Nếu có không gặp may trong chuyện thi cử và học hành, bạn cũng đừng buồn. Cuộc sống đã chứng kiến nhiều nhân vật từng bỏ lỡ chuyện học hành để theo đuổi đam mê hoặc có những người chưa từng thi đỗ đại học nhưng công việc cũng có những thành quả nhất định.
Bài viết này tổng hợp 9 kiến trúc sư nổi tiếng, có uy tín trên toàn thế giới và họ đều có một điểm chung đó là chưa từng đào tạo qua trường lớp về kiến trúc.
Điều này cũng mở ra một con đường cho những người yêu thích ngành kiến trúc nhưng chưa từng trải qua trường lớp đào tạo về chuyên ngành này. Mọi thứ sẽ đến nếu thực sự biết mình muốn gì và khả năng của mình đến đâu trong việc theo đuổi ham muốn đấy.
Danh sách gồm có:
1. Frank Lloyd Wright
Frank Lloyd Wright, người được Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ đặt danh hiệu “kiến trúc sư Mỹ vĩ đại nhất mọi thời đại” vào năm 1991, không hề có bằng kiến trúc sư, mặc dù ông nhận được tấm bằng tiến sĩ ngành mỹ thuật ở độ tuổi tám mươi. Vì hoàn cảnh gia đình và không hài lòng với hệ thống giáo dục, ông đã rời khoa kỹ thuật dân dụng, trường Đại học Wisconsin, Madison chỉ sau một năm học vào năm 1887. Ông chuyển đến Chicago và làm trợ lý cho kiến trúc sư J.L Silsbee để lấy kinh nghiệm thực tế. Trong thời gian làm việc với J.L Silsbee, Wright đã nộp hồ sơ vào văn phòng Adler & Sullivan và dành 6 năm sau đó học việc tại đây.
Tại văn phòng này, Louis Sullivan là người cung cấp nền tảng kiến trúc cho Wright, trước khi ông thành lập công ty riêng vào năm 1893. Mặc dù sự nghiệp của ông có không ít bê bối và bi kịch, chúng ta không thể phủ nhận danh tiếng vô song của Wright cũng như sự đóng góp của ông với kiến trúc Hoa Kỳ. Ông ấy vẫn tiếp tục đưa ra quan điểm hoài nghi về nền giáo dục chính quy, như ông đã nói vào năm 1955: “Nền giáo dục, tất nhiên, luôn dựa trên những gì đã có từ trước. Nền giáo dục cho bạn thấy những thứ ở thời điểm hiện tại và bắt bạn tự suy luận những gì có thể xảy ra. Nền giáo dục mà chúng ta theo đuổi không thể dự đoán trước được. ”
2. Louis Sullivan
“Người thầy” của Wright, Louis Sullivan, có sự nghiệp học hành khá thất thường. Chủ nhân của câu nói nổi tiếng “Hình thức đi theo chức năng” (form ever follows function) tốt nghiệp trung học ở tuổi 16 vào năm 1872 và được nhận vào Học viện Công nghệ Massachusetts, trường kiến trúc duy nhất tại Mỹ ở thời điểm đó. Tuy nhiên, ông đã rời trường vào cuối năm học vì thiếu kiên nhẫn. Ông có khoảng thời gian học việc ngắn với kiến trúc sư Frank Furness ở Philadelphia, sau đó là với kỹ sư, kiến trúc sư William Le Baron Jenney, một nhân vật quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Trường Kiến trúc Chicago.
Mùa hè năm 1874, Sullivan sang châu Âu và nhập học Trường Mỹ thuật Paris. Ông cũng chỉ theo học ở đó một năm và đồng thời thực hiện những chuyến đi ngắn đến Florence và Rome trong thời gian còn đi học. Sau khi trở lại Chicago vào tháng 6 năm 1875, ông làm việc vẽ sơ đồ thiết kế ở một số nơi và gia nhập văn phòng của Dankmar Adler vào năm 1879. Trong suốt mười bốn năm làm việc với Adler, ông đã tạo ra hơn một trăm công trình, đặc trưng với gu thẩm mỹ hiện đại. Khi viết về lý thuyết và triết lý kiến trúc, ông chia sẻ về sự không hài lòng của Wright với nền giáo dục chính quy vào năm 1894, “Thật lạ khi dường như nền giáo dục, trên thực tế, thường có nghĩa là cấm đoán: thay vì khai sáng tâm trí, nó làm mọi thứ trở nên tăm tối và mệt mỏi”.
3. Le Corbusier
Trong khi đang tìm hiểu về công việc chế tác hộp đựng đồng hồ của cha ở tuổi 15, kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị người Thụy Sĩ đã đăng ký nhập học trường École des Arts Décoratifs ở quê hương La Chaux-de-Fonds, Thụy Sĩ. Ba năm sau, giáo viên lịch sử nghệ thuật Charles L’Eplattenier cho rằng cậu bé nên trở thành một kiến trúc sư và giúp cậu tham gia vào các dự án địa phương. Theo lời khuyên của thầy giáo, Corbusier trẻ tuổi đã đi khắp Châu Âu từ năm 1907 đến năm 1911, đến các thành phố như Athens, Venice, Viên, và Munich, trong khi học việc tại nhiều văn phòng kiến trúc: Auguste Perret ở Paris (1907), Josef Hoffmann ở Vienna (1908), và Peter Behrens ở Berlin (1910-11). Ông trở về nhà vào năm 1912, cùng dạy học với thầy giáo của mình và mở văn phòng kiến trúc, trước khi chuyển đến Paris năm 1917.
4. Mies van der Rohe
Người đặt ra câu châm ngôn “Less is more” sinh ra trong một gia đình thợ đẽo đá ở Aachen, Đức, và điều này có nghĩa là ông ít có cơ hội được học hành tử tế. Định hướng làm thợ nề khi còn học ở trường nghề, Mies đã làm công việc phác hoạ các chi tiết trang trí kiến trúc cho nhiều kiến trúc sư ở Aachen, một công việc giúp rèn luyện kỹ năng vẽ và phác thảo. Vào năm 1905 khi ông 19 tuổi, Mies chuyển đến Berlin để làm cho một kiến trúc sư nhưng đã từ bỏ để theo Bruno Paul, nhà thiết kế đồ nội thất hàng đầu, học việc.
Sau sự thể hiện ấn tượng trong nhiệm vụ độc lập đầu tiên của ông vào năm 1907, Ngôi nhà Riehl, Peter Behrens đã đề nghị Mies làm việc trong văn phòng của ông. VIệc liên kết trong 4 năm với Behrens, thành viên đứng đầu Deutscher Werkbund, đã giúp ông tạo dựng mối quan hệ với các nghệ sỹ và thợ thủ công có cùng chí hướng, những người ủng hộ “cuộc hôn nhân giữa nghệ thuật và công nghệ”. Sau khi rời văn phòng của Behrens vào năm 1912, Mies mở văn phòng của riêng mình và đã rất thành công với các dự án thiết kế nhà riêng cho tầng lớp thượng lưu của Berlin.
5. Buckminster Fuller
Được xem là một trong những nhân vật xuất sắc nhất trong thời đại chúng ta, Fuller cũng không có mối quan hệ bền vững với nền giáo dục chính quy. Ông đã bị trường Đại học Harvard buộc thôi học không phải một mà đến hai lần.
Ông đã tiết lộ hoàn cảnh của mình trong một bài giảng năm 1961: “Bố tôi qua đời từ khi tôi còn nhỏ. Mặc dù gia đình tôi không khá giả gì, tôi đã theo học trường dự bị cho những gia đình giàu có và được nhận vào Harvard. Tôi sớm nhận thấy mình sẽ chẳng thể tham gia vào các câu lạc bộ vì tôi không giàu có, cũng không có ai chỉ dẫn và hầu hết thành viên của các câu lạc bộ đã được hội sinh viên tốt nghiệp sắp xếp từ trước. Cho đến thời điểm đó, tôi không hề biết rằng có một hệ thống tầng lớp xã hội và sinh viên cũng có các cấp bậc khác nhau. Tôi hoang mang vì thế giới Harvard lý tưởng của tôi dần tan vỡ, tôi vờ như bỏ bê việc học, trốn tiết và bị đuổi. Khi rời trường, tôi đi làm rất chăm chỉ. Ngay sau đó, những báo cáo được gửi đến Harvard nói rằng tôi có phẩm chất tốt và có khả năng, tôi thực sự cần phải quay lại trường học. Vì thế Harvard đã đưa tôi trở lại.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ tôi bị coi là một kẻ nổi loạn và không tìm thấy người bạn cũ nào. Điều này từng làm tổn thương tôi rất nhiều. Tôi lại bỏ tiết, tiêu hết mọi khoản trợ cấp trong năm và một lần nữa bị đuổi học. Sau lần thứ hai này, tôi lại tiếp tục làm việc chăm chỉ. Nếu Thế chiến thứ nhất không xảy ra, tôi tin trường học sẽ tiếp tục đưa tôi trở lại và tôi cũng chắc chắn rằng mình sẽ bị đuổi học một lần nữa. Mỗi lần tôi trở lại Harvard, tôi đều bước vào một thế giới đáng lo sợ chứ không phải là một cơ sở giáo dục, đó chính là vấn đề.”
6. Luis Barragán
Kiến trúc sư người Mexico từng đoạt giải thưởng Pritzker với những công trình mang phong cách tối giản, đầy cảm xúc và bí ẩn, đã theo học tại Escuela Libre de Ingenieros ở Gaudalajara, Mexico. Ông tốt nghiệp với tầm bằng kỹ sư xây dựng năm 1923 trong khi ông làm việc trong lĩnh vực kiến trúc. Khi tham dự Triển lãm Nghệ thuật trang trí Quốc tế vào năm 1925 ở Paris, ông đã tiếp xúc với các công trình của kiến trúc sư cảnh quan người Pháp và họa sĩ vẽ tranh minh hoạ Ferdinand Bac. Sáu năm sau, Barragán gặp Bac và Corbusier trong chuyến thăm châu Âu, 2 kiến trúc sư có ảnh hưởng sâu sắc đến công việc của ông.
7. Carlo Scarpa
Người đàn ông Ý bí ẩn, được biết đến vì phương pháp thiết kế và xây dựng đặc biệt, đã tham dự Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Venice. Ông tốt nghiệp văn bằng Vẽ Kiến trúc vào năm 1926. Do từ chối tham dự kỳ thi chứng chỉ hành nghề bắt buộc, ông bị hạn chế các hoạt động thực hành kiến trúc nên không thể làm việc nếu không liên kết với kiến trúc sư khác. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình tại Viện Kiến trúc sư Hoàng gia tại Venice, làm công việc dạy vẽ kiến trúc trước khi trở thành giám đốc nghệ thuật tại công ty thủy tinh từ 1932 đến 1947. Sau Thế chiến thứ hai Scarpa mới được công nhận là một kiến trúc sư, đặc biệt sau khi cải tạo Bảo tàng Castelvecchio ở Verona, Ý vào năm 1964.
8. Tadao Ando
Kiến trúc sư người Nhật Bản đoạt giải Pritzker ban đầu là võ sĩ chuyên nghiệp ở Osaka trước khi giáo viên toán học và các thợ mộc địa phương làm ông quan tâm đến kiến trúc. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Surface vào năm 2015, ông nói “Hai yếu tố: toán học và nghề thợ mộc kết hợp trong kiến trúc. Đó là điểm khởi đầu của tôi”. Ando không có khả năng chi trả cho việc học đại học nên ông sớm bắt đầu cuộc hành trình dài tự học: đọc sách, tham dự các lớp học ban đêm, đến thăm các công trình ở Nhật Bản, ở nước ngoài và nghiên cứu chúng.
Ông giải thích, “Tôi đã phải tự suy nghĩ và hành động. Tôi đến từ Osaka, cách Kyoto và Nara khoảng nửa giờ đồng hồ. Mỗi chủ nhật, tôi chọn một điểm đến để quan sát và nghiên cứu các công trình cũ trong khu vực”. Sau quá trình học tập không chính thức, Ando, vào năm 1969, đã mở công ty kiến trúc của mình ở tuổi 28.
9. Peter Zumthor
Kiến trúc sư Thụy Sĩ đạt giải Pritzker 2009 đã theo cha mình và học nghề với một người thợ đóng đồ gỗ địa phương trong bốn năm thời thiếu niên. Ông tiếp tục việc học thiết kế tại Trường nghệ thuật và Thủ công Basel (1963 – 1967). Tại đây các giáo viên từ Bauhaus đã dạy ông “tất cả những điều cơ bản của thiết kế, việc vẽ và tìm kiếm, pha trộn màu sắc, không gian trắng và không gian âm – hình dáng, đường nét và bề mặt.” Zumthor nghiên cứu về thiết kế công nghiệp tại Viện Pratt của New York một thời gian ngắn. Sau đó, ông quay trở lại Thụy Sĩ năm 1967 và làm việc tại Cục Bảo tồn Di tích ở Graubünden.
Phải mất 12 năm sau đó ông mới thành lập được văn phòng của riêng mình ở Haldenstein nhưng Zumthor vẫn tự hào vì ông chưa bao giờ qua đào tạo chính quy. Trong cuộc phỏng vấn năm 2011 với tạp chí New York Times, ông nói: “Ngày nay mọi người đều nói về việc đó. Mies van der Rohe và Le Corbusier đến từ một truyền thống mà ở đó các kiến trúc sư biết mọi thứ đã được thực hiện như thế nào và làm thế nào để làm mọi thứ tốt hơn. Các trường đại học cần phải đào tạo thợ mộc, thợ làm đồ gỗ và đồ da. Mọi kiến trúc sư đều muốn trở thành nhà triết học và nghệ sĩ. Tôi may mắn khi có sự nghiệp học hành như bây giờ vì đặc biệt là ở Mỹ, bạn đã chẳng còn hiểu được xây dựng thực sự là như thế nào.”
Trần Trung Hiếu tổng hợp
Bình luận từ người dùng