Không chỉ riêng dân Phan Long, dân gốc của Thị trấn Ba Đồn, hãnh diện về cái đình to đẹp nhất nước (nhiều người bảo to đẹp nhất Đông Nam Á), mà dân tứ xứ về đây cưới vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái cũng rất hãnh diện.
Dân làng nào cũng cố tìm được cái gì đó của làng để mà tự hào. Dân Ba Đồn cũng vậy. Xưa thì tự hào có cái chợ to nhất miền Trung. Thời kháng Pháp thì tự hào có anh hùng liệt sĩ Nguyễn Tiến Nhẫn, chiến sĩ tình báo tí hon thông minh quả cảm, bị địch bắt lúc ông mới 15 tuổi, Pháp đem ra đình chợ bắn vẫn không một chút sợ hãi, vẫn ngẩng cao đầu hô to bốn tiếng “Việt Nam muôn năm!”. Kịp đến thời chống Mỹ, Thị trấn Ba Đồn chẳng bắn được chiếc máy bay nào lại bị bom Mỹ san phẳng, dân Ba Đồn vẫn tìm được niềm tự hào, ấy là anh cu Kỷ, người đầu tiên tỉnh Quảng Bình bắt được phi công Mỹ. Bây giờ dân Ba Đồn có gì để tự hào nhỉ? A cái đình làng... Ba Đồn xưa gọi là Phan Long, đình làng Phan Long có từ thời hậu Lê, có lẽ đình được dựng lên bởi thành hoàng làng Nguyễn Đức Tuân, dân kính cẩn gọi là quan tả vì ngài có tước phong của vua Lê là Tả Quân Công, phụ trách Bắc Bố Chính, tức phía bắc Quảng Bình bây giờ. Chỉ có ngài mới có khả năng dựng nên cái đình chứ dân Phan Long ngày đó có một nhúm, nghèo khô xác mướp, làm sao dựng nổi cái đình. Đến năm 1965 đình làng Phan Long bị bom Mỹ san phẳng. Từ đó cho đến năm 2007 không ai nghĩ đến chuyện dựng lại đình, quá nửa dân Ba Đồn không còn nhớ vị trí ngôi đình xưa, nhiều người còn không biết đã từng có một đình làng tồn tại gần ba trăm năm ở nơi đây. Rất may có một người nhớ đến cái đình, đó là thằng Nguyễn Xuân Đức, nó nhớ quay quắt, đến nỗi quyết định bỏ ra cả triệu đô để xây lại cái đình. Chuyện này mình đã kể trong bài “Một mình làm cả cái đình”, thôi không nói nữa...
(Nguyễn Quang Lập - Source: quechoa.info)
-
Toàn cảnh đình làng chụp từ phía trái
Lưỡng long chầu nhật và mái ngói âm dương của Tiền Đình
Đình làng gồm các khối kiến trúc được thiết kế và xây dựng rất đẹp và hoành tráng
Tượng Thành hoàng làng Phan Long Nguyễn Đức Tuân được thờ ở Hậu Đình
Song hạc và các đồ thờ cúng khác ở Hậu Đình
Trống làng được treo trong đình
Lư hương ở giếng trời
Voi phục trong sân đình
Những chú Nghê trước cửa Tiền Đình
Rằm tháng 2 hằng năm dân Ba Đồn vào hội làng
Mâm cỗ tế Thành hoàng làng có lợn quay biểu hiện sự no đủ
Mỗi xóm chung nhau làm một mâm lễ tế thần, có chừng 150 mâm tế thần
Chuẩn bị bài vị rước thành hoàng làng
Diễu linh để quan ngài Thành hoàng làng đi khắp nơi trong thị trấn
Nhiều trò chơi trong hội làng: kéo co, đánh đu, cờ thẻ, bài chòi…
Bình luận từ người dùng