(GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính)
1. Đất Nam Bộ lành và mở. Người tứ xứ kéo về. Luật và lệ ít trói buộc. Lực quán tính ít níu kéo. Xông pha thoả sức giữa mênh mang sông nước, giữa ngút ngàn cỏ cây và muông thú. Làng chưa định hình, nhà chưa kiên cố, tình bà con lối xóm đã kết. Tiếng nói và cách nói, cách ở và cách ăn, ngôi đình và nếp chùa, căn nhà gỗ... tất tật nhiều ít khác cố hương, Nam Bộ hoá. Giả dụ Cao Văn Lầu không nấc lên khúc vọng cổ, thì tài tử nào đó rồi cũng ca nó lên. Làm lụng tốn ít sức mà thụ hưởng lại nhiều, giữa những bữa nhậu hồn nhiên bất cùng tận, mà lòng vẫn mưng mưng, vẫn bời bời nỗi u buồn, bám riết dân quê. Đất mới, vui nhiều, buồn lắm. Đất trời Nam, nạp khí, mở lòng, giục giã ta khai đất và khai đời. Người ngụ từ lâu, người mới vô, ai ai mà không nhuốm, không quện cái tinh thần ấy. Kiến trúc sư, chắc hẳn cũng vậy, hơn vậy.
Dấu ấn Sài Gòn xưa
2. Do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, đô thị và kiến trúc Nam Bộ đã có những khác biệt, so với các vùng miền khác, đặc biệt so với miền Bắc. Sài Gòn nổi trội với quy mô các con đường và không gian đô thị thời thuộc Pháp, với khu phố Hoa là hiện thân của chinatown. Các đô thị to nhỏ miền Đông và miền Tây Nam Bộ mang hình thái đô thị sông nước, đô thị mở. Kinh tế thị trường kéo theo thị trường xây dựng cùng thị trường hành nghề kiến trúc. Sắc luật ban bố năm 1965 quy định: “Nghề kiến trúc sư tư vụ là một nghề tự do, bất khả kiêm nhiệm với nghề thầu khoán, các kiến trúc sư đoàn viên Kiến trúc sư đoàn không được giữ các chức vụ công chức hay công lại ... Kiến trúc sư đoàn quốc gia được thành lập theo luật này là một Đoàn chuyên nghiệp, có tư cách pháp nhân, gồm tất cả kiến trúc sư Việt Nam hay ngoại kiều được phép hành nghề tư vụ ở Việt Nam”. Chưa rõ uy lực của văn kiện này, song các kiến trúc sư và các người hành nghề kiến trúc không thể không tuân thủ các quy luật hành nghề trong nền kinh tế thị trường. Chính điều này đã tạo ra nền tảng cho tổ chức và thực thi hành nghề, cho sự chuyên nghiệp hoá. Trong hoàn cảnh chiến tranh và bất ổn định kéo dài, ở các đô thị lớn đã tạo dựng nên những quỹ đô thị mới, xuất hiện khá nhiều công trình, tiệm cận kiến trúc khu vực. Bên cạnh đó là sự ứng dụng kỹ thuật xây dựng, vật liệu hoàn thiện mới và, đặc biệt, sự chuyên môn hoá cao nghề thầu khoán và nghề thi công nhà cửa, thoát ly sự vụng về của những tay thợ nửa mùa. Trong môi trường hành nghề như vậy, xuất hiện những kiến trúc sư tên tuổi như Nguyễn Quang Nhạc, Phạm Văn Thông, Huỳnh Kim Mãng, Ngô Viết Thụ, Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Ngọc Nhâm, Trần Văn Lắm v.v ... Họ đã tạo ra những tác phẩm chín muồi, mang trên mình dấu ấn của những nỗ lực làm chủ ngôn ngữ kiến trúc đương thời, của những tìm tòi mà không một kiến trúc sư nào không trăn trở, - sự hiện diện của tâm thức dân tộc. Những tác phẩm như Thư viện tổng hợp của kiến trúc sư Nguyễn Văn Thiện và Dinh Độc lập của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sẽ phải được công nhận là di tích kiến trúc thế kỷ XX của Việt Nam. Thực tiễn kiến trúc và hành nghề kiến trúc ấy đã làm nảy sinh mầm mống cho sự hình thành cộng đồng kiến trúc sư, tương tự những cộng đồng hành nghề khác trong xã hội kinh tế thị trường. Thị trường hành nghề, những mối liên kết người chung một nghề và sự tự tập hợp trong một tổ chức của những người hành nghề, - 3 yếu tố đó tạo nên cộng đồng. Ở thành phố Hồ Chí Minh hôm nay trên thực tế đang có, đang củng cố một cộng đồng các kiến trúc sư như thế.
Một góc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
3. Ngay sau khi nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường, ở thành phố Hồ Chí Minh, một cách tự nhiên, nhẹ nhàng và mau lẹ, hình thành trở lại thị trường thiết kế kiến trúc. Sáng tạo trong tháo gỡ cơ chế, lần lượt ra đời các tổ chức hành nghề, thoạt đầu núp dưới bóng các cơ quan Nhà nước, sau đó là các tổ chức hành nghề tập thể độc lập và gần đây là các tổ chức hành nghề tư vụ thực thụ. Nay hình thành hàng trăm doanh nghiệp tư vấn – thiết kế kiến trúc, phản ảnh sự chuyển đổi của hình thái thị trường theo hướng khẳng định sự đồng nhất giữa cái tên của đơn vị hành nghề với cái Danh của kiến trúc sư dẫn dắt. Một khi cái Danh của kiến trúc sư – chủ thể sáng tạo còn ẩn khuất trong những cơ chế và tập thể có danh tính mà không có mặt mũi, thì nền nghệ thuật kiến trúc khó có thể trở thành Nó. Những công ty tư vấn, những văn phòng kiến trúc sư như ACSA, PA, TAD, TTT, ATA, TLK, CD12, AH, Nhà Vui, NQH và cộng sự, VTL và cộng sự, HUY – KHƯƠNG Sài Thành, MAI – ARCHI v.v .... xuất hiện lần lượt trong hơn hai thập kỷ qua, biểu hiện xu hướng doanh nghiệp hoá và tư vụ hoá, chuyên môn hoá và thương hiệu hoá hành nghề. Và, như một lẽ tự nhiên, ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tổ chức tư vấn – thiết kế kiến trúc có tín nhiệm và có thương hiệu, đang là những đầu máy, kéo thị trường hành nghề kiến trúc tiến lên, tương thích với kinh tế thị trường, mở đường cho hội nhập quốc tế. Hễ có thị trường là có cạnh tranh. Có cạnh tranh là có đào thải, tinh lọc, kết tụ, tinh hoa hoá, sự bứt phá và năng động. Cạnh tranh phân hoá và phân hạng, theo tiêu chí tự nhiên Tài, Thực lực và Tín nhiệm. Song, cạnh tranh không chia rẽ những người trong cuộc, bởi họ hiểu, đó là lẽ đương nhiên. Và, cũng là lẽ đương nhiên, họ tìm đến với cộng đồng, dưới hình thức nghiệp đoàn và hội.
4. Nhờ có nhu cầu lớn và sự gia tăng về xây dựng, nhờ sự hình thành nhanh chóng thị trường tư vấn kiến trúc và, đặc biệt, nhờ tính năng động và sự đột phá của phát triển kinh tế và xã hội, mà kiến trúc ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng những chuyển biến nhanh, mà còn bước dứt khoát vào hiện đại hoá và hội nhập. Lực lượng sáng tạo và hành nghề kiến trúc, thông qua cái guồng ấy, đã rèn đúc ra 2 phẩm chất nổi trội: Tính chuyên nghiệp và khả năng hấp thụ tiến bộ nghề nghiệp cùng kỹ thuật – công nghệ quốc tế.
Ảnh bên : Kho bạc Nhà nước TP.HCM - Công trình đoạt giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2008
Tính chuyên nghiệp bộc lộ rõ và khá đồng đều trong việc đưa ra những giải pháp kiến trúc mang tính thực tế và khả thi, được đảm bảo bởi việc vận dụng thành thạo, các thủ pháp tổ chức không gian, tổ chức nội thất và sử dụng vật liệu. Ở đây ít nhận ra sự thiếu tương ứng giữa thủ pháp thực thi và ý tưởng sáng tạo, ít nhận ra sự vụng về. Đặc biệt, bộc lộ rõ tính chuyên nghiệp trong việc sử dụng ngôn ngữ và thủ pháp kiến trúc ngày nay. Nhại kiến trúc cổ điển và biến tấu kiến trúc thời Pháp, không phổ biến ở thành phố Hồ Chí Minh. Phải chăng lối suy nghĩ quán tính không tìm được đất phù hợp ở cộng đồng những người luôn luôn gắng bước cùng thời đại. Tương ứng với phẩm chất nêu trên là khả năng mau lẹ tiệm cận và vận dụng linh hoạt những cái mới, những tiến bộ từ kiến trúc quốc tế. Về tổng thể, khoảng cách giữa kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh và khu vực không xa nhau là bao. Điều này dễ dàng nhận ra trên khuôn mặt kiến trúc thành phố và trên từng ngôi nhà, trên buildings và trong nội thất. Kiến trúc sư thành phố vẽ cao ốc thành thạo chẳng thua kém gì đồng nghiệp nước ngoài. Các nhà tư vấn nội địa và các kiến trúc sư trẻ nhanh chóng làm chủ cách tiếp cận đối tượng công việc và khách hàng, phù hợp dần với thông lệ quốc tế. Xem cách anh em kiến trúc trẻ sử dụng Anh ngữ và vận hành các phiên của hội thảo quốc tế ở “VIETARCH – 2009” một cách hoàn toàn tự tin, ta tin: Hội nhập quốc tế trong tầm tay. Nếu muốn xác định nơi nào là cái cửa sổ của nền kiến trúc Việt Nam nhìn ra thế giới, ta chẳng gì phải chần chừ mà nói ngay: Đó là thành phố Hồ Chí Minh. Không phải là không có những điểm yếu, những vấn đề nan giải , song kiến trúc của thành phố lớn nhất nước rõ ràng đang đi trước. Đất tốt, hoa trái nở. Hoa trái là tên tuổi các kiến trúc sư đã và đang thành danh: Khương Văn Mười, Nguyễn Văn Tất, Ngô Quan Hiền, Võ Thành Lân, Lý Thái Sơn, Nguyễn Trường Lưu, Võ Trọng Nghĩa, Dương Hồng Hiến, Thái Ngọc Hùng, Hồ Lê Phương, Lê Thanh Hải ... Kiến trúc nói ra mình, kiến trúc toả sáng trước hết là bởi những cái tên tác giả và những tác phẩm. Nơi nào đó khó nêu tên những người sáng tạo, thì kiến trúc ở đó, chỉ ở mức tầm tầm mà thôi.
Triển lãm Kiến trúc VietArc'09 tại TPHCM
5. Một cộng đồng kiến trúc sư đông đảo, gắn kết trong thị trường hành nghề, gắn kết bởi những quan hệ làm nghề, thì không thể không liên kết trong những tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Tổ chức ấy là Đoàn kiến trúc sư, tập hợp những kiến trúc sư hành nghề. Là Hội kiến trúc sư, tập hợp đồng nghiệp cho sự thúc đẩy sáng tạo. Cho đến nay vẫn có những người, những cơ quan Nhà nước chưa nhận ra sự cần thiết thành lập Đoàn kiến trúc sư. Điều này biểu hiện lối tư duy bao cấp lỗi thời. Thị trường kiến trúc hiện nay bao gồm hàng vạn kiến trúc sư hành nghề tự do, họ chịu trách nhiệm trước khách hàng một cách trực tiếp, họ có những mối quan hệ phận sự và tài chính cần đến trọng tài, họ cần sự quản lý về phương diện nghề nghiệp bởi một thiết chế tự chủ. Không một tổ chức Nhà nước nào quản lý được những người không trong phiên chế và không hưởng lương. Nhà nước quản lý có uy lực và có hiệu lực bằng công cụ Pháp luật. Thực tiễn thị trường kiến trúc ở thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi cấp bách sự ra đời của một nghiệp đoàn kiến trúc sư, như lẽ hiển nhiên, đến trễ. Hội Kiến trúc sư thành phố tập hợp đồng nghiệp nhằm thúc đẩy sự nghiệp sáng tạo kiến trúc và đoàn kết anh chị em. Trong mấy chục năm qua Hội đã hoạt động, đã phát triển và mang lại nhiều hữu ích cho giới và cho thành phố. Nói về sự hoạt động có hữu ích, xem ra có vẻ kiệm lời, song lại là sự đánh giá cao, bởi trong xã hội vẫn còn không ít những thể danh và chức danh, hữu danh vô thực: tổ chức hội có, người đứng đầu có, mà hội thì không hội tụ, hội mà cứ đứng vậy. Trong sự so sánh ấy, Hội Kiến trúc sư Tp. Hồ Chí Minh chẳng những có danh mà đã thành danh, tỏ rõ sứ mệnh và tác dụng xã hội của mình.
Ảnh bên : GS. Hoàng Đạo Kính - tác giả bài viết
Cách nay ngót 30 năm, Hội tập hợp vài chục anh chị em kiến trúc sư ở lại và kiến trúc sư từ Bắc vô. Nay Hội đã thu hút ngót một ngàn kiến trúc sư, trong số vài ngàn đang làm việc tại đây. Hội tạo được uy tín về phản biện nghề nghiệp trước các cơ quan thành phố và trước cộng đồng xã hội, tập hợp đông đảo anh em trong các tổ chức cơ sở của mình, duy trì tổ chức hành nghề của Hội, hoạt động thúc đẩy sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp tư vấn kiến trúc, hỗ trợ các hội anh em trong toàn vùng, thực hiện những hoạt động – sự kiện thu hút đông đảo anh chị em. Cứ quan sát Hội tổ chức Giải bóng đá toàn thành thường niên, những đợt cứu trợ thiên tai và xây nhà tình nghĩa với quy mô lớn, triển lãm kiến trúc quốc tế “VIET ARCH – 09” hoàn toàn theo cách thức quốc tế v.v ... mới thấy hết tính tiên phong, khả năng tổ chức và cả sức mạnh của Hội kiến trúc sư thành phố, biết phát huy những hội viên năng nổ và tài hoa của mình. Dù vẫn còn những điều chưa vừa lòng và những điều cần cải tiến, song rõ ràng Hội kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh đã thật sự là Hội với khá đầy đủ những gì mà nó phải là. Hội đã là một cơ sở để nhận định: ở thành phố này đã hiện hữu một cộng đồng kiến trúc sư. Chưa hẳn đã là những thủ lĩnh, song các kiến trúc sư Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Kim Sến, Lê Văn Năm, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Khương Văn Mười ... là những người có tấm lòng và có ý thức trách nhiệm với kiến trúc và với cộng đồng kiến trúc sư thành phố, hết mình cho công việc chung, ngay trong những điều kiện khách quan không dễ dàng gì. Họ được anh chị em đồng nghiệp nhắc tới không phải như những công chức của Hội. Đất lành đất mở, sắc thái văn hoá và lối nghĩ đặc trưng, quy mô và sức bật trong phát triển, thị trường tác nghiệp năng động và hướng tới cái mới, cộng đồng kiến trúc sư nhiệt huyết sáng tạo và không ngừng thích ứng, cùng một tổ chức Hội có khả năng tập hợp, - Tất cả những yếu tố đó tạo thành cái nền, cái bệ phóng, cái lò xo cho nền kiến trúc của thành phố Hồ Chí Minh bứt phá lên, khẳng định mình. Hướng về anh chị em, hy vọng...
Hà Nội, tháng 11/2009
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính
Bình luận từ người dùng