Đèn sách và những món nợ đời

29/11/2017 Võ Thành Lân
1624
0

Nói về thầy Nhạc là nói về một thế hệ kiến trúc sư cùng thời, cùng học chung trường Mỹ thuật Đông dương Hà Nội, sau 1945 tiếp tục sang học ở Pháp và sau 1954 về hành nghề ở Sài gòn và cùng nhau tiếp tục phục hồi và tạo dựng trường Kiến trúc.

(Ảnh bên: GS. KTS. Nguyễn Quang Nhạc 1924 – 2004)

Nhớ hồi học năm thứ hai, đến văn phòng Thầy xin việc... Cô thư ký: chỗ của anh đây, dụng cụ giấy vẽ trong ngăn dưới mặt bàn; anh được trả 60 đồng một giờ, ngày nào làm mấy giờ thì tự ghi vào cái bảng nầy…lương phát vào chiều thứ bảy..! (thời giá lúc nầy: tô phở Pasteur #1 Sài gòn=10 đồng ) – Sau đó suốt hơn 2 tháng trời Thầy chỉ biểu làm mỗi một việc là ngồi tập viết chữ, chữ cở 3,5,7 và 12mm, chừng nào viết chữ coi được thì mới cho rờ tới bảng vẽ. Công việc rất chán nhưng chiều thứ 7 cầm phong bì thì… vui!

Các thầy đến trường dạy cho trò những kinh nghiệm, những chiêm nghiệm nghề nghiệp của thầy, trò đến văn phòng thầy rèn luyện kỹ năng làm việc và cách tổ chức hành nghề và cùng nhau chia sẻ những ý kiến của từng vấn đề. Ở trường Kiến trúc ai cũng gọi Thầy và xưng con, mới nghe có phần khó chịu, nhưng rồi dần nhận ra lối xưng hô đó như là một sợi dây thân tình và gần gũi ràng buộc thầy trò với nhau trong cái nghiệp chung và cái đám con của mấy thầy tự nhiên rồi cũng cùng sống với nhau thân tình như anh em trong một nhà. Và như thế cuộc sống của các Thầy với chỗ làm việc và trường hòa quyện nhau thành một mối không rời.

Khi trường đổi tên từ trường cao đẳng sang đại học, Thầy Nhạc là hiệu trưởng đầu tiên và công lao lớn nhất của Thầy là tạo nên một môi trường đào tạo mang tính xã hội hóa rất cao. Trường chỉ có 8 biên chế, toàn bộ các thầy làm theo hợp đồng hàng năm, cơ sở vật chất do sinh viên tự quản… Sinh viên được quyền chọn thầy để học, học theo tín chỉ, học bao lâu cũng được khi nào đủ điều kiện thì ra trường.

Mọi thứ đang diễn tiến êm ả trơn tru cho tới cái ngày tháng 4-1975 (...) Nhà Thầy ở Làng đại học Thủ Đức bị “chốt”, văn phòng Thầy bị niêm phong không được vào, mặt bàn vẽ được gở ra làm panô cổ động, chân bàn xếp đống chờ làm củi… hàng tấn hồ sơ bản vẽ lưu trữ bị tống lên các xe ba gác chở đi đâu đó rơi rớt vươn vãi khắp đường…

Không riêng gì Thầy, mà tất cả các KTS thời đó đều rất coi trọng chữ ký của mình, ký vào văn bản, hợp đồng và quan trọng nhất là ký vào bản vẽ như là một sự xác nhận chất lượng và hơn nữa là xác nhận trách nhiệm và tính cách của kiến trúc sư. Ai mà bị Kiến trúc sư đoàn phát hiện ký tên vào bản vẽ không phải do mình làm ra thì ngay lập tức bị xóa sổ và như thế coi như sự nghiệp đi đời nhà ma. Còn đến khi làm tổ trưởng bộ môn dưới mái trường mới thì chữ ký của Thầy vào các báo cáo, biên bản họp… chỉ còn là sự xác nhận rằng anh tuân thủ hệ thống và biết vâng lời… Cho nên trò phải làm giúp Thầy cái trò muối mặt đó chứ vinh dự gì cho cam, mà không những ký thay còn xếp hàng nhận nhu yếu phẩm: đường, thịt, mì sợi… mang về nhà cho Thầy. Thử tưởng tượng mà xem, nếu thầy Nhạc mà như thầy… thầy… nhận hàng xong đi diễu trong trường với cái lốp xe quàng qua cổ, nách cắp bao mì sợi, tay xách cục thịt nước chảy ròng ròng, miệng cười toe toét… thì có mà đi tìm chỗ chết cho rồi !!!

Về trường mới, (...) một sự thật là phần lớn các thầy mới đều không thể đọc được bản vẽ tuy được đào tạo nước ngoài và là phó tiến sĩ… và trong trường thường xuyên xuất hiện các hình ảnh, hành động phản cảm mà Thầy không bao giờ có thể tưởng tượng được lại xảy ra trong ngôi trường yêu dấu của mình. Bị mất gần như tất cả, hẳn là Thầy rất đau lòng và buồn phiền nhưng tuyệt nhiên không bao giờ tỏ ra cay đắng hay ta thán vì hơn ai hết Thầy biết rằng những cái thực sự làm nên tính cách và giá trị của Thầy thì không ai có thể tước đoạt được.

Một người thầy chân chính không chỉ giúp ta có một cái nghề mà hơn thế là tiêm được vào huyết quảng ta cái thái độ với cuộc sống suốt đời như một người tử tế, nghẽn mạch máu nầy thì bộ não có siêu phàm rồi cũng phải chết. Điều lớn lao học được ở Thầy là thái độ tự tại của người trí thức luôn coi trọng phẩm giá con người, trật tự xã hội và hạn chế tối đa không để cho những chính kiến, những cái gọi là ý thức hệ gây phiền não và làm tha hóa bản thân dù phải nhọc nhằn đối mặt với nó như là điều không tránh khỏi.

Sài gòn là xứ sở của người thập phương, tôi cũng thế cũng là dân nhập cư mang trong người cái gen thích di chuyển đó đây ta bà khắp nơi rồi từ đó có rất nhiều bạn bè, bạn nhậu ở Sài Gòn, bạn tâm giao ở Hà Nội và đa phần đến với nhau như là một lẽ tự nhiên được sắp sẵn tự bao giờ không lý giải được. Gần 15 năm lang thang ở Hà Nội có thể nói rằng với nhúm bạn ở đây có thể liệt kê một danh sách dài tất cả các nàng hạng top trong hầu hết các quán bia mặt phố to trong ngõ hẹp… Thế mà bây giờ họ đi lấy chồng cả rồi, ôi cái Hà Nội của tôi… (nói kiểu Trần Tiến).

Nên tin vào điều nầy: đến một lúc rồi cái lằn ranh giữa Thầy và Bạn một hôm bỗng biến mất, đã từng có những người Thầy gần gũi chan hòa như bạn rồi thì cũng sẽ có vô số người Bạn chỉ cho ta nhiều điều hay như những ông thầy và cũng không loại trừ những người bằng thái độ sống của họ chỉ ra cho ta những điều không nên học, mà không học thì… khỏi phải làm!!!

Từ khi biết vẽ chân dung đến nay đã vẽ được vài trăm tấm và trong số đó có nhiều người chưa gặp mặt bao giờ. Vẽ những người mang đến cho mình điều thú vị nào đó trong cuộc sống và riêng đối với những người đẹp (vẽ hào hứng hơn) ngoài ý nghĩa mang đến một niềm vui còn là sự tri ân đấng tạo hóa đã ban cho thế giới nầy những điều mỹ tuyệt. Và sẽ còn tiếp tục, tiếp tục vẽ... (Xem bộ album...)

Trịnh Công Sơn hát một cách tự nhiên rằng:” Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…” rất thích câu hát nầy vì nó thể hiện cái chất hồn nhiên, chân thực và rất người của nghệ sĩ. Hạt bụi là cái thứ rất nhỏ và hòa lẫn, nhưng khi ví mình như hạt bụi thì tác giả vẫn băn khoăn hạt nào là hạt-bụi-tôi !!! Có ví mình hạt bụi, như tảng đá hay như quả núi thì vẫn ở trong cái vòng lẩn quẩn của kiếp người của cái bản chất tư hữu cố cựu dù tài sản đó chỉ là một hạt bụi mà thôi.

Có người phê tôi hơi dài dòng, nhưng ngắn dòng thì dễ bị hiểu lầm và tạo ra không gian tranh luận, tranh biện và đôi khi làm căng thẳng giữa những người bạn mình với nhau là điều không cần thiết và nên tránh. Có thì giờ, đọc cho vui rồi quên nó đi, còn thấy dài dòng thì…thôi! Nếu tôi có khả năng làm cho ngắn gọn thì đã đi làm chánh trị sáng tác các khẩu hiệu, theo nghiệp kiến trúc sư làm gì…!!!

Nhớ Thầy, nhớ Bạn và Các em… lắm lắm !!!

VTL

 

Chuyên đề TRƯỜNG KIẾN 196 PASTEUR:

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1513
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy