế các vật dụng linh tinh khác ra hè phố. Vì vậy khi đặt vấn đề giải tỏa việc chiếm dụng hè phố là đặt vấn đề bỏ hình thức nhà phố, hệ quả trước mắt ảnh hưởng đến việc làm của rất nhiều cư dân đô thị. Từ anh bán quán bán tạp hóa cho đến anh thuê mặt bằng... Bán quán mà không có chỗ để xe thì chẳng ai vô, chưa nói đến một lực lượng hùng hậu các chị em buôn gánh bán bưng...

Vậy giải pháp nào cho việc giải tỏa chiếm dụng hè phố? Theo tôi chỉ những khu vực trung tâm của đô thị thì nên giải tỏa để tạo vẻ đẹp đồng thời tạo lối cho người đi bộ (vì thực ra chỉ ở trung tâm người ta mới đi bộ trên hè phố nhiều). Hoặc ít ra nơi nào có hè phố rộng rãi có thể kẻ vạch sơn dành một phần để xe. Ngoài ra ở những khu vực xa trung tâm chắc phải sống chung với lũ một thời gian khá lâu nữa cho đến khi hình thức nhà phố được chuyển đổi. Có chăng chỉ dẹp bàn ghế các vật dụng che kín... còn chỗ để xe vẫn phải chấp nhận để trên hè phố phục vụ cho việc kinh doanh buôn bán. Hay bà con nào có cao kiến khác?

Nhà phố và... Nhà phố

Nhà phố hay nhà ống nói theo cách gọi trước đây là sản phẩm hình thành do quá trình đô thị hóa. Sự tập trung dân cư tại một khu vực khiến nhu cầu nhà ở tăng lên.  Vườn tược lúc này được chia nhỏ thành những lô đất với chiều rộng khoảng 4-5m tiếp xúc với trục đường nhằm thuận tiện cho việc giao thông, sinh hoạt, buôn bán…

Trước đây do điều kiện kinh tế, do kỹ thuật xây dựng còn hạn chế, người ta chấp nhận nhà ở đô thị với hình thức nhà ống như vậy. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay từ thị trấn đến thị xã, từ thành phố đến thủ đô đi đâu cũng nhan nhản nhà phố mọc lên. Không gian đô thị được hình thành bởi hàng loạt nhà phố ngang 4m với các hình thức kiến trúc lộn xộn nhìn rất khó chịu. Không thấy đâu là cái đẹp của hình khối kiến trúc làm điểm nhấn của đô thị, không thấy đâu là khoảng xanh, là không gian thư giãn, giải trí cho cư dân đô thị.

Dân Việt mình có tâm lý xưa nay vẫn cứ thích ở nhà phố, họ không thích ở chung cư. Mặc dù đã lên phố rồi nhưng họ vẫn thích có một căn nhà be bé là của riêng mình, có cái sân mà để xe mà trồng vài cây kiểng thỉnh thoảng ra ngắm. Nội thất trong nhà thì sao cũng được chứ kiểu dáng mặt tiền phải khác nhà hàng xóm một tí, đặng có ai tới thăm để mà khoe. Đi làm về nóng nực cởi trần xách ghế ngồi trước nhà ngắm thiên hạ đi qua đi lại, buồn tình rủ ông bạn hàng xóm ra quán cóc đầu hẻm lai rai vài xị, thú vị lắm. Không như ở chung cư, nhà nào như nhà nấy chỉ khác nhau con số treo trước cửa, nhiều lúc say xỉn về còn đi lộn qua nhà hàng xóm. Ở trong phòng mãi cũng chán, muốn làm vài ve, vào nhà hàng thì ngại, quán cóc thì không có, đi đâu ra khỏi nhà cũng phải áo quần vào cho nghiêm chỉnh, phiền phức quá.

Ngược lại có căn nhà mặt phố vừa ở, vừa cho vợ con nó buôn bán linh tinh cũng kiếm được tiền chợ. Có tí tiền trong nhà lùng mua cho được đâu đó lô đất để dành, chờ lúc giá lên bán đi kiếm số tiền có khi cả năm lương chưa bằng. Hoan hô nhà phố!

Các nhà kinh doanh địa ốc họ nói gì? Sướng quá, cứ xin dự án xong, đền bù giải tỏa, bỏ ra ít tiền làm hạ tầng phân lô rồi bán kiếm lời, thu hồi vốn nhanh lắm, không như xây chung cư, bỏ vốn ra nhiều, thời gian thi công lâu mà chắc gì đã bán được? Hoan hô nhà phố!

Đứng về góc độ chuyên môn ai cũng thấy được cái tác hại của việc cư dân đô thị sống theo hình thức nhà phố, từ cảnh quan đô thị đến giao thông, môi trường, phòng cháy chữa cháy… thậm chí việc cư ngụ theo hình thức nhà phố còn ảnh hưởng tới tập quán, lối sống và cả văn hóa của con người ta nữa, con người ta dường như ích kỷ hơn, kèn cựa nhau hơn, dễ nổi nóng hơn khi ở trong nhà phố… Người ta nói môi trường ở cũng một phần tạo nên tính cách con người là vậy.

Đành rằng về tâm lí ai cũng muốn có một cái gì đó là riêng tư của mình, nhưng khi đã chấp nhận cuộc sống ở đô thị anh phải hy sinh cái riêng tư cho cái đẹp, cái tiện lợi chung. Nếu muốn riêng tư anh có thể về miền quê, hoặc nếu có tiền anh có thể mua lô đất được qui hoạch riêng để xây một căn biệt thự theo ý thích.

Việc lý luận mua nhà mặt phố để tiện buôn bán kinh doanh xem ra không ổn, trong 100 căn nhà phố may ra được mươi nhà là mặt tiền chính còn đa số ở trong hẻm không buôn bán được gì. Cũng chẳng ai tính toán bằng cách bỏ ra mấy trăm cây vàng mua nhà mặt tiền chính để buôn bán kiếm ngày vài trăm ngàn cả. Kể cả phong trào bỏ tiền ra mua đất nền để chờ lên giá sẽ đến ngày không còn nữa, bởi vì chẳng có đất nước nào muốn phát triển kinh tế bằng cách khuyến khích dân chúng nhà nhà kinh doanh địa ốc, người người kinh doanh địa ốc thay vì bỏ tiền nhàn rỗi ra làm ăn hoặc góp vốn cho các doanh nghiệp khác làm ăn bằng cách gởi ngân hàng hoặc mua chứng khoán…

Nhà phố và Kiến trúc sư

Các công ty kinh doanh địa ốc thường nhờ KTS thiết kế qui hoạch theo hình thức phân lô. Thực ra việc chia đất thành từng lô ngang 4m dài 20m, coppy một vài mẫu nhà phố nào đó có sẵn rồi đưa vào hồ sơ thì không thể gọi là qui hoạch được. Việc phân lô như vậy thậm chí không cần tới kiến trúc sư.

Đã đến lúc chúng ta phải có quan niệm về quản lý đô thị với cái nhìn bao quát hơn. Chúng ta phải quản lý trong hình thức ở của cư dân đô thị, đâu là nơi ở, ở theo hình thức nào, chỗ nào ở theo dạng chung cư, chỗ nào ở theo dạng biệt thự, đâu là nơi làm việc, đâu là nơi học tập, buôn bán, đâu là không gian vui chơi giải trí, đâu là công viên, là khoảng xanh cho đô thị... Hình thức nhà phố chỉ được hình thành ở một số tuyến đường nhất định và phải được quản lý chặt chẽ về hình thức kiến trúc. Không thể để cho các khu nhà phố phát triển một cách ồ ạt. Đến khi nhìn lại không gian đô thị bị bịt kín không có khoảng thở khoảng xanh lúc này mới đi chữa cháy bằng cách thiết kế nên những căn nhà phố với các loại vườn trên sân thượng, thậm chí bịt kín các loại cây xanh trước mặt tiền nhà rồi cho đó là kiến trúc xanh.

Kiến trúc xanh đơn giản như vậy sao? Chưa nói về chi phí để tạo dựng bảo trì các loại vườn treo như vậy, chúng ta nghĩ sao khi nhìn một thành phố bị che phủ bởi một rừng cây? Hãy để kiến trúc thực hiện vai trò của kiến trúc, hãy để cái đẹp của hình khối kiến trúc làm bộ mặt cho đô thị, hãy để cây xanh làm nhiệm vụ của cây xanh, hãy để cây xanh làm tôn lên cái đẹp của công trình chứ không phải che phủ công trình.

Thiết kế nhà phố - Công năng và Mỹ thuật

Như đã nói ở trên trong qui hoạch việc phân lô theo dạng nhà phố thì không cần tới vai trò của KTS, hay nói đúng hơn việc qui hoạch như vậy không mang tính khoa học trong thiết kế đô thị. Kể cả trong thiết kế công trình nhà phố hầu như KTS chẳng biết tư duy gì, từ công năng đến mỹ thuật.

  • Về công năng: trong nhà phố việc thiết kế các phòng ốc hầu như giống nhau: phòng khách tới cầu thang - nhà ăn, bếp - nhà vệ sinh, trên lầu là các phòng ngủ... Hết! không biết kiến trúc sư phải “binh” đường nào cho khác đi?
  • Về mỹ thuật: cái đẹp bên ngoài của công trình kiến trúc cũng như cái đẹp của tác phẩm điêu khắc vậy, nghĩa là cái đẹp thiên về hình khối. Nhà phố với đặc điểm hai bên bị che khuất bởi hai nhà kế cận, không thể tư duy hình khối gì trên một mặt phẳng ngang 4m cao mười mấy mét ấy cả. Nhiều công ty cứ bịa ra vẽ vời, thụt ra thụt vào, thêm lam thêm lỗ, nay ốp thứ này mai ốp thứ khác… tất cả chỉ để lừa chủ đầu tư để kiếm tiến thôi, chứ chẳng có mỹ thuật gì trong những mặt đứng như thế cả, thậm chí càng chế biến thêm thắt càng phá vỡ bộ mặt của đô thị.
  • Về không gian bên trong: việc thiết kế nội thất bị hạn chế trong một cái ống, thật khó để có một sản phẩm khác biệt dù anh có là không gian mở hay đóng, rất bí cho việc tìm cho ra một view nhìn lí tưởng trong cái ống như vậy.

Nhiều đứa hỏi mình nếu kiến trúc sư không thiết kế nhà phố thì thiết kế cái gì? Nhà biệt thự thì được mấy căn trong khi kiến trúc sư thì nhiều, các công trình lớn như chung cư, khách sạn, văn phòng… Các công ty có thế dành phần hết rồi, thậm chí các cty nước ngoài cũng nhảy vào cạnh tranh nữa?

Qủa thật dòng họ Kiến (Kiến trúc sư) nhà mình lúc này sinh sôi nhiều quá, ngày xưa người ta nói đông như quân Nguyên, ngày nay họ nói đông như kiến, thậm chí nhiều đứa ác khẩu nó còn nói bu như kiến nữa mới đau chứ, đúng là mang tiếng cho dòng họ kiến nhà mình quá đi mất!

Qủa này chắc phải đổi nghề, nhưng mà khổ nỗi đã U60 rồi đổi qua nghề quái gì được, có mà đổi qua nghề ăn… mày!

Hay là thôi, nói thì nói vậy nhưng vẫn quay ra ủng hộ nhà phố đặng có việc mà làm, “nhà phố muôn năm”, còn bộ mặt đô thị dăm ba mươi năm nữa ra sao, mackeno, vả lại đến lúc đó mình cũng ngủm mất tiêu rồi còn đâu. Hu, hu.......

Saigon 2011

KTS. Nguyễn Văn Sáng

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1264
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy