Đối diện với nhà ga trung tâm Amsterdam, nằm ở phía bắc của con sông IJ, EYE đại diện cho một tượng đài thị giác của vùng đô thị mới phía bắc Amsterdam, Hà Lan.
Ý tưởng kiến trúc
Bảo tàng EYE.
Vùng Shell Terrain tạiOverhoek từng là trung tâm nghiên cứu của công ty dầu Shell, nằm dọc một tuyến giao thông đường thuỷ bận rộn của Amsterdam. Cho đến đầu thế kỷ 21, nơi này vẫn là khu đất hoang bị cô lập, công chúng không được tiếp cận. Nhưng khi dự án bảo tàng điện ảnh hình thành, Overhoek phát triển thành quận đô thị mới, vùng mở rộng quan trọng phía bắc Amsterdam. Các toà nhà chung cư, văn phòng và cơ sở hạ tầng chức năng đóng vai trò như chiếc cầu nối cuộc sống của khu vực với bờ nam của con sông.
Tháp Overhoek của Shell, kiến trúc duy nhất nhắc nhớ về lịch sử của vùng này, được đưa vào ý tưởng thiết kế một địa điểm thu hút mọi người từ trung tâm Amsterdam sang dạo chơi, tản bộ. Với tiêu chí cung cấp sự khả dụng của công trình vào khái niệm kiến trúc chung, viện Nghiên cứu – bảo tàng điện ảnh EYE ra đời, bổ sung những hoạt động văn hoá và không gian giao tiếp mới tại vùng Overhoek.
Quan niệm kiến trúc hoà hợp với rạp chiếu phim vì có cùng chung ba yếu tố cơ bản, sự kết hợp của ánh sáng, không gian và những chuyển động, và với mục đích “thiết kế tập trung vào cấu trúc tạo cảm giác, khiến người nhìn cảm thấy bị ngừng lại giữa thế giới thực và thế giới điện ảnh”, công ty kiến trúc của Áo, Delugan Meissl Associated Architects, (tên tuổi gắn với bảo tàng Porsche tại Stuttgart, Đức) đã giành quyền thiết kế EYE.
Trên website về kiến trúc bảo tàng tại Hà Lan giải thích khái niệm và việc ứng dụng đô thị của EYE đều dựa trên vỏ bọc của hai quy định sáng tác có điểm chính là thực tiễn và viễn tưởng, ảo giác và kinh nghiệm thực tế. Bằng cách đưa ra sự tương tác năng động, vai trò của toà nhà thay đổi, vừa là trung tâm của cảnh quan đô thị và vừa là một yếu tố kịch nghệ đặt phía trước một thiết lập cảnh quan không đồng nhất. Kiến trúc này khác hẳn với hệ thống kiến trúc của những toà nhà gạch, đá lạnh lẽo tại thủ đô văn hoá của Hà Lan, mang lại một cảm giác lạ cho thị giác khi ngắm nhìn từ xa đến khi lại gần.
Cửa vào bảo tàng dành cho người đi bộ và đi xe lăn.
Phòng vé và phòng thông tin. Không gian gặp gỡ mở ở mọi nơi trong toà nhà.
Kiến trúc toà nhà
EYE được xây dựng từ năm 2005 – 2011 với tổng diện tích 6.300m2, có vị trí dễ tiếp cận nhờ hệ thống phà miễn phí, chạy 24 giờ nối hai bờ sông IJ. Nhìn từ xa, quần thể EYE – tháp Overhoek gợi nhớ đến kiến trúc bằng thép và bêtông thời kỳ Xô Viết những năm 1970. Nằm song song với bờ sông, EYE và toà tháp Overhoek tạo thành bộ đôi nổi bật trong một không gian thoáng đãng kế bên mặt nước mênh mông. Chiều kích và hình dạng của toà nhà thay đổi liên tục khi đến gần và khiến người nhìn có cảm giác toà nhà đang chuyển động. Hệ thống kính trong phủ ngoài toà nhà tạo ra phản chiếu ánh sáng thay đổi liên tiếp vào các thời điểm trong ngày làm tăng thêm độ hấp dẫn của toà nhà và không gian bờ bắc của dòng IJ.
Tiến gần tới toà nhà và bước lên bậc thềm phía ngoài, cảnh quan thành phố, mặt nước và ngoại cảnh toà nhà thay đổi. Cảnh quan bên trong cũng hiện rõ. Đó là nơi mà các kiến trúc sư muốn người viếng thăm trải nghiệm điều đặc biệt về không gian và giác quan.
Cửa vào bằng kính được xác định bởi sự liên quan thị giác giữa không gian bên ngoài và bên trong, nơi không gian được phân chia ấn tượng. Cái cảm giác chật hẹp của khu vực cửa ra vào dần dần được thay thế bằng không gian rộng mở khi đến gần quầy vé và quầy thông tin.
Toà nhà như một hình khối bảy cạnh, với bốn tầng kể cả tầng hầm, được thu nhỏ vào một góc khi lên tầng 4 với các khu vực chức năng được chia cho từng tầng. Đường dẫn đến các khu chức năng đóng hai vai trò, vừa như không gian riêng khép kín, vừa như khu vực bị phân chia. Yếu tố tạo nên không gian này chính là ánh sáng, vật liệu và cách phát triển không gian. Hệ thống tường kính trong lắp đặt từ sàn lên đến mái ở mặt giáp sông cũng như phía trong và hệ thống cột chéo tại sảnh chính tạo ra không gian rộng hơn cho tầm mắt. Bancông mở ở tầng 1 và 2 giúp mở rộng thêm không gian mang tính giao tiếp này.
Khu vực triển lãm được kết nối với một nhà hàng bằng hệ thống cầu thang bậc giống hàng ghế sân vận động cùng với phần phân chia cũng tạo ra các khu vực có thể thay đổi chức năng. Tầm nhìn hướng ra mặt sông thay đổi liên tục khi đứng ở các vị trí khác nhau trong sảnh chính khiến cho cảm giác về không gian luôn mới. EYE còn có phòng dành cho hội thảo, thư viện, quán càphê, quán bán đồ lưu niệm, văn phòng chính. Thêm vào đó, tại đây có rất nhiều không gian mở, giải quyết vấn đề đông đúc cho một địa điểm chiếu phim. Nhà hàng là điểm ấn tượng trong kiến trúc của toàn quần thể, một nơi thú vị để gặp gỡ, giao tiếp sau một ngày bận rộn mệt mỏi ở trung tâm Amsterdam.
Nhà hàng nhìn ra bờ sông IJ và trung tâm Amsterdam.
Hành lang, khu triển lãm, khu trưng bày và nhà hàng.
Góc quán cà phê trong tòa nhà.
Cửa hàng bán đồ lưu niệm trong bảo tàng.
Bảo tàng kiêm học viện Điện ảnh
EYE là dự án số hoá và bảo quản các bộ phim được kết hợp với IBM và Thought Equity Motion (một đơn vị cung cấp nền tảng video và các dịch vụ phát triển về bản quyền). Dự án bao gồm cả chức năng quét và lưu trữ hơn 150 triệu file DPX trên băng LTO Gen 5 trong định dạng hệ thống tư liệu băng từ tuyến tính (Linear).
EYE được đặc biệt dùng bảo quản di sản phim ảnh của Hà Lan và quốc tế được trình chiếu tại Hà Lan cho thế hệ tương lai.
Bộ sưu tập tại bảo tàng bao gồm 46.000 đầu phim, 35.000 poster và 450.000 hình ảnh. Nơi đây lưu trữ tư liệu từ ngày nền công nghiệp điện ảnh Hà Lan bắt đầu, năm 1895, sau khi bảo tàng điện ảnh Filmmuseum thành lập vào năm 1952 được sáp nhập về đây.
Có nhiều lựa chọn hấp dẫn cho mọi khách khi đến EYE. Hoạt động triển lãm thường xuyên về lịch sử của phim ảnh ở tầng hầm của toà nhà với năm hộp giống như xe hơi với màn hình, trung tâm điều khiển và tai nghe tạo không gian riêng tư cho sự khám phá của khách. Nơi này còn có thư viện phim, nơi chứa những nội dung giá trị của phim ảnh thuộc viện, được giữ gìn cẩn thận.
EYE có bốn phòng chiếu phim hiện đại chiếu liên tục các bộ phim kinh điển. Một phòng chiếu sức chứa 80 người theo phong cách phòng chiếu tại Paris những năm 1900, hai phòng chiếu 120 ghế và một phòng lớn nhất dành cho các buổi ra mắt phim với 300 ghế. Ngoài ra còn có nhiều thiết bị về truyền thông đa phương tiện lắp đặt nhiều vị trí khác nhau tạo những hoạt động giải trí phong phú cho khách. Nơi này được dùng những công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực trình chiếu, tương tác với khách viếng thăm.
Màn hình tương tác tạo ảo giác khi được người dùng tương tác.
Một góc hành lang dẫn ra phòng chức năng.
Hệ thống bậc thang dẫn lên các khu chức năng ở sảnh chính.
Bài, ảnh: Kim Dung
Bình luận từ người dùng