Qua những sơ phác ban đầu của những KTS bậc thầy, ta thấy được hướng suy nghĩ khi đứng trước một đề tài, một định hướng, một nhiệm vụ thiết kế cụ thể, họ đã tưởng tượng các không gian mà các công trình kiến trúc sẽ đặt trong đó như thế nào, tạo ấn tượng gì?
Trong sáng tác kiến trúc, những nét sơ phác ban đầu rất quan trọng. KTS diễn tả những ý tưởng nảy ra trong đầu, đôi khi chỉ thoáng qua nhưng những nét phác họa đã diễn đạt được tư tưởng chủ đạo của KTS về một công trình kiến trúc hay 1 sơ đồ quy hoạch đô thị. Nếu ta biết được những KTS nổi tiếng, những tài năng bậc thầy trên thế giới đã tư duy thế nào khi sáng tác thì tốt biết bao.
1. Phác thảo những cô gái bên bãi biển
2. Hình vẽ tay tổ hợp Pampulha của Niemeyer
Eric Mendelsohn có thói quen sơ phác hình dáng công trình bằng một vài nét. Ví dụ như Nhà máy dệt Red Flag ở Leningrad (14/1/1925); Tháp Einstein (năm 1920) từ những nét sơ phác nguệch ngoạc đến công trình thật rất giống nhau. Với ngôi tháp Einstein, có lẽ Mendelsohn nghĩ rằng: Một đài thiên văn dùng để quan sát những ngôi sao trên bầu trời không khác mấy với một kính hiển vi, cho nên tháp Einstein có hình giống một kính hiển vi.
Một công trình rất nổi tiếng của Le Corbusier là nhà thờ Ronchamp ở Pháp cũng đã được thực hiện đúng theo phác họa rất nguệch ngoạc của ông, những sơ phác này tưởng chừng rất cẩu thả, hài hước nhưng đã diễn tả được những suy nghĩ chín chắn thậm chí rất “cách mạng” của Le Corbusier. Từng là một trong những người sáng lập chủ nghĩa công năng trong kiến trúc hiện đại thế giới với những tuyên bố suy tôn hình học sơ cấp (như: góc vuông là thể hiện trí thông minh, suy tôn đường thẳng và mặt phẳng…) vậy mà ở công trình này ông đã làm một cuộc “cách mạng” với một công trình thật kỳ lạ, thật méo mó, cong queo (năm 1954)
Casino
Câu lạc bộ du thuyền
Casa do baile (Nhà hàng có sàn nhảy)
Nhà thờ Thánh Francis
Năm 1952, khi xây dựng thành phố Chandigarh, thủ đô bang Punjab của Ấn Độ, ông làm một biểu tượng bàn tay mở ngụ ý – nhân dân Chandigarh sẵn sàng đón tiếp thân ái tất cả mọi người đến đây. Bàn tay đã được sơ phác đặt trên một khung bê tông cốt thép, bàn tay đã được tạo hình giống một con chim bồ câu hòa bình, có thể quay quanh một trục theo chiều gió.
Frank Lloyd Wright có cách vẽ phác họa cẩn thận hơn. Ông vẽ bằng thước, “chơi” màu cẩn thận với những phác họa của mình. Kiệt tác Biệt thự trên thác (Fallingwater) ở bang Pennsylvania Hoa Kỳ đã đưa Wright lên đỉnh cao nhất của KTS quốc tế. Bản sơ phác Nhà thờ Beth Sholom cũng cho ta thấy tư duy hình khối không gian của Wright là rất chuẩn, nên khi thực hiện công trình rất trung thành với bản phác họa. Viện Bảo tàng Guggenheim của ông tại New York có một hình thức độc đáo duy nhất đến thời điểm bấy giờ (1959) – Công trình như một con sên khổng lồ ở góc phố, mặt cắt sơ phác đã xác định rõ hình thức của công trình.
Những sơ phác về quy hoạch đô thị cũng không kém phần hấp dẫn. Những ý nghĩ về quy hoạch thủ đô Alger của nước Algérie đã được Le Corbusier thể hiện từ những sơ phác ban đầu đến phối cảnh không gian và phối cảnh tổng thể công trình. Những sơ phác về quy hoạch thành phố Rio de Janeiro, thủ đô cũ của Brasil có thành phố vườn ngang và thành phố vườn đứng, phối với những dãy chung cư dài cũng đồng thời là những dãy phố mà đường giao thông hoàn toàn ở trên mái nhà (một tư tưởng cách mạng kiếm có mà đến nay cũng không thể thực hiện được). Khác hẳn với những sơ phác này là ký họa một khu ổ chuột mà Le Corbusier đã đến tận nơi tham quan khảo sát.
Sơ phác ngôi nhà riêng của Oscar Niemeyer ở Canoa Rio de Janeiro – Brazil
Một quy hoạch đô thị nổi tiếng những thập kỷ cuối thế kỷ 20 là thủ đô Brasilia của Brasil, KTS Lucio Costa đã trúng giải với ý tưởng quy hoạch theo hình dạng con chim bay. Bản sơ phác này xuất phát từ một hình chữ thập, căn cứ vào hình dáng khu đất chọn, phát triển thành một hình chim bay. Dọc theo thân chim là khu vực công trình dịch vụ công cộng của thành phố với các trung tâm văn hóa, thương mại, sứ quán… Hai cánh chim là các khu dân cư với dân số là 500.000 người chia thành từng ô theo nguyên lý tiểu khu của Clarence Perry. Trung tâm đầu não của nhà nước là Quảng trường Tam quyền nằm trong hình tam giác ở “đuôi con chim”. Bản sơ phác này đã được thực hiện trung thành và thủ đô Brasilia từ những năm 1960 của thế kỷ trước đã trở thành một thành phố hiện đại được quy hoạch và thiết kế từ đầu và xây dựng trên một miếng đất trống.
Ngôi nhà riêng của Oscar niemeyer
Đầu thế kỷ 20, trong trào lưu Chủ nghĩa Vị lai (Futurist Architecture) từ 1909 đến 1914, KTS trẻ tuổi Sant’ Elia ở Italia đã công bố phương án “Thành phố mới” (Città Nuova) của mình trong một cuộc triển lãm. Những bản vẽ của ông thể hiện những công trình đồ sộ vươn cao, những đường giao thông trên cao và dưới hầm ngầm, những nhà máy điện, trạm thủy điện, chung cư cao tầng có thang máy chạy bên ngoài… Loạt phác họa thành phố mới của Sant’ Elia rất đẹp và rất hấp dẫn, đến nay nhiều ý tưởng của ông đã trở thành hiện thực. Đáng tiếc Sant’ Elia đã hy sinh tại chiến trường năm 1916 lúc 29 tuổi. Những sơ phác của ông đã tiên đoán khá chính xác sự phát triển của các đô thị hiện đại.
Trong những bài tiếp theo, chúng tôi xin đưa ra những sơ phác của một số KTS đương đại khác như Oscar Niemeyer, Renzo Piano, Norman Foster, Frande Gehry, Tadao Ando… Hy vọng rằng, qua đó chúng ta sẽ có những bài học bổ ích.
PGS. KTS Tôn Đại
Bình luận từ người dùng