Kể từ năm 1868 khi người Pháp đặt viên đá xây dựng Dinh Thống đốc Nam Kỳ, công trình tại địa điểm này đã tròn 150 năm lịch sử.
Dinh Thống đốc Nam Kỳ (chụp từ tranh khắc gỗ của M. Gsell)
Những thông tin về sự ra đời Dinh Thống đốc Nam kỳ từ buổi đầu gắn với công cuộc hiện diện để bình định thuộc địa của người Pháp đến những biến động về lịch sử trên mảnh đất Sài Gòn có liên quan đến Dinh Thống đốc, rồi Dinh Độc Lập, Hội trường Thống Nhất... được nhóm tác giả do PGS.TS Hồ Sơn Đài chủ biên trình bày trong tập sách Dinh Độc Lập lịch sử và biến động.
Sách do Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật ấn hành trong dịp kỷ niệm ngày 30-4 thống nhất đất nước.
Đóng góp quan trọng của tập sách là khảo cứu kỹ về quá trình hình thành nhu cầu một tòa dinh thự dành cho vị trí quan chức cao nhất của người Pháp hiện diện ở Nam Kỳ trong công cuộc quản trị thuộc địa của họ.
Theo mạch nội dung đó, từ khi người Pháp chưa đặt chân lên đất (theo nghĩa đen) Nam Kỳ, quyền lực của họ thể hiện qua soái hạm Impératrice Eugénie - nơi mà phó đô đốc Charner ở và làm việc, được xem là "tổng hành dinh" đầu tiên của chính quyền Pháp tại Nam Kỳ.
Sau khi hạ đồn Chí Hòa vào ngày 25-2-1861, phó đô đốc Charner rời soái hạm để đặt hành dinh tại trại binh Đồn Đất (nay là Bệnh viện Nhi Đồng 2). Sau đó là một dinh gỗ được lập nên tại cuối đường Catinat vào tháng 12-1861, quy mô rộng lớn, có phòng lễ hội sức chứa 600 người và cả trang trại nhỏ đủ nuôi gà và lợn.
Xem thêm:
Sau khi người Pháp chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ, chính quyền Pháp tại Nam Kỳ bắt đầu tập trung vào việc nghiên cứu để "xây dựng dinh làm chỗ ở vĩnh viễn cho các thống đốc", mà theo tác giả Hồ Sơn Đài, điều này thể hiện mong muốn "có một tòa nhà xứng tầm với người đứng đầu Nam Kỳ, là biểu tượng về sự có mặt vĩnh cửu của Pháp tại Nam Kỳ".
Dinh Thống đốc Nam Kỳ năm 1875, ảnh chụp của nhiếp ảnh Emile Gsell
Dù cho ai chủ trương xây dựng và sử dụng với mục đích gì, trên hết, Dinh Độc Lập là sản phẩm lao động sáng tạo của người Việt Nam. Nó là một bảo tàng sống động và trung thực... Cũng là nơi lưu dấu tiến trình tranh đấu bền bỉ và quyết liệt của nhân dân Việt Nam vì sự nghiệp giải phóng, thống nhất và xây dựng, phát triển đất nước.
PGS.TS Hồ Sơn Đài
Vào ngày 5-2-1865, trên tờ Le Courrier de Saigon đã đăng thông báo chính quyền thuộc địa tổ chức cuộc thi thiết kế đồ án Dinh Thống đốc, với khoản tiền thưởng trị giá 4000 franc dành cho đồ án được chọn.
Tuy nhiên, cuộc thi này không mang lại kết quả, đồ án thiết kế Dinh Thống đốc Nam Kỳ sau đó do kiến trúc sư người Pháp Hermitte thiết kế và đệ trình, với quan niệm "Dinh Thống đốc phải huy hoàng, tráng lệ, xứng đáng là một dinh thự mà những đô thị kiêu hãnh nhất trên thế giới đều có lý do để vinh dự".
Ngày 23-2-1868, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Dinh Thống đốc Nam kỳ diễn ra dưới sự chủ trì của thống đốc La Grandière lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, thống đốc La Grandière đã trở về Pháp, và vị thống đốc làm lễ khánh thành tòa nhà Dinh Thống đốc lại là thống đốc Alphose Jean Claude René Théodore vào năm 1870.
Nhưng ông thống đốc đứng ra làm lễ khánh thành tòa nhà cũng không ở ngày nào tại đây, vì công trình chưa hoàn thiện. Vị thống đốc Nam kỳ kế tiếp là Marie Jules Dupré đã đốc thúc phần việc hoàn thiện Dinh, đến cuối năm 1872 các hạng mục chính của Dinh đã hoàn thiện. Năm 1873, Dupré là Thống đốc Nam kỳ đầu tiên sống và làm việc tại dinh thự này.
Cũng trong tập sách, các tác giả ghi nhận việc ra đời tên gọi Dinh Norodom - một đề tài lịch sử liên quan đến Dinh Độc Lập đến nay vẫn còn ít nhiều bàn cãi: "Dinh Thống đốc Nam kỳ ngự trên khuôn viên đối diện với Đại lộ Norodom, vì thế dinh này cũng được gọi luôn là Dinh Norodom. Từ đây, tên gọi Dinh Norodom ra đời".
Tên gọi Dinh Norodom còn tồn tại mãi về sau, đến ngày 8-9-1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm của Quốc gia Việt Nam ra thông báo đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập.
Công văn của Thủ tướng Ngô Đình Diệm đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập vào ngày 8-9-1954 - Ảnh từ sách
Trong quá trình tồn tại, dù bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào, Dinh Norodom với vị thế nơi làm việc của cơ quan quyền lực cao nhất hiện diện trên đất Nam kỳ, đã chứng kiến nhiều biến động của lịch sử.
Trải qua nhiều chế độ, đây chính là nơi ra đời nhiều quyết sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống cư dân, can thiệp vào dòng chảy lịch sử của không chỉ xã hội Nam kỳ mà còn cả tiến trình lịch sử cận đại Việt Nam.
Ngay cả tòa dinh thự này, tên gọi cũng từng được đổi thay qua nhiều thời kỳ:
- Phủ Thống đốc Nam kỳ (1873 đến1887)
- Phủ Toàn quyền Đông Dương (1887 đến 3-1945)
- Trụ sở quân đội Nhật tại Đông Dương (3-1945 đến 9-1945)
- Phủ Cao ủy Pháp tại Đông Dương (9-1945 đến 1953)
- Phủ Tổng ủy Pháp tại Đông Dương (1953 đến 1954)
- Từ Phủ Thủ tướng đến Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1954 đến 1962)
- Trụ sở Ủy ban Lãnh đạo quốc gia và Ủy ban hành pháp Trung ương (1966 đến 1967)
- Phủ Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa (1967 đến 1975)
- Trụ sở Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định (1975 đến 1976)
- Hội trường Thống Nhất (1976 đến nay).
Điều thú vị là lần giở lại quá trình tồn tại của Dinh, người đọc hôm nay sẽ thấy những chuyển động của lịch sử:
- Dữ kiện về Nhật dảo chính Pháp và chiếm dinh Norodom, rồi quân Anh vào Sài Gòn và giành quyền kiểm soát dinh Norodom từ tay Nhật; rồi Pháp tái chiếm Đông Dương và đặt Cao ủy tại đây.
- Quá trình Ngô Đình Diệm tiếp quản Dinh Norodom từ người Pháp cũng được thuật tả chi tiết, mà nếu không có những trang sách này, người đọc bình thường sẽ khó hình dung việc giới trí thức và lãnh đạo chính quyền Sài Gòn bấy giờ đã có những bước đi như thế nào để bảo vệ các tài liệu lưu trữ tại đây.
- Sự cố dinh Độc Lập bị ném bom vào năm 1962, diện mạo Dinh Norodom tồn tại đến thời điểm ấy là kết thúc. Quá trình xây dựng lại Dinh Độc Lập gắn liền với tên tuổi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và đội ngũ cộng sự. Dinh Độc Lập với diện mạo còn thấy hiện nay được khánh thành vào ngày 31-10-1966.
Như một chứng nhân lịch sử, Dinh Độc Lập chính là nơi đánh dấu điểm cuối cùng, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh vào trưa ngày 30-4-1975, và cũng là nơi diễn ra Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước (11-1975).
Dinh Độc Lập - Lịch sử và biến động đã được nhóm tác giả đã huy động nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước như: Trung tâm lưu trữ Quốc gia I và II, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM, Lưu trữ Hải ngoại Pháp tại Aix-en Provence (Cộng hòa Pháp)... Sách phát hành nhân dịp 30-4 năm nay - Ảnh: L. Điền
Bình luận từ người dùng