Kiến trúc hiệu quả năng lượng (Kỳ 3, phần 1): Cơ sở quy hoạch và kiến trúc

28/08/2019 Kiến Vui Vẻ
15867
0

Nối tiếp kỳ 1 và kỳ 2, kỳ 3 của loạt bài viết về Kiến trúc hiệu quả năng lượng, tác giả đi vào phân tích các cơ sở quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật và công nghệ để thiết lập các công trình kiến trúc hiệu quả năng lượng.

Cơ sở quy hoạch và kiến trúc

Trong quy hoạch, nếu có thể chọn vị trí thích hợp và thuận lợi để xây dựng công trình, không chỉ về địa hình, giao thông hay cảnh quan, mà còn về khí hậu thì đó được xem là bước đi đầu tiên và giải pháp chủ động số một để tiết kiệm năng lượng. Công trình sẽ tận dụng các điều kiện khí hậu có lợi của khu vực như ánh nắng mặt trời buổi sáng để đảm bảo chiếu sáng tự nhiên cũng như vệ sinh phòng do ánh nắng mặt trời buổi sáng có tác dụng diệt khuẩn đồng thời sưởi ấm không gian, còn gió mát thổi vào sẽ đảm bảo thông thoáng, đem không khí tươi vào phòng, đẩy không khí bẩn nếu còn lưu cữu trong phòng ra ngoài.

Việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật khi các yếu tố tự nhiên còn phát huy tác dụng sẽ thực sự không cần thiết, mà các hệ thống kỹ thuật này tiêu thụ nhiều năng lượng để vận hành, do đó sẽ giúp tiết kiệm năng lượng. Cũng cần phải nói rõ thêm là nếu môi trường không bị ô nhiễm nặng hoặc thời tiết không diễn biến cực đoan (quá nóng, quá lạnh, quá ẩm) thì các giải pháp tự nhiên luôn tốt hơn các giải pháp nhân tạo khi muốn duy trì và đảm bảo tiện nghi vi khí hậu bên trong công trình cho người sử dụng cảm thấy khỏe khoắn và dễ chịu theo từng mùa trong năm. Kinh nghiệm dân gian chọn hướng nhà và bố trí không gian nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ hài hòa với không gian cây xanh và mặt nước xung quanh là một minh chứng sinh động (xem thêm bài Kiến trúc Xanh Công nghệ Thấp – Phần 2 – Thực tiễn ở Việt Nam). Cách đây vài thế kỷ hoàn toàn chưa có điện hoặc các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ nhưng chỉ bằng những giải pháp rất đơn giản mà lại hiệu quả, người xưa đã xây dựng nên những căn nhà ở truyền thống mát mẻ về mùa hè và khá ấm về mùa đông, điều mà ngày nay phần lớn các công trình xây dựng hiện đại không đạt được, hoặc nếu có đạt được thì cũng tiêu tốn nhiều năng lượng và chi phí.

Ngoài hướng nắng ấm có lợi và hướng gió mát, hướng năng lượng cũng cần được quan tâm, có nghĩa là chọn hướng sao cho công trình khai thác và sử dụng năng lượng đạt hiệu quả cao. Hướng Nam là hướng “chuẩn” về năng lượng cho các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Bán cầu Bắc, bởi vì phần lớn thời gian trong ngày và tổng quan hơn là trong năm mặt trời ở từ phía Nam (chính xác hơn là trong một biên độ rộng từ hướng Đông Đông Nam đến hướng Tây Tây Nam) rọi tới, cung cấp ánh sáng tự nhiên, hơi ấm và năng lượng cho công trình. Các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ đạt 100% công suất phát điện thiết kế, khi ánh nắng mặt trời chiếu vuông góc với bề mặt tấm pin. Tuy nhiên, vị trí và góc cao của mặt trời luôn thay đổi trong ngày và giữa các ngày trong năm, như được thể hiện trên biểu đồ mặt trời (sun path diagram). Nếu các tấm pin năng lượng mặt trời không có khả năng xoay theo chuyển động của mặt trời trên các hệ giàn linh hoạt mà buộc phải lắp cố định, thì hướng tối ưu là chính nam, còn góc nghiêng lắp đặt sẽ được tính toán theo vĩ độ của địa điểm. Điều quan trọng là cần đảm bảo sẽ không có công trình xây dựng hoặc vật thể kiến trúc nào xung quanh che chắn, tạo bóng đổ trùm lên khu vực đặt các thiết bị thu năng lượng. Khi đó, ánh sáng mặt trời luôn chiếu vào các tấm pin năng lượng dưới các góc tới khác nhau, không đạt 100% công suất nhưng luôn có điện được tạo ra và tích trữ. Thời gian phát điện hiệu suất cao nhất là từ 11h đến 13h trong điều kiện thời tiết tốt, quang mây, nắng mạnh. Đối với các thiết bị thu nhiệt năng mặt trời để đun nóng nước, các yêu cầu trên cũng cần chú ý và được áp dụng.

 

Hình 1: Ba hướng tối ưu cùng hội tụ, cần tận dụng trong việc chọn hướng nhà trong quy hoạch (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)

Tại Hà Nội cũng như các tỉnh thành vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, nếu công trình quay về hướng từ chính nam đến đông đông nam trong phạm vi góc 75 độ sẽ đáp ứng được cả ba yêu cầu về hướng: hướng nắng ấm buổi sáng, hướng gió mát mùa hè và hướng tốt về khai thác năng lượng mặt trời.

Trong trường hợp không chủ động chọn được vị trí và hướng nhà tốt, có nghĩa là điều kiện có thể bất lợi, thì vẫn còn khả năng khắc phục tình hình. Các yếu tố sau (nếu có) cần được xem xét khi nghiên cứu và đánh giá hiện trạng khu đất:

Gò đất, đồi núi, công trình cao tầng đã xây từ trước hay cây to có sẵn với diện bóng đổ lớn chắn trên hướng Tây/Tây Nam/Tây Bắc gần với vị trí dự kiến xây dựng công trình: Nếu nằm gọn trong phạm vi bóng đổ của các vật thể này vào buổi chiều thì công trình sẽ tránh được bức xạ mặt trời. (Hình 2a, 2b, 2c);

Mặt nước xung quanh (nếu có) như sông, hồ, kênh không bị ô nhiễm và diện tích đủ lớn: Khi nằm ở cự ly gần – trong phạm vi lan tỏa của hơi nước, công trình trở nên mát hơn do nước khi bay hơi sẽ lấy bớt nhiệt, làm dịu sức nóng. Hơn nữa, với không gian mặt nước thoáng đãng trong một khu vực có mật độ xây dựng cao, chênh lệch về nhiệt độ luôn tồn tại và sẽ góp phần tạo nên chênh lệch về áp suất. Kết quả là có gió mát cục bộ xung quanh dù đó không phải là hướng gió chủ đạo (Hình 2d).

Hình 2a: Công trình tận dụng bóng đổ của đồi núi (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2013)

Hình 2b: Công trình tận dụng bóng đổ của cây to (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2013)

Hình 2c: Công trình tận dụng bóng đổ của nhà cao (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2013)

Hình 2d: Công trình tận dụng lợi thế gần sông – hồ (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2013)

Ảnh hưởng của quy hoạch đến hiệu quả năng lượng cũng được thể hiện qua các khía cạnh sau:

Bố trí thứ tự các công trình có chiều cao và khối tích khác nhau: trên hướng chiếu sáng của mặt trời (từ Đông sang Tây, từ Đông Nam đến Tây Bắc, từ Nam đến Bắc, từ Tây Nam đến Đông Bắc, lần lượt theo vị trí của Mặt Trời trong ngày từ sáng đến chiều), các công trình khối tích nhỏ và thấp tầng nên được bố trí phía trước, công trình khối tích lớn và cao tầng sẽ đặt phía sau. Cách quy hoạch như vậy sẽ đảm bảo công trình phía sau không bị che khuất (sấp bóng), bởi vì ánh sáng mặt trời cần rọi được vào bên trong phòng của công trình phía sau ở những thời điểm nhất định trong ngày, ít nhất là vào buổi sáng. Nếu công trình phía sau lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời và/hoặc thiết bị thu nhiệt mặt trời để đun nước nóng trên mái hoặc mặt đứng nhà thì cũng phải đảm bảo rằng bề mặt các thiết bị này không bị bóng đổ của công trình phía trước trùm lên. Nếu không có ánh sáng mặt trời rọi trực tiếp vào, hoặc nếu có thì cường độ yếu, thiết bị sẽ khó hoạt động và việc cung cấp năng lượng mặt trời sẽ bị gián đoạn (Hình 3).

Hình 3: Quy hoạch hướng nhà, chiều cao và khoảng cách đảm bảo sự tối ưu về năng lượng (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2010)

Khoảng cách và chiều cao của công trình cần được tính toán kỹ lưỡng. Hai yếu tố này có liên hệ tới việc bố trí thứ tự các công trình như được trình bày ở trên. Nếu công trình phía trước càng cao thì khoảng cách từ công trình đó đến công trình phía sau sẽ càng tăng theo nguyên tắc đảm bảo chiếu sáng. Các khu tập thể năm tầng được xây dựng bằng công nghệ lắp ghép cấu kiện bê tông tấm lớn những năm 1970 – 1980 ở Hà Nội tỏ ra rất hiệu quả trong việc tạo nên một mật độ cư trú vừa phải, khi hai dãy nhà xây cách nhau trên dưới 20 m, theo công thức D (khoảng cách) = B (chiều cao nhà) x (1 ÷ 1,4). Các khối nhà kiểu hành lang bên chạy song song nhau – thẳng hàng hoặc so le – nên nếu đặt đúng hướng thì 100% số căn hộ đạt tiện nghi nhiệt. Khoảng không gian giữa hai khối nhà được trồng cây, có sân rộng rãi để trẻ em vui chơi và người cao tuổi đi dạo và nghỉ ngơi, một số khu vực còn có cả hồ nước (như Giảng Võ), nên môi trường sống trong lành và thực sự là “ước mơ” của rất nhiều người dân đô thị thời bao cấp (Hình 4a, 4b). Ngày nay, ngoại trừ một vài khu đô thị mới cao cấp, rất nhiều khu dân cư cả cũ lẫn mới tại Hà Nội phát triển với mật độ xây dựng dày đặc, cả chiều cao lẫn khoảng cách đều không đảm bảo, khiến nhiều hộ gia đình không có đủ ánh sáng tự nhiên, không khí kém lưu thông, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, mà cụm 12 tòa tháp cao trên 40 tầng xây sát nhau tại khu đô thị mới Linh Đàm mới đây là một ví dụ điển hình (Hình 5b).

Hình 4a: Tổng mặt bằng khu nhà ở Giảng Võ những năm đầu thập niên 1980
(Nguồn: www.ashui.com)

Hình 4b: Hình ảnh khu nhà ở Giảng Võ những năm đầu thập niên 1980
(Nguồn: www.ashui.com)

Hình 5a: Khu Giảng Võ ngày nay bị xây chen với mật độ dày đặc, không gian xanh bị thu hẹp (Nguồn: www.vietnamnet.vn)

Hình 5b: Khu đô thị Linh Đàm ngày nay với 12 khối nhà cao tầng xây sát nhau
(Nguồn: www.baomoi.vn)

Ngoài ra, trong quy hoạch, hình khối công trình cũng có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng chiếu sáng cho các công trình lân cận, trong trường hợp mật độ xây dựng cao và khoảng cách giữa hai công trình khá gần, như đa số các khu dân cư hiện nay trong các đô thị lớn hay gặp phải. Nếu một công trình có chiều cao và khối tích lớn vì một lý do hay yêu cầu nào đó được xây dựng phía trước, có thể tạo ra những khoảng đục thông để không chắn gió các tòa nhà phía sau đồng thời cải thiện chính điều kiện vi khí hậu cho các không gian ở những vị trí bên trong của công trình ấy mà nếu không có những khoảng đục thông này sẽ rất tối và bí. Ngoài ra, việc đục thông này nếu có nhịp điệu hoặc ngẫu hứng, sẽ làm công trình tăng hiệu quả thẩm mỹ. Một trường hợp khác về hình khối công trình nên được xem xét là lựa chọn giữa mái bằng và mái dốc. Nếu chọn mái bằng thì có thể sẽ vô tình tạo ra một “chướng ngại vật” chắn sáng cho một phần công trình bên cạnh trong khu ở có mật độ cao, trong khi đó, cũng ở vị trí ấy, nếu xử lý mái vát theo chiều của ánh sáng mặt trời rọi tới mà không ảnh hưởng nhiều đến chức năng sử dụng của không gian bên dưới, thì công trình bên cạnh sẽ được chiếu sáng tốt hơn, đồng thời việc tổ chức thoát nước mưa cũng như chống thấm cho công trình đang xem xét cũng sẽ đơn giản hơn (Hình 6).

Hình 6: Hình khối công trình ảnh hưởng đến chiếu sáng tự nhiên và hiệu quả năng lượng (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)

Bên cạnh việc chọn vị trí và hướng nhà hợp lý như đã phân tích ở nội dung quy hoạch bên trên, tối ưu hóa không gian trong nhà – liên quan đến thiết kế kiến trúc – tự bản thân đã là một giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng. Với mỗi một khu đất cụ thể trong thực tế, sẽ luôn xác định được vị trí của khoảng có lợi về mặt khí hậu và năng lượng trong phạm vi ranh giới để ưu tiên bố trí các phòng chức năng chính. Nếu các phòng chức năng chính đều quay về hướng này sẽ tận dụng được nắng ấm và gió mát. Bức xạ, hơi nóng, gió lạnh, bụi khói… sẽ được ngăn lại hoặc giảm đáng kể tác động bởi các không gian phụ ở hướng còn lại. Như vậy, có thể nói không gian phụ sẽ che chắn cho không gian chính khỏi những tác động bất lợi trong khi không gian chính tận dụng những yếu tố có lợi nhất. Do đó, nhu cầu sử dụng các thiết bị điều hòa nhiệt độ sẽ được giảm thiểu, đồng nghĩa với việc năng lượng được sử dụng hiệu quả và tiết kiệm (Hình 7).

Hình 7: Phân khu chức năng hợp lý là giải pháp chủ động tiết kiệm năng lượng trong công trình (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)

Hình 8: Một bản thiết kế đã tận dụng được lợi thế của khu đất, có tất cả các không gian chính đều mở đón nắng ấm và gió mát, nên giảm đáng kể việc tiêu thụ năng lượng
(Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2016)

Vấn đề cần cân nhắc là hướng có lợi về khí hậu không phải lúc nào cũng trùng với hướng tiếp cận từ đường hoặc ngõ vào nhà. Trong trường hợp hai hướng này khác nhau, thậm chí ngược nhau, thì theo cách thông thường các không gian chính sẽ được bố trí ở mặt tiền nhà, như vậy sẽ trực tiếp chịu tác động của bức xạ mặt trời, hơi nóng, gió lạnh, … cùng khói bụi và tiếng ồn, và sẽ phải đóng kín cửa trong điều kiện thời tiết bất lợi để giảm thiểu ảnh hưởng, duy trì sự tiện nghi bên trong bằng các giải pháp nhân tạo (máy điều hòa không khí hoặc máy sưởi là những thiết bị tiêu thụ nhiều năng lượng). Khi bật các thiết bị này kéo dài nhiều tiếng trong ngày, lượng năng lượng tiêu thụ đương nhiên sẽ rất lớn. Trong khi đó, hướng đối diện, tức là hướng có lợi, lại bị chắn bởi các công trình phụ do xây gần sát, thậm chí giáp tường sau của nhà hàng xóm, nên gần như không tận dụng được các yếu tố có lợi là nắng ấm và gió mát. Một khoảng giếng trời nhỏ giữa nhà hoặc khoảng thông tầng tại buồng thang bộ chỉ giải quyết một phần rất nhỏ nhu cầu chiếu sáng và thông gió, chủ yếu là cho một hoặc hai tầng trên cùng, còn các vị trí tương ứng ở các tầng dưới, chất lượng thông gió và chiếu sáng tự nhiên đều không đạt yêu cầu.

Hình 9: Hướng tiếp cận chính không trùng với hướng năng lượng, sẽ là một trường hợp bất lợi theo cách thiết kế thông thường – ví dụ nhà lô phố (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)

Trên quan điểm “both form and function follow energy” (tạm dịch: cả hình khối lẫn công năng được thiết kế theo yêu cầu hiệu quả năng lượng) như đã trình bày trong bài viết kỳ 1, cách bố trí các phòng trong trường hợp lối tiếp cận chính từ đường vào nhà trên hướng bất lợi sẽ phải điều chỉnh so với cách thiết kế thường thấy hiện nay, nếu không có các giải pháp bảo vệ đặc biệt hiệu quả. Sẽ có ba trường hợp có thể xảy ra đối với nhà ở thấp tầng:

Trường hợp 1: Biệt thự song lập hoặc đơn lập với ba hoặc bốn mặt thoáng và sân vườn rộng, với chiều ngang tối thiểu 15 m có thể xoay cả khối nhà đi 90o để đạt điều kiện về hướng trong yêu cầu hiệu quả năng lượng. Khi đó, thay vì trông ra đường, các phòng chính sẽ trông ra lối đi/khoảng lưu không bên cạnh. Vấn đề thẩm mỹ khi không gian phụ quay ra mặt đường sẽ được giải quyết khi mặt đứng chính và phụ được thiết kế đẹp như nhau. Do biệt thự chỉ có độ cao 2 ÷ 3 tầng, khoảng cách giữa hai căn biệt thự đủ lớn để đảm bảo điều kiện thông thoáng và chất lượng chiếu sáng tự nhiên (Hình 10a).

Trường hợp 2: Nhà liền kề có chiều ngang đến 10 m đủ để bố trí hai phòng trên mặt tiền mỗi tầng. Do chiều ngang không đủ rộng như trường hợp 1 nên không xoay được hướng nhà, mà chuyển bớt một phòng chính ra phía sau, thay thế vào đó là một phòng phụ trợ thích hợp. Mặt đứng phía trước vẫn song song với trục đường. Riêng tầng một dành ra 1,5 ÷ 2 m làm lối đi bộ từ phía cổng trước dẫn ra phía sau nhà cho chủ động trong việc tiếp cận còn từ tầng hai trở lên chủ nhà vẫn để chừa ra khoảng 1,5 ÷ 2 m này làm không gian lưu không (Hình 10b). Tăng cường tiếp xúc với không gian thoáng chính là chìa khóa cho trường hợp này để bù lại phần nào sự hạn chế về diện tích và khoảng lùi.

Trường hợp 3: Cũng nhà liền kề nhưng chiều ngang hẹp (dưới 5 m) nên không bố trí được lối đi bên cạnh dưới tầng một và khoảng lưu không ở các tầng trên. Khi đó chủ nhà phải chủ động lùi lại ít nhất 3 m từ tường nhà hàng xóm phía sau nếu hộ này đã xây sát tường rào chung để đảm bảo rằng phòng chính chuyển ra phía sau dù không đón nhận nắng ấm và gió mát nhiều như các trường hợp trên vẫn luôn thoáng mát và đủ ánh sáng tự nhiên (ánh sáng tán xạ), ít nóng hơn và đỡ ồn hơn do đã được phòng phụ phía trước che chắn (Hình 10c). Nếu hộ hàng xóm này xây lùi thì khoảng lưu không sẽ rộng gấp đôi, tác dụng cải thiện chiếu sáng và thông gió tự nhiên sẽ lớn hơn.

Hình 10: Nguyên tắc điều chỉnh các phòng trong trường hợp bất lợi về hướng để đạt hiệu quả năng lượng (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)

Đối với công trình cao tầng (nhà ở, khách sạn, văn phòng hay hỗn hợp chức năng, …), việc lựa chọn hướng tối ưu về năng lượng sẽ không khó khăn như hai trường hợp 2 và 3 của nhà thấp tầng. Vì yêu cầu giữ khoảng cách nhất định tới các công trình lân cận, mỗi nhà cao tầng đều có khoảng không gian lưu không trên tất cả các hướng. Do vậy khi quy hoạch kiến trúc sư có thể xoay cả khối nhà đi một góc để đạt sự tối ưu về hướng năng lượng. Các không gian phát sinh do việc xoay cả khối nhà hoàn toàn có thể được xử lý một cách khéo léo qua một số thủ pháp thiết kế đô thị. Mặt đứng tuyến phố dạng giật cấp cũng có vẻ đẹp riêng (Hình 11).

Hình 11: Điều chỉnh hướng nhà và thiết kế đô thị để đạt hiệu quả năng lượng cao hơn
(Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)

Nếu áp dụng rộng rãi nguyên tắc “Both form and function follow energy” trong quy hoạch và thiết kế công trình thì thực sự đó là một cuộc “cách mạng” trong kiến trúc đô thị, bởi vì hiệu quả năng lượng và sự tiện nghi vi khí hậu được nâng cao đáng kể đồng thời môi trường sẽ được cải thiện và cảnh quan đô thị trở nên đa dạng. Vận dụng nguyên lý một cách linh hoạt, công năng của công trình vẫn hợp lý và hình thức kiến trúc đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ.

Ngoài cách bố trí không gian bên trong, lớp vỏ công trình cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tiện nghi vi khí hậu đồng thời tiết kiệm năng lượng. Lớp vỏ công trình được ví với bộ lọc khí hậu cho công trình, cho phép những yếu tố có lợi thâm nhập sâu vào bên trong và giữ những yếu tố bất lợi bên ngoài. Lớp vỏ cần được cách nhiệt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là mái nhà và các diện tường hoặc cửa sổ, cửa đi, vách kính… trên các hướng Tây Bắc – Tây – Tây Nam để giảm thiểu sự truyền nhiệt từ bên ngoài vào bên trong công trình trong mùa nóng đồng thời cũng hạn chế tổn thất nhiệt vào mùa đông khi hơi ấm từ bên trong có xu hướng thẩm thấu nhanh ra bên ngoài có nhiệt độ thấp hơn qua toàn bộ lớp vỏ bao che không có xử lý cách nhiệt theo nguyên lý truyền nhiệt – nhiệt sẽ truyền từ nơi có nhiệt độ cao sang nơi có nhiệt độ thấp cho đến khi cân bằng nhiệt trong – ngoài. Đồng thời lớp cách nhiệt cũng có thể kiêm luôn vai trò của lớp cách âm nếu lựa chọn vật liệu thích hợp chèn giữa hai lớp bề mặt trong – ngoài của vỏ bao che, bởi vì công trình tại các đô thị lớn cũng cần kiểm soát tốt và ngăn chặn tiếng ồn từ nhiều nguồn khác nhau ở bên ngoài dội vào bên trong, đặc biệt là tiếng ồn mà các phương tiện giao thông lưu thông trong giờ cao điểm gây ra.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:

[1] Detlef Glücklich, Ökologisches Bauen – Von Grundlagen zu Gesamtkonzepten, DVA Verlag, München, 2005, trang 41
[2] World Weather Information Service http://worldweather.wmo.int
[3] Công ty TNHH Công nghệ Năng lượng Mặt trời Việt Nam https://solarpower.vn/cuong-do-buc-xa-nang-luong-mat-troi-tai-cac-khu-vuc-viet-nam/
[4] Detlef Glücklich, Ökologisches Bauen – Von Grundlagen zu Gesamtkonzepten, DVA Verlag, München, 2005, trang 56
[5] Christoph Kost và Johannes Mayer, Levelising Cost of Electricity Produced with Renewable Energy Technologies, Fraunhofer Institute for Solar Energy Systems, Freiburg, 2013, trang 2
[6] Tập đoàn Điện lực Việt Nam, http://evn.com.vn/d6/event/Phat-trien-Dien-mat-troi-tai-Viet-Nam-2-11-50.aspx
[7] Tập đoàn Điện lực Việt Nam, http://www.evn.com.vn/c3/evn-va-khach-hang/Bieu-gia-ban-le-dien-9-79.aspx
[8] Tập đoàn Điện lực Việt Nam, http://www.evn.com.vn/d6/news/Phat-trien-dien-gio-tai-Viet-Nam-Khong-the-chan-chu-6-12-19297.aspx
[9] Detlef Glücklich, Ökologisches Bauen – Von Grundlagen zu Gesamtkonzepten, DVA Verlag, München, 2005, trang 65
[10] Energy Informative, http://energyinformative.org/solar-panels-cost/
[11] Detlef Glücklich, Ökologisches Bauen – Von Grundlagen zu Gesamtkonzepten, DVA Verlag, München, 2005, trang 65
[12] Detlef Glücklich, Ökologisches Bauen – Von Grundlagen zu Gesamtkonzepten, DVA Verlag, München, 2005, trang 67
[13] Auto Desk Corporation https://sustainabilityworkshop.autodesk.com/buildings/glazing-properties
[14] Detlef Glücklich, Ökologisches Bauen – Von Grundlagen zu Gesamtkonzepten, DVA Verlag, München, 2005, trang 59

TS. KTS Nguyễn Quang Minh
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng

 

Xem thêm:

 

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1499
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy