Bài ARCHISPORT. 3: CHỌC Ổ KIẾN LỬA

04/10/2016 Lý Thái Sơn
1967
0

CHUYỆN ĐỘNG TRỜI BÂY GIỜ MỚI KỂ !

DẪN

◊        Tại sao “động trời”? Ý dân là ý trời (vox populei vox dei). Động đến dân, Trời còn phải cân nhắc, dè dặt nữa là. Vả, đây là chuyện ngàn năm có một, độc nhất vô nhị, vô tiền khoáng hậu! Vừa Bi, vừa Hài. Vừa Buồn vì có kẻ thua, vừa Vui vì có người thắng. Vừa rất có vẻ hư cấu và siêu thực nhưng lại là chuyện có thật 100%, rất dân gian, rất đời thường. Và vì cuối cùng thì kết thúc câu chuyện cũng có hậu (happy end): Goliath phải chịu đầu hàng David. Uy vũ đã bị khuất phục bởi tinh thần thể thao chân chính của sinh viên.

◊         Tại sao “bây giờ mới kể”? Lịch sử luôn cần một khoảng lùi, cả không gian lẫn thời gian. Từ Huế 1967 đến nay (2010) đã hơn 43 năm, biết bao nhiêu nước Sông Hương đã chảy qua cầu Trường Tiền ra biển Thái Bình. Những người năm xưa đó giờ ai cũng đã quá lục/thất tuần.

◊         “Kiến lửa” là ai? SV.  Kiến trúc chớ… còn ai trồng khoai đất nầy! Cuộc phản kháng kiên cường bắt đầu từ Uỷ hội thể thao sinh viên với những nhân vật đã đề cập ở bài Archisport. 1. Chính nghĩa mà các sư huynh - Kiến giương cao cuối cùng đã nhận được sự đồng tình gần như tuyệt đối của toàn thể cộng đồng sinh viên thuộc năm Viện Đại Học.

◊         Bối cảnh câu chuyện: Đại hội Điền kinh - Thể thao Liên Viện kỳ 5 tổ chức tại Huế năm 1967. Đoàn Sài gòn dẫn đầu bởi giáo sư Viện trưởng Trần Văn Tấn và Chủ tịch UHTTSV Tâm Ròm, trưởng đoàn Nghĩa Rừng, là đoàn đông sinh viên nhất và cũng là đoàn được đánh giá là mạnh nhất vận động hội.

KỳĐại hội Năm Thành phố Sân vận động trung tâm Chú thích
1 1962 Sài Gòn Hoa Lư  
2 1963 Huế Tự Do  
3 1965 Đà Lạt Thị Xã  
4 1966 Sài Gòn Cộng Hòa sân Thống Nhất
5 1967 Huế Tự Do  

Bảng 1: Năm kỳ tổ chức ĐH. ĐKTT. LV (xem bài Archisport. 1)

 

KHÁI QUÁT CÁC ĐOÀN BẠN

          1. 1- HUẾ: VĐH Huế do LM. Cao Văn Luận sáng lập (khoảng 1958), có xu hướng về Văn khoa và Khoa học cơ bản. Đoàn Huế mạnh về võ thuật - đặc biệt là không thủ đạo (KTĐ/karatedo) mà GS. Ngô Đồng là chưởng môn với cố vấn là GS.  SUZUKI người Nhật. Hôm khai mạc  hàng trăm môn sinh Huế chào đón ĐH bằng một màn trình diễn KTĐ hoành tráng và đẹp mắt chẳng kém gì ở Olympic Tokyo… Huế cũng mạnh về bơi lội (trao học bổng y khoa bác sỹ cho Đinh Sơn Thắng đang là kình ngư cấp quốc gia của sinh viên Sài gòn). Sinh viên Huế vốn hiếu khách lại tỏ ra hiền lành và tự chủ một cách đáng khâm phục. Sau tiệc liên hoan  đêm bế mạc, đoàn Đà Lạt cay cú do viêc xếp chót  ĐH, họ đã đem tất cả các cúp bạc và đồng nghiền nát dưới lốp xe GMC tại vị trí sảnh trung tâm Làng Thế vận. Trong khi cố gắng lâp lại trật tự, trả lại sự yên tỉnh, đã diễn ra một vài xô xát nhỏ từ phía một số sinh viên quá khích của đoàn Đà lạt. Toàn là võ sinh Karatedo vậy mà SV.  Huế chỉ cười mĩm và mềm mỏng xin các ông anh Đà lạt bình tĩnh, bỏ qua cho.

        1. 2 – ĐÀ LẠT: (thành lập năm 1958) GS. Phó Bá Long có lẽ là người đầu tiên tổ chức một trường đại học tiên tiến nhất ở toàn cõi Châu Á vào thời điểm 1965: đào tạo các thế hệ BBA và MBA theo mô hình Mỹ (Business Administration).  Đừng quên nước Mỹ dẫn đầu thế giới không chỉ nhờ vào vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên, mà còn nhờ vào sự phát triển liên tục những thế hệ MBA tài ba và tháo vát, những tài nguyên con người vô giá. Phần lớn SV đều giỏi ngoại ngữ (học sinh gốc trường Pháp) và là con nhà khá giả nên nhìn từ bên ngoài có vẻ như họ là những SV “quý tộc” phương Tây hơn là kiểu “hàn sĩ“ phương Đông. Complet/veston/cravate là đồng phục và luôn được họ mặc suốt thời gian Đại hội, mặc dù thời tiết mùa Hè ở Huế khá nóng. Rất tiếc thái độ và phản ứng của họ vào đêm bế mạc đã làm hỏng rất nhiều cảm tình của các đoàn bạn giành cho họ lúc đầu. Về sau nghe đâu họ cũng bị trường “kiểm điểm” gắt gao đúng mực.

        1. 3 - CẦN THƠ: GS. Phạm Hoàng Hộ là Viện trưởng đầu tiên và cũng là người khai sinh VĐH. Cần Thơ vào năm 1966. Mô hình CAMPUS thể hiện qua 2 khu đại học rộng hàng trăm mẫu ở vùng ngoại ô. TP. Cần Thơ. Văn phòng KTS Nguyễn Văn Hoa + Phạm Văn Thâng + Nguyễn Quang Nhạc thiết kế quy hoạch tổng thể (master plan). Thầy Huỳnh Kim Mãng thiết kế các hạng mục công trình chính (Đại giảng đường hình con Rùa, khu hành chính trung tâm,…). KTS Hồ Quang Tự (P. 58) nghe đâu cũng nhận được khá nhiều công việc từ công trình nầy, thậm chí đã mở văn phòng tại Cần Thơ để tiện việc khai triển đồ án. Trường mạnh về canh nông (nông-lâm+súc) và các khoa học ứng dụng hỗ trợ như cơ khí, thuỷ lợi, v.v… Y khoa và Dược khoa cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong kế hoạch phát triển.

Đoàn Cần Thơ khá mạnh về điền kinh - trong đó lực lượng chủ yếu từ các trường trung học nổi tiếng với phong trào ĐKTT học đường  như Phan Thanh Giản - Cần Thơ, Nguyễn đình Chiểu - Mỹ Tho, Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long, Thoại Ngọc Hầu - An Giang - võ thuật (lò nhu đạo Cần Thơ nổi tiếng từ những năm ’50 với Thầy Chơi, lò thái cực đạo do  các võ sư Hàn Quốc giảng dạy trực tiếp), các môn thể thao đối kháng (bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền), cả bóng bàn (trường phái họ Vương  ở Ba Xuyên - Sóc Trăng).

        1. 4 - VẠN HẠNH:  Tỳ kheo TS. Thích Minh Châu người sáng lập Trường Đại học Vạn Hạnh vốn là bậc chân tu đạo cao đức trọng, đã tập hợp được khá nhiều giáo sư danh tiếng đương thời. Trường thiên về các môn khoa học xã hội - nhân văn (báo chí, thương mại, quản trị kinh doanh) Văn khoa và triết học Đông - Tây. Trường cũng quan tâm đến Kiến trúc và đã có những dự phóng tương lai như mở phân khoa kiến trúc theo đó có thể sẽ mời KTS Nguyễn Kỳ, hoặc KTS Võ Đình Diệp, về phụ trách. Do đó ngay từ năm khai sinh (niên khóa 1966-1967) sinh viên ghi tên học rất đông, đủ để tạo thành một Đoàn SV - Olympic không thể xem thường. Các môn thể thao đối kháng (bóng đá, bóng rổ bóng chuyền) khá mạnh, và judo là môn chủ lực (toàn là cao đồ của Đại sư Thích Tâm Giác), đặc biệt judoka Xuân Kháng đại phá quần hùng năm đó và chỉ ít năm sau trở thành vô địch Đông Nam Á (SEAGAMES).  Họ cũng mạnh trong các môn thi đấu trong nhà như bóng bàn, vũ cầu (cầu lông).

 

1 – TOÀN CẢNH VĐH.  ĐKTT.  LV.  HUẾ 1967

1.1  Địa điểm thi đấu :

Sân vận động trung tâm = sân Tự Do có lòng chảo đua xe đạp, nơi diễn ra các môn điền kinh và bóng đá. Sân Bình Linh (Pèlerin) môn bóng rổ. Sân Morin môn bóng chuyền. Nhiều môn khác phân bổ rải rác ở nhiều nơi không nhớ hết.

1.2  – Làng thế vận (Village Olympique) = Tòa nhà 4 tầng, hình chữ Y của trường ĐH Sư phạm ngay đầu cầu Trường Tiền thuộc khu MORIN.  Tòa nhà thuộc Trường đại học Sư phạm Huế, do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế, vừa mới thi công xong, chưa bàn giao chính thức thì VĐH Huế “mượn” làm LTV trong 9 ngày. Tại địa điểm “nút chặn” nầy, hầu như toàn bộ nữ sinh Đồng Khánh nhà ở phía Thành nội đều phải đi qua từ sáng tới chiều, tha hồ cho sinh viên 4 trường ĐH phía Nam… nhìn ngắm thích mắt. Ôi những tà áo trắng làm say lòng người viễn xứ:

Học trò trong ấy ra thi, Thấy cô gái Huế chân đi không đành”   

1. 3 - Nội quy “gắt củ kiệu” của Đoàn Sài Gòn: Trưởng đoàn Nghĩa Rừng soạn thảo, ban hành, và đích thân kiểm soát mỗi tối sau cơm chiều. Đại khái, anh nào ngày mai thi đấu thì bị “cấm túc” (không được dùng… chân, bất kể chân nào) đêm đó. Tập trung vào từng xà lim/phòng ngủ (cellule) khóa cửa, tắt đèn. Điều tai hại mà Trưởng đoàn quên là cửa sổ không có khóa, không có cả bông sắt bảo vệ… Phòng vắng lặng, im ỉm, còn người thì hồn vẫn nơi đây mà xác biến đâu cả rồi?

1. 4 - Huế by night :

Toàn bộ mặt đất và mặt nước Sông Hương, từ đầu cầu Trường Tiền đến chợ Đông Ba, xuyên qua Gia Hội, bên kia là cồn Hến, rồi Vỹ Dạ… là thiên đường by night của Huế. Hổng dám đâu! Của đám sinh viên “ nhất quỷ nhì ma” từ trong Nam ra thì có! Tất cả các quán nhậu thưa thớt ven sông + tất cả con đò be bé xinh xinh của Huế đều bỗng chốc biến thành vương quốc của SV đến từ năm trường đại học ưu tú của cả nước. Còn hơn cả Pattaya (Thái lan) sau này. Sông Hương quả không hổ danh là trục cảnh quan đô thị của đất Thần kinh, chẳng những vật thể mà cả phi vật thể, chẳng những tinh thần mà cả thể chất nữa.

Nhớ lại câu vè “dân gian” Trung và Nam bộ nảy sinh từ dạo ấy:

-     Đối (Sv. Huế):

“Ba bà đi chợ Đông Ba Vừa đi vừa nhặt lá đa quạt . . .  Lờ”

-     Đáp (Sv. Cần Thơ):

“Ba bà đi chợ Cái Vồn Vừa đi, vừa bứt lông . . .  Lờ xỉa răng”

(Chú: Cái Vồn, một địa danh nổi tiếng, nằm ven bờ Bắc sông Hậu nay thuộc huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).

Một phát hiện cực khoái khác: Ở xứ Thừa Thiên văn vật cũng có cả Ca Trù và Hát Ả đào:

Nào, Hồng Hồng Tuyết Tuyết, Nào, Tình Tình, Khánh Khánh

Kết hợp với Hò dô ta là Hò dô ta Trung bộ và ca ra bộ miền Nam nữa. Vui quá xá vui!

Và trong chín đêm liền của ĐH, tối nào sấm chớp, mây mưa cũng giăng mắc đùng đùng trên bầu trời Huế, mà ban ngày thì vẫn sáng sủa và tạnh ráo, rất lý tưởng cho các cuộc thi tài quyết liệt và không khoan nhượng. Thời tiết chi lạ rứa!

Cuối cùng thì:

“Không đi không biết Thừa Thiên”... Đi rồi mới biết…

Hương giang có hai cái lạ:

Thứ nhất: Cá Sông Hương dưới chân cầu Mirabeau - Trường Tiền chẳng ai câu… đến con cá lòng tong mà cũng to gần bằng con rô, con lóc… Nước sông Hương trong veo đến mức thấy rõ mồn một từng con.

Thứ hai: Đúng như câu “Sơn bất cao, Thuỷ bất thâm” khi nói về phong thuỷ Huế,  đáy sông Hương cạn chưa đến nửa ngọn sào. Ghe chèo thả qua phía Cồn Hến - Vỹ Dạ, cắm sào giữa sông, phè phởn xong, nhảy đùng xuống tắm. Con bà Nó! (ngôn ngữ Trưởng Đoàn Sài Gòn) nước chỉ ngang lỗ… zốn! Tha hồ mà tắm táp, rửa ráy… chẳng cần Rét Rum, Rét Riết gì ráo. Sướng hỉ!

1. 5 - Kết quả thứ hạng :

Rõ chán! sau 43 năm, giờ đây hỏi hai siêu huynh trưởng Ròm + Rừng “thành tích” cụ thể của Đoàn SG năm đó thế nào? Cười tỏn tẻng: đâu chừng khoảng trên 60% tổng số huy chương gì đó. Đàn em thông cảm… Dạo nầy long thể sao nó cứ liên tục bất an hoài chẳng biết. Trí nhớ thì bị thời gian và cái con Bà (Xã) nó mài mòn dần hết rồi.  Nếu lấy tròn thì tròm trèm khoảng 2/3 gì đó. Nói theo ngôn ngữ Cao Bá Quát: “Đất nước” nầy có 3 bầu rượu. Đoàn SG uống mẹ nó hết hai bầu. Còn một bầu thì chia cho “thiên hạ” (bốn Đoàn còn lại). Biết mô chừ! Đành rứa!

 

2 - CHỌC Ổ KIẾN LỬA:

2. 1 - Mầm móng Saigon – 1966 :

Từ 1963 đến 1975 là một thời kỳ nhiễu nhương ở miền Nam, cả chiến trường lẫn chính trường, mà đặc điểm nổi trội là sự mâu thuẩn và tương tranh quyền lực liên tục diễn ra giữa hai nhóm tướng lãnh nắm giữ hai cơ quan đầu não là Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương. Ngay từ Đại hội ĐKTT. Liên Viện kỳ 3 đã xuất hiện hiện tượng muốn chi phối và tranh thủ sự đồng tình của cả hai UB nầy vào các hoạt động TDTT – Olympic SV diễn ra hàng năm.

Trong 2 kỳ ĐH cuối các quan chức ngành TDTT cùng chính quyền địa phương tại nơi tổ chức ngày càng lộ rõ ý đồ muốn lái hoạt động TDTT học đường vào sự ủng hộ và trung thành với chính phủ đương quyền. Họ muốn lồng ghép nghi thức tuyên thệ trung thành với các nguyên tắc Olympic truyền thống vào sự trung thành với chính phủ.

Năm 1966, ĐH diễn ra tại Sài Gòn.  Đoàn sinh viên Sài gòn đã cương quyết từ chối không thực hiện bất kỳ một nghi thức lồng ghép nào vào nguyên tắc phi chính trị theo đúng tinh thần Olympic quốc tế. Kết quả giờ chót của sự thương thảo dẫn đến việc không xuất hiện nhân vật chóp bu của UBLĐQG (báo chí gọi là VIP. 1) và lễ diễu hành đã không thể diễn ra theo thông lệ. Một thắng lợi bước đầu của sinh viên liên viện, dẫn đầu bởi Uỷ hội Thể thao Sinh viên.

2. 2 – Bùng nổ Huế -1967 :

Năm 1967 sự việc nầy lại diễn ra lần thứ hai, lần nầy là nhân vật đứng đầu UBHPTƯ với sự xuất hiện chính thức của Tướng râu kẽm (nhân vật chóp bu số 2, báo chí gọi là VIP. 2, hoặc VIP. 2K, hoặc VIP. KK) tại lễ bế mạc. Yêu cầu tổ chức lễ tuyên thệ trung thành với chính phủ lại một lần nữa được đặt ra một cách thô bạo và quyết liệt hơn ngay trong thời gian ĐH đang diễn ra. Kết quả các cuộc thương thảo tại chỗ theo kiểu “cây gậy và củ cà rốt”… cũng dẫn đến kết quả là sự không đồng ý, không khoan nhượng của toàn thể 5 VĐH mà cầm đầu / lãnh đạo cuộc phản kháng vẫn là UHTTSV và Đoàn Sài Gòn. Thỏa thuận đạt được: vẫn tiến hành các nghi thức của lễ bế mạc dưới sự chủ tọa của VIP. KK mà không có nghi thức tuyên thệ trung thành nào hết. Chiều hôm đó, Tướng Râu Kẽm đến sân vận động Tự Do bằng máy bay trực thăng một cách oai vệ và có phần trịnh trọng trong nghi thức phát giải thưởng / huy chương cho ĐH. Trớ trêu thay, đoàn SG chỉ cử một sinh viên duy nhất ra nhận tất cả các giải (cúp + huy chương vàng / bạc / đồng) cho Đoàn mình.  Anh chàng nầy vừa nhận xong huy chương do Tướng Râu Kẽm choàng qua cổ, lại tỉnh rụi, bước xuống bục để chuẩn bị leo lên trở lại lãnh tiếp (bất kể giải nhất, nhì, bất kể  huy chương vàng, bạc, đồng, bất kể giới tính nam, nữ… ). Một sáng kiến  dị thường chỉ có thể có trong tư duy nghề nghiệp đặc thù, cộng với một thứ trực giác được đào luyện thường xuyên trong các hoạ thất, cũng như óc khôi hài đậm chất “u mặc” (humour) của dân Kiến!

2. 3 – Tam thập lục kế: Dĩ đào vi thượng

Tướng Râu kẽm và đoàn tùy tùng sau những lúng túng, sững sờ, vừa ngạc nhiên vừa giận dữ, vừa bất lực, và dù rất ê mặt, bẽ bàng, nhưng vẫn tỏ ra khá “bản lĩnh” bằng cách vờ tuyên bố chỉ ghé ngang chúc mừng kết quả ĐH, và xin phép được “lui binh” để còn đối phó với tình hình chiến sự đang diễn ra khốc liệt trong khu vực tỉnh Thừa Thiên và Vùng 1.  Cuộc tháo chạy không kèn không trống diễn ra đúng binh pháp Tôn Tử: chước thứ 36  được áp dụng tức thời…

Như vậy, cũng có thể nói: “Tránh . . .  Kiến không hổ mặt nào”

 

3 - KẾT:

Như người Anh vẫn hay nói: “Last, but not least”, tinh thần thượng võ Olympic còn thể hiện ở chỗ các nhân chứng sống của lịch sử Olympic SV 1962 – 1967 (lần tổ chức cuối cùng 1967),  thậm chí những nhân vật đã trực tiếp tạo ra sự kiện động trời ấy, dù công nhận tính xác thực của sự kiện Huế mà người viết đã mô tả, nhưng  xin được không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về quá trình diễn biến cũng như danh tính của tất cả các nhân vật từ tất cả các bên có liên quan. Theo các anh:

"Cái gì của Ceasar hãy trả lại cho Ceasar", "Cái gì của Chúa xin trả lại cho Chúa".

Vì vậy, bài viết  xin được dừng ở đây, ở mức một “câu chuyện thật được kể”, với sự trân trọng đúng mực đối với hai huynh - Kiến mà người viết luôn không e ngại phải bày tỏ sự khâm phục một cách công khai mỗi khi có dịp ./.

KTS. LÝ THÁI SƠN (Sơn Ốm/Thủy)

 

Bình luận từ người dùng

Bài trước
Bài sau
1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1295
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy