Làng quần vợt thế giới chỉ có 4 cái SLAM (Mỹ, Anh, Pháp, Úc)! ARCHI-SLAM của Hội KTS. Tp.HCM là cái thứ 5 và cũng là cái duy nhất trong hệ thống các Hội KTS. của UIA (Hội liên hiệp KTS. thế giới). Uy thế của giải khiến cho các danh vợt KTS. Âu Á đều phải kiêng nể.
Đã 7 năm nay, từ Kenneth Franton (USA), Jean Nouvel (Pháp), Norman Foster (Anh), Thomas Herzog (Đức) đến Wu Liang Yong (Trung Quốc) Charles Correa (Anh), Tadao Ando (Nhật),… kể cả Ken Yeang (Malaysia)… đều nhã nhặn tìm cách từ chối khi nhận được e-mail.
Những cái “nhất” của Archi-Slam có thể kể:
Chào đời đột ngột nhất (tại Đại hội KTS. Tp.HCM lần 3 năm 1994) không như 4 slam kia có quá trình sinh nở mang tính lịch sử.
Có “ngôn ngữ thống nhất” nhất : KIẾN TRÚC
Có số tiền giải thưởng “tượng trưng” nhất, nhưng lại có số lượng cúp “áp đảo” nhất (chỉ tính từ 1994, số lượng cúp phát hành không dưới 150 cái)
Có điều lệ biến hóa nhất, thay đổi xoành xoạch hàng năm. Chẳng những do “tình hình, nhiệm vụ” mới mà còn do tinh thần “dân chủ” luôn được tôn trọng. “Ý KTS. là ý trời” nói theo tiếng Latinh “VOX ARCHI VOX DEI”
Có số lượng vận động viên trẻ tuổi cao nhất (ra lò đã 23,24) và cũng có số lượng vận động viên nhiều tuổi cao nhất (toàn U.60, thậm chí có cả U.70)
Có tỷ lệ “âm suy dương thịnh” bất thường nhất từ thời kỳ Hai Bà Trưng đến nay, mặc dù tôn chỉ nhất quán của Archislam luôn là … “LADY FIRST”. Sẽ có đột biến từ Archislam 2002 chăng ?
Đã xuất hiện những “mẫu vận động viên điển hình” kỳ lạ nhất mà các slam kia đều khó có được:
- Vận động viên “cự cải đồng đội” vui nhộn nhất mà vẫn nhiều lần bước lên bục cao nhất: KTS. Trần Quế Trung người rất được Mac Enroe mến mộ
- Vận động viên “lucky luke” nhất: KTS. Hoàng Hùng tay không bắt giặc (giải nhất đôi nam lão 1999) người không bao giờ di chuyển khỏi chiếc bóng của mình khi đánh đôi. Nói cách khác, không gian vận động không bao giờ vượt quá 4m². Về mặt này Peter Sampras phải ngã mũ.
- Vận động viên “đa gê năng” nhất KTS. Lê Văn Rọt với chiêu “song thủ hổ bác” sử dụng hai tay như một (giải nhất đôi nam lão 1998), người không bao giờ phải cầm đến cú trái tay (backhand) tầm thường như A.Agassi
- Vận động viên “Kim Trang” nhất: nữ KTS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh. Martina Hingis hay Chiem nhà Williams… có mà nằm mơ đến kiếp sau cũng không có được 5 thằng nhóc luôn ủng hộ má mì qua 7 mùa giải liên tục như vậy.
- Vận động viên “phiêu bồng” nhất: Đặng Í Ghen ba năm lấy cúp, hai năm nghỉ. Điều lệ giải quy định vậy. Bằng không giải sẽ mang tên “cúp Í Ghen” mất
- Vận động viên “fair play” nhất hàng năm đều thuộc về các U.60 : từ Lê Quang Ninh, Lý Thái Sơn của Tp.HCM cho đến Văn Lộc của Khánh Hòa, Phạm Quang Thành của Tiền Giang. Đáng mừng là đến giải 2001, lần đầu tiên có cặp vận động viên trẻ nhận được phần thưởng này nhờ việc chấp nhận thi đấu vòng tứ kết với một cặp vận động viên khác khi cặp sau này đến trể hơn 2 tiếng đồng hồ (Điều lệ chỉ cho 15 phút). Một chuyện rất “vô tư” hầu như ở tất cả 6 mùa giải trước kia.
Tài trợ cho Archislam là tài trợ “khôn ngoan” nhất mà một nhà đầu tư có thể làm được. Bắt chước NIPPON PAINT, có thể nói “ARCHISLAM CHƠI ĐÂU CŨNG ĐẸP “. Phải không các bạn? Nào, các KTS. trẻ còn đợi gì nữa ?
(Bài đã đăng trên tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số tháng mấy năm 2003 gì đó…)
Sơn ốm
Bình luận từ người dùng