Tôi học Kiến trúc thời Việt hóa Đại học

Tôi đặt cái tựa đề đao to búa lớn như thế nhưng các bạn đừng chờ đợi tôi viết được điều gì to tát, tôi không phải là người có chí kinh bang tế thế nên nào dám lạm bàn tới các vấn đề vĩ mô, quốc gia đại sự.

Tôi chỉ kể vài kỷ niệm của cái giai đoạn mà Bộ giáo dục VNCH chủ trương Việt hóa đại học, nói nôm na là dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính trong tất cả các trường Đại học của Việt nam.

Đúng lý ra thì trước khi ra quyết định đó, bộ Giáo dục phải mời các nhà ngôn ngữ, các nhà chuyên môn soạn các tự điển chuyên ngành trước để giáo sư và sinh viên có cơ sở sử dụng từ cho chính xác và thống nhất, nhưng họ đã “quên” nên thầy với trò mất toi mấy năm trời lúng ta lúng túng, nói tiếng Việt mà chêm tiếng nước ngoài tùm lum!

Họa thất Trường ĐH Kiến trúc SG

Dấu ấn của thời kỳ ấy còn lưu rõ nét trong ngôn ngữ kiến trúc ngày nay, tôi nghĩ các trường khác như trường Y, trường Dược tình trạng này cũng không khác gì trường ta.

Trước khi viết tiếp, tự đáy lòng mình tôi mời các bạn cùng thắp nén hương tưởng niệm những người thầy tôn kính của chúng ta, nay đã là người thiên cổ.

Xin các vị hiểu cho lòng tôi, tuyệt nhiên không có ý mạo phạm khi viết những chuyện này, mà chỉ do sự thôi thúc của kỷ niệm thân thương của những ngày xưa, đã từng được học dưới mái trường mái lợp fibro thân yêu, với lòng biết ơn các thầy, với tình thân thiết nègres - patrons.

Môn học khó hiểu nhất và ít từ Việt để dịch nhất có lẽ là môn géometrie descriptive, sau dịch là hình học họa hình, do thầy Trần văn Bạch phụ trách, thầy là một vị kỹ sư công chánh lão thành, học ở Pháp về, tôi được nghe kể rằng thầy đã từng làm Bộ trưởng công chánh, được mọi người trọng vọng, nhưng vì không đủ từ ngữ tiếng Việt để giảng bài nên thường thầy chỉ vẽ hình và chỉ trỏ là chính.

Vả thầy cũng bất cần cái qui định Việt hóa của bộ Giáo dục, thầy cứ dùng sách Pháp, đề thi cũng bê nguyên con trong sách Pháp.

Khi thấy học trò ngơ ngác, thầy hay gồng cánh tay lực sĩ của mình lên rồi dứ dứ nắm đấm dọa “Thầy khỏe lắm, ra công trường đứa nào cãi láo là thầy cho một thoi liền đó.”

Tôi chắc các bạn cùng lớp nhiều người cũng chẳng hiểu gì hơn tôi,  chỉ chờ thầy sơ ý là lén lấy sách của thầy tra phần bài giải.

Vị giáo sư thứ hai gặp khó khăn trong tiếng Việt có lẽ là thầy Bùi Quang Hanh, vị sư phụ có mái đầu bạc trắng, khi sửa bài thầy hay quơ cây bút chì vẽ vòng vòng trên bài của học trò,

“You phải làm vầy, cái nầy qua cái nầy như vầy mới hợp lý…”

Có anh chàng, khi đi sửa bài, vẽ bài không kỹ bị thầy truy, tưởng bở cũng quơ tay trình bầy:

“Thưa thầy em tính làm vầy, làm như vầy…”,

Thầy để cho anh ta nói một hơi rồi từ tốn bảo:

“Thôi you khỏi học nữa, để tui nói Khoa trưởng cấp cho you cái bằng kiến trúc sư nói!”, từ đó anh nào miệng nói mà tay không vẽ được ra thường bị gọi là architecte parlant.

Các vị giáo sư khác chuyển qua tiếng Việt có phần dễ dàng thoải mái hơn.

Nhờ  những nỗ lực của Tổng Nha Kiến thiết, Tổng cục gia cư và tờ tạp chí chuyên ngành (nguyệt san hay tam cá nguyệt san gì đó) vài năm sau chúng tôi cũng đã có số vốn từ vựng chuyên môn tạm đủ dùng.

Tuy nhiên trong trường, chúng tôi vẫn giữ thói quen nói chuyện với nhau chen vào một số từ tiếng Pháp.

Nói cho thật lòng, trong sinh hoạt đồng môn nói làm cạc-nê sì-tê, cạc-nê-cồng, làm analo, làm esquisse, làm concours, làm projet, đớp valeur, ăn bài, phua bài, a-văng-xê, sa-rết, răng-đu… nghe nó đã hơn khi nói toàn tiếng Việt.

Nhân đây tôi cũng muốn ghi lại các từ mà hồi đó hay dùng, để các bạn tham khảo, kẻo lâu ngày bị tam sao thất bổn.

1. Analogue: Bài vẽ cổ điển phân tích học trên khổ giấy A1, ngày đó chưa có bút kim, chỉ dùng tire-ligne, com-pa mà phải vẽ cả một cái mái ngói, mỗi viên ngói là 2 đường cong khác nhau thì các bạn tưởng tượng xem chúng tôi phải bỏ biết bao nhiêu công sức hì hục…

2. Atelier: họa thất, ngôi nhà thân thiết của sinh viên kiến trúc chúng mình.

3. Béton armé: bê tông cốt sắt, môn học về kết cấu.

4. Carnet, hay carnet de croquis: là tập bản vẽ ghi lại những gì mình đã học, đã tìm tòi cho một môn học, gồm có các loại cạc-nê sì-tê (stéréotomie) môn thiết thể vật liệu, cạc-nê-cồng (carnet de construction) dày như quyển tự điển làm nhanh cũng phải mất từ 3 tới 6 tháng. (Xem qua vài mẫu carnet de croquis...)

5. Changement d’esquisse: đổi partie trong họa cảo, lỗi phạm qui, bài bị loại không chấm.

6. Charetté: bài làm bị trễ, nguyên nghĩa là đẩy xe bò. Đối lại là Avancé, bài làm sớm.

7. Circulation: sự lưu thông, sự liên hệ giữa các thành phần của đồ án, một tiêu chí cực kỳ quan trọng trong khi binh bài.

8. Concours: bài thi 3 ngày, chỉ dành cho sinh viên cấp I, không có giảng đề, trên bảng A1, mỗi năm có 4 bài gồm:

- Goedeboeuf: đòi hỏi khả năng bố trí và thể hiện không gian nội thất.

- De Laon: đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú và sự bay bướm trong thể hiện.

- Labarre: đòi hỏi hiểu biết thật thấu đáo về lý thuyết kiến trúc của đề tài và khả năng bố trí tổng mặt bằng hợp lý, chặt chẽ.

- Rougevin: đòi hỏi kỹ năng thể hiện vật liệu như thật.

Tỷ lệ ăn concours là rất thấp, điển hình là bài Labarre “Bến du thuyền”, đề của thầy Huỳnh Kim Mãng, chỉ có 4 bài ăn trên tổng số hơn 200 bài nộp.

Bài  Đờ Lăng “Vườn trong mộng” , đề của thầy Nguyễn Trọng Kha, lập kỷ lục về số bài ăn, hình như 54 bài trên 242 bài nộp (tương đương với tỷ lệ “ăn” bài projet).

9. Construction: Môn học quan trọng nhất ở 2 năm thứ tư và thứ năm, thường nói gọn là cồng-cát và cồng-xanh (construction de quatrième classe et cinquième classe).

Bài thi cồng-cát chỉ là bảng vẽ A1 giải quyết một chi tiết lớn trong công trình, ví dụ như khai triển chi tiết thi công và thể hiện vật liệu cho cầu thang chính.

10. Cồng-xanh: phải vẽ ít nhất hai bảng A0, khai triển tất cả chi tiết (tỉ lệ 1/50, 1/20, 1/10, thậm chí có khi là 1/1) cho cả một ngôi nhà (thường chọn một bài projet second để khai triển), ngoài ra còn phải làm một quyển các-nê crồ-ki dày cui để nộp khi vào thi vấn đáp (orale), thầy vừa kiểm tra vừa hỏi các chi tiết trong đó, ai mà dùng đèn rọi để ‘can’ lại, không hiểu cho rõ là dễ bị thi kỳ hai lắm.

11. Contre ponsible: làm công-pông-sip là đồ lại bằng chì vào mặt sau của tờ giấy can để khi đặt suôi trên bảng vẽ dùng móng tay hay đồng xu cà mạnh thì hình vẽ từ giấy can in xuống mặt giấy canson, gọi là poncer, phải lót miếng giấy can trước khi cà thì giấy mới không bị giãn, hình vẽ không bị đề-phọc-mê (méo mó), làm analo rất cần kỹ thuật này vì như thế mới giữ cho giấy của bản vẽ sạch, khi đi ôm không bị ố.

12. Décors, décoration: môn trang trí nội thất.

13. Dessin: hội họa

14. Échelle: tỷ lệ

15. Fosse sceptique: hầm phân tự hoại.

16. Four: phua, là cái lò sưởi, ở bên Pháp trời lạnh, bài bị rớt thì liệng vào lò sưởi may ra còn được chút hơi ấm, vậy nên bài bị rớt gọi là phua.

17. Grand aigle, double grand aigle: xin đọc là gờ-răng-tẹc, đúp-gờ răng-tẹc, bảng vẽ khổ A1, khổ A0.

18. Hachuré: át-suya-rê, kẻ những đường cách khoảng đều nhau, như vết băm bằng rìu trên mặt gỗ.

19. Homogénité: đồng chất

20. Idées: ý tưởng.

21. Mal concordance: thường đọc tắt là Măng (M’ance), vẽ không ăn khớp giữa mặt bằng mặt cắt mặt đứng, lỗi này nặng, bài cũng bị đánh rớt.

22. Maquette: mô hình, cũng có nghĩa là bản vẽ trình bày cách sắp xếp các bản vẽ (“bố cục” – ghi chú của TL-KV) hay một cảnh diễn trên sân khấu.

23. Mention: Trị số

24. Mésopotamie: vùng đất còn nhiều di tích kiến trúc cổ, tụi tôi hay lấy chữ này, chỉ một chữ này thôi, hát nghêu ngao trong khi vẽ bài.

25. Modelage: khuôn mẫu một tiểu phẩm nghệ thuật.

26. Nègre: đàn em theo phụ với đàn anh, nguyên nghĩa là “mọi”.

27. Patron: đàn anh, nguyên nghĩa là “ông chủ”.

28. Ombre: bóng, thường nói đi ôm có nghĩa là dùng cọ tô bóng (chứ không phải là đi bia ôm đâu nghe).

29. Ordres: những kiểu thức kiến trúc cổ điển (La mã, Hy lạp)

30. Partie compacte: bố trí mặt bằng chặt chẽ, hướng nội.

31. Partie extensible: hướng ngoại, có thể mở rộng dễ dàng.

32. Plan, coupe, façade: Mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng.

33. Pers.: perpective, phối cảnh.

34. Planche, planchettette: bảng vẽ lớn nhỏ.

35. Porte mine: bút chì bấm.

36. Premìere mention: bài ăn hai trị số.

37. Poncer: pông-xê là cà cho cái hình vẽ đã làm công-pông-sip in lên giấy vẽ.

38. Repêché: đậu vớt

39. Stéréotomie: nói tắt là Sté., môn thiết thể vật liệu.

40. Rendu: thể hiện; rendering: làm nổi bật ý của partie.

Tôi đã bị rớt bài projet premìere “Hội chợ trong Thảo cầm viên” - đề của thầy Lê văn Lắm, vì partie đúng mà rendu sai, thầy Mãng chê tôi “em rendu sạch sẽ, đường đi trắng toát, các khối rời nhau như thế thì còn gì là ambiances của hội chợ”.

41. Tire-ligne: bút vẽ chuyên dùng, loại tốt nhất là của hãng Kern, Thụy sĩ, xứ sở làm đồng hồ, sài mòn vẹt mà nước xi vẫn sáng bóng.

42. Voyage, voyage d’étude: đi vòng vòng các họa thất xem thiên hạ làm bài ra sao, nhất là những lúc cạn ý.

...

Tôi biết mình viết còn thiếu sót, xin các bạn hiệu đính bổ sung  giùm cho.

Cảm ơn và Tạm biệt,

ĐỖ XUÂN ĐẠM   2-11-2010

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1522
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy