Chuyện dài của một bức tường

22/12/2023 Lê Công Thành
233
0

(Câu chuyện lịch sử được kể lại bởi KTS. Lê Công Thành - Berlin)

Phần lớn số du khách quốc tế hoặc từ các nơi khác trong nước đến đây, ngoài việc thăm viếng những di tích, thắng cảnh, họ đều muốn một lần mục kích tận mắt về nó. BỨC TƯỜNG BÁ-LINH.

Thoạt nhìn, du khách có cảm nghĩ là nó không khác mấy các bức tường người ta dựng lên để phân biệt giữa các khu vực. Bên ngoài, diện mạo rất hiền từ, nhưng nó chứa cả một công trình nghệ thuật trên đó. Vì suốt cả chiều dài của bức tường, không có một khoảng trống nhỏ nào mà không có chữ viết, cũng như tranh vẽ từ đơn sơ đến công phu phức tạp, với đầy đủ màu sắc. Mang những ý nghĩ, những cảm tưởng, những mong ước mà người dân Tây Bá-Linh cũng như du khách các nơi thể hiện trên đó. Nhưng ít người biết, phía bên sau bức tường này là cả một bí thảm như chuyện dài “thâm cung bí sử”.

Bức tường nhìn từ phía Tây Đức, nơi vị trí cổng Brandenburger

Được biết, sau khi chấm dứt đệ nhị thế chiến với sự sụp đổ của Đức quốc xã, thành phố Bá-Linh thuộc về tứ cường Anh, Pháp, Mỹ, Nga (Đông Bá-Linh thuộc Nga, Tây Bá-Linh thuộc Anh Pháp Mỹ).

Do vị trí của Bá-Linh nằm giữa lãnh thổ của Cộng Hòa Dân Chủ Đức (Communist East Germany - CEG, hay Cộng sản Đông Đức), nên Đông Bá-Linh (thuộc Nga) trở thành thủ đô của Đông Đức. Và Tây Bá-Linh (thuộc Anh Pháp Mỹ) trở thành một thành phố lớn của Cộng Hòa Liên Bang Đức (hay Tây Đức), và như thế thành phố này nằm lọt trong lãnh thổ của Đông Đức. Để qua lại, người ta sử dụng bốn xa lộ transit để đi xuyên qua lãnh thổ Đông Đức. Một đi về phía Bắc, một đi về phía Tây, một đi về phía Tây Nam, một đi về phía Nam. Hoặc sử dụng đường hàng không. Ngoài ra, còn một thiết lộ và một thủy lộ dùng để vận chuyển.

Ở Miền Nam tự do vào các năm sau 1961 trở đi, người Việt Nam được nghe nói đến với cái tên "Bức tường Ô nhục Bá Linh". Nơi đây, người Đức và người Tây phương tự do người ta cũng gọi như thế. Vì họ coi đó là một điều sỉ nhục đối với lý tưởng tự do. Và các chính phủ liên tục tranh luận trên bình diện quốc tế về việc tháo bỏ bức tường này.

Nhưng trái lại, đối với chính quyền CEG họ thiết lập bức tường này là để bảo vệ xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn sự đe đọa của bọn tư bản và việc "mua bán người". Mới đây họ còn tuyên bố là bức tưởng còn đó cho đến 50, 100 năm hay lâu hơn nữa. Và bức tường đó CEG dựng lên đã bao trọn phần đất của Tây Bá-Linh.

Sự thật thì sau khi Đông Đức và Đông Bá-Linh lọt vào tay CEG (1948) đến ngày xây bức tường (1961), đã có trên 3,5 trệu người dân rời bỏ CEG chạy sang vùng tự do. Tính ra mỗi năm có trên cả trăm ngàn người, mà ở đây người ta cũng gọi đó là sự bỏ phiếu bằng chân. Gồm tất cả các thành phần dân chúng, chuyên viên, khoa học gia, kỹ thuật gia, bác sĩ, kỹ sư, nghệ thuật gia… Đó là vấn đề mà CEG gọi là “mua bán người”.

Đúng 04 giờ sáng ngày 13/08/1961, CEG đã sử dụng hàng chục sư đoàn gồm xe cơ giới và chiến xa, rải quân dọc tất cả đường ranh và đóng chặt các cổng chánh dẫn vào Tây Bá-Linh. Kéo kẽm gai, đào lỗ trồng trụ sắt và bắt đầu xây các đoạn tường bằng gạch khối.

Người lính đầu tiên của CEG đã vứt súng bỏ chạy sang Tây Đức, vào năm 1961. Bức ảnh Người lính "đào tẩu" khỏi Đông Đức là bức ảnh nổi tiếng và người ta thường dùng nó như bức ảnh đại diện khi nói về bức tường Berlin.

Trong ngay những giờ phút đầu tiên có hàng ngàn người liều chết thoát hàng rào để chạy sang Tây Bá-Linh trong mọi cách như vượt qua các vòng rào kẽm gai, chun theo các đường xe điện ngầm, bơi qua các con sông hoặc nhảy từ trên các cửa sổ cao xuống để nhân viên cứu hỏa Tây Bá-Linh hứng bên dưới.

Phản ứng quốc tế năm 1961:

Một cuộc chạm trán trực tiếp có vẻ nguy hiểm giữa quân đội Mỹ và Xô Viết xảy ra vào ngày 27 tháng 10 năm 1961 tại Checkpoint Charlie trên đường Friedrich (Friedrichstraße) khi 10 chiếc tăng mỗi bên đã đỗ đối diện nhau ngay trước vạch ranh giới. Thế nhưng vào ngày hôm sau cả hai nhóm tăng đều được rút về. Cả hai phe đều không muốn vì Berlin mà cuộc Chiến tranh Lạnh sẽ leo thang hay cuối cùng là đi đến một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Và rồi từ đó, bức tường Bá-Linh càng ngày càng hoàn chỉnh và tinh vi hơn. Cùng nhịp với sự tử vong của những người dân Đông Bá-Linh đã nằm xuống vĩnh viễn vì muốn vượt qua nó. Hiện nay đó là một bức tường bê tông cốt thép (BTCT) từng tấm ghép lại, mỗi tấm ngang 1.2m - cao 4.0m - dày 30cm, có thiết diện hình chữ I. Đầu tường hình ống ghép éternit 50 cm. Được kể là bức tường bằng BTCT dài nhất thế giới với 165km dài, cao 4m, phí tổn 20 triệu Đức mã (67 triệu quan Pháp).

Cấu tạo nhiều lớp của bức tường lịch sử

Tuần tự các vòng đài bức tường tùy theo vị trí như sau:

  • Vòng đài với vô số kể các trụ sắt hình chữ X trồng dày đặc để ngăn xe cơ giới.
  • Vòng đài cản chân người với chướng ngại vật.
  • Vòng đài bằng rào rất cao gọi là ranh chết, có hệ thống bắn tự động SM70.
  • Vòng đài chướng ngại vật cản người.
  • Vòng đài gài các mìn chiếu sáng GSG 55 (loại cũ) và GSG 80 (loại mới) và hệ thống báo động bằng còi hụ, có đèn chớp.
  • Vòng đài có kiểm soát bằng chó săn.
  • Đường di chuyển và tuần tiểu bằng cơ giới.
  • Vòng đài các pháo đài phòng thủ.
  • Hàng rào thắp sáng bằng trụ đèn.
  • Tháp quan sát.

Vị trí và cấu tạo các lớp của bức tường Berlin

Hoàn tất phần trên cùng của Bức tường Berlin tại đường Bernau (1980)

Các hệ thống được tổng kết gồm 252 đài quan sát. Từ các đài này, người lính Đông Đức sử dụng ống dòm và máy chụp ảnh để theo dõi và ghi nhận chung quanh, kể cả khu vực Tây Bá-Linh. Trên nóc các đài quan sát đều có trang bị đèn rọi cực mạnh. Tại các cổng chính dẫn ra các hướng xa lộ để rời khỏi hoặc vào Tây Bá-Linh, hoặc tại các cổng để liên lạc ngoại giao, được tăng cường nhiều trạm và vòng rào kiểm soát có trang bị máy thu hình (camera) để theo dõi từ xa. Ngoài ra, còn có các hệ thống cổng đóng cực nhanh bằng sắt hoặc bằng BTCT di chuyển trên đường sắt. Chỉ cần bấm nút thì hệ thống này đóng lại tức khắc và các xe nào không tuân hành lệnh ngừng, sẽ bị ép dẹp lại trong chớp mắt. Lẽ dĩ nhiên là tại các cửa giao thông hoặc các nơi đi lại cận bức tường, du khách sẽ nhìn thấy những bảng to bằng 3 thứ tiếng Anh Pháp Đức nhắc nhở là: “Hiện quý vị đã rời vùng đất Tây Bá-Linh”. Kế tiếp là 136 pháo đài bằng BTCT, vô số kể các trụ sắt to chữ X, chằng chịt những hệ thống bắn người tự động gọi là SM70 (hệ thống này được CEG tháo gỡ vào năm 1984), 262 hệ thống canh phòng bằng chó săn. Các con chó này bị xích vào các đường dây cáp căng cố định và cứ phải chạy tới chạy lui bằng một ròng rọc theo khoảng ấn định của nó. Mỗi ngày, trưa cứ khoảng trước 12 giờ, khi xe chở đồ ăn tới, từ tường phía Tây Bá-Linh, người ta có thể nghe chó tại khu vực gần đó tru lên như những đàn sói rất khủng khiếp.

Chi tiết hệ thống bắn tự động SM70

Tại các đường ranh chạy dọc hoặc xuyên ngang sông (chiều dài cộng 25km), ngoài lớp tường bằng BTCT và các phao đánh dấu lằn ranh thả nổi trên sông, CEG còn sử dụng những vỉ sắt có chông nhọn 2 mặt đặt ngầm dưới mặt nước và không sâu lắm để có hiệu năng sát hại cả 2 mặt. Có những nơi vỉ chông được đặt thành 2-3 bậc cấp. Một người dù có bơi giỏi, nếu từ trên phóng xuống hay từ dưới trồi lên, sẽ bị bỏ mạng hoặc bị thương nặng.

Dưới lòng đất, tại những khoảng đường hầm mà xe điện ngầm phải chạy xuyên bên dưới của bức tường, hoặc trong lãnh thổ Đông Bá-Linh, lính CEG canh phòng rất cẩn mật. Ngồi trong xe, du khách có thể nhìn thấy dọc đường hầm thấp thoáng những tên lính biên phòng tay cầm súng tiểu liên đi đi lại lại trong bóng tối. Xe chỉ được ngừng lại những trạm ấn định, nơi đây du khách có thể mua thuốc lá và rượu của Đông Đức với giá rẻ.

Để phục vụ cho hệ thống tường này, chính quyền CEG đã sử dụng một quân số gồm 14.000 lính biên phòng để canh giữ ngày đêm. Mặt khác, bên phần đất Tây Bá-Linh rất hiếm thấy dấu vết phòng thủ, ngoài các trạm kiểm soát tại những cửa ra vào. Tại những nơi dễ quan sát, người ta cho dựng các sàn cao có bậc thang để dân chúng và du khách từ trên đó có thể nhìn sang bên kia bức tường. Lẽ dĩ nhiên là du khách chỉ nhìn thấy xe tuần tiễu, lính canh phòng với súng ống.

Và trên tháp canh, lính Đông Đức luôn luôn với ống dòm, máy chụp ảnh lúc nào cũng chĩa về phía du khách. Những tòa nhà của Đông Bá-Linh nằm cạnh bức tường, dân chúng đều bị dời ra xa và các cửa sổ đều bị khóa chặt lại tất cả. Tuy nhiên cũng có nơi như tại cổng Brandenburger, từ bên này người ta có thể nhìn thấy du khách của Đông Bá-Linh cũng ở phía bên kia nhìn sang, cũng có xe bus du lịch chạy tới chạy lui. Nhưng họ chỉ đứng dưới mặt đường và cách tường khoảng 400m, từ khoảng cách họ và bức tường. CEG vừa mới đây cho dựng một hàng rào thấp có chạy điện. Không như bên phần đất của Tây Bá-Linh, du khách và dân chúng được tự do đến sát bức tường để nhìn ngắm, chụp ảnh, vẽ vời trên đó. Du khách có thể di chuyển dọc phía bên này bức tường suốt phần lớn chiều dài của nó. Trên nhiều khoảng tường, du khách thoạt nhìn được những hình vẽ hoặc những hàng chữ to với ý nghĩa châm biếm, mỉa mai rất bất lợi cho CEG. Tại những đoạn tường như thế, CEG cho lính biên phòng leo sang quét vôi xóa đi. Có những nơi du khách sẽ đi ngang dưới mái hiên các ngôi nhà mà bao lơn nhô ra đến gần bức tường. Và lẽ dĩ nhiên phía bên kia tường không có nhà đối diện, mà là một khoảng trống chạy dài gọi là vòng đai trắng. Cứ đi dọc mãi, du khách sẽ gặp các vườn chơi trẻ con, nơi làm than đốt, khu đồ phế thải, sân chơi phi cơ vô tuyến điều khiển, bãi tập bắn, các khu vườn nghỉ mát cuối tuần, các nơi tập dượt của quân đội Đồng minh, trụ sở các hội nuôi gia súc… Nhưng rồi du khách sẽ cảm thấy bùi ngùi khi bắt gặp dọc bức tường các nghĩa địa và ngôi mộ rải rác. Đó là những người bị CEG sát hại khi tìm cách vượt qua tường để tìm tự do. Thỉnh thoảng trên mộ được đặt những bó hoa tươi của vài du khách hay người vô danh nào đó, cho thấy rằng tâm tư của họ còn ngưỡng mộ người nằm dưới kia, mà vì lý tưởng tự do, phải đổi bằng mạng sống của chính mình.

Phần mộ của những người dân "xấu số" khi muốn vượt qua bức tường

Tính từ ngày CEG cho dựng bức tường đến nay, có 74 người dân Đông Bá-Linh đã gục ngã vì muốn vượt qua nó (cho đến 1989 là 86-200 người). Cho hay cái giá của sự tự do bao giờ cũng quá đắt, đôi khi chỉ cách khoảng mấy tầm tay. Tuy nhiên, bên cạnh những sự thất bại, cũng có được nhiều sự thành công, mà người vượt thoát đã phải vắt tim nặn óc để nghĩ ra những sáng kiến và những phương cách vô cùng táo bạo chưa ai ngờ đến hầu trốn thoát khỏi CEG. Có người bí mật thực hiện được một khinh khí cầu và đưa được toàn bộ gia đình sang phần đất tự do. Có trường hợp khác, sử dụng khinh khí cầu chỉ 1 hoặc 2 người. Có người ngầm liên lạc với bạn bè bên Tây Bá-Linh, xong trốn vào một ngôi nhà trống đối diện gần đó và ông ta dùng cung để bắn sang 1 mũi tên có mang theo sợi dây nylon (loại nhợ câu). Từ sợi dây nylon này, người bạn kéo sang 1 sợi dây thừng loại nhỏ. Sau khi 2 đầu dây được cột chắc chắn, ông ta dùng một loại ròng rọc tự chế để tuột từ Đông sang Tây Bá-Linh. Có người dùng máy cắt cỏ, tự chế ra máy để trốn. Có người dùng máy lội hoặc chế ra máy lội, để vượt qua bằng các ngã sông. Có người đào được đường hầm ngầm dưới đất để đưa thân nhân và bạn bè chạy sang. Trong trường hợp có những người được giấy phép CEG, được di chuyển qua lại biên giới Tây - Đông Bá-Linh, lợi dụng cơ hội này, họ tổ chức cho thân nhân bạn bè trốn sang đất tự do qua ngã kiểm soát chính, bằng cách dùng xe hơi loại nhỏ và biến cải một góc nào đó trong xe thành chỗ ẩn núp, mà nơi đó người ẩn núp phải thu mình trong một thể tích cực nhỏ để tránh cặp mắt cú vọ của lính biên phòng. Có người sử dụng radio thùng rỗng ruột, để giấu thân nhân vào. Có trường hợp người tổ chức đã sử dụng một thùng sắt rỗng ngụy trang máy hàn điện, và di chuyển nhiều đợt, thoát được đến 29 người. Có người dùng 2 chiếc valises dẹp ghép lại và giấu thân nhân nằm co trong đấy. Có người dùng xách kéo tay (loại đi chợ) giấu được một đứa trẻ nằm trong đó. Có người sử dụng dây cáp của trụ điện cao thế và tuột qua bằng một ròng rọc cách điện từ Đông sang Tây Bá-Linh. Có người dùng xe vận tải chở vợ con, và thừa lúc lính biên phòng vô ý, đã ủi ngã rào cản và chạy được sang phần đất tự do.

Ngoài những may mắn trên, mấy ai được biết có bao nhiêu trường hợp mà người chủ trương bị bắt khi còn chuẩn bị, hoặc tử vong trong lúc thực hiện ý định. Như vừa mới đay, có người bị lính biên phòng bắn chết trước khi vượt vòng rào để đến gần bức tường. Có người định vượt sông, nhưng ca-nô của lính biên phòng rượt đến cán nhàu lên và bắt lại. Có trường hợp 1 người trốn thoát bằng khinh khí cầu nhưng bị tử nạn tại phần đất của Tây Bá-Linh. Ông ta dùng các tấm nylon loại trong và băng keo để dán lại thành một khinh khí cầu cao 11m, ngang 9m. Với hệ thống dây đai bao ngoài rất đơn sơ và bên dưới là một thanh gỗ tròn cột ngang để bám 2 tay vào đó. Có lẽ vì chuẩn bị trong cảnh quá khắc nghiệt, nên không có tính toán kỹ. Khi bơm hơi vào thì quả cầu bốc lên quá nhanh và quá cao (sau này được biết là lúc mờ sáng hôm ấy, ông lén đến một vòi gas ngầm trên khoảng đường vắng để bơm), nhưng lại quên dự trù hệ thống xả hơi. Chỉ mấy phút sau, khinh khí cầu đã lọt vào không phận Tây Bá-Linh. Và cao độ lúc đó theo có người thấy được là vào khoảng 3.000 thước. Mặc dù là mùa xuân nhưng thời tiết ở độ cao này, lúc ấy khoảng chừng 6 độ. Và khinh khí cầu theo chiều gió sắp trở lại Đông Bá-Linh. Nơi ông bị rơi xuống chết nằm ở phía Nam của Tây Bá-Linh, và độ cao lúc đó còn khoảng 800 thước. Theo sự suy luận, có thể nạn nhân bị kiệt sức vì thời tiết quá lạnh, hoặc khủng hoảng vì khinh khí cầu sắp quay trở lại vùng đất CEG. Tại vùng gần phi trường Tegel nơi khinh khí cầu bay qua, người ta tìm thấy rải rác các bao cát nhỏ, các quyển sách và 1 chiếc áo lạnh bằng da. Có thể ông đã dùng những vật đó ném lên để mong làm vỡ lớp vỏ nylon của quả cầu. Theo giới hữu trách, nếu nạn nhân còn sức bám vào quả cầu một thời gian ngắn nữa thì chắc chắn sẽ được đáp xuống an toàn.

Nhưng dù sao giờ đây ông ta đã trở nên người thiên cổ. Và hồn lâng lâng phưởng phất ở một nơi nào đó, đang ôm trọn lấy sự tự do vĩnh cửu với một nụ cười mãn nguyện. Và ở nơi đánh dấu sự nằm xuống của ông ta, được người đời dựng lên 1 mộ bia để tưởng niệm.

KTS. LCT, Berlin

 

Những tổng kết về bức tường lịch sử sau khi được tháo dỡ năm 1989

Vào ngày 9 tháng 11 năm 1989, sau khi chế ngự được lực lượng an ninh biên giới, người dân Berlin từ cả Đông và Tây Đức đã nắm tay nhau và nhảy múa quanh lãnh thổ được giải phóng của họ. Nhiều người trèo qua tường, hành động này nếu như trước đây đã gặp phải tiếng súng của CEG phía Đông Đức.

Theo chính quyền Đông Đức vào thời điểm đó, bức tường được cho là nhằm bảo vệ và cách ly nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa non trẻ khỏi chủ nghĩa phát xít còn sót lại ở các quốc gia không cộng sản và Tây Đức. Tuy nhiên, đến năm 1961, 3,5 triệu người đã rời khỏi Đông Đức. Mỗi cuộc khởi hành thành công đều sứt mẻ toàn bộ thành trì của Liên Xô trên khắp Trung và Đông Âu. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 đã gây ra hiệu ứng domino về sự thay đổi, thúc đẩy các cuộc cách mạng ở Hungary, Bulgaria, Tiệp Khắc và Romania cùng năm đó.

Để kỷ niệm vụ lật đổ bức tường khét tiếng, dưới đây là một số bức ảnh từ ngày định mệnh đó cho thấy tầm quan trọng của sự kiện này trong lịch sử đất nước - và thế giới...

Fudozon tổng hợp

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1268
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy