Nếu đặt Frank Gehry làm đại biểu cho một cực của phổ kiến trúc, cái cực của sự lấp loáng, phồn thể, vách tường uốn theo vũ điệu hula của các cô gái Hawaii, thì cực đối lại, cái cực của trầm lặng, tiết kiệm, dồn nén phải kể đại biểu là KTS Tadao Ando. Nếu chữ ký của Gehry như một sợi dây buộc đầu roi, thì của Ando là một mặt phẳng rộng, bằng. Vật liệu thuận tay nhất của Gehry là titanium và thép sáng loá. Của Ando là bê tông xám tái.
Giáo đường Ánh Sáng, Osaka
Rộng, phẳng và xám có thể không phải là công thức cho sự dễ chịu. Nhưng bạn sẽ không nhận ra loại dễ chịu nào cho đến khi bạn nhìn thấy giáo đường Ánh Sáng của Ando gần Osaka, Nhật (xem ảnh trên), nơi hai khe sáng giao nhau trên một bức vách hậu, thu ánh sáng trời tạo hình một thánh giá lấp loá. Và cho đến sự khải hoàn của bảo tàng Mỹ thuật hiện đại Fort Worth, bang Texas (xem ảnh dưới), một chiếc áo khoác bằng những tấm bạt kính lớn chạm đất một cách huyền ảo trên một hồ nước phản chiếu rộng lớn.
Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại Fort Worth, bang Texas
Liệu rồi thế kỷ 21 sẽ ra dáng vẻ gì đang là một câu hỏi tranh cãi, nhưng sự tranh cãi đang dần dà không ngả về những hình dáng không rộng, phẳng và xám. Trong một thế giới đang bị định hình lại tận gốc rễ bởi Gehry, Zaha Hadid và Daniel Libeskind, Ando đại biểu cho sự định hình liên tục cho xu hướng tối thiểu của trường phái hiện đại thế kỷ 20. Khi bảo tàng Fort Worth được xếp vào hàng đẳng cấp, Ando giờ đây đã 66 tuổi, sẽ chủ yếu xây dựng tại Nhật chứ không xây nhiều ở nước ngoài. Vào lúc bảo tàng hoàn thành cách đây sáu năm, ông chắc chắn có tên trong danh sách ngắn các kiến trúc sư mà mọi người đều phải ở phía dưới. Nhưng ông đã không xây một công trình nào tại Mỹ cho đến nay.
Ngày 22/6/2008, công trình Stone Hill Center của ông, một sự phối hợp giữa các phòng trưng bày và phòng khảo cứu của bảo tàng nghệ thuật, khai trương tại viện Sterling and Francine Clark Art, một bảo tàng cực nhỏ và trung tâm nghiên cứu nghệ thuật ở Williamtown, bang Massachusetts. Đó đúng như điều mà bạn mong đợi ở ông. Khối kiến trúc tái, xám, trầm lặng, tiết kiệm, khiêm tốn và, từ hầu hết các góc độ, đều toát lên vẻ mỹ lệ tráng kiện.
Stone Hill Center - Một bức vách chéo tạo nên tiền sảnh và biến đất trời thành một thứ sân khấu vũ trụ
Mark Twain có lần đã nói về nước Anh nông thôn rằng đất nước ấy “quá đỗi đẹp để không cần đến các cánh cửa”. Ông ấy có thể nhận xét tương tự về Bershires, nơi toạ lạc viện Clark. Stone Hill Center có thể kể được là, hơn bất kỳ dự án ở Mỹ nào của Ando, được làm việc kỹ với các nhà thiết kế cảnh quan của Reed Hilderbrand Associates, đã cho phép Ando tạo lập những tương tác tao nhã với thiên nhiên – sở trường nổi tiếng của ông ở Nhật. Và bằng cách của ông, ông đã mang thiên nhiên vào bên trong. Trong một phòng trưng bày, một cảnh rừng được thể hiện trừu tượng – nén lại và chia nhỏ – bằng bức tường cửa sổ trông ra một khoảng sân có mái che. Bên ngoài, một mái “vòm” vuông trong một bức tường chéo không có trụ đỡ tạo nên một mặt tiền biến đất và trời thành một thứ sân khấu vũ trụ.
Trái với mặt trước đặc, mặt sau là khối kiến trúc lung linh rỗng trên nước
Từ trong nhìn ra, cái sân khấu vũ trụ này đưa toàn thiên nhiên vào bên trong nội thất
Cũng như mọi công trình Ando thực hiện, toà nhà này gợi lại sự tinh tế và giản dị của kiến trúc truyền thống Nhật. Thành tựu của ông trong hiệu ứng với bê tông luôn luôn là nghịch lý đáng yêu trong công trình của ông. Nhưng bằng cách đó, các kiến trúc của ông mang dấu ấn của những tác giả hiện đại thế kỷ 20 mà ông ngưỡng mộ, Le Corbusier và Louis Kahn, những người phát hiện trong bê tông một cơ hội cho sự đường bệ thô ráp và thậm chí một thứ thi ca trữ tình. Trường phái hiện đại tối giản mà Ando tuân thủ có thể không thời thượng trong thời gian này. Nhưng rơi vào bàn tay tài hoa, nó tiếp tục tạo nên những sự kỳ diệu.
Bình luận từ người dùng