Tôi học Kiến trúc: “môn Lý thuyết Kiến trúc của Trường Cao đẳng kiến trúc SG"

Học Kiến trúc thì cố nhiên môn lý thuyết kiến trúc là quan trọng nhất, vậy mà ngoài những bài kiến trúc nhập môn, kiến trúc cổ điển phân tích học ở năm thứ nhất, bài thi cũng chỉ là một bài tiểu đồ án (A2) thời các năm sau trong hệ thống các môn học scientifique không còn giảng dạy và không thi môn này nữa.

Sinh viên họa thất thường căng bảng ở góc sân này 

Các bạn thấy có lạ không?

Và như vậy thì kiến thức về kiến trúc sinh viên hấp thụ được từ đâu?

Sự thật là các trường kiến trúc theo hệ thống giảng dạy của trường Beax Arts Paris có một phương pháp truyền thụ lý thuyết kiến trúc thông qua việc cho sinh viên làm đồ án, rất độc đáo và hiệu quả.

Các đồ án được ra đề theo 18 thể loại, mỗi năm ra 8 đề cho 8 tháng học và một đề hè, như vậy hai năm thì ra hết một vòng và năm tiếp theo sẽ trở lại thể loại đầu tiên.

Các đề tài đó, theo tôi nhớ, nằm trong các lĩnh vực sau:

Dân dụng, Công trình công cộng, Công sở, Giáo dục, Y tế, Thể thao, Du lịch, Giải trí, Bến cảng, Sân bay, Nhà ga xe lửa, Bến xe, Trung tâm thương mại, Siêu thị, Hội chợ, …

Cả cấp II và cấp I đều làm cùng một đề tài, nhưng mức độ phức tạp và qui mô công trình khác nhau.

Ví dụ về giáo dục thì cấp II làm trường mẫu giáo, trường tiều học, cấp I làm trường trung học, trường đại học.

Một tuần trước ngày lãnh đề, vị giáo sư được phân công ra đề sẽ có một buổi giảng lý thuyết về đề tài đó tại hội trường lớn, tất cả sinh viên các lớp đều có quyền tham dự, sau buổi thuyết giảng giáo sư còn cung cấp danh mục các tài liệu, các cuốn sách mà mình đã tham khảo để sinh viên có thể vào thư viện nghiên cứu kỹ hơn.

Ngày lãnh đề thư viện đóng cửa, cổng trường cũng khóa từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, ngày làm họa cảo đồ án cấp II thì sinh viên cấp I không được vào trường, các giáo sư cũng tránh không vào trường, qui định này mang tính nguyên tắc thôi nhưng thường vẫn được mọi người tuân thủ nghiêm túc.

Họa cảo đồ án (esquisse de projet) là mặt bằng (plan) bố trí các thành phần chính của đồ án, tỷ lệ 1/100, diễn tả hình dáng phòng ốc, tỷ lệ các phòng chính, hành lang liên hệ giữa các phòng chức năng (parties) bằng chì trên giấy can hai lớp có lót giấy than, bản chính phải nộp lúc cuối giờ ngày đó, bản dưới thì sinh viên giữ lại để ghi nhớ parties của mình, điều này rất quan trọng, vì đổi parties là phạm trường qui, bài sẽ bị loại.

Qui định này rất hay vì nó buộc sinh viên phải theo dõi bài giảng lý thuyết của giáo sư ra đề cũng như tìm đọc tài liệu tham khảo thật nghiêm túc từ tuần trước, để chỉ trong 12 giờ của ngày làm họa cảo phải tìm ra một partie đúng cho đồ án của mình.

Một tuần lễ hoặc mười ngày sau tùy theo qui định của mỗi họa thất, sinh viên nộp bản lưu partie của mình cho vị giáo sư hướng dẫn, vị này nghiên cứu, phân loại các parties thành các nhóm và giảng lại những điểm chính của đề tài và định hướng tìm tài liệu nghiên cứu phát triển đồ án cho từng loại parties.

Sau đó còn có ít nhất là 3 buổi sửa bài để hoàn thiện đồ án.

Vì 5 họa thất có lịch sửa bài khác nhau nên sinh viên cũng có thể vào nghe ý kiến sửa bài của giáo sư các họa thất khác, gọi là đi chu du tìm ý (voyage d’étude).

Ba ngày trước ngày nộp bài là ngày căng bảng, bảng bồi giấy Canson phơi trắng khắp các bãi trống trong khuôn viên trường, cổng trường và cửa năm họa thất bắt đầu mở suốt ngày đêm.

Ngày cuối cùng trước giờ nộp bài giáo sư trưởng họa thất còn đi thêm một vòng nữa để chỉ bảo thêm, thường thì các thầy chỉ ghé các bài đã gần hoàn tất, đặc biệt là bài của học trò cưng.

Phòng chấm bài là một không gian rộng thênh thang, tất cả các bài được treo trên giá thành những hàng dài, sau khi niêm yết kết quả chấm bài, căn phòng này được mở cửa để sinh viên vào nghiên cứu, gọi là triển lãm, các dấu ghi của ban giám khảo trên bài còn giữ nguyên, giáo sư trưởng họa thất dẫn học trò đi voyage và giảng giải cho sinh viên của mình thật thấu đáo tại sao bài này đậu, bài kia rớt. Sinh viên cũng có quyền tranh luận thẳng thắn với thầy mình.

Bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng kiến trúc SG

Như vậy mỗi kỳ làm một đồ án, sinh viên có ít nhất ba lần được nghe giảng lý thuyết, hai lần có cơ hội vào thư viện tham khảo tài liệu.

Vì vòng quay của các đề tài là 2 năm nên trong đời mỗi sinh viên, từ cấp II lên cấp I phải có ít nhất là ba lần làm đồ án trên cùng một đề tài, nghĩa là 3x3=9 cơ hội nghe giảng và 3x2=6 lần nghiên cứu tài liệu về mỗi thể loại công trình.

Trên thực tế thì cơ hội nhiều hơn nhiều lần lắm.

Sự tiếp thu của sinh viên được đánh giá bằng những trị số (valeur) mà họ đạt được.

Đủ 20 valeurs là người sinh viên đã hoàn toàn nắm vững lý thuyết kiến trúc.

Đó là lý do vì sao môn lý thuyết kiến trúc không dạy không thi trong hệ thống các môn học scientifiques mà vẫn được nghiên cứu rất sâu, rất thấu đáo.

Các bạn có đồng ý với tôi như thế không?

Cho dù như vậy mà sau khi tốt nghiệp tôi cũng chỉ dám tự cho mình có 2,5 - 3 điểm và thú thực là trong những thiết kế đầu đời tôi còn phạm nhiều lỗi ấu trĩ.

(Ảnh)

Ghi chú của KTS. ĐXĐ: Đây là cái poster Dương Mạnh Tiến làm cho tôi, hồi xưa chỉ có hình trắng đen thôi. Tôi vẽ khu vườn trong một chiếc ly pha lê dùng để uống rượu vang, thứ rượu mà khi người Bồ Đào Nha mang qua Trung quốc được người  Tầu gọi là rượu Bồ đào.

"Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi"

(Bài Lương châu từ của Vương Hàn đời Đường)

 

ĐỖ XUÂN ĐẠM - Sài gòn, 24-10-2010

 

(*)(TLKV) - Một số điểm đáng chú ý:

Năm 1945: Chính phủ Pháp công nhận văn bằng Kiến trúc sư của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Trường Kiến trúc thuộc Trường Mỹ thuật Đông Dương, sau này là Trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn) có giá trị để hành nghề tại Pháp và Đông Dương (N.Đ. 6-2-1945). Sau khi dời vào Đà Lạt được mấy tháng, vì thời cuộc, Trường Kiến trúc phải ngưng hoạt động.

Năm 1947: Trường Kiến trúc Đông Đương, sau mấy niên học ngưng hoạt động được mở lại tại Đà Lạt kể từ ngày 1 tháng 2 năm 1949.

Năm 1948: Được coi là một trường kiến trúc địa phương của Pháp. Trường Kiến trúc tại Đà Lạt phải chịu lệ thuộc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris về chương trình áp dụng, hệ thống kiểm soát, thi cử, cấp văn bằng (N.Đ. 6-9-1948).

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1522
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy