Những ngày qua, báo chí Hungary đã đưa nhiều tin, bài về việc lần đầu tiên một doanh nhân Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực khách sạn cao cấp tại nước này, nhân sự kiện khánh thành Khách sạn Lâu đài Fried.
Tờ nhật báo lớn nhất Hungary Nhân dân tự do (Nepszabadsag) ngày 24.10 đăng bài viết của tác giả Seres Attila với tựa đề "Khách sạn Lâu đài với những chạm trổ rồng". Bài báo viết: "Cuối cùng thì đã có một chỗ nghỉ ngơi tuyệt vời ở thành phố Simontornya - khách du lịch nói chuyện với nhau như vậy trong lúc chụp ảnh trong thành cổ Reneszansz. Trong vòng bán kính 50 km ở vùng này, trước đây chưa có một khách sạn cao cấp nào và tất nhiên điều này ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển du lịch ở đây. Thành phố nhỏ bé nằm ở ranh giới hai tỉnh Tolna và Fejer này không chỉ có bề dày lịch sử từ thời Trung cổ mà còn có ánh sáng của tương lai. Ngoài thành cổ, còn biết bao điểm du lịch ở xung quanh, nhưng từ trước đến nay không hề có một nơi nghỉ đủ tiện nghi cho khách”.
Thị trưởng thành phố Simontornya, bà Csoszne Kasz Ed nói rất "mong muốn ngày càng được đón tiếp nhiều bạn Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt Nam", bởi sự kiện này "không chỉ đơn thuần là lễ khai trương một công trình với vốn đầu tư nửa tỉ forint mà còn đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử lâu đài và lịch sử thành phố. Lâu đài đã được Fried Imre, chủ nhân của nhà máy giày da lớn nhất nước Hung đầu thế kỷ trước xây nên. Trong Đại chiến thế giới lần thứ II, cả gia đình Do Thái này đã bị dồn đi trại tập trung Auschwit và đã ở lại đó vĩnh viễn. Sau chiến tranh, lâu đài đã bị đổ nát cùng với thời gian. Và hôm nay, sau 3 năm khôi phục nhờ công lao, sức lực, vốn đầu tư của chủ nhân mới, lâu đài đã lấy lại được vẻ đẹp tuyệt vời của mình. Đặc biệt quan trọng là việc đưa Khách sạn Lâu đài vào sử dụng đã tạo ra nhiều chỗ làm mới cho lớp trẻ có kiến thức, có trình độ ngoại ngữ trong thành phố".
Hầm rượu nhà hàng của Castle Hotel Fried
Phòng ngủ khách sạn trang trí theo phong cách Việt
Bài viết trên báo Tin tức nhân dân về Khách sạn Lâu đài của doanh nghiệp Việt Nam tại Hungari với tựa đề Lâu đài Fried sống lại vẻ đẹp lộng lẫy ngày xưa - Những nét chạm trổ của nghệ nhân Việt Nam có đoạn viết: "Khách bước vào khu tiền sảnh của khách sạn đều sửng sốt trước đồ gỗ tuyệt xảo. Hai chiếc ghế rồng to với những đường nét chạm trổ tinh tế, công phu do chủ nhân của khách sạn Phan Bích Thiện mang tới từ đất nước Việt Nam của mình cùng với bàn tiếp tân, bàn bar chạm trổ. Thật ấn tượng là cầu thang với những lan can chạm trổ rồng tuyệt mỹ...".
(Ảnh: Hồ bơi với hai đầu rồng phun nước được sản xuất tại VN)
Chủ điều hành khách sạn là đôi vợ chồng Hung -Việt Phan Bích Thiện - Thuroczy Laszlo, hiện đang quản lý doanh nghiệp Danubetrade chuyên kinh doanh về bất động sản. Chị Thiện cho biết, nội thất của khách sạn đều là những sản phẩm chạm trổ từ gỗ gụ, gỗ trắc do các nghệ nhân Việt Nam thực hiện. Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Bulgary, Phan Bích Thiện theo chồng về Hungary. Xa đất nước gần 20 năm nhưng chị vẫn dạy hai con mình nói tiếng Việt thành thạo. Hiện nay, bên cạnh công việc quản lý của một doanh nghiệp, chị vẫn là cây bút nữ quen thuộc trong cộng đồng người Việt tại Hungary, là hội viên Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hung, tham gia Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam và luôn tích cực tham gia đóng góp cùng các hoạt động của cộng đồng người Việt. Việc trùng tu được Khách sạn Lâu đài, như chị nói "là giấc mơ của tôi vì đã khôi phục và gìn giữ được một vẻ đẹp của văn hóa phần nào làm thay đổi được vị trí của người Việt Nam mình trong con mắt người dân Hung và đưa ra hướng kinh doanh hoàn toàn mới".
Hà Bùi
.
Khách sạn của người Việt được yêu thích nhất Hungary
Cuộc bầu chọn này do hệ thống "Szallodaszoba” (Phòng khách sạn) - hệ thống đặt khách sạn trên Internet rất lớn của Hungary tổ chức.
Đợt bình bầu diễn ra 2 tháng và kết thúc vào ngày 30-09-2011. Có tất cả 256 khách sạn của Hungary, gồm cả những khách sạn 4- 5 sao có tiếng nằm trong danh sách bình chọn. Khách sạn Lâu đài Fried đứng đầu với hơn 3600 phiếu bầu, trong khi đó khách sạn đứng vị trí thứ 2 là một khách sạn 4 sao với 2700 phiếu bầu. Lễ trao bằng chứng nhận chính thức sẽ diễn ra vào ngày 5-10-2011.
Lâu đài Fried đã được Fried Imre, chủ nhân của nhà máy giày da lớn nhất nước Hungary đầu thế kỷ trước xây nên, được vợ chồng doanh nhân Phan Bích Thiện khôi phục lại từ một đống đổ nát. Bề ngoài của toà lâu đài được trùng tu và tái tạo dựa trên cơ sở của những tấm ảnh cũ chụp về nó. Riêng nội thất bên trong, chị Thiện kỳ công trang trí và trưng bày theo phong cách phương Đông. Tất cả các vật dụng tại đây, từ bàn ghế, giường tủ đều là sản phẩm từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng nghề Đồng Kỵ. Các món ăn Việt của Khách sạn được người dân trong vùng cũng như cộng đồng người Việt và quốc tế ưa thích.
Bình luận từ người dùng