Bài ARCHISPORT. 4: Từ ARCHISPORT 1924 đến ARCHISLAM 1994 và ARCHIGAMES

04/10/2016 Lý Thái Sơn
735
0

Mười năm tình cũ (1965 – 1975) hay 16 năm tình mới (1994 – 2010) chỉ là những thời khắc mang tính ước lệ, thậm chí tượng trưng! Giòng chảy SVKT và KTS từ năm khai sinh 1924 sẽ còn trôi mãi theo thời gian cùng với những biến động mạnh mẽ của đất nước.

 Bài viết nầy, vì vậy cũng biến động theo, và sẽ không hoàn toàn tuân thủ theo kịch bản ban đầu giữa Ban Tam K “Bò - Xoăn - Ốm”,  mà sẽ chỉ lướt qua một ít sự kiện đặc thù, hoặc một số hiện tượng TDTT đáng quan tâm, trong một giòng chảy chỉ bắt đầu từ con số 5 chục vào năm 1945, hơn 1 vạn vào năm nay (2010) và rất có thể sẽ là 5 vạn kiến trúc sư vào năm 2030 căn cứ nhịp độ đào tạo 1.500-1.800-2.000 KTS/năm từ vài năm gần đây bao gồm  tất cả các trường kiến trúc công và dân lập cả nước. Một con số không dễ hình dung!

 

1. Một thoáng lịch sử 85 năm

1.1 - Trường Ta:

1924 :  Là một trong ba khoa của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chào đời ngày 27-10-1924 tại Hà Nội (nghị định của toàn quyền Merlin). Họa sĩ VICTOR TARDIEU là Hiệu trưởng đầu tiên. Tuyển sinh Kiến trúc năm 1925 (12 sinh viên khoá 1).

1926 :  Ngày sinh chính thức: 1-10-1926, và là nơi đào tạo KTS duy nhất bên ngoài nước Pháp. Trưởng khoa là KTS. ARTHUR KRUZE. Các KTS - Giáo sư gồm ERNEST HÉBRARD, LOUIS- GEORGES PINEAU và một số KTS thỉnh giảng khác.

1943 :  Khoa Kiến Trúc và khoa điêu khắc được chuyển vào Đà lạt để tránh hiểm hoạ chiến tranh thế giới lần 2.

1945 :  Nghị định 6-2-1945 công nhận Văn bằng KTS của trường (DPLG) và cho phép KTS được  quyền hành nghề ở Pháp và các nước thuộc khối Liên hiệp Pháp.

* Tổng kết giai đoạn 1 (Hà Nội, cả nước): Trong 20 năm Trường CĐMTĐD đào tạo được 150 họa sĩ + điêu khắc và khoảng 50 KTS.

1950 :  Trường CĐKT. Đà Lạt chuyển về Sài gòn.

* Tổng kết giai đoạn 2 (Sài Gòn, Nam Việt Nam)

Trong 30 năm (1945 – 1975), Trường ĐHKT Sài Gòn đào tạo được :

 - Khoảng trên dưới 300 KTS (không tuyệt đối chính xác, bình quân 10 KTS/năm )

- Khoảng 20 Thiết kế đô thị gia (urbaniste) trong đó còn nhớ được An Nguyễn / Hữu (P.56), Lụa Nguyễn (P.64), Ninh Lâm / Khương (P.64), Hời Đinh (P.65), Toàn Trần (P.65), Mười Khương (P.67), v.v…

- Khoảng 250 Cán sự kiến trúc có trình độ và năng lực.

1.2. Thầy Tây: 

Từ góc độ văn hoá - thể thao, có thể coi 3 KTS - giáo sư trên (không kể các giáo sư nhiệm giảng khác) là 3 chàng ngự lâm pháo thủ của Pháp có quan hệ “duyên nợ” với nền Kiến trúc và Sư phạm Kiến trúc Nước ta (Les trois Mousquetaires). Từ những thông tin ít ỏi và rời rạc ban đầu, có thể nói :

- Kts ARTHUR KRUZE xứng đáng đóng vai thủ lĩnh ngự lâm quân. Ba chục năm sống và làm việc ở Việt Nam từ 1925 đến khi bàn giao Trường CĐKT Sài Gòn cho Kts - Giáo sư Trần Văn Tải năm 1954 và Văn phòng (cabinet) cho Kts Nguyễn văn Hoa năm 1958 (về sau trở thành Văn phòng của ban Tam K: Hoa + Thâng + Nhạc). Ông xứng đáng được gọi là Anh Cả của nền kiến trúc cận - hiện đại Nước ta, một Patron-des-Patrons đúng nghĩa. Sinh thời do hoạt động nghề nghiệp khá rộng ở khu vực Đông Dương và Đông Á, ông thường đi lại bằng tàu biển, chắc hẳn ông phải có một mối đam mê duyên nợ đằm thắm và sâu thẳm với đại dương. Không còn ngờ gì về khả năng chơi được tất cả các games dưới nước, từ bơi lội, bơi lặn, đến trượt nước, trượt sóng, v.v… Có thể ông chính là ông tổ môn Săn bắn cá dưới biển mà Cần Lù là Ne-ruột đã thừa kế và làm vinh danh môn thể thao nầy vào thập niên `1960 (xem Archisport.2) cùng với  hơn 20 Kiến thuộc đội Hải Dương Vật, liên tục vô địch sinh viên toàn quốc thuở nào. Các nègres Nhạn Lê, Mỹ Phan, Sơn mập… cũng là những truyền nhân bơi lội đáng nhớ ở các thế hệ sau.

- Nhân vật xếp tiếp theo còn ai ngoài ông Trùm phong cách Đông dương (style Indochinois), người làm quy hoạch tổng thể cả Hà nội và Sài gòn, nhất là quy hoạch chi tiết Đà lạt và Phnom Penh (Cambodge), và trước đó ở Thessalonique (Hy lạp) : Kts ERNEST HEBRARD, tương truyền là một kiếm khách hảo hạng của Pháp sống bên ngoài mẫu quốc phú-lang-sa. Ông đích thị là Patron của các kiếm thủ Kiến thập niên `1960 như Dư Kiếm và Nicholas Mạnh. Từng du khảo sang xứ Phù tang, ai cấm ông thọ giáo kiếm đạo Nhật bản (Kendo) mà Vinh Vũ Aikido có thể chính là người được truyền lửa samourai về sau.

- Kts LOUIS-GEORGES PINEAU: Chẳng những học nhiều, biết nhiều, làm nhiều (nhất là trong lãnh vực quy hoạch đô thị), chơi nhiều, ông còn là người dạy nhiều nhất trong số các KTS Pháp từng tham gia công tác sư phạm kiến trúc ở nước ta. Ba năm Hà nội, 21 năm Đà lạt - Sài gòn, vị chi 24 năm, gần một phần tư thế kỷ. Người Đà lạt mãi mãi ghi nhớ công đức lớn lao của Ông trong việc chinh phục đỉnh Lang Bian cao trên 2.000 mét mà trên vai chỉ trang bị mỗi 1 tê + 1 compa + 2 êke 45 & 60-30. Ông leo cao hơn E.Hébrard (loanh quanh khu Hồ Xuân hương) và đi xa hơn bác sĩ Yersin (chỉ dừng chân ở vùng thung lũng Suối Vàng - Đan Kia). Leo núi là thú vui cao nhã nhất mà bất kỳ một vận động viên có máu ZEN nào cũng đều ao ước, chắc chắn là nghề ruột của ông. Những Ne kế thừa có thể kể My Tài (chinh phục Sapa) và nhất là Tiến Đen (6 năm chiến đấu trên Trường Sơn Bắc Mỹ xuất phát từ các rặng núi trùng điệp ở bang Utah). Cao lớn,  “đẹp giai”, ông còn là vua maratông vì ham thích đi lại khắp Đông dương và Châu Á. Ông cũng rất ngưỡng mộ Hay Điên vì năm Hay và người viết bài nầy vào Trường (1965) cũng là năm cuối cùng ông còn giảng dạy ở việt Nam trước khi trở về mẫu quốc.

 

2 - Hoạt động Archisport ở phía Nam 2.1 – Giai đoạn 1950 – 1975: (Hai mươi lăm năm = 15 năm e ấp + 10 năm tình cũ)

Từ 1950 đến 1964, số lượng SVKT có thể đếm trên đầu ngón tay, vì vậy các hoạt động TDTT hầu như không xuất hiện. Đến 1965, số SV bắt đầu tăng đột biến, rồi từ 1968 SV buộc phải qua thi tuyển mới được học năm thứ nhất với sỉ số khoảng 50 – 70SV/ niên khóa. Phong trào TDTT bắt đầu mạnh dần lên và đã đạt đến những thành tích và “kỷ lục” đáng nể trong 10 năm 1965 – 1975 (Mười năm tình cũ / Archisport. 2)

2.2 – Giai đoạn 1975 – 1994: (Khoảng lặng hai mươi năm)

2.2.1 - Bối cảnh: Sau 1975, cấu trúc “Viện ĐH + phân khoa” (mô hình Campus tập trung) không còn nữa. Mãi đầu thế kỷ XXI mới xuất hiện mô hình “ĐHQG + Trường ĐH”. Tuy nhiên, đơn vị TDTT cơ bản vẫn là Trường ĐH (riêng lẻ) với hoạt động HỘI THAO (Hội diễn các môn thể dục thể thao?), và thường thì chỉ gồm các môn TDTT (chủ yếu tập thể và đối kháng) mà vắng bóng, hoặc có ít, thậm chí không có các môn Điền kinh – Bơi lội  là những môn Olympic căn cơ.

2.2.2 - Định dạng: Hoạt động TDTT Sinh viên có thể chia thành ba cấp: - Cấp 1 : Trường Đại học. - Cấp 2 : Cấp vùng/ miền/ quốc gia không thấy các hoạt động Đại hội Liên trường, Liên Viện.

- Cấp 3 : Cấp quốc tế (đối ngoại) gần đây thường có mặt ở các Đại Hội ĐK-TT Đông Nam Á và đã có lúc gây nhiều tai tiếng vì VĐV tham dự đều được đào tạo chuyên nghiệp từ các trường Đại học TDTT, thậm chí nhiều VĐV “lão thành” ở cấp quốc gia (từng thi đấu Olympic nhiều năm từ Seagames, Asian games đến World games) cũng núp bóng dưới danh nghĩa sinh viên để dự tranh với  sinh viên các nước.

(Xem bài viết Đại hội TT sinh viên - thiếu  sinh viên và hình ảnh đính kèm).

2.3 – Giai đoạn 1994 – 2010: (Mười sáu năm tình mới)

2.3.1 – Nửa trước (cuối TK. XX): Tháng 4. 1994 đánh dấu một cột mốc mới trong hoạt động TDTT, nhưng lần nầy không phải của sinh viên, mà của giới KTS: giải quần vợt ARCHISLAM do Hội KTS. TP chủ xướng được phát động rầm rộ và lập tức gây tiếng vang lớn. Ngay kỳ tổ chức đầu tiên, đã có trên 50 cây vợt KTS “thứ thiệt” tham dự giải với các hoạt động bên ngoài vui nhộn, nhiều tính sáng tạo. Tinh thần Archisport Kiến năm xưa đã được hâm nóng lại trong một môi trường  mới và không chỉ phát triển ra phía Bắc với Hội KTS Việt Nam ở Hà Nội, mà còn nhiều Hội đoàn nghề nghiệp, nhiều doanh nghiệp khác thậm chí không liên quan gì đến ngành kiến trúc - xây dựng cũng copy bản gốc (prototype) Archislam một cách… vô tư.

(Xem lại bài Từ Archislam đến Archi-All đã đăng năm 2003).

2.3.2 – Nửa sau (TK. XXI): Sang đầu những năm 2.000, giải Archislam bắt đầu không còn giữ được sự “trinh nguyên” ban đầu. Lợi dụng việc thiếu kinh nghiệm đối tác quốc tế cùng thói quen xuê xoa, cả nễ cố hữu của người mình, bằng chiến thuật lạc đà quen thuộc, các doanh nghiệp tài trợ nước ngoài dần dà “lấn sân” và “lấn sâu”vào hoạt động TDTT của các đơn vị mà họ tài trợ mà ngay cả về mặt đạo lý thông thường, họ cũng không được phép. Họ yêu cầu được cử một vài VĐV của họ cùng tham gia thi đấu, cũng như có mặt cả trong Bản điều lệ giải, bằng chữ ký “đồng tổ chức” (sic). Việc nầy nghe đâu gần đây đã được rút kinh nghiệm và không còn được phép.

Tuy vậy, đáng mừng là các hoạt động dạng Hội thao của Hội đã phát triển mạnh dần lên. Sau Quần vợt, là Bóng bàn, rồi Futsal (Bóng đá mini / trong nhà)  và từ năm 2000 – là Cầu lông (Badminton / Vũ cầu).

Hoạt động đó - được mang tên ARCHIGAMES chính thức từ năm 2010 - có thể coi như một cột mốc thứ hai cho giới... Kiến trúc sư (còn sinh viên kiến trúc?).

Ngày nay ở mỗi kỳ Archislam số lượng KTS thực thụ đăng ký thi đấu đã tăng lên đến con số 150, còn Futsal thì luôn có từ 16 đến 24 đội bóng (5 cầu thủ trong sân + 5 cầu thủ dự bị) gồm từ 160 đến 240 VĐV thi đấu dưới danh nghĩa các Doanh nghiệp Tư vấn - Thiết kế & Xây dựng. Xu hướng sắp tới là giảm số VĐV không phải KTS để trong tương lai chỉ gồm VĐV là KTS mà thôi.

Những hiện tượng và biến đổi như trên có nguyên nhân từ đâu?

2.4 - Thử lý giải:

2.4.1 – Từ xã hội hóa đến thương mại hóa: một khoảng cách khá mong manh.

- Các hoạt động TDTT thu gọn quy mô và  phạm vi giới hạn trong các Hội thao cấp trường và thiếu, thậm chí không có sự kết nối có hệ thống giữa các hoạt động nầy.

- Các hoạt động TDTT tồn tại được nhờ chính sách được gọi là “Xã hội hóa”, thực chất hoàn toàn trông cậy vào nguồn tài trợ tư nhân theo ngành nghề có liên quan (vd: đối với kiến trúc, đó là các doanh nghiệp sản xuất và buôn bán vật liệu xây dựng, trang trí và đồ gỗ nội thất, các công ty đầu tư Địa ốc và Bất động sản. v.v... ). Và theo quán tính tự nhiên, các nhà tài trợ luôn muốn thương mại hóa các hoạt động TDTT mà họ bảo trợ. Vấn đề ở chỗ bản lĩnh thương thảo và khả năng thuyết phục, một vấn đề thuộc về bản chất mà cũng là kỹ năng nghề nghiệp KTS thông thường.

Tiếp nhận tài trợ đồng thời không để mất mục đích và mục tiêu cao thượng của tinh thần Olympic chân chính đáng được coi là một chuẩn tắc của nghề KTS.

2.4.2 - Bối cảnh hoạt động nghề nghiệp KTS:

- Từ 1950 – 1975: các KTS hoạt động trong khuôn khổ Đoàn (Ordre des Architectes) - một tổ chức nghề nghiệp thật sự và mang đầy đủ đặc điểm và tính chất của một nghiệp đoàn – và theo mô hình “văn phòng KTS” (thường gọi CABINET), được luật pháp cho phép Tự Quản (tự tổ chức từ cấp phép đến kiểm soát hành nghề, kể cả các biện pháp chế tài khi có Đoàn viên vi phạm) và nhất là được bảo hộ lao động đối với lao động nước ngoài, tức các KTS hoặc Tổ chức KTS nước ngoài đến hành nghề tại Việt Nam. Các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài phải chịu sự quản lý của Đoàn KTS VN từ việc công nhận bằng cấp có giá trị tương đương, đến các điều kiện hành nghề và cả sự chế tài nếu có vi phạm ,v.v...

- Từ 1975 đến nay: cơ chế trên hoàn toàn không tồn tại. Thoạt tiên, hầu như 80% KTS làm việc trong các cơ quan nhà nước, hoặc quốc doanh, 10% trôi nổi trong các Hợp tác xã, 10% hầu như bỏ hẳn nghề... Hội KTS thực chất chỉ làm vai trò tập hợp giới nghề nghiệp để tự giúp đỡ lẫn nhau là chính (thông qua việc “lấy dấu hợp pháp” (!) của đơn vị thiết kế trực thuộc Hội). Hội không có quyền tự chủ cấp phép hành nghề (việc nầy thuộc quyền của Bộ Xây Dựng + hệ thống Sở Xây dựng cấp Tỉnh ở địa phương). Về sau (1995) khi mở rộng cho KTS ra làm nghề tư vụ thì bị trói buộc vào quy chế doanh nghiệp (business) và phân hóa thành nhiều chức trách nhỏ, gọi chung là Tư vấn (consultants)… KTS giờ đây trở thành những nghiệp chủ, những doanh nhân (business man) nếu là ông chủ, hoặc đi làm thuê lương cao cho những ông chủ mà cũng đồng thời là những đồng nghiệp nầy.

- Tóm lại, vai trò KTS rất lu mờ (luôn núp sau chiếc ô của Bộ Xây Dựng cùng những Tập đoàn tư vấn - thiết kế quốc doanh khổng lồ với hàng trăm KTS vừa qua lò đào tạo hăng hái và hãnh tiến với hàng ngàn đồ án “khủng” khắp nước). Trách nhiệm xã hội do vậy cũng rất khinh xuất và mối quan hệ khắng khít giữa bộ ba KTS + Thân chủ (nay gọi là Khách hàng) + Nhà thầu (nghĩa rộng) cũng đã biến thái theo hướng không tích cực, hoàn toàn xa lạ với tinh thần của Bản Nghĩa Vụ Luận (Code du Devoir/ Duty Code) của tổ chức KTS Đoàn trước kia.

3 – Nên chăng ?

3.1 - Hội KTS.TP nên là nơi lưu giữ và phát huy truyền thống Archisport, tiếp tục thắp sáng ngọn đuốc Olympic đã có từ 85 năm nay.

3.2 - Duy trì và mở rộng theo hướng đa –giê – môn đối với các hoạt động Hội thao đã có. Lưu tâm và khuyến khích các môn điền kinh – bơi lội khi có thể. Archigames nên mở rộng thêm các hình thức giao lưu liên trường kiến trúc (các trường ĐH Kiến trúc dân lập: Văn Lang, Hồng Bàng... ) cùng hoặc khác địa phương.

3.3 - Mở rộng cho sinh viên Kiến trúc cùng tham dự, hoặc tài trợ cho các hội thao SV Kiến trúc ngoài nguồn ngân sách hạn hẹp của trường.

4 - Khoẻ vì Nước:

“Đại học tại minh minh đức”

Theo triết học phương Đông - mà cả phương Tây cũng chẳng khác - con người vốn có sẵn 3 cái Đức sáng từ bên trong (minh đức): TRÍ + ĐỨC + THỂ, luôn cần phải trau dồi, hảm dưỡng liên tục (DỤC).

Giáo dục Đại học là gì nếu không phải là làm (toả) sáng chúng (minh) ra bên ngoài?

“Khoẻ vì Nước” nằm trong cái Đức thứ ba. Và không chỉ lợi THÂN (mình) mà còn lợi NHÂN (người), không chỉ lợi NHÀ mà còn ích NƯỚC và cả HOÀN CẦU (đúng tinh thần OLYMPIC quốc tế), cả cái HÀNH TINH XANH đáng yêu mà chúng ta luôn phải chịu ơn nầy nữa.

Các đàn em-Kiến hăng hái tiến lên ! Nào, một, hai, ba:

“ Khoẻ vì Nước kiến thiết quốc gia,
Đoàn thanh niên ta góp tài ba…” 

Lời bạt: Loạt bài viết về thể dục - thể thể thao  Archisport xin được khép HỜ, nhưng không khép HẲN ở đây. Rất mong được các đồng môn / nghiệp cùng chung tay viết lại, viết thêm, hoặc viết tiếp về một chủ đề, đồng thời cũng là một thứ Truyền thống khác - ngoài các truyền thống tôn Sư trọng Đạo (Anh Cảnh, Tôn Thất), học hành thi cử (Đạm Xoăn), ăn chơi văn nghệ (Minh Bò) - rất riêng, mà cũng rất vui của Trường mình.

Một số tình tiết được kịch tính hoá, hư cấu, có chỗ cố tình làm cho biến dạng như tranh biếm hoạ, mục đích làm cho sống động một chủ đề vốn được coi là khô khan, đơn điệu như TDTT. Nếu có gì vô tình gây thất thố, hoặc xúc phạm thì lỗi đó hoàn toàn thuộc về người viết, rất mong nhận được sự lượng thứ hào hiệp của quý đồng môn / nghiệp. Cung hỉ. Cung hỉ./.

KTS. Sơn Ốm

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1275
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy