Qua kiến trúc, Oscar Niemeyer muốn tạo ra một thế giới bình đẳng để nhìn con người với sự lạc quan, ông không muốn gì ngoài niềm hạnh phúc cho tất cả. Và điều đó thật tuyệt diệu.
Trong cánh rừng nguyên sinh Amazon, có những cây cổ thụ nghìn tuổi cao vút, vạm vỡ, cành lá xum xuê chở che cả một vùng rộng lớn. Người Brazil tự hào về điều đó. Họ cũng thường dùng hình ảnh này để nói về những anh hùng dân tộc, những vĩ nhân làm đổi thay bộ mặt thế giới. Kiến trúc sư Oscar Niemeyer - người kiến thiết "bộ mặt" của thủ đô đặc biệt nhất thế giới Brasilia - là một người như vậy.
Người đàn ông đến từ Rio
Oscar Niemeyer sinh năm 1907 (năm nay 2011 ông đã bước sang tuổi... 104) trong một gia đình có gốc gác Do thái ở Rio de Janeiro. Ít ai biết rằng người sau này là biểu tượng của kiến trúc thế giới từng có một thời trai trẻ phóng khoáng và hoang dại. Mải mê chạy theo những khao khát tuổi trẻ và bất cần nghĩ tới tương lai, mãi tới năm 21 tuổi Oscar Niemeyer mới tốt nghiệp phổ thông.
Nhắc lại thời kỳ ấy, Oscar Niemeyer tự thấy mình giống với tài tử Marlon Brando - một hình mẫu nổi loạn đầu thế kỷ 20. "Con ngựa bất kham" chỉ chịu khuất phục trước sắc đẹp của nàng Anita Baldo, một cô gái Ý di cư từ thành phố Padua. Oscar Niemeyer đã cưới Anita Baldo và có một cuộc hôn nhân tới 76 năm cho đến khi bà mất năm 2004.
Vào thời điểm này, Oscar Niemeyer bắt đầu bị cuốn hút bởi những đường cong kiến trúc. Ông đăng ký vào Học viện nghệ thuật quốc gia ở Rio de Janeiro, nơi đào tạo các nghệ sĩ tạo hình của Brazil.
Với cá tính mạnh mẽ, Oscar Niemeyer muốn tạo ra một phong cách mới kết hợp nhiều ngành nghệ thuật. Ông cho rằng kiến trúc Phục Hưng được nhớ tới là bởi những bức tượng và tranh tường tuyệt mĩ.
Để thực hành, ông chấp nhận làm phụ tá trong xưởng vẽ của kiến trúc sư Lucio Costa và Carlos Leao. Đổi lại, Oscar Niemeyer được thoải mái tiếp cận các mô hình nhà ở, công trình đương thời.
Thế rồi cơ hội đến với Oscar Niemeyer. Năm 1934, nhóm của Oscar Niemeyer giành được dự án thiết kế trụ sở mới của Bộ Y tế và Giáo dục Brazil. Kiến trúc sư lừng danh Le Corbusier đóng vai trò của một nhà tư vấn.
Cái tên Le Corbusier là động lực thôi thúc chàng kiến trúc sư trẻ sáng tạo. Kết quả của sự hợp tác là một công trình đặc sắc, phản ánh hình ảnh nước Brazil trẻ, hiện đại, đậm đà bản sắc. Nó được xây dựng từ những vật liệu truyền thống, kết hợp phong cách Bồ Đào Nha với phong cách Corbusier, phảng phất hình ảnh những toà nhà thuộc địa, màu sắc đậm đà. Thành công đầu tay đã mang đến cho Oscar Niemeyer tấm vé thông hành tới New York, siêu đô thị tầm cỡ nhất thời bấy giờ. Chính tại đây, ông đã có thành công quốc tế vang dội đầu tiên: trụ sở Liên Hợp Quốc.
Thế giới kiến trúc sống động mang tên Oscar Niemeyer.
Ban đầu Oscar Niemeyer được mời hợp tác với Le Corbusier. Sau đó chính đồ án của ông được lựa chọn. Về sau, dưới sức ép của bậc thầy, Oscar Niemeyer đã phải sửa lại một số chi tiết. Vì thế người ta thường biết đến công trình này với tên gọi một tác phẩm của Oscar Niemeyer, với sự chỉnh lý của Le Corbusier.
