Cuộc chu du miền Tây của KTS 6 tỉnh thành [01]

26/09/2017 Lê Minh Hưng
791
0

Đoạn đường từ Tp. HCM đến Long Xuyên mất gần 200 cây số, khởi hành lúc 9 giờ 30 sáng từ Tp. HCM, qua các chặng Long An, Cần Thơ đến Long Xuyên thì cũng gần 4 giờ chiều...

Phần 1: Hội ngộ trên bè cá

Hai ngày hội ngộ của nhóm KTS thuộc 6 tỉnh thành được anh Minh Bò đề xướng diễn ra vào hai ngày thứ 7 và Chủ nhật - những ngày cuối tuần tháng 4. Tháng giao mùa, thời tiết trở nên ấm hơn khi tiết trời từ lạnh chuyển sang nóng, bảo vệ sức khỏe, vận động nhẹ nhàng (ngồi xe đi chu du), đa dạng thực phẩm (nhậu nhiều món!) trong những dịp gặp gỡ đồng môn như thế này thật là thượng sách!

Lộ trình về miền Tây: A-B-C-D và lộ trình quay về: D-C-B-A trong vòng 2 ngày

KTS. Thạch K80 (Biên Hòa) nhập đoàn với KTS. Tp. HCM và KTS. Bình Dương từ sáng sớm. Đoàn khởi hành từ Tp. HCM đến Long An để đón KTS. Lê Văn Sấm, mất 120 cây số nữa thì đến Cần Thơ đã thấy KTS. Định đứng chờ từ lâu. Không kịp dừng ăn sáng, chỉ lót dạ bằng mấy cái bánh bao dọc đường, đoàn tranh thủ chạy qua Long Xuyên cho sớm, vì nghe anh em chờ ở đấy đã lâu, trên xe vừa đi vừa nghe Album mới của anh Minh Bò, hay quá xá! Nghe chừng năm sáu tua thì cũng đến nơi.

Vừa đến bến phà Ô Môi

Đứng chờ trên bến Phà

Bến phà Ô Môi hơi vắng khách, hình như chỉ có duy nhất chiếc xe 7 chỗ của đoàn, còn lại lưa thưa vài khách bộ hành. Gần bến phà có vài hàng trái cây và những con ba khía.

Thuyền neo bến ở phà Ô Môi

Đoàn đứng chờ tầm 10p thì phà cũng vừa qua đến. Phà đưa đoàn đến Cù lao Mỹ Hòa Hưng, băng qua Cồn Phó Ba, trên phà có thể nhìn thấy chợ Long Xuyên với những nét gấp khúc nằm chễm chệ trên ngã ba sông - một đầu mối giao thương đặc trưng của vùng sông nước này.

Chợ Long Xuyên - đầu mối giao thương quan trọng nhất vùng ĐB SCL

Xa xa trên sông, lẫn giữa những tán cây là những cái xáng cạp đang móc cát cù lao, những tay cẩu vươn cao, cùng xen lẫn tiếng máy gầm gừ, phá tan khung cảnh yên bình của một vùng sông nước... Nghe nói cát ở đây có chất lượng rất tốt, vì ở thượng nguồn nên cát hạt to và không bị mài mòn nhiều.

Phà đến Cù lao Mỹ Hòa Hưng (nghe nói cũng có tên là Cù lao Ông Hổ?) cũng gần 4 giờ chiều.

Cổng vào công viên phía ngoài đường lộ

Cây xanh trong công viên

Long Xuyên cũng là quê hương của Bác Tôn - vị Chủ tịch nước đầu tiên của nước ta. Khu lưu niệm Bác Tôn nằm trên Cồn Ông Hổ này, bốn bề cây cối xanh tươi, quanh năm lộng gió.

Xe chạy thẳng vào khu công viên, tìm chỗ đậu xe và mọi người cũng kịp xuống xe hít thở một chút không khí trong lành lấy lại mấy phần công lực sau mấy giờ đi xe. Bỗng từ xa xuất hiện một đại hiệp ống quần xắn cao, vừa đi vừa múa gậy trúc, gió thổi vù vù... nhìn qua tưởng đệ tử Hồng Thất Công sắp thi triển “Đại cẩu bổng pháp”, cả đoàn đang hốt hoảng định thối lui thì mới thấy đại hiệp giơ tay lên chào, miệng tươi cười hớn hở... À, thì ra đây là KTS. Lê Văn Siêu - đang hùng bá tại Hội An Giang, chân dính bùn lấm lem nhiệt tình chạy ra đón đoàn...

Ha ha ha... Tay bắt mặt mừng. Vừa may cũng gặp Lỗ Trí Thâm chốn này – nhân vật 109 của Lương Sơn Bạc. Theo sau KTS. Siêu còn có KTS. Thiệu K85. Cả hai đều hớn hở chào đón anh em Kiến trúc từ xa đến. Tình đồng môn Kiến trúc thật là thắm thiết. Cả đoàn ai nấy đều vui, câu hỏi câu chào râm ran...

Xong đâu đấy, cả đoàn cùng ra điểm hẹn tắc ráng mé sông, trên đường có đi ngang qua khu nhà lưu niệm Bác Tôn, KTS. Siêu thay mặt cô hướng dẫn viên thuyết trình về ý nghĩa và lịch sử khu di tích.

KTS. Siêu: “Cái này là hướng bắc nè bà con”

Khu đền thờ với phong cảnh hữu tình - Phía đối diện là Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp. Ngôi nhà sàn kỷ niệm thời niên thiếu của Bác Tôn vẫn còn được bảo tồn nơi đây.

Ra khỏi cổng này là hết ranh giới của khu lưu niệm, quẹo trái đi một đoạn nữa thì đến điểm hẹn tắc ráng. Đoạn sông ở đây hơi cạn (hay do mùa khô mà nước chỉ xâm xấp ở giữa lòng sông?).

Gần bờ có nhiều lục bình. Theo KTS. Định, lục bình trôi giữa sông thì không có hoa, chỉ đám lục bình không còn trôi dạt và sống hẳn trên lớp bùn gần bờ này mới ra hoa, loại hoa tim tím mỏng manh rất đẹp. Chợt nhớ câu kết của quyển “Hồi ký Kiến trúc” của KTS. Đỗ Xuân Đạm: “Chúng ta như đám lục bình này, nay tụ mai tan”… Đúng, cuộc đời thật vô thường... nay tụ mai tan, nhưng biết đâu mai tan rồi mốt lại tụ, mà tụ đông đúc như thế này đây nhỉ?

 

Dìu nhau xuống tắc ráng

Tắc ráng này thuộc loại nhỏ, dài khoảng 6m, ngang tầm 1m, nhưng cũng đủ chỗ cho 12 người. Mọi người cùng dìu nhau bước xuống, riêng anh Minh Bò khi xuống hơi khó khăn và lại làm tắc ráng chao đảo mạnh!

Mọi người đã yên vị, 1..2..3… xuất phát!

Sông chiều mát thật. Cả đoàn vừa đi vừa hát bài “Hành khúc Kiến trúc”. KTS Siêu: “Hò xừ xang liu cống – Vì ngày mai Kiến trúc ư... ứ..., hahaha…”. Anh này có bộ gõ bằng ngón tay trỏ kêu lốc cốc hơi bị hay. hehe...

 

Sông nước mênh mông

Đến nơi rồi!

Điểm đến là một bè cá lớn của anh Út - ông chủ bè cá hiền lành chất phác, bên trên bè cá dựng hẳn một ngôi nhà vách gỗ mái tôn để tiện trông coi và chăm sóc, khai thác bầy cá. Phía ngoài là một phần hiên rộng, ngồi nhậu ở đây gió thổi lồng lộng, nhìn ra xa xa bốn bề sông nước, thật tuyệt!!!

KTS. Siêu giới thiệu chủ nhà với đoàn

Cá diêu hồng nướng trên lò than

Từ chỗ hiên nhìn ra ngoài qua bè cá bên cạnh.

 

Nhậu trên bè cá

Anh em hội ngộ vui quá, mỗi người một câu chuyện. Tiệc rôm rả. Món ăn bao gồm cá các loại. Cá vợt từ dưới bè lên "xử nóng" luôn. Món nào cũng ngon, nhưng thích nhất vẫn là món khô cá diêu hồng và cái lẩu cá bông lau.

Khô cá diêu hồng

Cá diêu hồng nướng than

Cá bông lau nấu thơm

Cá bông lau gắp bỏ ra dĩa, bào vô một chút xoài nhuyễn ăn mới đã làm sao, cái vị béo béo ngậy ngậy của cá hòa cùng vị mặn nước mắm và vị chua của xoài, chẹp chẹp, hết xẩy!… Lại ngồi trong không gian sông nước này, đúng là có tiền cũng không mua được! hehe…

 

Đo râu Lỗ Trí Thâm

Anh em cũng có đóng góp chút ý kiến cho bài “Hành khúc Kiến trúc” trong buổi tiệc. Với mong muốn tác phẩm sẽ là tiếng nói chung, ước mơ chung và niềm tin chung cho giới KTS VN, nhất là giới KTS trẻ - tương lai của đất nước.

 

Bè cá lúc chưa cho ăn

Những bè cá ở đây chủ yếu là nuôi cá diêu hồng (cá rô phi đỏ). Trên vùng nước sâu chừng 10m ở đây, mỗi bè cá sơ sơ chỉ có 10 tấn cá! Bè cá làm bằng những thanh gỗ nhỏ ghép thành khung, bên trên gát những tấm ván dài bề mặt chừng 3 tấc để đi lại. Diện tích bè gần như lộ thiên, chỉ có một mảng sàn ván gỗ nhỏ để cho cá ăn và vận chuyển cá lên xuống. Một chòi nhỏ để thức ăn và những dụng cụ nghề cá. Xung quanh bè đặt những thùng nhựa làm phao nổi, khung lưới inox bọc xung quanh và mặt dưới, lưới sâu khoảng 3m.

Thức ăn cho cá

Cho cá ăn

Bè cá lúc cho cá ăn

Mỗi bè thế này có khoảng 10 tấn cá

Cá con lúc đầu chừng ngón tay cái, nuôi khoảng 6 tháng thì có thể khai thác. Thức ăn cho cá là cám vo viên như loại cho cá cảnh ăn ở nhà vậy. Nhưng ở đây mỗi lần cho ăn là cả bao tải!

Có thể bắt cá bằng tay

Cá nhỏ lúc 2 tháng tuổi

Tới giờ cho cá ăn. Cá tranh nhau ăn bắn nước văng tung tóe. Có thể dùng tay không bắt cá lên.

 

Vợt cá linh bên ngoài bè. Khi cho cá trong bè ăn, thức ăn hấp dẫn lũ cá bên ngoài kéo đến.

 

6h45 chiều, mặt trời khuất sau những bè cá. Cả đoàn cũng tạm kết thúc cuộc vui ở đây, di chuyển về khách sạn trong thành phố nghỉ ngơi để tối nay có sức mà tiếp tục chương trình, xong mai còn qua Cần Thơ “giao lưu” tiếp!

Tạm biệt chủ nhà hiếu khách. Cám ơn đã tiếp đãi đoàn nồng hậu

 

Rời bến

Tắc ráng lúc về có vẻ hơi nghiêng vì trọng lượng cả đoàn có hơi nặng hơn chút xíu. Mặt ai nhìn cũng đỏ, hehe…

Vùng sông nước bao la được thiên nhiên ưu đãi, xa hút tầm mắt. Nhìn cảnh này lại nhớ đến câu thơ của thi sĩ vùng châu thổ Cửu Long Giang Trần Ngọc Hưởng:

“Ôi Cửu Long Giang chín miệng Rồng Ra khơi táp sóng nhớ nguồn sông Chảy luồn máu đất trong dòng nước Sông nhả phù sa lấp Biển Đông

Chia nhánh Tiền Giang, nhánh Hậu Giang Đôi dòng huyết mạch của miền Nam Máu tim cuộn chảy ơi trìu mến Khói sóng hòa hơi thở xóm làng”…

 

Về qua hướng cầu tàu

Hoa Lục Bình

Đoàn về qua Cù lao ông Hổ theo hướng cầu tàu. Theo KTS. Thiệu, vì đây là Cù lao Ông Hổ nên trước cổng vào có đặt 2 con hổ… đực! (Cấm kiểm tra nghe!)

 

Máy bay đưa Bác Tôn từ Hà Nội vào Tp. HCM để chủ trì Đại lễ Thống nhất đất nước 1975. Đưa về khu lưu niệm từ sân bay Liên Khương.

Giọt phù sa nhỏ nhoi lấp lánh dưới ánh chiều ráng đỏ.

 

Phà về

8 giờ tối sau khi về khách sạn mang đồ đạc dưới xe lên phòng, anh em hẹn nhau ở một quán nhỏ lai rai tiếp. Phòng ca nhạc tài tử này trang bị âm thanh cũng khá tốt, nhạc công chơi cũng được, nên ai cũng muốn hát thử một bài. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể hát hay ca cổ! hic hic…

Anh Minh Bò làm giám khảo không chấm được ai, ngoài việc tuyên dương một giọng ca mới được phát hiện, đó là Lỗ Trí Thâm - Cửu Long Giang (không phải Lương Sơn Bạc, hehe…), cán bộ đường lối của AXT.

 

Món cháo trắng, củ cải và cơm cháy chấm cá kho tộ, nhấm vào một chút rượu đế của anh Minh Bò, thấy ấm áp làm sao.

 

Vui không thể tả, hình như ở đây là vui nhất. Anh Định cũng không chịu thua. Vừa ca vừa múa mới hấp dẫn!

Ăn cháo đậu Long Xuyên 

Gần mười một giờ cả đoàn kéo nhau đi ăn cháo khuya. KTS. Thạch: “Tới Long Xuyên mà chưa ăn cháo đậu, coi như chưa tới Long Xuyên”. Nghe nói vậy nên tôi cũng làm thử một tô, quả thật cháo rất ngon và thơm, hạt đậu dẻo và mềm ăn không ngán. Định làm thêm tô nữa thì thấy cái bụng mình không cho phép. Thôi đành hẹn lần sau vậy.

Mọi người chia tay nhau về ngủ ngon để mai còn tiếp tục hành trình về Cần Thơ...

.
Hưng Tre Làng
.
.

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1268
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy