Bài Archisport. 2 : SÂN CHƠI ĐA-GIÊ-MÔN

04/10/2016 Lý Thái Sơn
4974
0

(Giai đoạn 1 : 1965 – 1975, MƯỜI NĂM TÌNH CŨ)

♦ Dẫn 1: DE COUBERTIN (cha đẻ của vận động hội Olympic):

“Quan trọng là tham dự, không phải huy chương”. Có vẻ như câu châm ngôn  nổi tiếng nhất của Ngài  Bá tước chỉ  được nẩy sinh  sau khi đã tham khảo mô hình Olympic - Kiến từ Trời Tây (Ecole des Beaux-Arts de Paris) đến trời Đông (Ecole supérieure de l’architecture de SaiGon (ESAS). Ngoại trừ các môn thi đấu điền kinh sở trường của các siêu sao đã đề cập ở Bài Archisport.1, câu nầy có thể áp dụng cho hầu hết các môn TDTT được tổ chức hàng năm còn lại. Nói xấu hổ: đi tới đâu cũng kèn, trống, cờ xí ì xèo, ồn ào như vỡ chợ, mặc dù không lúc nào không thủ sẳn giỏ cần xé để hốt… trứng lộn. Vừa chạy, vừa đá, vừa lâm râm  niệm  chú “Vái trời cho tụi  con đá lọt dù chỉ một quả vào lưới “bọn”  Phú Thọ, “bọn” Nông lâm súc hoặc “bọn” Luật “láng giềng”... Cũng chẳng có cái trường nào mà dị hợm vậy. Thua không biết “nhục Trường- thể”, hoặc “nhục Kiến -thể”, lại còn vui vẻ rủ nhau đi... liên hoan, ăn nhậu “dô dô”. Thua sân lớn - nhiều chục đến vài trăm mét vuông - phen nầy ông quyết gỡ lại ở sân nhỏ chỉ vài mét vuông…

Cô Mười (nick=Tình), cô Tám (nick=Khánh) hai Phê(một chủ quán nhậu + một chủ quán cà-phê mà dân Kiến rất khoái), Anh thích Phê nào nè?

Chuyện thường ngày của nền  TDTT Kiến ấy mà.

♦ Dẫn 2: Sir  ALEX FERGUSSON, huấn luyện viên của đội bóng đá MANCHESTER UNITED:

“Phong độ chỉ là nhất thời   Đẳng cấp mới là vĩnh cữu”

Có thể vận hành  song song với câu “khôn nhà, dại chợ”. Ra đường thì ôm đầu máu mà hễ vác được cái xác về đến trường thì tha hồ đấu nhau chí choé, chí chết. Chẳng ông nào chịu ông nào. Thảo nào về sau, mỗi KTS đều là một ông Trời con. Phong độ là nhất thời kia mà! Hôm nay tao nhường mầy vì... gió ngược, vì… cây vợt mút không chịu nẩy, vì một trăm lý do bà rằn bà rí . Hôm qua ne nhịn patrông vì còn 3 bữa nữa nộp bài. Nộp xong thì đừng hòng !

                    Thua, ăn gì cũng “nhất thời”, cũng chỉ là “phong độ”. Vì vậy không thể xếp hạng đẳng cấp cá nhân  theo bất kỳ tiêu chuẩn nào một cách phân minh, rạch ròi được... May quá, đã có thể thức TOP + number là tương đối khả thi:

* Ví dụ :    1 – Bóng bàn : có Top seven (7 anh sàng sàng/Les 7 mercenaires/Seven Samourai)

                   2 – Banh bàn : chưa bao giờ tổ chức tranh giải, cả đơn lẫn đôi ... vì cứ để vậy thì có thể nói ” mọi thằng đều thắng”, hoặc “chỉ tao mới nhất”. Topless là chắc cú. Vui cả làng.

                  3 – Cờ tướng : có Top five (chấp con xe) Top ten (chấp con pháo), Top twenty (chấp con ngựa), v.v và v.v...

Cấu trúc sân chơi đa – giê – môn 

STT         Nhóm  A   Đối Ngoại: To be or not to be

   1              A.1   Tầm cở Olympic: Điền kinh =Chạy+Ném+Nhảy : chúng ta là vô địch (Champion)

                   A.2    Lót đường: Vấn đề=Tham dự

   2                    A.2.1   Bóng đá : Lực bất tòng tâm

   3                    A.2.2   Bóng bàn A: Không chó bắt mèo

   4                    A.2.3   Bơi lội: Quan trọng=Có mặt

   5                    A.2.4   Võ thuật 5 môn: Thắng không kêu,Bại không nói

   6                    A.2.5   Kiếm thuật: DonQuiChotte,+ Samourai

   7                    A.2.6   Đi bộ: Đường đi không đến

                    A.3  Dị dạng: Độc nhất vô nhị/ Vô tiền khoáng hậu

   8                    A.3.1  Săn bắn cá dưới biển: Một đi xin trở lại

   9                    A.3.2  Thao diễn quân sự: Ai chơi lại nào

   10                  A.3.3  Đua xe hơi công thức 69: Lục lâm quái xế

               Nhóm B  Đối Nội: Gà nhà bôi mặt

                       B.1 Trong khuôn viên Trường: Hòa cả làng

   11                    B.1.1  Bóng bàn B: Chẳng ai chịu ai

   12                    B.1.2  Banh bàn : Anh nào cũng nhất

   13                    B.1.3  Cờ tướng đánh đôi : Quyết níu lấy Con

                      B.2  Ngoài khuôn viên Trường : Sức chơi Sức chịu

   14                    B.2.1  BiDa: Thể thao hại cột sống

   15                    B.2.2  Thể hình lưỡng cực: Ai khỏe hơn ai/tui

   16                    B.2.3  Xì Phé: Thể thao "chí" tuệ/Adrenaline

 

NHÓM A : ĐỐI NGOẠI - To be or not to be

Nhóm A1 : Nhóm tầm cỡ - Chúng ta là vô địch!

Gồm các siêu sao (đã giới thiệu ở Bài 1) Nghĩa Rừng, Hay Điên , Thành Ke và vv… Dường như cả ba đều đạt tiêu chuẩn và chế độ lương bổng  LỰC SĨ QUỐC GIA cấp phát hàng tháng (xưa không gọi là vận động viên , mặc dù Olympic games thì gọi là vận động hội). Riêng tổng số huy chương vàng mà cả ba đoạt được  thường xuyên là Nghĩa Rừng (6 – 7) + Hay Điên (3 – 4) + Thành Ke (3-4) = khoảng một tá / lố (dozen) lấy lên. Vào năm 1965 tổng số Kiến khoãng 150-180 đem chia đều ta sẽ có một con số không tưởng : 10-12 dân Kiến / 1 HCV Olympic sinh viên. So với toàn VĐH Sài Gòn con số nầy cũng... phi thường quá và chẳng những với Việt Nam ta, mà còn  cả với thế giới nữa. Harvard, Yale, MIT, Berkeley (Hoa kỳ), Oxford, Cambridge (Ăng lê), và ngay cả trường  “gốc” ở Paris (Pháp) có mà nằm mơ, tha hồ mà trải thảm học bổng. Nhãn tiền như ở Asiad. 16 (2010)  Quảng Châu, đoàn Việt Nam quơ quào  vỏn vẹn đúng ... 1 cây gậy về đường: hệ quả của kiểu tư duy “mì ăn liền” hoặc “đi tắt đón đầu”, hoàn toàn xa lạ với quan điểm “phát triển bền vững” của Trường ta xưa nay. May mà Trường chỉ cử có ba mạng  thuộc loại tàm tạm, cùng một số Kiến có thành tích ăn chơi “kém nhất” tham dự, chớ nếu cả trăm “tay chơi”đồng loạt  bỏ bài, bỏ họa thất thì ... ai mà chịu nổi.

Nhóm A2 : Nhóm lót đường: (trong đó Bóng đá + Bóng bàn là có thi đấu thường xuyên ... ) Vấn đề = Tham dự

      (A.2.1) Bóng đá: LỰC BẤT TÒNG TÂM.

Thường thì Nghĩa Rừng làm thủ quân(captain/Đội trưởng) giai đoạn 1965 – 1970, về sau thì ai làm UV.TDTT. BĐD người đó hầu như kiêm nhiệm luôn vai nầy ...  Các thủ môn theo từng thời kỳ, hết Khanh gìa, Tống già/FM đầu bạc, đến Thái dzúis  ... hoặc khi ba ông nầy vắng mặt thì bắt mấy ông bóng rổ, bóng chuyền vào thay thế cũng xong. Các cầu thủ  thường xuất hiện gồm: Nghĩa Rừng + Tâm Ròm / Huế + Ba Hà / Xuân (P. 64), Trung Sún / Đại Đồng, Hiệp Sĩ Say (Huỳnh Văn Diệp P. 65) + Sơn Ốm  + Sơn mập + Xã Hòa + Hùng du đãng + Tâm Cao + Cần Lù + Tòng Búa + Chiếu Già + Hồng xích lô + Phước Hippie + nhất là các Kiến thuộc thập niên ‘70 (không nhớ hết, ai nhớ xin điền giúp  vào)... Xin lưu ý có nhiều trận thiếu quân sô, bạ ai bắt nấy, chẳng phân biệt cầu thủ hay cổ động viên, chẳng cần giầy đinh, giầy bố hay Bata cũng... chơi luôn. Thua là cùng! Ăn thua mình... gan! Sân chơi thì quanh quẩn: Phan Đình Phùng (tập vợt), Tao Đàn hoặc Hồng Thập Tự (thi đấu), thỉnh thoảng cũng có trận đá ở sân Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất).

     (A.2.2) Bóng bàn nhóm A : KHÔNG CHÓ BẮT MÈO.

Nhóm Top seven: Trị Hồ (Hồ Thiệu Trị) + Sơn Ốm + Sơn Mập  + Đăng Mập + Tuấn Già Chuồn  + Zamora Raphael (Việt gốc Tây Ban Nha, quốc tịch Philippines) + Ba Xuân / Hà. Mỗi người mỗi vẽ, thắng thua chỉ chênh lệch vài quả, tuỳ lúc, tuỳ nơi, và có thể chấp nhóm B  kế dưới 5 – 10 quả. Mỗi mùa thi đấu cấp Viện ĐH Sài gòn cứ thấy ai có mặt là kéo nhau đi đấu. Ban tổ chức giải cũng chẳng buồn kiểm tra căn cước sinh viên vì họ biết chắc dân Kiến là con cháu đích tôn của Bá tước De Coubertin, lót đường cho vui là chính!

      (A. 2.3) Bơi lội : QUAN TRỌNG LÀ CÓ MẶT.

                        Hiếm khi được dự tranh bên ngoài.

                       Có thể kể Nhạn Lê / Khắc (P.64), Mỹ Phan (Phan Chí Mỹ - P. 65) cao cả thước tám, đặc biệt Sơn Mập nặng hơn tạ,  có cú Virage (lộn ngược đạp vào hồ) đẹp như  một chú gấu trắng Bắc cực. Bơi được cả Ếch lẫn Nhái, trườn sấp lẫn trườn ngữa (sãi) trườn tới  lẫn trườn lui, và thỉnh thoảng cả Bướm nữa, nếu thấy có bóng nữ sinh viên trường bạn lấp ló bên  hồ. Môn nầy có lẽ là môn “quần chúng” nhất trường vì hâù như có gần hai chục VĐV môn Săn bắn cá dưới biển đều có thể bơi lặn không  chịu nhừơng nhịn các bậc tiền bối như Yết Kiêu, Dã Tượng là bao. Đặc biệt có một  Kiến-nữ quê ở vùng biển Vũng Tàu bơi rất cừ, nhưng vận động cách mấy cũng không chịu đi thi. Lý do: quen mặc hai mảnh (bikini), kín đáo hơn  mặc một mảnh (tức may-dô/maillot, xin đừng nhầm với monokini /một mảnh và thường là mảnh dưới, tức topless). Đố vui có thưởng. Biết, chết liền! Nickname thân thương nhất xin được đề nghị: Ô-CẤP (Cap Saint-Jacques / Vũng Tàu), hoặc ngắn hơn nữa: CẤP.

                     Mười bạn đoán trúng đầu tiên sẽ được nhận một chầu cà-phê vĩa hè đường Phan đình Phùng, bên hông trường KT xưa và nay.

      (A.2.4) Nhóm võ thuật : THẮNG KHÔNG KÊU, BẠI KHÔNG NÓI.

Hoạt động tương đối “lặng lẽ nơi nầy”. Cũng hiếm khi nghe nói dự tranh bên  ngoài.

2.4.1 Nhu đạo (Judo): Ngoài hai Judoka tầm cỡ Olympic sinh viên gồm Nghĩa Rừng chef-cochon (Melbourne – Úc) và Đức massier (Sydney – Úc)... có khá nhiều dân Kiến ham thích môn nầy như  Quý Phong + Quý Râu + Quý Sến + ai nữa nhớ không hết. Lý do: dễ tiếp cận với người đep hằng mơ tưởng, được lôi lôi, kéo kéo, rồi nào là té lên té xuống và nhất là được giật áo người đep liên tục hàng tiếng đồng hồ một cách hợp pháp. Trời Trời!

2.4.2 Thái cực đạo : (Taekwondo) thường dùng để hành nghề Thiên lôi (Chef-cochon) như Huân Nhựt, (Trần Quang Nhựt Huân), hoặc Trưởng tràng (Massier) như Hà Thanh (Nguyễn Thanh Hà), đăc biệt là anh chàng cò ma chef-cochon Hậu Tôn / Thất (P.69-70?) ốm nhom, ốm nhách,  mà nghe đồn đai đen 3-4 đẳng gì đó(!). Còn Minh Bò nghe đồn Đệ Bi-đê (P.64) cũng nhị đẳng gì nữa(!). Đề nghị Bi-đê nếu còn sống đâu đó trên đất Pháp nhanh chóng xác nhận tin dồn quái ác nầy để anh em đỡ hồ nghi, đồng thời cũng muồn biết xem cái dự án đầy tham vọng về KIỂNG Việt Nam(Paysagisme/Landscape) đã thực hiện được đến đâu rồi, sao im hơi lặng tiếng thế? Còn khá nhiều cao thủ TCĐ khác có lẽ vì khiêm tốn quá hay sao mà ít chịu xuất đầu lộ diện, hành hiệp giang hồ đơn độc. Ai biết xin mách giùm để còn kịp đưa vào danh sách.

2.4.3 Hiệp khí đạo (Ai ki do): Tầm cỡ Olympic sinh viên  có Vũ Bá Vinh (P. 69?) dường như là em của Vũ Bích Ngọc thì phải). Tầm cỡ sinh viên  có Đằng Võ (tức Võ Phượng Đằng P. 65) với tuyệt chiêu Cầm nã thủ, nhất là thủ khác phái,và hầu như chỉ sử dụng được một lần duy nhất trong đời thì phải.

2.4.4 Vovinam: Tuấn võ sư (Võ Văn Tuấn - P. 70)  một nhân vật thuộc loại VIP của Hội nầy vào thập niên 70. Còn có thể kể Cường Chuột, Tuấn Trắng, cùng một lô cao thủ nữa nhờ Tuấn bổ sung giùm.

2.4.5 Võ ta: Phần lớn gốc ”cao bồi“ Miền Tây như Chiếu Già (P.65) tay chơi xứ đế Gò đen, các cao thủ lớp P.66 như Minh Ruộng + Tôi Phạm + Hạt Cà lăm, và miền Đông như  Tài Mác su (dầu cù là) ở đầu cầu Bông + Hùng Điên nức tiếng ở Chùa Bà Đầm + ... cùng các Kiến gốc Bình Định - Khánh Hòa cư trú ở Đại học xá Minh Mạng. Cũng không thể không nhắc đến cú nhảy song phi cao ngang đầu cây sứ cùi góc sân trường (cao khoảng 2.40m) của Khoa Nguyễn / Đăng (P.63) thuộc lò Bình Định Tây Sơn. Đúng là đầm rồng hang cọp!

     (A.2.5) Nhóm kiếm thuật :  DONQUICHOTTE + SAMOURAI

Ÿ Kiếm Tây (épée): Có Dư (P. 62) D’Artagnan + Mạnh Nicholas (P.63)… đạt trình độ Olympic sinh viên. Ở ngoài Trường thì “độc cô cầu thắng”(?), chớ về đến Trường thì ắt hẳn là “độc cô cầu bại” rồi(!). Sự thật là anh nào lại chẳng dùng món nầy như cơm bữa-thậm chí có anh còn dùng cả  súng nữa kia-có điều 99% chỉ dành để… tự vệ đó thôi. Đấu tay đôi trong võ đài kín chẳng… thú hơn sao?

Ÿ Kiếm Nhật (Kendo): Có Đức Nhật Bổn, tức Thang Triệu Đức P.65 (Việt gốc Nhật thứ thiệt). Thông tin nầy xin không được bảo chứng, vả lại Đức nay đã tiêu diêu nơi miền quê cũ Fujiyama, còn đâu chuyện bảo chứng hay xác nhận. Chúng tôi không bao giờ quên Bạn!

Ÿ Kiếm Phi : Zamora Raphael (Việt gốc Tây Ban Nha, bố quốc tịch Philippine P. 65). Vấn đề nằm ở chỗ có thật sự tồn tại một nền kiếm Phi hay không? Ai dám bảo không? Hoan hô Raphael và nền kiếm thuật bí hiểm của Bạn. Còn sống và ở đâu, cho anh em biết với?

     (A.2.6) Đi bộ : ĐƯỜNG ĐI KHÔNG ĐẾN

Những năm ’70 là thời kỳ thường xuyên tổ chức các cuộc thi đi bộ nội thành 4-5 cây số lòng vòng quanh Sài gòn - Chợ Lớn. Đây cũng là thời đại hoàng kim của ban Tam K. Minh Bò + 3 trái dừa = Bốn Trái Dừa, với con”chim” đi bộ đầu đàn là Việt Phan/Lạc (nickname đề nghị CÔCÔ 1,2,3,4 cho Rockband nầy). Đó cũng là những thời điểm tiếp thị  PR huy hoàng nhất của dân nhà Kiến. Tê-Êke to đùng sản xuất hàng loạt cùng với cờ phướng ngủ sắc, rồi nào thanh la, não bạt, chiêng trống vang một góc trời, ồn  ào, inh ỏi với âm lượng có lúc lên đến hàng ngàn décibel gây đinh tai nhức óc VĐV các Trường bạn. Còn đàn Kiến trường ta thì cứ tỉnh rụi như không. Sư thật là có phân nửa nhét “nhĩ trang”, còn phân nửa kia thì bị hội chứng lỗ tai “dầy” vì hàng ngày phải nghe những âm thanh quái dị như vậy ở khắp 4 họa thất. Nầy nhé, chỉ riêng cái món Sư-Tử-Hống của Minh Bò khi đoàn đua đã về tới chợ Bến Thành của Hui-bon-Hoa (chú Hỏa) mà âm vang (écho) vẫn còn nghe văng vẳng tận chợ Bình Tây của Quách Đàm. Điều kỳ lạ là đi đua thì nhiều mà Cúp kiếc thì chẳng thấy đâu dù chỉ …một cái. Chỉ toàn một thứ cúp giống nhau ở mọi kỳ đua: Cúp Bình Thiếc, hoặc Cúp Bình Kẽm. Phần lớn Kiến đi bộ đều thuộc Prồmô ’70. Các bạn giải mã bí ẩn lịch sử nầy như thế nào xin thành thật khai báo để… tường. Chẳng lẽ lớp các bạn đều theo trường phái Ông- già -chống -gậy Johnny Walker hết cả... Trường ta vốn thuộc trường phái Đít-đầm-paris kia mà. Hèn gì!

 Nhóm A3 : Nhóm dị dạng ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ/VÔ TIỀN KHÓANG HẬU

     (A. 3.1). Săn bắn cá dưới biển - Niềm tự hào số 1 của dân Kiến:

Vô địch sinh viên toàn quốc ở tất cả các năm có tổ chức (Bích Đầm 1969, Thổ Châu 1970, Phú Quốc 1971). Môn “sở trường” của dân Kiến, Đoàn thể thao sinh viên duy nhất được mời tham dự. Tất cả các Đoàn bạn đều là con cháu Dã Tượng, Yết Kiêu thứ thiệt (người nhái chuyên nghiệp). Xin được nói khẽ trong dấu ngoặc: nhờ có CÔCC trong Hội SBCDB đó thôi, lát nữa sẽ tiết lộ.

Châm ngôn “Thấp hơn, chậm hơn, yếu hơn” (Olympic sinh viên Kiến) - Ăn chơi cho cố rồi thức đêm, thức hôm, xúm xít làm bài với đám nègres quỷ quái, còn hơi sức đâu mà “cao hơn, nhanh hơn, mạnh hơn” (Olympic quốc tế) - đã được Đội săn bắn cá dưới biển áp dụng triệt để trong các cuộc thi tài tại đảo Phú Quốc và cả Thổ Châu và Bầm-đít, xin lỗi, Bích Đầm, Nha Trang). Ví dụ  năm 1971 Nội quy Kiến ấn định: Xét vì bộ đồ lặn cồng kềnh lại thêm nào bình lặn Oxy, nào súng săn to quá cỡ… Đội  Kiến phải tuyệt đối áp dụng bộ quy tắc “Ba không”: Không được lặn sâu quá ngực (tiết kiệm hơi thở tối đa, vã có muốn lặn sâu hơn cũng đào đâu ra hơi). Không được bơi xa  thuyền neo quá 10 mét (tính mạng là trọng, cha mẹ lỡ sinh). Không được phí sức bơi  lòng vòng, tranh thủ thời cơ ngay sau khi súng lệnh vừa nỗ, hoặc tìm cách lặng lẽ bơi vào gần bờ, thậm chí sát bờ, để săn cá... bệnh hoặc lão. Bằng cớ là vận động viên Tiếu Trần năm 1971 đã bắn được một chú cá nhám lờ đờ, nặng khoảng đôi ba kí gì đó mà vẫn được ghi vào thành tích.

Đầu tiên phải nói đến Vua SBCDB Cần Lù/Sặc thành tích 3 lần Trưởng Đoàn liên tiếp(?). Các Kiến-Nhái tham dự ở Bích Đầm còn nhớ tên gồm: Nghĩa Rừng + Phiệt Vũ/Thế (P?) + Việt Đàm(P.63) + Huân Nhựt Chef-cochon + LâmLý / Bửu Massier (P.64) + Cảnh Sần + Tòng Lưu + anh em Thạch & Thức Đen. Các Kiến-Nhái thường xuyên có mặt ở Phú quốc và Thổ Châu (tức Poulo Pangjang,  hòn đảo cực nam tổ quốc ) gồm: Lang bộng + Châu P.66 + Khải Lê + Minh Bò + Sơn Ốm + Tiếu Trần + Cường Fox + Xã Hoà + Cường Chuột + Tín Mập + Quý Sến + Tuấn Chọi + Định Nguyễn/Duy(P.66?) + My Tài + Hùng Hoàng + Bửu Cao + Tiến Đen + Tài Vàng (P.70?) em Tuấn trắng (nhà có tiệm vàng ở chợ Phú Nhuận)+ Đăng Mập + Hùng xích lô và có lẽ cả… Thạch Đen + Thức Đen (hai anh em, là “CÔCC” của một quan chức lớn trong ngành săn bắn cá dưới biển, nhờ họ mà hàng năm trường ta là Trường Đại học duy nhất có xuất khoảng 20 vận động viên bơi lặn khơi khơi). Rất cảm ơn anh em nhà nick Đen!

     (A.3.2) Thao diễn quân sự  AI CHƠI LẠI NÀO:

      Ba vận động viên điển hình.

      1 –  Đức Mạnh / Trần (P. 66): Hít đất với tay nắm (không xòe) hàng trăm cái mà gò má chỉ phơn phớt hồng chút đỉnh, trông không khác mấy cô thiếu nữ ở Đà lạt, lại còn cười tũm tĩm như muốn khoe mấy cái răng khễnh duyên.

      2 –  Trí Đại Úy (P. 66): Đi đề – phí – lê “bá cháy” ... Một tay + một chân cùng bên đánh đùng đưa, tuần tự trái rồi phải, trái  rồi phải... Vô địch môn thao diễn đề- phí -lê liên tiếp tất cả các năm. Đành ôm mối hận đời không đối thủ chốn dương gian. Theo anh lúc gia đình còn sống bên Châu Phi, anh  đã học được bí thuật nầy từ việc quan sát cách di chuyển của loài voi trên đỉnh Kilimanjaro (bố anh từng bù khú với Ernest Hemingway không dưới chục lần) và nhập tâm đến nỗi muốn đi kiểu Homo Erectus như chúng ta cũng không được.

     3-    Hay điên: Rượt đuổi một siêu huynh trưởng thứ thiệt chạy lòng vòng vũ đình trường y hệt Tom & Jerry để lấy lại cái ca-lô (mũ/nón vải kaki) mà anh nầy giật của một dân Kiến thơ thẩn nào đó. Tổng chiều dài hơn bốn vòng vũ đình trường, tương đương 1500 mét. Kết quả đàn anh gần như ngất xỉu luôn. Thấy nhỏ con nên khi dễ đâu ngờ đụng phải vô địch maratông.

      (A.3.3) Đua xe hơi thể thức 69 FORMULA 69: LỤC LÂM QUÁI XẾ

Môn nầy có số lượng VĐV khá khiêm tốn và hầu như chỉ gồm các “vương tôn công tử” vốn dòng “danh gia vọng tộc”, vừa phải khá “địa”, vừa có đủ sức khỏe đẻ được cấp pẹt-mi, vừa chịu chơi, lại thêm đắt ”đào” và luôn sẵn sàng chở đám Ne ôn vật đi Ô-Cấp mỗi khi nộp bài xong nữa. Có thể chia làm 2 xế phái:

Nhóm xế Mỹ: Huân chef-cochon (Vauxhall) + Tám Tàng P.63 (Falcon) + Tuyên Hoàng / Đình P.63 (Austin 1100, giống xe Thầy khoa trưởng Nguyễn Quang Nhạc).

Nhóm xế Nhật: Cảnh Sần (Mazda) + Thành Đan / Tampa (Subaru) + ác chiến nhất có lẽ là Trưng Lê / Văn (P.66) chơi xe Honda sport mui trần (décapotable) nghe đâu chỉ để ngắm tóc người đẹp xoả tung trong gió đường, gió sông, gió biển…

NHÓM B : ĐỐI NỘI : GÀ NHÀ BÔI MẶT

♦  NHóm B. 1 Trong khuôn viên trường : HÒA CẢ LÀNG.

     (B. 1.1)   Bóng bàn hạng B CHẲNG AI CHỊU AI

                          Nhóm nầy chiếm đa số áp đảo và là nhóm  gây ô nhiễm âm thanh và không khí nghiêm trọng số một. Họa thất 4, nơi đặt bàn bóng, chắc chắn là nơi có môi trường độc hại nhất đồng thời cũng là nơi vui nhộn nhất toàn Trường. Thánh đường thể thao gì mà văng tục tá lả, tàn thuốc lăn lóc khắp nơi, các trò chơi ... cá độ ... Sơn Mập (chấp đánh ngồi, vợt guốc vông, nhảy cà thọt một chân, v.v.. đủ trò King kong “cốt đột” ...) diễn ra liên tục, quanh năm suốt tháng.

                          Nhóm nầy cách nhóm A (top 7) từ 5 đến 10 quả (tức nửa đường). Có thể kể: Tòng Búa + Khanh Già (thoạt kỳ thủy gọi là K, Fernandel, vì có cái bản mặt dài như mặt ngựa, giống danh hài Pháp Fernandel) + Đạm Xoăn + Tuấn Trắng(anh của tuấn Vàng) + Đắc Còi + Tuấn Charrette + Tuấn Chọi + Nghĩa Tây + Tiếu Trần + Thành mập + Thành Ủi + Trung Gà + Nguyên Django + v.v và v.v… Đặc biệt hơn cả là hai bàn thủ thuộc trường phái Hồng Kông bên hông Chợ Lớn, nhìn cách tạo hình, tạo dáng bên ngoài thì rất hì hờm, khí thế, nhưng khi xung trận mới bíêt “thấy vậy mà hông phải vậy”. Hèn gì hai anh chàng nầy lúc nào cũng thấy đeo một cái bao bố khá to bên phía hông trái, giống như cái bao cao su nhỏ xíu mà các nữ VĐV quần vợ…t  hay đeo bên trong váy thời gian gần đây vậy. Còn ai khác ngoài Tín Mập và nhà tạo mốt tiền phong Thành Subaru của Tampa Bay sau nầy. Còn phải kể đến một lady VĐV duy nhất của môn PingPong. Cũng giống như nữ VĐV đã kể ở mục Bơi lội, cô nầy không bao giờ chịu chơi ở sân ngoài, mà chỉ chăm chăm đòi chơi trong phạm vi trường ta mà thôi. Đã vậy,còn “mít ướt” nữa. Cứ mỗi khi bạn bè trong trường cưới vợ hay lấy chồng là thấy Nàng thút tha, thút thít, cả đám xúm lại năn  nỉ muốn chết luôn. Đố… Ai? Mười phần quà giành cho mười Bạn có đáp án đúng. Trị giá phần quà cũng giống y chang như trường hợp môn bơi lội bên trên.

     (B. 1.2) Banh bàn ANH NÀO CŨNG NHẤT: Bất phân thắng bại. Sân đấu chỉ đôi ba thước vuông  nhưng lốc cốc, ồn ào, suốt ngày đêm, nhất là những ngày trước khi nộp bài đồ án hàng tháng (cả seconde lẫn premiere) rồi nào là các kỳ Esquises, các loại concours... Quái chiêu nhất phải kể đến Dân chợ trời + Thanh Mù (có cú”đo” hàng ba, tức hàng công, nhanh như điện giật) + Đạm Xoăn ( có cú công từ hàng hai / phía sân nhà, nhanh  tựa sấm chớp và nổ to như tac đạn, vì bóng văng mạnh vào gôn bọc  kẽm) + Cung Mù + Thành Mập + Thành Ủi + Tín Mập + Đắc Còi + Sơn Ốm + Sơn Mập + Thái dzúis + Khanh  già+ Trung Gà + Phước Hippie + Lộc Xồi + Quý Sến + Nguyên Django + Chiếu Già… và như thường lệ: Hạt cà lăm, chơi thứ quái gì cũng tạo thành những giai thoại thần  sầu, chỉ thấy hát hất nhè nhẹ, chầm chậm mà đá lọt hoài mới ức. Còn phải kể đến Uy Bướm vàng nghe đâu cũng thuộc loại danh trấn giang hồ bên ngoài trường chẳng biết có đúng không?

Môn nầy hiện được gọi là Bi Lắc(?). Trời!

     (B. 1.3)   Cờ tướng QUYẾT NÍU LẤY CON :

Mèo nào, mĩu nào? Sân chơi không giới hạn trong không gian hoạ thất, sân trường, mà còn lan ra các quán cà fê vĩa hè vây quanh trường. Ồn ào, sôi động chẵng kém các môn thi đấu đối kháng TDTT.

                          Dẫn đầu kỳ thủ phải kể đến Khanh Già (P. 64) mê đến đến nổi lấy Hội quán cờ tướng làm diplôme tốt nghiệp... Nhóm Top 10 (khả năng chấp nhóm dưới 1 quân ngựa hoặc 1 pháo, hoặc nhóm cá kèo chấp 1 xe, hoặc 1 pháo + 1 ngựa)... gồm: Điều Dương / Minh (P.66) + Đắc Còi  + Trường  Bùi/Xuân (P. 69 ?) + Hạt cà lăm + Chiêu Đặng/Đức + Sơn Ốm + Định Trần/ Kiều(p.68) + Đạt Trai (Canada) + Tuấn Già chuồn + vv và vv…

                          Sáng tạo bí ẩn nhất và cũng ly kỳ nhất nhất trong mọi sáng tạo Kiến = Cờ tướng đánh đôi: 4 thằng, 2 phe, không cho hội ý, mạnh thằng nào nấy đánh ... Thường không chết vì phe địch, mà chết vì phe ta là chính. Chửi nhau om xòm ... Vui ơi là vui! Trò nầy do siêu cờ Nguyễn Văn Hạt (P. 66) sáng chế (!) nhân ngồi xem trận chung kết bóng bàn đôi nam giữa Sơn Mập + Sơn Ốm đấu với cặp Đăng Mập + Tuấn Già chuồn. Thấy và nghe tiếng lóc cóc qua lại theo một nhịp điệu đều đều đến mức cả họa thất 4 đều muốn ngủ gục, thốt nhiên anh chàng phát đại ngộ: Eurêka. Eurêka(Huynh Tâm Huế / Ròm lược lại còn; Caca, Caca). Ra rồi. Ra rồi. Môn Cờ-Tướng-đánh-Đôi ra đời trong một khoảnh khắc sáng tạo thiên tài như vậy đó. Chưa chịu thôi, trong tình trạng thất nghiệp kinh niên của những năm sau 1975, Hạt nhà ta còn sáng chế thêm môn… Cờ -Tướng-Tự-Sát nữa. Hết biết luôn! Triết lý nằm ở chỗ “Thà lụy mình hơn để lụy người”. Quy tắc của của cuộc chơi là “Thua là Thắng”, nói cách khác: Thằng nào thua (trước) là thằng đó thắng (cuộc ). Bèn nhớ tới Lão tử:

                                              Thắng nhân giã hữu LỰC, Tự thắng giã CƯỜNG.

                         Với hai sáng chế “vĩ đại” như trên, nói Hạt cà lăm là Chiết-Gia phương-Đông đương-đại, kể cũng chẳng có gì quá đáng?

♦    Nhóm B.2 Ngoài khuôn viên trường SỨC CHƠI SỨC CHỊU:

     (B.2.1)    Bi da (Billard Franc) THỂ THAO HẠI CỘT SỐNG:

Hội quán chính nằm ở ngã tư Phan Thanh Giãn (Điện Biên Phủ) và Công lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa)... gồm 4 bàn, coi như dân Kiến bao sân từ tờ mờ sáng cho đến … giới nghiêm. Thôi thì cà phê tựa suối chảy, khói thuốc  nghi ngút còn hơn ống khói tàu, mì gói bày la liệt khắp nơi mọi lúc, chẳng anh nào còn nhớ đến buổi cơm gia đình, thậm chí có anh còn quên  cả giờ hẹn với bồ nhí, bồ nhiếc. Quái chiêu nhất có lẽ vẫn là Dân chợ trời với  trình độ cao thấp rất bất trắc, khó lường. Môn phái nầy cỏn phải kể đến Hạt cà lăm  cơ thủ mà bạn luôn đánh giá thấp nhưng tiền chung độ lại luôn từ tiền túi của bạn ma-róc-móc-ra. Đánh đẹp, đánh đúng điệu, phải kể đến Thành Ủi và Sơn mập với lý thuyết  “jeu du poignet” hẳn hoi. Bi của ta chạm phớt nhẹ bi thứ hai sao cho độ dang xa không quá một gang tay. Thành Ủi định nghĩa vậy là”gom bi”, không phải ba trái chụm lại một chỗ / góc. Quánh thế thiên hạ chạy mất, lấy đâu ra thằng chịu độ. “Chí tuệ” dân GIAN(thiếu chữ MANH) có khác. Có biết bao nhiêu cao thủ từ Trường khác đã bỏ mạng tại sa trường nơi đây nhẻe? Còn phải kể đến mối thù truyền kiếp giữa hai P.70 (?). Đĩnh gì nhỉ và Phước Hippie thuộc môn phái mô-đẹc “détaché”. Đánh nhau chí chóe ở VN chưa đủ, hai Kiến nầy sau 1975 còn hè nhau chạy qua xứ Phú-lang-sa chơi tiếp. Billard Franc kia mà! Xin quảng cáo không lấy tiền: Nay cả hai đều là dân Parisien, và ai muốn chung độ tự nguyện, xin cứ đến Paris một lần rồi hãy… chết. Bất cộng đái thiên (không đội quần chung) còn có cặp Hạt Cà lăm đấu với Trường Bùi / Xuân. Kẻ tám lạng, người nửa cân, cho đến giờ vẫn chẳng ai phục ai. Dễ sợ thiệt tình! Còn phải kể đến các cao thủ dưới từ một chút đến nhiều chút và thường ăn dằm nằm dề ở hội quán như: Đạm Xoăn + Sơn Ốm + Thái Dzúis + Hưng Xe đạp + Đắc Còi + Cường Fox + Định Trần/Kiều + Trường Bùi/Xuân + vv và vv../ ai còn nhớ bổ sung giùm.

Còn phải liệt kê ra đây hai hội quán hạng nhì: một ở bên Khánh Hội (đi chơi phải lận theo… ít dao búa để phòng thân) và một ở tuốt Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu). Được cái là các chủ quán rất dễ mến, tới giờ giới nghiêm mà thấy đám Kiến còn say độ thì lẳng lặng đóng cửa, giao chẳng những chìa khoá nhà mà còn đồ đạc bếp núc để các cơ thủ self-service thâu đêm suốt sáng.

     (B.2.3)    Thể hình AI KHỎE HƠN AI/TUI:

2.3.1 Thuận : Quý Phong (P. 58) + Cường Láng + Cần Lù  + ...

2.3.2 Nghịch : Cỗ Văn Hậu (Huấn luyện viên) + Hoa hậu (Nguyễn Đăng Quang (P. 63) + Á hậu 1 (Tâm Huế P. 64) + Á hậu 2 (Sơn Ốm + Nam Ròm + ...)

Ngoài ra, cũng phải kể đến thành tích lẫy lừng và độc nhất vô nhị của Cần Lù ở sân chơi Thể vận (nay gọi là  Thể dục dụng cụ) vào năm 1968. Nhờ thành tích độc đáo nầy mà anh đã mang về cho  Trường ta được một bộ thiết bị tập luyện gồm xà đơn (parafixe), xà kép (paralèlle) đúng chuẩn. Có điều mấy cái thiết bị nầy vừa choáng chỗ lại vừa ế khách (có hơn phân nửa dân Kiến là Lực sĩ uống lộn thuốc?), tội nghiệp Cần nhà ta đành phải ngậm ngùi tháo dở ít lâu sau đó. Thành thật chia buồn cùng Cần.

     (B.2.2)    Xì phé: THỂ THAO “ CHÍ TUỆ ”/ADRENALINE còn hơn  cả cờ vua. Sân chơi thông thường được tổ chức tại tư thất kín đáo của Hời Đinh (P. 65) nơi  tập họp được các cao thủ như  Quang Ròm (P. 63) + Khanh Già  + Tín Mập  + Tòng Búa + Tòng Lưu (P.69?) +... Sân chơi “lậu” trong khuôn viên trường có “băng” Đạm Xoăn + Thanh Mù + Đức Mạnh + Cung Mù + Cơ Lủ + Thưởng Hoàng(P.65), nhờ sự tiếp sức của Hùng Sùi (cán sự KT) con trai của Bác Triết.

Có bạn théc méc tại sao lại đưa môn nầy vào danh mục TDTT. Vậy chớ tại sao “hại cột sống”như môn Bi-da, hoặc “bại não+bại lưng” như Cờ Tướng, Cờ Vua… mà còn được hưởng vinh dự đó thì đối với môn Xì phé, tại sao lại không nhẻe? Bạn đã bao giờ ngồi vào một bàn Phé chưa? Bạn đã đến LasVegas, hoặc Macau chưa? Và nhất là bạn có tận mắt chứng kiến trận quyết đấu sanh tử diễn ra suốt ba ngày + ba đêm giữa “băng” Đạm Xoăn + Thưởng Hoàng với “băng” gangster CTKD từ cao nguyên Đà Lạt xuống, nhằm vẽ lại Bản đồ Xì phé Liên viện? Nếu có, tôi đoan chắc là bạn sẽ đồng thuận với Sơn Ốm nầy tới 1000% lận.

♦    Kết :

                    Mười năm tình cũ 1965-1975, một chặng đường không dài, nhưng rực rỡ và đầy ắp những hồi ức, những kỷ niệm không bao giờ phai giữa nhiều thế hệ sinh viên và kiến trúc sư liên tục. Một sợi dây thân ái tuyệt diệu  mà không dễ -nếu muốn nói là không thể - có được ở bất kỳ một khoa hoặc một Trường đại học nào khác. Chúng ta tin rằng TDTT và tinh thần thể thao chân chính (ARCHISPORT) không chỉ giúp cho dân Kiến sức khoẻ, niềm vui, tình thân ái, mà còn đóng góp vào việc hình thành nhân cách và phong cách sống của mỗi anh em, mỗi patron-nègre Trường ta, một ngôi Trường mà người viết bài nầy luôn cảm thấy ấm áp, hãnh diện và không bao giờ nuối tiếc vì đã phí hoài ở đó “mười năm tình cũ”./.

 Lời Bạt :

                    Còn hai môn nữa chưa được đưa vào Archigames-Kiến (sẽ nâng tổng số lên đến con số 18=Thập bát ban võ nghệ=Văn võ toàn tài!) trong bài viết nầy, rất mong nhận được “gậy tiếp sức” của những Kiến có liên quan trực tiếp, hoặc gián tiếp đến hai môn nầy:

                      1-Bóng rổ: có đề cập ở bài Archisport.1, tuy nhiên sau ĐH.TTĐK. Liên viện tổ chức lần cuối cùng ở Huế - 1967 - năm mà Đội bóng rổ VĐH Sài gòn đoạt chức vô địch với thành phần chủ lực là dân Kiến, gồm Đức Kèn (Saxophone) + Lý Quang + Công Minh + cả Trưởng đoàn Sài gòn Nghĩa Rừng cũng tăng cường thì phải (thực chất hai Kiến nầy cũng thuộc băng Mercenaires Hồng Kông đâm hông Chợ lớn như trường hợp Thành Ke ở môn điền kinh vậy) – hoạt động nầy hầu như biến mất. Từ 1970 trở đi có Tiến Đen (em của anh Dương Mạnh Hùng) + Hoà Trần / Công  (P.73?) cũng Đen (quê ở Đà lạt), nhưng không nghe nói đến thành tích hoặc hoạt động thi đấu nào cả, nên tạm thời chưa đưa vào danh sách đa-giê-môn. Hai Kiến-trẻ nầy sẵn sàng tài liệu và thời gian?

                      2-Bóng chuyền: Loay hoay chỉ thấy Hà Thanh / Massier lên lưới đâu đó với những loạt  âm thanh rùng rợn Kiai vọng về từ phía Thao đường Phan Đình Phùng. Cao 1.80m, ngoài sư huynh nguyên Trưởng tràng nầy chỉ có Huân-chef-cochon (tae-kwon-do) Mỹ Phan (bơi lội) và Tâm Cao (chẳng nhớ có chơi cái gì không, mặc dù khá thân tình) sao có thể liệt kê môn nầy vô đây được mặc dù rất muốn. Patrông Hà nghĩ sao? Quả banh MIKASA do Cần Lù “chạy chọt” đến nay vẫn còn xài tốt chớ? Nghe đâu còn có Xã hoà, Thành Subaru, cùng vài chuyền thủ cũng hay tập họp bên sân PĐP nhưng có Trời mới biết cái băng phái nầy có thật sự đi “đánh” hay chỉ đi “đỡ” bóng, hoặc hò hẹn đi đâu đó. Tạm thời neo lại trong khi chờ đợi có thêm thông tin mới vậy.

  Tin giờ chót (21-12-2010) và cũng là tin động trời:

                         Theo Quyền Điên, Hoàng Đình Thưởng (P.65) còn là VĐV chạy Marathon (42,5 km) và đã từng tham dự Đại hội TTĐK Liên Viện. Năm nào, ở đâu, xin nhị vị sư huynh Nghĩa Rừng và Tâm Ròm cho biết với? Vậy là Trường ta có đến hai VĐV chạy marathon sao? Dách Lầu! Quá đã!

KTS. Lý Thái Sơn (Sơn Ốm / Thủy)

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1513
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy