Chiếc áo màu xanh là đồng phục của các nền kinh tế phát triển và người Singapore phải sắm cho kỳ được để mặc.
Một khung cảnh xanh rất dễ gặp tại quốc đảo Singapore.
Đi qua cây cầu nhỏ trong khuôn viên một khu vườn khách sạn, lọt vào mắt mọi du khách là tấm bảng màu tím ghi dòng chữ trắng điệu đà: “Đố bạn chụp được con bướm đậu trên bông hoa”. Tưởng khó lắm, hóa ra rất dễ để giải câu đố đó. Ai cũng thấy và ai cũng chụp được bức ảnh bướm đậu trên hoa.
Đó là cách PR rất tinh tế của người Singapore. Họ đã làm được nhiều điều phi thường, nhưng điều phi thường không kém là tài PR vào dạng bậc thầy. Những ngày này, các bậc thầy nơi đây đang muốn khoe Singapore của năm 2013 là “Singapore nhiều cây lắm!”, như lời khoe đầy tự hào của người chủ khách sạn 5 sao Quincy.
Để trồng cây, người Singapore gặp nhiều khó khăn hơn các nước khác, bởi quốc đảo này rất khan hiếm nước ngọt; đất canh tác hẹp, nông nghiệp không phát triển. Bất chấp điều đó, trong hơn 25 năm qua, độ phủ cây xanh của Singapore từ chỗ chiếm 1/3 đã tăng lên đạt gần nửa tổng diện tích đất nước.
Tuy nhiên, chính phủ nước này thấy vẫn còn chưa đủ. Họ đã vạch ra “Lộ trình xanh” cho 10 năm tiếp theo. Theo đó, Singapore từ chỗ “vườn trong phố” sẽ trở thành “phố trong vườn”. Có nghĩa cả đất nước này sẽ là một khu vườn khổng lồ và phố xá nằm lọt trong mảng xanh bất tận đó.
Để thực hiện chiến lược này, Singapore đã thành lập Quỹ Thành phố vườn, phát động các chương trình tình nguyện xanh để kêu gọi sự ủng hộ từ trường học, tổ chức và các tầng lớp dân cư. Singapore cũng tìm kiếm sự ủng hộ tài chính của các công ty tư nhân như HSBC, Exxon, Shell, Timberland.
Thực ra, nếu chỉ để mát đường phố, tăng ô-xy, làm đẹp thành phố thôi thì có lẽ Singapore cũng chỉ chơi cây như nhiều nước khác ở châu Á mà thôi. Tức là trồng hàng cây ven đường, đặt vài chậu cây trước cổng các công trình lớn, chủ yếu là điểm xuyết chứ không chiếm nhiều diện tích và mất quá nhiều công sức.
Singapore không trồng cây chỉ với một mục đích truyền thống như vậy. Họ biết thế giới hiện đại, nhất là người ở các quốc gia phương Tây, rất chú trọng tới môi trường, sinh thái và ghê sợ sự ô nhiễm. Nền kinh tế dựa vào dịch vụ và giao thương của nước này sẽ chỉ có thể phát triển nếu được nhiều người lui tới, buôn bán, làm ăn. Họ không có tài nguyên để đào lên bán.
Vậy nên, để duy trì sự phồn thịnh và không ngừng cạnh tranh trên trường quốc tế, nước này hiểu rằng họ phải chọn chiến lược phát triển bền vững, chiến lược mà người phương Tây coi trọng, ưa thích. Chiến lược xanh “phố trong vườn” là minh chứng mới nhất cho quyết tâm đó.
“Tôi thích chiến lược này của Singapore. Nhưng điều tôi đặc biệt thích là hầu như người dân nào của Singapore cũng đều chung ý chí làm xanh thành phố mà chính quyền đặt ra. Một sự thống nhất đáng ngạc nhiên”, cô gái người Mỹ Helena nói, tay vẫn khoát nước lên đùa với mấy chú chim sáo đang sà xuống tắm táp.
Helena là kỹ sư công nghệ sinh học, vừa mới tới đây để bắt đầu quá trình làm việc. Rất nhiều người phương Tây cũng chọn nơi này làm điểm đến trong những năm gần đây. Do định hướng kinh tế ngày càng dựa nhiều hơn vào tri thức, Chính phủ Singapore nhận thức rõ cần phải thu hút thật nhiều nhân lực có tri thức cao về đây làm việc.
Điều đó đặc biệt quan trọng đối với nhân sự trong các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ mới. Những nhân lực cao cấp và đẳng cấp quốc tế cần một môi trường trong lành để làm việc và sinh sống.
Gặp nhân viên của Google ở Singapore, ai cũng nhắc tới yếu tố môi trường xanh tươi sạch sẽ của quốc đảo này khi được hỏi về các lý do họ chọn nơi này làm việc. Google vốn là một công ty đặc biệt chú trọng tới môi trường làm việc cho nhân viên.
Và họ đã chọn Singapore làm trụ sở cho chi nhánh Đông Nam Á chứ không phải là Malaysia, Thái Lan hay Việt Nam. Không chỉ có Google, nhiều công ty xuyên quốc gia khác cũng chọn đặt trụ sở ở đây để điều hành hoạt động cho toàn khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn của ông Lý Quang Diệu trước đây là đưa tiếng Anh trở thành tiếng nói chính thức của Singapore đã cho thấy hiệu quả lớn lao. Đất nước này nhờ đó đã hội nhập nhanh chóng và khăng khít với thế giới, kinh tế phát triển nhanh.
Tầm nhìn xanh lần này của lãnh đạo Singapore cũng có thể so sánh với tầm nhìn tiếng Anh của ông Lý. Nó cũng vì mục tiêu lớn lao là tiếp tục đưa đất nước bắt kịp xu thế thời đại, sánh vai với các nền kinh tế phương Tây. Chiếc áo màu xanh là đồng phục của các nền kinh tế phát triển và người Singapore phải sắm cho kỳ được để mặc.
Rời quốc đảo nhỏ, du khách còn được thấy một lần nữa người Singapore khoe nốt lần cuối: “Sân bay Changi đã cứu được hơn 1.800 cây xanh”. Vài khách Tây đã tranh thủ chụp ảnh thông điệp đó, với phần nền là hàng cây dây leo xanh xanh phía sau.
Bình luận từ người dùng