Đặc điểm chung của resort
Resort thường được xây dựng theo hướng hoà mình vào thiên nhiên, với sân vườn, đồi núi, có không gian và cảnh quan rộng, thoáng, xanh và hạn chế mật độ xây dựng, xa khu dân cư. Nhiều resort thường hướng đến những kiến trúc cổ xưa để đưa khách về gần với thiên nhiên, tránh xa cái ồn ào của cuộc sống đô thị như bố trí những ngôi nhà cổ với mái ngói; tường gạch; cột, kèo bằng gỗ và có gam màu tối, mang vẻ cổ kính, tự nhiên Tuy nhiên, hệ thống các phòng ốc bên trong của resort được thiết kế thành từng căn hộ biệt lập, với những thiết bị hiện đại, tiện nghi. Resort khác với các cơ sở lưu trú thông thường bởi hệ thống dịch vụ liên hoàn, tổng hợp, không chỉ đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng của mà còn phát triển các dịch vụ của khách hàng như hội thảo, hội nghị, dịch vụ giải trí, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, luyện tập thể thao… Do vậy có khả năng thu hút nhiều đối tượng khách và kéo dài thời gian lưu trú của họ.
Hiện nay, mức đầu tư xây dựng một resort tốn kém hơn rất nhiều so với xây dựng một khách sạn cùng tiêu chuẩn. Theo một khảo sát của Vụ Khách sạn – Tổng cục Du lịch, tỷ suất đầu tư cho một phòng của resort trung bình là 1,6 tỷ đồng/phòng hạng 5 sao; 1 tỷ đồng/phòng hạng 4 sao; 500 triệu đồng/phòng hạng 3 sao. Giá trị nhất của resort là ở cảnh quan thiên nhiên và môi trường trong lành. Vì vậy, thiết kế xây dựng resort luôn giữ lại tối đa cây xanh. Thậm chí, việc xây dựng còn phải dựa theo địa hình, không được tàn phá thiên nhiên mà phải hoà vào thiên nhiên. Do resort mang lại những giá trị và dịch vụ hoàn hảo hơn cho khách nên giá dịch vụ tại các resort cũng khá đắt so với giá phòng khách sạn cùng tiêu chuẩn, thường từ 40$ đến 300$/phòng, tuỳ loại phòng và hạng resort. Diện tích một phòng tại resort thường từ 50m2 đến hơn 160m2, tương đương với một căn hộ, có sức chứa từ 2 đến 5 người. Lượng khách đến resort chủ yếu là khách nước ngoài, Việt kiều và những người Việt trung niên thành đạt, người có thu nhập khá,…
Resort Việt Nam, đối thủ đáng gờm tại khu vực ASEAN ?
Trên Bangkok Post, tác giả Danross cảnh báo các nhà kinh doanh resort Thái Lan nói riêng và châu Á nói chung rằng: “Resort Việt Nam sẽ là đối thủ đáng gờm đối với các quốc gia khu vực ASEAN”. Khi Danross viết những dòng này, Việt Nam cũng đang ở thời kỳ bùng nổ việc xây dựng các resost.
Các chuyên gia du lịch quốc tế khi đánh giá tiềm năng du lịch biển Việt Nam nếu so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore thì du lịch biển Việt Nam không hề thua kém, thậm chí vượt trội về tài nguyên.
Và họ cũng dự báo, với hàng loạt các resort thanh lịch, hiện đại đang hoạt động hoặc xây dựng khắp bờ biển và vùng cao, Việt Nam đang nỗ lực trở thành một quốc gia du lịch cao cấp tại châu Á chỉ trong vài năm gần đây.
Có lợi thế trên 2.000 km chiều dài bãi biển, cùng một nền văn hóa đa dạng và sự ổn định về chính trị an ninh, nên du lịch biển luôn là một thế mạnh của du lịch Việt Nam. Chính vì thế, trong vài năm gần đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đông, trong khi khách du lịch trong nước có nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí tăng cao, đã kéo theo một dãy hi vọng lớn lao cho ngành kinh doanh resort Việt Nam.
Năm 1997, resort đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động, đó là Coco Beach Resort do một cặp vợ chồng người châu Âu đầu tư, khai thác tại bãi biển Mũi Né, Phan Thiết. Quy mô Coco Beach resort không lớn, chỉ với 34 phòng ngủ. Sau đó là một loạt các resort ven các bãi biển, đặc biệt những tuyến điểm như Phan Thiết, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt,… ra đời.
Theo thống kê của Vụ khách sạn Tổng cục du lịch, tính đến thời điểm tháng 3 năm 2010, tại Việt Nam đã có 98 resort đăng ký đưa vào hoạt động với 8.150 phòng, trong đó 60 resort đã được xếp hạng (6 năm sao, 27 bốn sao, 20 ba sao, 3 hai sao và 4 một sao). Tuyến điểm tập trung nhiều nhất các khu resort phải kể đến Mũi Né (Bình Thuận) với 68 resort hiện đang hoạt động.
Có thể liệt kê những thương hiệu resort khá nổi tiếng như: Furama, Nam Hải (Đà Nẵng), Sài Gòn – Phú Quốc (Kiên Giang), Ana Mandara, Six Senses Hideaway, Vinpearl Land, Evason Hideaway (Nha Trang), Victoria, Sài Gòn – Mũi Né, Palmira, Blue Ocean, Coco Beach, Sea Horse, Phú Hải Resort (Phan Thiết), Life Resort (Quy Nhơn), An Bình Resort, Long Hải Resort (Bà Rịa – Vũng Tàu), Hội An Riverside, Victory (Quảng Nam), Bãi Tràm Hideaway (Phú Yên),…
Và hiện nay đã có hàng chục dự án khác đã và đang được triển khai. Những tên tuổi như Raffles, Four Seasons và Banyan Tree đều đang lên kế hoạch mở các resort tại Đà Nẵng. Công ty Banyan Tree của Singapore đang lên kế hoạch xây dựng một quần thể 7 resort rộng 300 hécta, trị giá 270 triệu USD ở ngay phía bắc Đà Nẵng. Dự án này có tên là Laguna Vietnam – một gợi ý nhắc nhở tới resort Laguna Phuket (Thái Lan). Ông Paul Chong – Phó giám đốc phát triển kinh doanh của Banyan Tree nói: “Tôi nghĩ Đà Nẵng sẽ trở thành tương tự như Phuket trong một ngày gần đây”.
Mỗi resort đều có thế mạnh riêng, từ việc thiết kế, sản phẩm, dịch vụ, phong cách phục vụ cho đến những chương trình khuyến mãi, quảng bá, nhưng có điểm chung là tạo sự đa dạng, phong phú loại hình du lịch, vui chơi giải trí tại Việt Nam. Chính hệ thống resort dày, tiềm năng phục vụ tốt đã góp phần tăng giờ lưu trú cho khách du lịch, một bài toán luôn làm đau đầu các nhà quản lý Việt Nam nhiều năm nay…
Thực tế trong hơn 10 năm qua, các resort được hình thành và đưa vào khai thác đã trở thành những lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao, góp phần đưa du lịch từng bước vươn lên, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các địa phương.
Cạnh tranh trong thị trường nội địa bắt đầu khốc liệt
Sự “bùng nổ” về số lượng không kiểm soát trong việc phát triển resort tự phát dường như đã chuẩn bị nảy sinh một “cuộc chiến” cạnh tranh dữ dội sẽ diễn ra rất gần. Dấu hiệu của tình trạng cạnh tranh nội địa trong kinh doanh du lịch ở lĩnh vực khu nghỉ dưỡng đã bắt đầu chớm thể hiện ở “thủ đô resort Việt Nam”. Mũi Né (Bình Thuận) đang là một điểm nóng trong việc tiếp cận, thu hút và giữ chân khách. Ông Trần Ngọc, Giám đốc Sài Gòn – Mũi Né Resort cho biết: “Tại tuyến điểm Mũi Né, mức độ cạnh tranh giữa các resort hiện nay đã bắt đầu gay gắt”. Nếu như trước đây khi số lượng các resort còn ít, không đủ phòng kinh doanh, thì hiện nay vào những ngày bình thường công suất phòng tại các resort cũng chỉ đạt khoảng 30%, cuối tuần khoảng 60-80%.
Tình trạng này cũng diễn ra cục bộ trong các ngày lễ, Tết tại các resort tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tuy ở mức độ thấp hơn.
Điều này đã có dấu hiệu dự báo nhưng các nhà quy hoạch, quản lý du lịch hình như vẫn còn chưa nhận thức hết… Nếu vấn đề trầm trọng sẽ dẫn tới một nguy cơ lãng phí đầu tư rất lớn !
Bùng nổ resort vẫn tiếp tục
Thế nhưng xu thế bùng nổ resort vẫn tiếp tục ! Theo lời một lãnh đạo Tổng cục Du lịch, hiện nay có không dưới 50 dự án resort xin giấy phép, đã và đang khởi công và đưa vào hoạt động, nhất là những tuyến điểm mới tại Phú Quốc, Cam Ranh, Hội An, Đà Nẵng, Côn Đảo.
Mới đây tại Hội An, 2 resort là Falm Garden và Gold Sand đã chính thức mở cửa đón khách. Thêm đó dự án Disney Land quy mô lớn do tập đoàn du lịch Hoa Kì đầu tư tại Mũi Né đã được cấp phép, trong khi dự án xây thêm một resort quy mô lớn trên diện tích 200ha tại Phú Quốc cũng đang được Saigontourist kêu gọi đầu tư thực hiện.
Vấn đề quan trọng và đang trở nên cấp bách hiện nay là Việt Nam vẫn còn thiếu tầm trong công tác quản lý, thiếu chuyên nghiệp trong quảng bá tiếp thị hình ảnh du lịch biển và lợi thế kinh doanh resort đến với du khách quốc tế.
Tình hình kinh doanh resort Việt Nam chỉ ở giai đoạn sơ khai trên nhiều phương diện: quy hoạch, thiết kế và xây dựng, xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến, đào tạo…
Câu chuyện Phan Thiết chờ nhật thực toàn phần ?
Sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24-10-1995 đã thu hút một lượng khách trong nước cũng như quốc tế đến Mũi Né. Từ đấy, một resort của người Pháp hình thành và đến năm 1997 đưa vào hoạt động. Năm 1998 resort đầu tiên của miền Trung là Furama (Đà Nẵng) khai trương.
Năm 2005, Luật Du lịch ra đời và có hiệu lực vào ngày 1-1-2006. Ở đấy không có một dòng nào nói đến loại hình du lịch là resort. Và lại đến đúng một năm rưỡi sau, vào ngày 1-6-2007, Nghị định 92, nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch mới được ban hành. Trong đó ở điều 17 nêu ra 08 loại cơ sở lưu trú, nhưng cũng không có khái niệm tương đương resort. Mãi đến ngày 13 tháng 3 năm 2010 Tổng cục du lịch mới mở Hội nghị để ra Thông tư 88 hướng dẫn thực hiện Nghị định 92 thi hành một số điều của Luật Du lịch về lưu trú du lịch. Ở Thông tư 88, đề mục Tiêu chí phân loại cơ sở lưu trú du lịch mới có khái niệm Khách sạn nghỉ dưỡng (hotel resort). Mất hơn 2 năm cho một loại hình du lịch đã ra đời và phát triển trên 10 năm rồi mới được cơ quan công quyền công nhận đã cho thấy sự “sên bò” của các cơ quan quản lý liên quan…
Thế nhưng, như vậy có vẻ chưa đủ, đến nay cơ sở để đánh giá, xếp loại, thẩm định về mặt quản lý nhà nước là bộ tiêu chuẩn xếp loại thì vẫn chưa có (?). Việc thẩm định xếp hạng cho các resort thì lại căn cứ theo tiêu chuẩn của khách sạn, chất lượng, kích thước phòng, trang thiết bị và chất lượng phục vụ của nó. Do đó đã xảy ra tình trạng một số cơ sở lưu trú đã tự phong resort nhưng các cơ quan quản lý địa phương cũng chưa biết cách chế tài để xử lý (?).
Nhìn lại tiến trình trên cho thấy phản ứng khá chậm của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động du lịch trong thực tế… Sự chậm trễ này nếu đặt trong sự bùng nổ việc hình thành, phát triển resort trong 5 năm trở lại đây đã đem đến nhiều hệ luỵ khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai… !
Các địa phương vẫn chờ bộ Tiêu chuẩn xếp loại các cơ sở lưu trú ? Như chờ đến nhật thực chăng ?
Quy hoạch resort, bài toán vẫn còn bỏ ngỏ
Điều kiện để xây dựng một khu resort là chúng phải gắn liền với thiên nhiên, biệt lập với các khu dân cư và cần nhất là yên tĩnh. Phần lớn các resort có tính khai phá cho các địa phương ven biển miền Trung đều đảm bảo tiêu chí này, nhưng trong cơn lốc dựng resort hiện nay, nhiều nơi ressort lại bắt đầu chen chúc nhau. Chẳng hạn tại Mũi Né, các resort dày đặc bám theo trục đường 709B với lượng khách du lịch chen chúc vào các ngày nghỉ đã khiến khu vực này như là một khu phố resort. Một Giám đốc khách sạn ở đây nói với chúng tôi rằng tình trạng này buộc Công ty phải có giải pháp tìm bến mới. Ông nói điều này khi chúng tôi gặp ông đang ngắm nghía khu vực ven biển huyện Bắc Bình… Cũng vậy, Quy Nhơn Resort (Bình Định) vì được quy hoạch trên một bờ biển hẹp, quá gần với khu dân cư nên du khách bị ảnh hưởng của tiếng ồn và những hình ảnh không mấy thân thiện với môi trường dọc bãi biển.
Tình trạng chạy theo cơn lốc làm du lịch bằng resort khiến các quyết định cấp phép của các địa phương được bung ra vội vã trong khi bài toán tổng thể trong phát triển bền vững chưa được đặt ra, các điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu chưa đáp ứng. Khi hàng loạt resort ra đời và hoạt động dẫn đến thiếu điện, thiếu đường, thiếu các khả năng cung cấp nhu yếu cần thiết. Tại thủ đô resort Mũi Né, tình trạng bị cắt điện (có khi luân phiên, có khi bất thường) khiến nhiều resort khó khăn. Và thế là buộc họ phải tự phát xây dựng các trạm biến áp lớn nhỏ khác nhau, sử dụng nguồn điện riêng tự có với máy phát điện từ 200-400KW. Hệ quả là khi cả khu vực bị cắt điện cùng thời điểm thì thủ đô resort không còn không khí yên bình do tiếng nổ của máy phát điện. Trớ trêu thay là mùa hè, mùa nghỉ của du khách cũng trùng hợp với tình trạng thiếu điện thường xuyên ?
Trong khi Việt Nam ồ ạt cấp phép dự án nhưng đến nay vẫn còn thiếu những thương hiệu resort quy mô mang tầm quốc tế ? Những tên tuổi như Furama hay Victoria đã được Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA) xếp vào top 10 resort xuất sắc nhất khu vực vẫn còn quá ít.
Theo TS. KTS Lê Trọng Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch thì công tác đầu tư xây dựng, khai thác và kinh doanh resort tại nhiều địa phương đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Đầu tiên là sự thiếu quy hoạch tổng thể phát triển các vùng, khu vực có tiềm năng trên địa bàn, nên đã gây nên hiện tượng lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng tràn lan tại cùng một khu vực.
Từ đó xuất hiện các resort có cùng tính chất hoạt động, vừa đơn điệu vừa giống nhau về sản phẩm làm ảnh hưởng đến tính khả thi và phát triển vững bền của dự án. Chất lượng quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết, trong đó các yếu tố sản phẩm, tài nguyên du lịch, thị trường khách, yếu tố kinh tế, tài chính, xã hội chưa được nhìn nhận, phân tích thấu đáo, nên kéo theo một số dự án thành dự án treo, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và cả địa phương có dự án…
Trong khi đó, để xây dựng và phát triển các khu du lịch chất lượng cao, tương xứng với tiềm năng du lịch theo đúng yêu cầu và mục tiêu đặt ra thì đòi hỏi những giải pháp mang tính đồng bộ, lồng ghép, phối hợp đa ngành từ quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch, quản lý đất đai, kiến trúc, bảo vệ tài nguyên môi trường, quản lý kinh doanh đến quản lý an toàn, trật tự xã hội.
Điều đáng nói là hầu hết các resort chỉ được đầu tư xây dựng với quy mô chỉ từ 3 – 20 ha, và thuộc loại hình cụm nhà nghỉ, khách sạn có tính chất du lịch nghỉ dưỡng là chính; các hoạt động vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch cần thiết khác đều như vắng bóng. Các sản phẩm du lịch chưa được quan tâm đầu tư phát triển, nên còn trùng lặp, đơn điệu, tạo ra sự bất cân đối trong cung – cầu dịch vụ du lịch, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của các hệ thống resort trong cùng tuyến điểm.
Nhiều resort được bê tông hóa, và xây dựng với mật độ xây dựng quá cao, kiến trúc công trình không tương xứng với yêu cầu kinh doanh du lịch đã góp phần làm biến dạng cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là các bãi biển, khu vực đa dạng sinh học, các danh lam thắng cảnh, gây nguy cơ suy giảm và cạn kiệt tài nguyên du lịch tự nhiên. Nhiều resort đã không có biện pháp xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường chung quanh nhất là môi trường biển…
Một số nhà đầu tư tự thương lượng mua đất của cư dân địa phương xây resort và không theo một quy hoạch nào. Các resort cái thì quá lớn, cái thì chỉ khoảng 1 ha. Do quỹ đất nhỏ, nhiều resort đã lấn biển, làm cho bãi biển ngắn đi và không còn cảnh quan thiên nhiên. Mũi Né đã xuất hiện resort kiểu “da beo”, lớn nhỏ không đồng bộ.
Chuyện còn trớ trêu hơn khi gần đây, hơn chục chủ dự án đầu tư vào các khu du lịch nghỉ dưỡng bãi biển ở Tiến Thành và Thuận Quý (Bình Thuận) bất ngờ thấy bên bờ rào resort nhà mình lại có Công ty đến khởi công khai thác mỏ titan ! Sự tồn vong của những khu resort bạc tỉ này rõ là bị đe dọa nghiêm trọng. Bởi vậy, ngay sau khi dự án khai khoáng này khởi công, ông Chris Duffy – Tổng Giám đốc liên doanh Life Resort – đã tuyên bố ngừng đầu tư vào dự án Life Resort ở tỉnh Bình Thuận, vì theo ông: “Khu nghỉ dưỡng này sẽ không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quốc tế, khi bên cạnh nó là một dự án khai thác khoáng sản”. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận xác nhận là Công ty Hợp Long đã được Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép, nên tỉnh… đành chịu (!?)
Phát triển resort ồ ạt là một hiểm họa cho môi trường sinh thái tự nhiên ven biển
Hầu hết các resort đã đi vào hoạt động ven biển Trung Bộ và Nam Trung Bộ đều có một điểm chung là mật độ xây dựng rất dày. Từ các vệt biển tại Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, đến Nha Trang, Cam Ranh Phan Rang, Phan Thiết, Bà Rịa – Vũng Tàu… đều có mật độ xây dựng dày đặc với những khối bê tông 2-3 tầng của resort được ấn xuống bãi cát dài ven biển. Bức tranh resort Việt Nam hiện nay rất loang lổ.
PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển cho biết, trên 100 km bờ biển Quảng Nam có 80 dự án đầu tư vào du lịch, dẫn đến hệ quả là khu vực dọc biển bị “phân lô”. Ông nói: “Hội chứng xây dựng resort là một kiểu khai thác thiên nhiên sấn sổ, mang danh là du lịch sinh thái nhưng thực chất là phá hoại sinh thái”. TS Dinh phân tích: “Ở những bãi biển bình thường, việc xây dựng cơ sở hạ tầng thường không có ảnh hưởng lớn. Song vùng cồn cát là một hệ sinh thái rất nhạy cảm, chỉ một can thiệp nhỏ có thể mang lại hậu họa lớn, như xói mòn, trượt cát, sụt lở và phá hủy cảnh quan”.
Việc xây dựng các khu nhà nghỉ sát biển cũng can thiệp vào chu trình bồi lấp của cát biển ven bờ, đẩy nhanh quá trình hoang mạc hóa, phá hủy môi trường và rút ngắn tuổi thọ công trình. Bờ biển bị xói lở, đất đai sẽ bị hoang mạc hóa trên diện rộng, hủy hoại hệ thống phòng thủ tự nhiên ven biển, đặt vùng duyên hải nước ta trước những thảm họa tự nhiên…
Việc quy hoạch xây dựng resort chỉ đơn thuần là phân lô, xé lẻ bờ biển và chia cho các khu resort thực sự là sự phá hoại tài sản thiên nhiên vô giá. Mũi Né là một bài học đắt giá. Đà Nẵng cũng vậy, phố và resort chen lấn dọc biển khiến biển không còn trong tầm mắt của con người. Nguy hại nhất là việc chặt phá cây rừng để san lấp mặt bằng hoặc tạo dựng cảnh quan cho các resort sẽ để lộ ra những vùng cát yếu trước sức tấn công của gió, dẫn đến hiện tượng cát bay. Những chỗ trống đó cũng trở nên bất ổn hơn, có thể sụt lở bất cứ lúc nào do thổ nhưỡng không ổn định. Thiên nhiên đã định hình từ hàng triệu năm nay có nguy cơ vì sự can thiệp thô bạo của con người. Và tất nhiên luật “nhân quả” sẽ “hiện tiền” !
Tại Mũi Né, thủ đô resort đang hứng chịu hiểm họa môi trường. Rác của ngư dân Việt Nam và cả ngư dân các nước lân cận đã thải xuống biển theo các dòng hải lưu mang lên bờ, rác và nước thải chưa qua xử lý từ 50% các resort, các nhà hàng phục vụ du khách đổ thẳng ra biển đang khiến môi trường biển vốn thanh khiết giờ đã thay đổi. Nguồn nước ngầm tại đây cũng có nguy cơ bị ô nhiễm từ các hầm nước thải, nhưng hầu hết các resort đều sử dụng nước giếng khoan…
Mặc dù, hàng năm các nhà quản lý, các chủ resort luôn quan tâm đến bảo vệ môi trường nhưng nhìn chung hiểm họa môi trường trong lành đang bị xâm hại khó thể kiểm soát hết. Sài Gòn Mũi Né Resort (Bình Thuận) đã chú ý công tác bảo vệ và gìn giữ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, đâu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải với công nghệ xử lý tự động, hiện đại. Sun Spa Resort (Quảng Bình) đã chú trọng ngay đến môi trường đô thị. Hệ thống xử lý chất thải ô nhiễm được đầu tư và vận hành tốt. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn sẽ được đưa vào hệ thống bơm để tưới cây hoặc xả vào hệ thống nước mưa. Toàn bộ khu resort dùng gaz và điện để đun nấu nên không gây ô nhiễm môi trường. Những điển hình như vậy chưa nói hết câu chuyện ô nhiễm môi trưòng do resort gây ra…
Hoạt động của các resort ở Việt Nam có những đặc điểm sau:
1. Về hình thức tổ chức kinh doanh: Các resort được xây dựng chủ yếu theo hình thức liên doanh nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Nhờ vậy, các tập đoàn chuyên kinh doanh resort đã đem tới kinh nghiệm quản lý tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của các khu resort.
2. Về cơ sở vật chất kỹ thuật: Các resort được xây dựng ở các vùng biển hoặc các nơi có tài nguyên du lịch nên kiến trúc của các khu resort thường là các khu nhà thấp tầng, mang tính gần gũi với môi trường, gần gũi với thiên nhiên. Diện tích các resort thường từ 1ha – 40ha và diện tích ngày càng được mở rộng đến 300ha. Resort thường có không gian tự nhiên rộng rãi trong đó diện tích xây dựng thường chiếm tỷ lệ nhỏ.
3. Về cách thức tổ chức quản lý: Thường áp dụng theo tiêu chuẩn của các tập đoàn nước ngoài, trong đó một số resort đã áp dụng bộ phận chuyên trách quản lý công tác môi trường.
4. Về chất lượng lao động: Hầu hết các resort là cơ sở lưu trú có hạng sao cao nên chất lượng tuyển chọn nhân lực được chú trọng nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ của cơ sở.
Bên cạnh những ưu điểm đã nêu trên, hoạt động của resort còn bộc lộ những hạn chế sau:
1. Các resort có vị trí gần các nguồn tài nguyên du lịch nên thường ở xa khu trung tâm, xa thành phố lớn do đó, hạn chế khả năng tiếp cận tới nguồn nước sạch cũng như khả năng cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng, chi phí vận chuyển thực phẩm và nước uống cao.
2. Công suất hoạt động của các resort chưa cao, chịu ảnh hưởng rõ rệt của tính thời vụ trong kinh doanh do khách du lịch thường đi nghỉ vào thời điểm hè.
3. Ở một số resort, tỷ lệ người lao động địa phương còn cao nên gặp khó khăn trong vấn đề đào tạo nghề cũng như nâng cao trình độ ngoại ngữ.
4. Các resort chưa triệt để đầu tư và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý rác thải.
5. Đầu tư ở các vùng xa trung tâm nên gặp khó khăn trong việc vận chuyển nguyên liệu xây dựng, chọn được thợ xây dựng nên ảnh hưởng tới chất lượng và tính chuyên nghiệp trong cơ sở vật chất của các resort đặc biệt là resort thuộc hình thức sở hữu tư nhân.
Bình luận từ người dùng