Tôi không có ý viết hồi ký, những bài tôi viết chỉ đơn giản là những lá thư tâm sự, kể lể cho bạn bè cùng nghe những kỷ niệm về trường xưa vậy thôi...
Trường xưa trong lòng tôi có ngôi trường tiểu học Mai Xuân Thưởng, trường trung học Cường Để ở Quy Nhơn, trường Dòng các frères Bá Ninh - Nha Trang và đại học Kiến Trúc Sài Gòn.
Mấy năm trước tôi đã viết thư gửi bạn cũ thời tiểu học, thời trung học, bây giờ tôi ngồi viết thư gửi bạn thời học Kiến trúc.
Tôi cũng có ý định sẽ tập hợp lại những bài viết này trong một tập chung đặt tên là “Tìm nhớ tìm quên” sẽ in ra tặng bạn như một món quà của tình bằng hữu.
Kỷ niệm có chuyện vui chuyện buồn.
Chuyện hôm nay tôi kể có thể làm ai đó không vui...
Không hiểu tại sao mà hồi ức về cuộc tuyệt thực hồi niên khóa 66-67 của sinh viên kiến trúc tại trụ sở Viện đại học Sài Gòn, ngay trước bùng binh Hồ Con Rùa, tác phẩm của KTS. Nguyễn Kỳ, giữa ngã tư Duy Tân - Trần Qúy Cáp, đâu lưng với trường Kiến trúc, lại gây cho tôi cảm giác day dứt giống hệt như năm lớp nhì tôi đã phạm lỗi hỗn hào với mẹ tôi.
Tôi không hiểu rõ cuộc tuyệt thực này lắm, nhưng cũng theo mấy bạn láng cháng qua đó gọi là ủy lạo tinh thần.
Hình như khi vắng người, khoảng 8, 9 giờ tối gì đó mấy người tuyệt thực có được lén tiếp tế đồ ăn.
Phải chi một ai trong nhóm đó chịu thẳng thắn viết lại chuyện này cho mọi người tỏ tường thì hay quá.
Kết quả là trường Cao đẳng KT trở thành Đại học KT.
Thầy Trần Văn Tải buồn lòng không thèm nhìn tới bọn sinh viên cũ, chỉ dạy lớp mới vào trường, sau Thầy qua Pháp và qua đời trong một tai nạn giao thông!
Thành kính cúi đầu tưởng niệm vị giáo sư uyên bác đã cho tôi những kiến thức vững chắc về construction.
Bản thân con xin được hương hồn Thầy tha thứ.
Hình ảnh không đẹp, rất đáng buồn nữa là một đàn anh “già”, mặc đồ nhà binh đứng ở sân trường hét vào phòng chấm bài, gọi thầy Nhạc thầy Thâng là thằng nầy nọ!
Theo các anh lớp trên thì chuyện này không chỉ xảy ra một lần đó thôi.
Sau này rải rác đây đó trên mạng, đôi khi tôi đọc thấy có những lời nhận xét về các thầy, có nhận xét vì nông nổi mà trách thầy, nhưng cũng có những lời lẽ hỗn hào, lỗi đạo thầy trò.
Chuyện buồn càng kể càng buồn, thôi không kể thêm nữa.
Tôi xin kể câu chuyện một lần tôi đã được nghe thầy Mãng tâm sự.
Tôi không dám chắc câu chuyện hoàn toàn có lớp lang như thế, hoặc ở đây gồm cả những gì tôi nhớ qua nhiều lần nghe thầy nói chuyện, đến nay cái ký ức của tôi nó tự động gom thành một lần tâm sự của thầy như thế cũng không chừng.
Vào một buổi chiều rất muộn cuối năm âm lịch Qúy Sửu (73-74), sau khi thầy sửa bài xong, vì gần Tết và là lần sửa bài cuối nên ai lấy xong croix cũng lẳng lặng rút bài ra về luôn, thấy tôi còn ngồi lại thầy hỏi.
- Có chuyện gì đó Đạm?
- Thưa thầy, nếu bài nầy ăn thì con đủ bài.
- Diplomable rồi à, đủ trois arts chưa, tính ra Tết làm diplôme hả?
- Thưa thấy 3 arts con đã làm hồi đầu năm, con có 1 esquisse, 1 concours, 1 projet khi từ họa thất thầy Lắm chuyển qua họa thất của thầy. Từ khi về họa thất 2 của thầy con ăn thêm 1 esquisse, 2 concours, 4 projets nên nếu lần này bài của con có mention thì con đủ bài ạ.
- Partie lần này của em tốt lắm, chắc cũng sẽ ăn đó.
Thầy khẳng định với tôi như thế rồi nói thêm:
- Thầy cảm ơn Đạm đã giúp thầy lo cho lớp second.
Hồi đầu năm lớp projet second của họa thất 2 ăn bài ít quá nên thầy chỉnh đốn lại bằng cách chia thành 3 nhóm, 2 nhóm 12 người do 2 thầy phụ tá sửa bài còn 1 nhóm 15 người do đích thân thầy sửa, nhóm nầy thầy lại giao cho tôi gom lại giúp các em chỉnh sửa các lỗi nhỏ trước trong khi chờ thầy tới, tôi làm việc này khá chu đáo nên khi thầy vô chỉ sửa khoảng 45 phút là xong hết mười mấy bài.
Tự nhiên hạ giọng buồn buồn thầy tâm sự.
- Các anh cứ trách các thầy giam các anh không cho ra trường sớm vì sợ tranh affaires.
Nói vậy là nói ngược, nếu tụi tui sợ mấy anh tranh affaires thì tụi tui đâu có cố công đào luyện cho các anh khi ra trường giỏi ngang tụi tui, cứ cho ra hàng loạt KTS kém cỏi làm gạch lót đường thì tụi tui càng có giá hơn chứ.
Mà cũng nhiều anh học chỉ 6 năm, 7 năm là ra trường đó thôi, bộ mấy anh đó thông minh xuất sắc hơn hay được tụi tui ưu ái hơn mấy anh lưu niên lắm hay sao?
Chuyện xảy ra đã mấy năm rồi mà sao vẫn còn làm thầy day dứt, cảm thấy lúng túng tôi nói cho có nói:
- Dạ con cũng thấy phần lớn lỗi tại tụi con ham chơi bỏ bài.
- Cũng không hẳn như thế, tại các anh không chịu đi nghe giảng đề cho kỹ, không chịu nghiên cứu sách vở, hiểu đề tài không đến nơi đến chốn, mà có lỡ làm esquisse partie dở thì phải cố mà étude cho ra chớ sao lại nhái theo partie của người khác, rồi trách hội đồng bắt lỗi changement d’esquisse là dựng rào cản ngăn các anh ra trường?
Cũng vậy, làm concours là cuộc tranh đua của những người xuất sắc thì phải hiểu tinh thần của mỗi loại concours, bài không lột tả được cái cốt lõi là tinh thần của concours đó là gì thì làm sao đòi ăn?
Tôi biết nhiều anh trách tui khó, tui bắt học như học trò trung học, thực sự tui chỉ bắt lớp second trưng tài liệu chớ các anh première tui có đòi vậy đâu.
Mấy đứa mới lên second kiến thức chưa đủ, phải rèn cho tụi nó biết hiểu, biết học theo cái hay của tài liệu trước khi cho tụi nó tự do sáng tác Đạm hiểu không?
- Dạ con hiểu.
Thầy mỉn cười:
- Cái bài Goedebeouf của em vẽ đầu con trâu đó, nếu chấm về ý thì rớt chắc, vì Bến Nghé là bến nhiều cá sấu chớ có phải bến nhiều nghé con đâu mà anh vẽ biểu tượng Bến Nghé là đầu trâu, nhưng bài anh ăn vì composition tốt và rendu matière gỗ rất thật đúng không, đấy Goedebeouf chỉ đòi có thế.
Bài vườn trong mộng, khi triển lãm nhiều anh cứ hỏi tại sao bài này vẽ đẹp vầy mà rớt, thật là đã không hiểu cái đề bài người ta đòi vẽ cái vườn trong giấc mộng, vậy trước hết bài vẽ phải cho người ta cảm nhận được đây là mộng đã chứ, đẹp mấy mà không diễn tả được đây là mộng thì cũng rớt.
Thấy thầy đã cởi mở tôi nói vui:
-Dạ, còn cái bài Labarre bến du thuyền, nhờ thầy nhắc nhỏ, coi chừng sóng bão Vũng Tàu mà con xé bài đi vẽ lại mới ăn đó.
- Sao anh không lên gặp khoa trưởng khiếu nại xin rớt vì ông Mãng ổng thiên vị nhắc bài tui?
Hai thầy trò nhìn nhau cười xòa tâm đắc.
- Đạm tính làm đề tài gì?
- Dạ con định làm vườn hoa lan được không ạ?
- Hay đó, ghé qua văn phòng, thầy có nhiều sách về hoa lan lắm.
Viết tới đây tự nhiên tôi lại nhớ về thầy dạy béton armé, Kỹ sư kiều lộ Phạm Minh Cảnh.
Chú tôi là bạn học với thầy Phạm Minh Cảnh nên thầy đặc cách cho tôi thực tập về béton armé một năm ở văn phòng thầy, nhờ vậy tôi có dịp trông coi công trường xây cất rạp Nguyễn văn Hảo tại đường Trần Hưng Đạo.
Công trình này do KTS Vũ Bá Đính thiết kế, KS Phạm Minh Cảnh tính bê tông, kỹ sư Nguyễn Văn Nhừ thầu xây dựng.
Cả ba vị đều là bạn của chú tôi nên ở công trường tôi làm việc cho cả ba vị ấy, có nghĩa là thường xuyên điều hành cả cái công trường to lớn ấy chỉ có anh Cai Lợi và tôi.
Trong công việc thầy Cảnh rất nghiêm, một lần thầy hẹn tôi 7 giờ 15 sáng đến mang bản calque đi in, tôi tới trễ gần 10 phút, thầy nghiêm mặt nói:
- Bây giờ đã gần 7g30 thầy phải vào trường Công Chánh, sáng mai em quay lại.
Rồi thầy lên xe đi thẳng.
Sáng hôm sau tôi đến từ 7g05 đậu xe trước cổng, thầy đang tưới mấy chậu kiểng, ngước lên nhìn thoáng về phía tôi rồi cứ điềm nhiên tưới hoa, đúng 7g15 mới bước ra mở cổng gọi:
- Đạm, vào đây.
Phạm Minh Trí còn kể với tôi, ngay tới cô mà dọn cơm trễ giờ là thầy cũng bỏ bữa luôn.
Lần khác, hôm công trường đặt sắt cái khung sân khấu, portique khẩu độ 16m, cao gần 9m, khoảng 3 giờ chiều thầy tới công trường, thầy đứng nhìn lên cái khung sắt một lúc bỗng hỏi tôi:
- Đạm, đã kiểm tra sắt kỹ chưa?
Tôi chưa kịp kiểm tra nhưng trả lời đại:
- Dạ rồi.
Không nói một lời thầy lấy cục phấn rồi thoăn thoắt leo lên giàn giáo làm tôi cũng phải lật đật leo theo, thầy kiểm tra một đoạn khoảng 5m, đánh dấu mấy chỗ cần sửa rồi đưa cục phấn cho tôi nhẹ nhàng nói:
- Đạm làm tiếp cho xong đi.
Rồi thầy leo xuống chứ không la tôi lời nào vì tội nói dối.
Tôi thật không hiểu tại sao cao thế mà thầy thấy được chưa có dấu phấn trắng để biết là tôi nói dối chứ chưa kiểm tra.
Thầy nghiêm nhưng cũng rất thương học trò, một lần tôi nghe thầy nói với chú tôi:
- Môn b.a không phải môn chính trong trường KT, khóa 2 mà còn đánh rớt tụi nó thời tụi nó đi lính tội nghiệp.
Có một sự kiện nhỏ hôm tôi trình luận án làm tôi nhớ mãi.
Sau khi tôi đã trả lời chất vấn xong, thầy Tô Công Văn, Chủ tịch hội đồng nhắc:
- Thầy Cảnh sao chưa hỏi gì vậy?
- Nó thực tập ở văn phòng tôi mà nó trốn tôi làm ossature gỗ thời tôi hỏi vào đâu?
Cả hội đồng đều cười, trong không khí cởi mở đó thầy Nhạc đến bắt tay tôi nói:
- Chúc mừng đồng nghiệp.
Khi tôi chào hội đồng để đi ra thầy Văn cũng bắt tay tôi.
Tôi chờ ở dưới sân gập riêng thầy Mãng để hỏi điểm.
- Plan général em vẽ échelle 0,004 là phạm trường quy nhưng hội đồng đã cho qua (quy định Tổng mặt bằng trong đồ án tốt nghiệp, échelle tối thiểu phải là 0,005), mà em cũng dở sao không ghé văn phòng thầy lấy mấy chậu phong lan treo quanh phòng chấm bài phải hay hơn biết bao nhiêu không.
Thầy cố gỡ nhưng chỉ đạt 13,75 không đậu bình được đâu.
Tôi xin thầy cho xem sổ ghi điểm để biết xem ai cho tôi điểm thấp, thầy lắc đầu.
- Điều đó không tốt đâu.
Chuyện chỉ có thế nhưng tôi cảm nhận rất rõ ràng tình cảm chan chứa của các thầy.
Các thầy cũng yêu thương học trò, tha thiết gắn bó với ngôi trường nào khác chúng ta.
Kiến trúc là một sinh thể, nó lớn lên theo ngày tháng, anh có thể biết thêm nhiều điều mà ngày xưa thầy không biết.
Anh có thể có những bằng cấp mà thầy không có.
Nhưng những thứ ấy có còn ý nghĩa gì không nếu anh quên công ơn dạy dỗ của các thầy, nếu anh thiếu lòng tôn kính thầy dạy của mình?
Ai mà không nhớ câu chuyện ông Carnot khi đã thành một quan chức cao cấp của ngành giáo dục, đã có bằng cấp cao hơn ông thầy làng cũ nhiều lắm, về thăm lại trường xưa, thầy cũ lúc này đã già nhưng vẫn chỉ là một ông giáo tiểu học tức là thuộc cấp của ông Carnot.
Vậy mà ông ấy đã xuống xe đi bộ vào trường, đứng khoanh tay trước cửa lớp chào thầy rồi mới bước vào hai tay bắt tay thầy.
Đó là đạo lý của muôn đời.
Những kiến thức ta thu lượm từ các thầy là bệ phóng cho tài năng của ta phát triển, xổ toẹt nó đi thì ta đứng trên cái nền tảng gì để làm người?
ĐỖ XUÂN ĐẠM
21-11-2010
Bình luận từ người dùng