Nguyễn An - kiến trúc sư VN chỉ huy xây dựng Cố Cung Bắc Kinh

03/10/2016 Kiến Admin Tổng hợp
9504
0

Ngày nay, nhiều khách Trung Hoa khi tham quan hoàng thành và cung đình nhà Nguyễn ở Huế thường hay nói các vua chúa nhà Nguyễn đã bắt chước kiểu Cố Cung của Trung Quốc mà xây dựng hoàng cung và cung điện của mình, nhưng quy mô bé nhỏ hơn nhiều.

Mặt khác, bất cứ thượng khách của quốc gia nào trên thế giới hay là khách du lịch ngoại quốc nào tới thăm Bắc Kinh, các cán bộ và lãnh đạo Trung Quốc thường hay giới thiệu cho họ đi tham quan Cố Cung, một di tích hoàng cung triều Minh, triều Thanh có quy mô to lớn, gồm nhiều cung điện nguy nga đồ sộ, tráng lệ huy hoàng, sân đình rộng thênh thang, nổi tiếng thế giới.

Nhưng rất ít ai được biết công lao đóng góp quan trọng của nhà kiến trúc thiên tài Việt Nam - Nguyễn An trong những công trình kiến trúc vĩ đại này.

Nguyễn An là người Việt Nam vì sao tới Bắc Kinh? Do đâu được các vua chúa nhà Minh tin yêu như vậy? Muốn tìm hiểu vấn đề này, ta hãy quay ngược dòng thời gian, lần tìm những trang sử cũ...

Nguyễn An (chữ Hán: 阮安, 1381-1453), còn gọi là A Lưu (chữ Hán: 阿留, tên gọi ở Trung Hoa), kiến trúc sư thời xưa, người Việt - quê vùng Hà Đông. Ông là tổng công trình sư và cùng với Thái Tín là kiến trúc sư trưởng của Tử Cấm Thành Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông cũng tham gia trị thủy hệ thống sông Hoàng Hà.

Tiểu sử

Nguyễn An sinh năm Tân Dậu (1381), quê ở vùng Hà Đông (có lẽ là ở một làng nghề nào đó thuộc phía Nam trấn Sơn Tây hay Tây Bắc trấn Sơn Nam lúc đó, sau vào thời nhà Nguyễn thuộc tỉnh Hà Đông, nay thuộc địa phận thành phố Hà Nội. Khi gần 16 tuổi (khoảng năm 1397), thời vua Trần Thuận Tông nhà Trần, ông đã tham gia các hiệp thợ xây dựng cung điện ở kinh thành Thăng Long nhà Trần. Năm 1407, nhà Minh sang đánh bại nhà Hồ, chiếm được Việt Nam. Tướng nhà Minh là Trương Phụ, ngoài việc bắt cha con Hồ Quý Ly cùng toàn bộ triều đình nhà Hồ đem về Trung Quốc (Hồ Nguyên Trừng sau làm quan nhà Minh), còn tiến hành lùng bắt các thanh thiếu niên trai trẻ tuấn tú của Việt Nam mang sang Trung Hoa, chọn để hoạn làm Thái giám phục vụ trong cung vua nhà Minh. Trong số này có nhiều người sau trở nên nổi tiếng vì tài giỏi như: Nguyễn An, Phạm Hoằng, Vương Cần,... Lúc này là những năm Vĩnh Lạc, thời vua Minh Thành Tổ Chu Đệ (1403 - 1424), ông vua này cho rời đô từ Nam Kinh lên Yên Kinh (của nhà Nguyên trước đó), đổi tên là thành Bắc Kinh và cho xây dựng lại to đẹp hơn và đúng theo ý muốn của mình. Đầu tiên vua Minh cho xây dựng tử cấm thành tức Cố Cung trước (xây từ năm 1406 đến năm 1420 thì hoàn thành). Trong số thái giám phục vụ ở cung vua, Minh Thành Tổ thấy Nguyễn An rất giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc xây dựng, lại liêm khiết hiếm thấy nên tin dùng.

Kiến trúc sư trưởng Bắc Kinh

Năm Vĩnh Lạc 14 (1416) theo lệnh của Minh Thành Tổ, Nguyễn An khi ấy mới ngoài 30, đã được giao trọng trách "tổng công trình sư" xây dựng thành Bắc Kinh mới (Cố Cung). Đến đời vua Minh Anh Tông thành Bắc Kinh lại được trùng tu và xây dựng bổ sung. Năm 1437, vua Minh Anh Tông giao cho bộ Công xây dựng lại kinh thành, viên Thị lang bộ Công là Thái Tin tâu xin trưng dụng 18 vạn dân phu giỏi nghề và chi tiêu tốn kém, thu mua rất nhiều vật liệu song phải đợi 5 năm xây xong; vua Minh thấy vậy liền giao cho Nguyễn An làm tổng đốc công (tổng công trình sư) trùng tu thành Bắc Kinh. Sách Kinh thành ký thắng của Dương Sĩ Kỳ viết:

"Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là người đại tài, xuất chúng."

Như vậy, từ vẽ đồ án thiết kế, đào tạo nhân lực, đến chỉ đạo thi công ông đều tham gia. Công việc của ông làm chính là kết hợp nhiệm vụ của một nhà kiến trúc sư công trình, một nhà quy hoạch, một kỹ sư xây dựng lẫn một nhà quản lý dự án xây dựng, ở thời đại ngày nay. Ông xứng đáng là kiến trúc sư trưởng của thành Bắc Kinh lúc đó.

Năm Chính Thống thứ hai (1437), ông xây dựng Thành nội tức là Hoàng thành (thêm hai cung, ba điện, năm phủ, sáu bộ, và dinh thự công sở các ty), Thành ngoại với 9 cửa kinh sư: cửa Chính Dương (có 1 chính lầu và 3 gian Nguyệt thanh lâu), và các cửa: Sùng Văn, Tuyên Vũ, Triệu Dương, Phụ Thành, Đông Trực, Tây Trực, An Dinh, Đức Thắng (mỗi cửa này đều có 1 chính lầu và 1 Nguyệt thanh lâu (lầu ngắm trăng)). Công việc trên được ông chỉ huy thực hiện hoàn thành trong hơn hai năm, rút ngắn tiến độ được gần một năm, mà lại chỉ dùng hết một vạn nhân lực để thi công. Tháng 3 năm Chính Thống thứ 5 (1440), ông lại được nhà vua giao cho 7 vạn thợ và lệnh cho xây dựng và trùng tu ba điện: Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân, cùng hai cung: Càn Thanh, Khôn Ninh (hai cung, ba điện này được xây xong năm 1420, nhưng năm 1421 lại bị sét đánh hư hại). Đến tháng 10 năm sau (1441) thì công việc này xong, vua nhà Minh thưởng cho Nguyễn An: 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấn thóc và 1 vạn quan tiền. Đến tháng 10 năm Chính Thống 10 (1445), ông lại được giao xây dựng lại tường thành Bắc Kinh, vốn trước bên ngoài xây bằng gạch nhưng ở trong đắp đất nên hễ mưa là sụt.

Nhà xây dựng các công trình trị thủy hệ thống sông Hoàng Hà

Những trận lụt lớn trên sông Hoàng Hà vào các năm 1444 - 1445, vua nhà Minh đều tín nhiệm cử ông đến hàn khẩu đê điều ở những nơi xung yếu nhất, chỉ đạo xây dựng lại các công trình trị thủy sông Hoàng Hà. Nguyễn An còn trị thủy con sông Tắc Dương ở thôn Dịch, nạo vét sông Trạch Chư ở thôn Dương. Ông đích thân chỉ đạo đào đắp các công trình thủy lợi rất lớn. Năm Chính Thống thứ 14 (1449), Nguyễn An được cử đi tuần tra tuyến kênh đào từ Thông Châu đến Nam Kinh. Năm 1453, niên hiệu Cảnh Thái thứ tư, đời vua Minh Đại Tông (Cảnh Đế) (1450-1456), sông Trương Thu ở Sơn Đông vỡ đê, tu sửa mãi không xong, ông lại được vua nhà Minh cử đến đó để trị thủy rồi mất ở dọc đường.

Nguyễn An là người hết lòng vì công việc, tận tụy, cần mẫn, thanh bạch, liêm khiết, trước khi mất, Nguyễn An trăn trối: đừng xây lăng mộ cho ông như những người có công thời ấy thường làm, mà nên đem toàn bộ của cải của ông góp vào quỹ công, để phát chẩn cho dân bị lụt ở Sơn Đông, những nơi ông đang đi mà chưa tới.

Đánh giá và nghiên cứu của hậu thế về Nguyễn An

Nhà sử học Trương Tú Dân từng làm việc tại Thư viện Bắc Kinh, có điều kiện khảo cứu về Nguyễn An và đã từng sang Đài Bắc tập trung tài liệu để viết sách về Nguyễn An, nhận xét: "Từ xưa đến nay, người tốt trong hoạn quan trăm ngàn người không được một. Còn An hết lòng vì công việc, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không có nén vàng nào trong túi, là một con người cao thượng, chỉ để lại công đầu ở Bắc Kinh. Nguyễn An là người kiệt xuất trong hoạn quan, công với quốc gia không thể phai mờ. Ngày nay tên Tam Bảo thái giám, đàn bà trẻ con đều tỏ tường, còn tên nhà đại kiến trúc Nguyễn An - A Lưu thì ngay học giả, chuyên gia ít ai hay biết. Thật bất hạnh thay. Tôi nghĩ, với An không chỉ riêng giới công trình đáng ngưỡng mộ mà thị dân Bắc Kinh cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm chớ quên."

Từ năm 1953, các nhà sử học Việt Nam như Trần Văn Giáp, Minh Tranh, Đào Duy Anh và Đặng Thai Mai lần lượt sang thăm Trung Quốc, đến Thư viện Bắc Kinh thu thập sử liệu Việt Nam, trong đó có các tài liệu về Nguyễn An.

Điện Thái Hòa

(Điện Thái Hòa - ngôi Điện lớn nhất trong Cố Cung)

Các công trình do Nguyễn An thiết kế và xây dựng ở Trung Quốc

  • Cửa Chính Dương, còn gọi là Tiền Môn, ở phía Nam quảng trường Thiên An Môn, ngày nay vẫn còn tồn tại, là cửa chính trong 9 cửa của Ngoại thành (thành ngoài) đều do ông xây dựng năm 1437 - 1439.
  • Ba điện Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân, được xây năm 1417 - 1420, trùng tu 1440 - 1441, đến triều đại nhà Thanh được đổi tên lần lượt thành Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa.
  • Hai cung Càn Thanh cung và Khôn Ninh cung, được xây năm 1417 - 1420, trùng tu năm 1440 - 1441.
  • Dinh thự công sở các cơ quan triều đình: phủ Tôn Nhân, Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công, Hồng Lô Tự, Khâm Thiên Giám, Viện Thái Y, Viện Hàn Lâm và Quốc Học (Quốc Tử Giám)... Trong các công trình này, nay còn lại Quốc Học tức là Thư viện Thủ đô Bắc Kinh ngày nay.
  • Thành trì Bắc Kinh thời đó có chu vi 68 dặm. Những năm Vĩnh Lạc (Minh Thành Tổ (1403-1424)) và Tuyên Ðức (Minh Tuyên Tông (1426-1435)) được xây phía ngoài bằng gạch, nhưng bên trong tường thành vẫn còn làm bằng đất, nên gặp phải khi mưa dầm lụt lội, tường thành thường hay sụp đổ. Nguyễn An xây dựng, tu sửa lại cả phía trong và phía ngoài, tường thành Bắc Kinh từ đó cao đến 3 trượng 5 thước (dưới triều nhà Minh mỗi thước dài 31,1 cm, nên 3 trượng rưỡi tức là bằng 10,885 m), nền tường thành dày 6 trượng 2 thước (19,280 m), mặt thành rộng 5 trượng (15,550 m).

Mời xem bộ ảnh “Cố Cung Bắc Kinh”:

Xem Album Gallery

Kiến trúc sư thiên tài Nguyễn An mất đi đã để lại nhiều công trình cung điện, là những dấu ấn văn hóa của một tài năng kiệt xuất, đã được sử dụng đúng chỗ để ông phát huy trong xây dựng, kiến trúc, ông đã góp phần làm đẹp cho kinh thành Bắc Kinh tráng lệ, một tòa thành vĩ đại, hoành tráng, diễm lệ, đầy các cung điện lầu son, gác tía, cửa son, ngói hoàng ly lóng lánh. Đó là những đại kỳ quan về kiến trúc của các triều đại phong kiến phương đông từ thế kỷ XV đã tồn tại qua gần 6 thế kỷ. Nguyễn An là một con người đã đi vào lịch sử được nhiều sử sách Trung Hoa ca ngợi về nhiều phương diện, ông còn là một nhà thơ, một tấm gương đạo đức cao đẹp. Nguyễn An xứng danh là một kiến trúc sư thiên tài như nhiều sử sách, báo chí Trung Hoa ca ngợi hết lời. Ông là một danh nhân Việt Nam thời cổ trung đại, được lớn lên và trưởng thành trong nền văn hóa Việt Nam, Trung Hoa, thực sự là ngôi sao Việt Nam tỏa sáng trên nền văn hóa Trung Hoa vĩ đại mà người Việt Nam cần học tập và biết tới để tự hào, tự tin trong công cuộc xây dựng đất nước ta tươi đẹp hôm nay.


 

"Tài liệu dẫn chứng": Đài truyền hình Cộng Hòa Liên Bang Đức, phụ đề Việt: "Tử cấm thành Trung Quốc - Tài sản kế thừa của tên bạo chúa"; "Chinas verbotene Stadt - Das Vermächtnis des Despoten"; "La Cité interdite de Pékin - L'Héritage du tyran". Người dịch phụ đề Việt: Phương Thùy (Phần Lan), Xuân Trường và Cẩm Vân (Đức).

 

Mở đầu phim, ta đọc thấy:

"Tử Cấm Thành giữa trung tâm Bắc Kinh, một thời là nơi ngự triều của những hoàng đế Trung Hoa hùng mạnh, ngày nay vẫn là cung điện lớn nhất trên thế giới. Lịch sử của nó gắn với hoài bão của một con người. Tên ông ta là: Chu Đệ. Chu Đệ là một kẻ tiếm ngôi, ông đã dùng bạo lực để giành quyền thống trị Trung Hoa. Chu Đệ đày đọa tất cả những ai cản trở tham vọng quyền lực tuyệt đối của mình. Biểu tượng quyền lực của vị hoàng đế này là Tử Cấm Thành, một thế giới đầy bí ẩn với những nghi lễ duy trì từ đời này sang đời khác. Viên thái giám Nguyễn An là kiến trúc sư trưởng của công trình này. Thiết kế bậc thầy của ông dựa trên những chuẩn mực lâu đời. Không có chi tiết nào được phác thảo một cách ngẫu nhiên, mà tất cả đều mang một ý nghĩa biểu trưng nào đó..."

 

 

 

 

 

 

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1268
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy