Quy hoạch đô thị TP.HCM - tầm nhìn 2025

02/10/2016 Kiến Admin VCCI
3690
0

Tp.HCM là vùng đô thị lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ để hướng đến trở thành một trong những siêu đô thị của châu Á. Theo đó, việc quy hoạch và xây dựng thành phố trong tương lai đang trở thành tâm điểm của chính quyền và người dân nơi đây.

Mở rộng khu trung tâm chính

Theo định hướng phát triển Tp.HCM đến năm 2025, thành phố sẽ là đô thị năng động, có tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững; là vùng kinh tế động lực hàng đầu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm công nghiệp công nghệ cao với trình độ chuyên môn hóa cao; đồng thời là trung tâm văn hoá, đào tạo, y tế chất lượng cao; là vùng có cảnh quan và môi trường tốt. Hiện nay, với dân số hơn 7 triệu người, Tp.HCM đang trong tình trạng quá tải. Đối phó với nguy cơ trên, trong định hướng phát triển đến năm 2025, thành phố xác định việc phát triển không gian đô thị sẽ theo hướng đa tâm, phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh để giảm áp lực dân số. Khu trung tâm chính (hạt nhân) vẫn là khu vực hiện nay và mở rộng sang khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo đó thành phố xác định sẽ gắn kết với vùng đô thị Tp.HCM (gồm Tp.HCM và 7 tỉnh là Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang); đồng thời mở rộng phát triển theo bốn hướng, xây dựng các khu đô thị vệ tinh. Mô hình phát triển vùng Tp.HCM theo hình thức tập trung - đa cực với vùng trung tâm bán kính 15km và 4 cực phát triển.

Vùng trung tâm bao gồm: đô thị hạt nhân Tp.HCM, các đô thị vệ tinh độc lập được xác định bán kính 30km từ trung tâm đô thị hạt nhân Tp.HCM (bao gồm Tp.Biên Hòa, Tp.Thủ Dầu Một), các đô thị vệ tinh phụ thuộc (đô thị mới Nhơn Trạch, đô thị mới Tam Phước (đô thị mới sân bay), và các đô thị mới: Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Long Thành, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè; Cần Giờ, Dĩ An – Thuận An và các đô thị vùng phụ cận (bao gồm các đô thị loại 3 -4 ở phía ngoài vành đai 3 như Dầu Giây, Vĩnh Cửu, Tân Uyên, Mỹ Phước, Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Giuộc).

 

Phát triển đa hướng

Cùng với đô thị hạt nhân, các khu đô thị vệ tinh được xác định theo bốn hướng. Cụ thể:

1. Hướng phát triển về Đông Bắc gắn với huyện Dĩ An (Bình Dương) và Tp.Biên Hòa (Đồng Nai), gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức. Đây được xem là hướng cửa ngõ của thành phố đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc, đồng thời cũng là hướng phát triển chính với khu đô thị mới Thủ Thiêm, một trung tâm mới gắn liền trung tâm hiện hữu là quận 1, 3. Chính vì vậy, khu đô thị mới này sẽ được ưu tiên đáng kể trong việc đầu tư hạ tầng, kỹ thuật với các dự án lớn đã và đang thực hiện: hầm, cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, đại lộ Đông - Tây... cùng với các tuyến giao thông hiện hữu như liên tỉnh 25B, xa lộ Hà Nội…, qua đó tạo bộ khung về hạ tầng, giúp khu vực này có thêm động lực để phát triển.

Một số dự án cầu đường nối Tp.HCM với Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng đang được tính đến. Hạt nhân của khu vực này có thể kể đến là Khu công nghệ cao qui mô 872ha, khu Đại học Quốc gia 800ha và một số khu chức năng khác để hình thành khu đô thị - khoa học – công nghệ tại quận 9 và Thủ Đức. Động lực đáng kể nhất giúp khu vực này phát triển là sân bay Long Thành. Sân bay này cách Tp.HCM khoảng 40km, dự kiến xây dựng tại khu đất có diện tích 5.000ha (gấp 6 lần diện tích sân bay Tân Sơn Nhất), được thiết kế với hệ thống kỹ thuật gồm bốn đường băng và bốn nhà ga, đáp ứng việc vận chuyển 70 triệu lượt hành khách/năm. Đây sẽ là sân bay lớn nhất khu vực trong tương lai.

Khu hầm chui Thủ Thiêm

2. Một hướng chính khác là phát triển về phía Nam, Đông Nam tiến ra biển gắn với khu Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ (Tp.HCM), Nhơn Trạch - Long Thành (Đồng Nai). Đây có thể nói là địa bàn có nhiều lợi thế là đất đai rộng nhưng hạ tầng đô thị còn thiếu. Không phải bây giờ mà hướng này đã được thành phố tính từ rất sớm, điển hình như khu đô thị Phú Mỹ Hưng (khoảng 433ha) đến nay đã cơ bản xong phần hạ tầng chính và đã xây dựng xong nhiều khu nhà ở. Riêng Cần Giờ đang có dự án khu đô thị du lịch sinh thái lấn biển với quy mô hơn 850ha. Còn ở Nhà Bè thì dự án khu đô thị - công nghiệp cảng Hiệp Phước (với 2.000ha) cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và sẽ trở thành khu vực gắn giữa phát triển du lịch với phát triển đô thị của thành phố. Dù không được xác định là hướng chính để phát triển nhưng với ưu điểm là hạ tầng tốt, gần trung tâm thành phố, thuận lợi cho cảng biển… nên vùng đất này “bật dậy” khá nhanh nhờ được nhiều nhà đầu tư chú ý và thu hút khá đông dân cư đến sinh sống. Việc phát triển khu vực này cũng đang kéo các vùng đất khác của Long An phát triển theo với những khu công nghiệp, dự án khu dân cư đang được hình thành. Đây là vùng đất nhiều tiềm năng trong tương lai.

3. Hướng phát triển thứ ba là Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc quốc lộ 22 - trục xuyên Á nối với tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Dù được xem là hướng phát triển phụ nhưng địa bàn này có vị trí rất thuận lợi và dễ dàng tiếp cận với Bình Dương, Tây Ninh, Long An cũng như các tỉnh khác của miền Đông và miền Tây. Đây cũng là một trong những cửa ngõ nên thời gian qua Thành phố đã đầu tư hạ tầng giao thông khá nhiều cho khu vực này như đường Trường Chinh, tuyến xuyên Á. Trong tương lai, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi với diện tích khoảng 6.000ha và một số khu đô thị tại quận 12, huyện Hóc Môn phát triển sẽ tạo động lực, kéo vùng này phát triển.

TP. HCM nhìn từ bán đảo Thủ Thiêm

4. Hướng còn lại là Tây Nam dọc quốc lộ 1 trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. So với các khu vực khác, tốc độ đô thị hóa tại đây diễn ra rất nhanh. Với đặc thù là cửa ngõ để TP tiếp cận với các tỉnh miền Tây nên có nhiều dự án cầu, đường đã và đang triển khai như quốc lộ 1A, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đại lộ Đông - Tây... Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển nhanh các khu công nghiệp tập trung tại khu vực này đã hút một lượng lớn dân nhập cư, khiến thiếu hụt chỗ ở và các dịch vụ đi kèm. Đây cũng là khu vực có nhiều nơi phát triển tự phát. Nhưng trong tương lai, hướng Tây - Nam này sẽ phát triển nhiều khu đô thị mới thuộc huyện Bình Chánh, quận Bình Tân gắn với các khu công nghiệp tập trung…

Theo dự báo, đến năm 2025 Tp.HCM có 10 triệu dân và sẽ là một siêu đô thị năng động tầm cỡ thế giới. Phát triển không gian đô thị có tính đến việc kết nối với các đô thị lân cận, sự phát triển của vùng... đã làm diện mạo đô thị đã thay đổi nhiều theo hướng ngày càng hiện đại. Quy hoạch mở rộng phát triển thành phố theo bốn hướng, xây dựng các khu đô thị vệ tinh như trên được xem là vừa hợp lý, vừa linh hoạt, chắc chắn sẽ giải quyết được tình trạng quá tải về dân số, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển Tp.HCM thành một siêu đô thị hiện đại ngang tầm khu vực cũng như thế giới.

Quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2025 thể hiện rõ sự kỳ vọng và quyết tâm rất lớn từ những người có trách nhiệm của Thành phố. Hiện tại trên địa bàn thành phố đang hình thành nhiều khu đô thị mới. Theo thời gian cùng với những bước đi khoa học và căn cơ, diện mạo của một thành phố kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại, phát huy các bản sắc tốt đẹp của dân tộc sẽ dần hoàn thiện, xứng đáng là điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư, là trung tâm kinh tế năng động nhất của cả nước. 

Hoàng Thanh

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1500
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy