Philips Pavilion at the Brussells 1958 Worlds Fair designed by Iannis Xenakis for Le Corbusier
Ông đã phối kết âm nhạc với kiến trúc, thiết kế âm nhạc cho những không gian có sẵn, và thiết kế những không gian để tích hợp vào các màn biểu diễn và các tác phẩm âm nhạc đặc biệt.Iannis Xenakis
Nhà soạn nhạc người Hy Lạp này thoạt tiên được đào tạo để trở thành kiến trúc sư, và ông đã tạo nên những tác phẩm còn gây sửng sốt đến tận ngày nay. Cuộc đời ông giống như một kịch bản phim. Năm mới ngoài 20 tuổi, ông tham gia phong trào kháng chiến của những người cộng sản Hy Lạp vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Mảnh vỡ từ một vụ nổ xe tăng Anh gây ra vết thương khủng khiếp trên khuôn mặt ông, khiến một bên mắt của ông vĩnh viễn không còn nhìn được. Ông bị kết án tử hình sau khi trốn tới Paris vào ngày 11-11-1947 (bản án sau đó được giảm xuống thành án tù, và cuối cùng mất hiệu lực vào năm 1974).
Trong một cuộc phỏng vấn về cuối đời, Xenakis thừa nhận, ông cảm thấy mình đã phạm một tội lỗi khủng khiếp khi rời quê hương, và đó là một trong những lý do sau này ông hiến mình cho âm nhạc: “Trong nhiều năm, tôi bị dày vò bởi tội đã rời bỏ đất nước mà tôi từng chiến đấu bảo vệ. Tôi đã bỏ lại bạn bè – có người đang ở tù, có người đã chết, và cũng có người phải trốn chạy. Tôi cảm thấy tôi mắc nợ họ và tôi phải trả món nợ này. Và tôi cảm thấy mình có một sứ mệnh. Tôi phải làm điều gì đó thật quan trọng để xứng đáng có quyền được sống. Đó không chỉ là vấn đề âm nhạc mà còn có ý nghĩa hơn thế.”
Khi xuất hiện trở lại, ông đã trở thành một trong những nhân vật sáng tạo hàng đầu của thế kỷ: một kiến trúc sư, người đã rèn giũa, lao động, và thường xuyên vượt lên trên nguồn cảm hứng từ người thầy và sếp của mình Le Corbusier; một nhà trí thức với hiểu biết về toán học và vật lý về sự tương tác giữa các hạt để tạo nên những khối lượng lớn hơn – nguyên tử, chim chóc, con người, và những nốt nhạc – đã tạo ra một trong những khám phá mỹ học phong phú và mang tính tiên tri chưa từng có trong lịch sử âm nhạc; và trên hết là một nhà soạn nhạc mà âm nhạc mạnh mẽ và hứng khởi của ông đã biến các cao độ, giai điệu, và nhạc cụ trở thành một lực tự nhiên, giải phóng nguồn năng lượng mà các nhà soạn nhạc trước đó mới chỉ gợi lên một cách ẩn dụ, trong khi ông hiện thực hóa nó một cách rõ ràng, mãnh liệt, dữ dội và sâu sắc hơn bất kỳ nhà soạn nhạc nào khác, trước hoặc sau ông.
Khi nghe âm nhạc của Xenakis – bất kỳ tác phẩm nào đã được công nhận như tác phẩm hoàn chỉnh, kể từ “Metastasis” sáng tác năm 1954 – trở đi, bạn sẽ đối mặt với một mỹ học âm nhạc dường như chưa có tiền lệ theo bất cứ khung tham chiếu nào mà các tác phẩm âm nhạc thường viện đến. Bạn không nghe thấy trong đó dấu tích của những hình thức, sắc thái, hoặc ngôn ngữ quen thuộc. Thậm chí âm nhạc 12 âm được coi là cách tân nhất những năm 1950 cũng trở nên quá thường khi đặt cạnh các tác phẩm cùng thời của Xenakis. Đó là âm nhạc mà chất trong suốt long lanh của nó tạo thành lãnh địa riêng trong từng tác phẩm, dù là viết cho cello độc tấu hay viết cho dàn nhạc lớn.
Như Ben Watson từng nói, tác phẩm của Xenakis là “một mảnh vỡ xa lạ, chập chờn trong trái tim phương Tây”. Ở Paris, Xenakis đã thử theo học Arthur Honegger, người không nhiệt tình lắm với âm nhạc của Xenakis. Như Xenakis thuật lại trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 1987, thì Honegger đã nói một tác phẩm bao gồm cả quãng năm và quãng tám song song của Xenakis “không phải là âm nhạc”. Nhưng chính chất liệu đó từng được sử dụng và thậm chí còn mang tính thể nghiệm nhiều hơn trong âm nhạc của Debussy, Béla Bartók, và Stravinsky – những người mà Xenakis khá am tường, vì vậy ông rất tức giận và bỏ đến học với Darius Milhaud, và cũng chỉ học được ba buổi tốn công vô ích. Sau đó, Annette Dieudonné, một người bạn thân của nhà sư phạm Nadia Boulanger, gợi ý Xenakis thử theo học Olivier Messiaen. Xenakis đã đến gặp Messiaen để xin lời khuyên: liệu ông có nên bắt đầu học lại về hòa âm và đối âm không.
Messiaen sau này kể lại: Tôi hiểu ngay rằng anh ấy không giống như những người khác. Anh ấy có trí tuệ trác việt. […] tôi đã làm một việc kinh khủng mà tôi không nên làm với các sinh viên khác, vì tôi nghĩ rằng ai cũng nên học hòa âm và đối âm. Nhưng đây là một con người khác thường nên tôi bảo… “Không, anh đã gần 30 rồi, anh có may mắn là người Hy Lạp, là kiến trúc sư và đã nghiên cứu toán học đặc biệt. Hãy tận dụng tất cả những ưu thế này. Hãy đưa chúng vào âm nhạc của mình”.
Và chính xác đó là những gì mà Xenakis sẽ làm, và thực ra là đang làm rồi – điều này góp phần lý giải tính khác biệt gây sốc trong âm nhạc của ông và đồng thời hé lộ cội rễ sâu xa của thứ âm nhạc này bắt nguồn từ những hiện tượng phong phú và cổ đại hơn cả lịch sử âm nhạc: vật lý học, các dạng thức tồn tại của thế giới tự nhiên, của các ngôi sao, các phân tử khí, và khả năng sinh sôi của các nguyên lý toán học. Xenakis từ chối việc bị coi là một nhà toán học thuần túy trong âm nhạc, cũng như phủ nhận ý nghĩ rằng âm nhạc của ông chứa đựng những thông điệp chính trị hoặc xã hội, và đó là cách ông sử dụng những nguyên lý khoa học này (được trình bày trong cuốn sách Formalized Music của ông) để tạo ra những tác phẩm có sức mạnh bản năng gây choáng váng.
Những tác phẩm kiến trúc của ông có thể là sự gợi ý dẫn lối cho chúng ta bước vào thế giới giàu tính suy tưởng trong âm nhạc của ông. Hãy xem xét công trình Philips Pavilion mà ông đã thiết kế cho Hội chợ Expo Brussels năm 1958, ông đã cùng Edgard Varèse viết thứ nhạc điện tử để tạo thêm hiệu ứng cho công trình gồm những đường parabol, đường cong, đường chéo mà đến nay vẫn còn nguyên tính vị lai một cách tráng lệ.
Các công thức toán học làm cơ sở cho kết cấu và hình khối của nó có mối tương quan trực tiếp với cách Xenakis sử dụng các nhạc cụ trong dàn nhạc ở tác phẩm “Metastasis”, mô phỏng trình tự các nhạc cụ và độ cao thấp mà chúng thực hiện, theo sự tính toán của các công thức toán học và thống kê, qua đó chuyển hóa không gian của nghệ thuật kiến trúc vào âm nhạc. (Hãy xem một thiết kế cận đương đại của ông cho “Cosmic City”, một quang cảnh khoa học viễn tưởng huy hoàng về những thành phố lớn).
Xenakis cũng thiết kế thứ mà ông gọi là “những hình đa diện” – những sắp đặt âm thanh và ánh sáng có tính nghệ thuật cao, trong đó có sự kết hợp những thiết kế ánh sáng, sắp đặt, âm nhạc để tạo ra những trải nghiệm đa phương tiện sống động, được thực hiện ở nhiều nước từ Canada, Iran tới Hy Lạp. Và ông đã thiết kế một hệ thống cho việc chuyển đổi những ý tưởng đồ họa thành âm thanh, một chương trình mà ông gọi là UPIC, ngày nay được chuyển thành một phần mềm máy tính tinh vi hơn mang tên IanniX. (Hơn một thập kỷ trước khi Boulez sáng lập IRCAM [một học viện chuyên về khoa học dành cho âm nhạc và âm thanh], Xenakis đã thành lập một học viện nghiên cứu âm nhạc công nghệ ở Paris mang tên EMAMu, giờ vẫn còn tồn tại với cái tên CCMIX.)
Trên đây là một vài nét cơ bản về âm nhạc của Xenakis. Nhưng những gì xảy đến khi bạn nghe nhạc của ông còn vượt trên cả cảm giác về những hiện tượng tự nhiên phong phú hay phong cảnh đã được chuyển hóa vào âm nhạc. Hãy lắng nghe tác phẩm “Synaphaï” viết cho đàn piano và dàn nhạc. Người nghe sẽ thấy phần đệm piano phức tạp đến mức rối trí, độc đáo có một không hai với hiệu ứng gây cảm giác mỗi ngón tay tương ứng với một khuông nhạc riêng. Nếu đọc bản tổng phổ, bạn sẽ thấy: Xenakis sử dụng tới 10 khuông nhạc trong tác phẩm này. Bạn cũng có thể nghe thấy những đám mây âm thanh vây bọc quanh phần độc tấu piano, giống như bầy chim nhỏ cùng tấn công một con chim săn mồi tham lam; cường độ giai điệu mãnh liệt gần như liên tục cùng kết cấu cuồng nộ làm người nghe ngạt thở.
Nghe tác phẩm này là một trải nghiệm tuyệt vời như khi ta chứng kiến những cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, ngoạn mục. “Synaphaï” chứa đựng tất cả sức mạnh không thể biết được của một dòng sông băng, hình thái và chuyển động phức tạp ly kỳ của những đàn thú di cư khổng lồ. Có rất nhiều điều để khám phá về âm nhạc của Xenakis, và nhiều tác phẩm của ông đã có mặt trên YouTube. Nổi bật trong đó có: chuỗi động lực liên tục trong “Keqrops” viết cho piano và dàn nhạc; quy mô sử thi của 75 phút trong “Kraanerg” dành cho dàn nhạc kết hợp với cộng hưởng từ băng thu âm; nét hòa âm giống như trường phái hội họa Điểm họa (Pointillism) trong “Khoai” viết cho đàn harpsichord độc tấu; hoặc sự điêu luyện phá phách của “Tetras” viết cho tứ tấu đàn dây. Và không thể không kể đến “Jonchaies” mà Xenakis viết cho dàn nhạc năm 1977, một trong những trải nghiệm thú vị bậc nhất mà người nghe có thể có trong âm nhạc. “Jonchaies” là hiện thân những giá trị cơ bản của Xenakis. Beethoven đã diễn tả thiên nhiên trong “Pastoral Symphony” (Bản giao hưởng Đồng quê), còn Sibelius khiếp sợ nó trong “Tapiola” (Xứ Tapio), nhưng phải nhờ đến Xenakis mà âm nhạc mới tự thân trở thành thiên thiên.
Trong kỳ nghỉ ở đảo Corsica, Xenakis thường điều khiển con thuyền nhỏ của mình đi thẳng vào miệng của cơn bão lớn nhất mà ông cùng với mái chèo của mình có thể chế ngự. Khi nghe âm nhạc của ông, bạn cũng tiến vào tâm của một cơn bão âm nhạc để được tiếp thêm sinh lực, được truyền cảm hứng, và cả kính sợ. “Ông ấy đã sáng tạo ra những điều mới mẻ”, nghệ sỹ violon Irvine Arditti, thành viên của tứ tấu Arditti đã làm việc gần gũi với Xenakis trong 20 năm, nói. “Bất cứ ai cũng có thể thưởng thức âm nhạc của Xenakis mà không cần biết về âm nhạc đầu thế kỷ 20.” Ông vẫn còn nhớ “trong những buổi diễn tập, Xenakis không để ý đến từng chi tiết nhỏ mà chỉ quan tâm đến những hình thái và tính chất lớn hơn của âm thanh”. Vào những năm cuối đời, danh tiếng của Xenakis lên tới tột đỉnh.
Các giải thưởng đến với ông từ khắp thế giới, bao gồm Academie des Beaux Arts (1984); Turin Critics Prize (1990); Kyoto Prize (1997) cũng như những sự kiện Ngày Xenakis, Festival Xenakis, Tuần lễ Xenakis… được tổ chức hằng năm. Ngày 15-12-2000, tác phẩm “Anastenaria” lần đầu được công diễn với bộ ba trọn vẹn “Procession vers les eaux claires”, “Le Sacrifice”, “Metastasis” ở Munich, Đức, do nhạc trưởng Charles Zachary Bornstein chỉ huy. Không lâu sau đó, vào 5 giờ sáng ngày 4-1-2001, Xenakis qua đời ở tuổi 78 tại Paris.
Thanh Nhàn dịch
Bình luận từ người dùng