(Bài “đánh đôi” của KTS. Đỗ Xuân Đạm và KTS. Lý Thái Sơn – “Sơn Ốm”)
Nói tới nhạc sến tưởng chừng như ai cũng biết, nhưng hỏi cho tới ngọn nguồn khúc nhôi thì hầu như khó ai trả lời cho rõ ràng được.
Tôi mê món ốc len xào dừa nên có tật hay đoán mò, vì phương ngôn có câu ‘ăn ốc nói mọ, ăn cò nói điêu’ mà.
Nên suy đoán như vầy:
Sến chắc có gốc từ chữ ‘con sen’, ở ngoài Bắc nhà giầu gọi người hầu gái trẻ tuổi, nhanh nhẹn tươm tất gọn gàng lo việc cơm nước trà rượu, bế em là ‘con sen’.
Ngày xưa ở Sài gòn có nước máy nhưng chưa vào đến từng nhà, mà mỗi khu phố chỉ có một vòi nước công cộng, các cô con sen phải thêm việc ra đó hứng nước máy gánh về nhà.
Các ông văn nghệ sĩ sính tiếng Tây gọi họ là Marie de la fontaine hay Marie Sen, dần dần giới bình dân đọc trại là Ma-ry Sến vừa thuận miệng vừa có âm sắc sống động hơn, và các bài hát mà mấy cô ấy thích như ‘Trăng rụng xuống cầu’, ‘Em ơi lỡ mộng không thành thì sao’… bị gọi là nhạc máy nước.
Các cô Ma-ry Sến hát nhạc máy nước nên cái nhạc đó được gọi ngắn gọn là ‘nhạc sến’.
Tôi không biết trong quân trường võ bị Đà Lạt, không quân, hải quân các căng-tin mở nhạc gì, chứ từ quân trường Thủ Đức, Quang Trung tới Đồng Đế thời tất cả các quán đều chơi cùng một loại nhạc thường là bolero, rumba, mộc mạc dễ nghe, dễ hiểu, dễ thuộc gom chung thành nhạc sến.
Mà cũng không chỉ trong quân trường, khắp nơi khắp chốn cứ có quán ăn quán nước là có loại nhạc này.
Như vậy cái danh mục các bài hát từ thời nhạc máy nước qua thời nhạc sến đã dài ra nhiều lắm.
Rồi sau 75 tất cả bị cấm tiệt.
Lúc trước thừa mứa thì chê, bây giờ bị cấm lại nhớ, bất chợt thoáng nghe thì thấy gần gũi thân thương, và bèn khám phá ra rằng trong lòng mình có bài hát đó, giờ đây nó trỗi dậy da diết nhớ nhung.
Qua thời karaoke các em từ miệt vườn nườm nượp kéo nhau bỏ học lên thành phố “sô” hàng.
Các em giọng Nam bộ rặc nhưng cứ nhất định hát “em mang vải yếm đào” cho người ta biết rằng các em hiểu chữ!.
Và trong khi bấm bài hát cho khách các em đã đồng hóa nhạc sến, nhạc vàng vào một loại.
Và còn vô tư chê người khác là sến nữa mới khổ chứ!
Hồi đầu được nghe lại, được hát theo lời những bài như Hoa mười giờ, Chuyện tình Lan và Điệp… nó đã gì đâu.
Vậy trước đây ta chê nhạc sến có phải ta đã đóng kịch ra vẻ trí thức, có phải ta đã dối lòng hay chăng?
Sơn Ốm:
Một tối ở Den Haag (thường được gọi là La Hayes, nơi đặt trụ sở Tòa án quốc tế) sau bữa cơm chiều được dọn trên chiếc bàn ăn bằng kính-nhôm dura của Norman Foster thiết kế, bọn tôi gồm bốn người (vợ chồng Nam + Quỳnh + Nguyên Paris + Sơn Ốm ở SaiGon qua) ra phòng khách để uống cà phê và nghe nhạc.
Tự dưng bạn Nam Ròm hùng hồn tuyên bố:
- Sau bao nhiêu năm xa quê hương, mỗi lần nghe nhạc "sến" thì lại thấy nhớ VN da diết, nhớ hơn bất cứ loại nhạc nào khác ... có lẽ vì loại nhạc này quá phổ thông , đi vào tất cả tầng lớp dân chúng (miền Nam), trong nhà, ngoài hẻm... đâu đâu cũng nghe thấy loại nhạc này nên khi nói về nhạc VN ở xứ ngoài, tôi thấy có lẽ nhạc sến lại còn tiêu biểu hơn cả những nhạc vàng, nhạc tiền chiến vv... và riêng cá nhân tôi, mỗi lần nghe mấy bài hát sến, tôi nhớ đến VN vô cùng.
Một nhận xét dị thường mà dần về sau nầy tôi mới cảm nhận hết được.
Chỉ có nhạc Sến mới có đủ sức lay động được nỗi lòng của một đứa con xa xứ.
Cảm ơn nhạc Sến.
Bình luận từ người dùng