Dẫu vậy, những ý tưởng nguyên bản vẫn được giữ lại. Ngày nay chúng ta vẫn được ngắm đại sảnh lớn (mà theo Niemeyer phải là một đại sảnh khổng lồ), những đường cong mềm mại như sóng biển. Tuy chưa thực sự hài lòng, công trình này là bản tuyên ngôn của một nghệ thuật mới mà chủ soái là Oscar Niemeyer - một người đến từ Rio.
Công trình lớn nhất trong sự nghiệp của Oscar Niemeyer là kiến thiết thủ đô Brasilia. Có lẽ trong lịch sử kiến trúc nhân loại, chưa từng có công trình nào lớn và được thi công nhanh như vậy. Năm 1956, thành phố được xây dựng. Đây là lời giải cho bài toán dân số và ách tắc giao thông.
Để có thể hoàn thành tiến độ, Oscar Niemeyer đã phải chạy đua cùng thời gian. Trong vài tháng ngắn ngủi, ông đã vẽ vô số mô hình biệt thự, toà nhà hành chính và thương mại. Hơn 200 cỗ máy và 3.000 công nhân đã làm việc cật lực trên đại công trường. Vì cùng được sinh ra từ một "mẹ", các công trình ở Brasilia rất đồng bộ. Nhìn từ trên cao, thành phố giống như một chiếc máy bay hoặc một con bướm.
Nhà thờ Brasillia
Chỉ trong vòng 4 năm, Oscar Niemeyer và đồng sự đã "lấp đầy" hoang mạc rộng gần 6 triệu km2. Các công trình không chỉ phục vụ dân sinh mà còn là tác phẩm độc đáo, phản ánh trí tưởng tượng siêu việt của người thiết kế. UNESCO xếp Brasilia vào danh sách Di sản văn hoá thế giới - đây là thành phố duy nhất xây dựng trong thế kỷ 20 có được vinh dự đó. Đúng vào giai đoạn tư tưởng nghệ thuật chín muồi thì tại Brazil xảy ra đảo chính quân sự, Oscar Niemeyer rời khỏi Brazil. Ông đã chu du nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Pháp. Tại đây, ông thiết kế trụ sở của Đảng cộng sản Pháp - một công trình được ca ngợi chẳng kém gì trụ sở của Liên Hiệp Quốc.
Năm 1985, Oscar Niemeyer hồi hương. Để đánh dấu sự hồi sinh của nền dân chủ, ông đã thiết kế Bảo tàng nghệ thuật Mỹ Latin. Tạo hình của bảo tàng giống như một cánh tay lớn vươn ra từ lòng đất. Oscar Niemeyer muốn mọi thế hệ Brazil nhớ tới quá khứ bi hùng thấm đẫm máu và nước mắt của dân tộc.
Ông vua của những đường cong
Đặc điểm nổi bật trong phong cách kiến trúc Oscar Niemeyer là sự xuất hiện của những đường cong. Theo quan điểm của ông, công trình xây dựng không phải là cỗ máy. Nó phải mang đến cảm xúc và sự bất ngờ. Kiến trúc phản ánh cuộc sống và cuộc sống luôn chuyển động. Chỉ những đường cong mới làm được điều đó. Oscar Niemeyer đã lấy cảm hứng từ chính những ngọn núi quê hương, khúc quanh của dòng sông và đặc biệt là thân hình của những người phụ nữ ông yêu mến. Trên bàn làm việc của ông thường có những tấm hình phụ nữ gợi cảm.
Trụ sở liên hợp quốc tại New York
Các công trình kiến trúc tiêu biểu của Oscar Niemeyer: - Trụ sở quốc hội Brazil tại Brasilia - Trụ sở hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ - Bảo tàng nghệ thuật đương đại Niterói - Toà nhà Copan, São Paulo, Brazin (1951) - Thánh đường Brazilia (1970) - Trụ sở Đảng Cộng sản Pháp, Paris, Pháp - Casino ở Funchal, Madeira Nguồn sáng tạo của ông còn được lấy từ những biến động sâu sắc của xã hội Brazil. Lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản đã lôi cuốn ông. Năm 1945 ông gia nhập Đảng cộng sản Brazil, trở thành đồng chí với những người cộng sản nổi tiếng như Picasso và Louis Aragon.
Trở thành đảng viên Đảng cộng sản, Oscar Niemeyer vuột mất cơ hội đến Mỹ. Nhưng cũng nhờ đó ông được đến Liên Xô - mảnh đất của những nghệ sĩ chân chính thời bấy giờ. Những đường cong trong sáng tác của ông phát triển hơn về kích thước, biến ảo hơn về hình dáng.
Niemeyer ưa thích những không gian khoáng đạt. Dựa vào các loại vật liệu nhẹ (đặc biệt là bê tông cốt thép), ông loại bỏ những loại cột chịu lực truyền thống hoặc làm chúng "cong" hơn. Ông sáng tạo nhiều hình dáng trìu tượng, đẩy kiến trúc đến gần với điêu khắc, hội hoạ. Vì thế Oscar Niemeyer còn được gọi là "nhà nặn tượng đài lỗi lạc".
Ông muốn truyền cho tất cả mọi người khao khát về một thế giới đại đồng qua những kích cỡ phi thường. Nếu các nghệ sĩ thời Phục hưng từng tạo ra những mái vòm cao 40m thì Niemeyer dựng nên mái vòm khổng lồ cao 80m. Ông đã "nặn" ra những quả trứng có đường kính hàng chục mét, sáng tạo những toà nhà có hình dáng đĩa bay.
Những sáng tạo đó không phải ngay lập tức được chấp nhận. Mãi đến năm 1988, ông mới giành được giải Pritzker - được ví như "giải Oscar của giới kiến trúc". Song từ lâu, các kiến trúc sư đã nhất loạt tôn vinh ông là thủ lĩnh của trường phái Hiện đại, người định hình kiến trúc thế giới thời Hậu hiện đại.
Cây trường sinh
Ở Oscar Niemeyer, người ta tìm thấy những kỷ lục đáng ngưỡng mộ. Hiếm có nhà nghệ thuật nào trường thọ như ông. Ở độ tuổi 104, mặc dù phải ngồi trên xe lăn ông vẫn rất minh mẫn. Đáng kinh ngạc hơn, trước ống kính của nhiều cơ quan truyền thông, ông đã tự mình thiết kế nhiều bản vẽ.
Khó tìm thấy người đàn ông nào "đào hoa" hơn ông. Năm 2006, ông quyết định kết hôn lần thứ 2. Lúc này người khổng lồ của kiến trúc thế giới tròn 99 tuổi. Cô dâu chính là người trợ lý trung thành kém ông tới 38 tuổi!
Nhà quốc hội Brazil, một công trình nổi tiếng của Oscar Niemeyer
Con người này là tổng hoà của tinh thần lạc quan, ý chí mạnh mẽ và sức sáng tạo phi thường. Vào dịp sinh nhật 100 tuổi, ông đã phát biểu: "Đối với tôi, thời gian và tuổi tác không còn quan trọng. Cuộc sống là phù du, quan trọng là chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng và lạc quan".
Khi được hỏi về những công trình đã sáng tạo, ông xua tay cho rằng chẳng có gì đáng kể. Mọi nỗ lực của ông nhằm vượt lên kĩ thuật và ý thức xã hội chỉ để phục vụ con người tốt hơn. Con người mới là tác phẩm tuyệt vời nhất.
Nam Mỹ là cái nôi của tiểu thuyết hiện thực huyền ảo. Trong những tiểu thuyết Nam Mỹ, đôi khi người ta lý giải hiện tượng bằng những huyền thoại. Tất cả được bao bọc trong bầu không khí kỳ bí trộn lẫn quá khứ với hiện tại. Oscar Niemeyer cũng là một huyền thoại như thế. Điều khác biệt là huyền thoại ấy đã trải qua tất cả thăng trầm lịch sử, và đến nay vẫn sống để kể cho chúng ta nghe câu chuyện kì diệu về bàn tay và khối óc con người.
Đinh Khôi Việt
Bình luận từ người dùng