Trải qua lịch sử hình thành lâu dài, cảnh quan làng xã truyền thống đã hình thành những tổ hợp quen thuộc, có sự cô đọng trong phối kết các nhân tố, trở thành hình ảnh biểu trưng của làng xã. Chính vì vậy dù mỗi làng có những sự khác biệt nhưng những hình ảnh biểu trưng đã trở thành đại diện mang ý nghĩa ký hiệu học cho sự nhận biết, sự hồi tưởng hay ký ức về làng quê nói chung.
1. TỔ HỢP: MÁI ĐÌNH - CÂY ĐA - AO LÀNG
Đây là tổ hợp mang tính biểu trưng mạnh nhất của làng quê truyền thống. Với mái đình thấp, uốn cong, có sân đình với hai bên là cây Đa, phía trước là ao làng đã trở thành một tổ hợp có tính công thức đạt hiệu quả thẩm mỹ cao. Hình ảnh này được lặp lại ở khá nhiều làng, chính vì vậy nó càng có tính khái quát và tính đại diện.
2. TỔ HỢP: CÂY ĐA - CỔNG LÀNG
Mặc dù tổ hợp này hiện còn không nhiều ở các làng nhưng hình ảnh cây Đa có tán rộng sum suê, bên cạnh là chiếc cổng bé nhỏ đã in đậm vào tâm trí người dân, có sức biểu cảm lớn. Đặc biệt là sự tồn tại cho đến ngày nay của cổng làng Mông Phụ - Đường Lâm với vẻ đẹp không gian hoàn chỉnh đã khẳng định tính biểu trưng của không gian cổng làng. Thậm chí hình ảnh cổng làng Mông Phụ với cây Đa - ao nước còn thường xuyên được đưa lên như hình ảnh biểu trưng của làng Việt.
3. TỔ HỢP: LUỸ TRE - CỔNG LÀNG - ĐƯỜNG VÀO LÀNG
Xuất phát điểm của chúng từ yếu tố công năng bảo vệ làng. Tuy nhiên đây là không gian đầu tiên kết nối bên ngoài và bên trong làng nên cũng để lại một ấn tượng hình ảnh rõ nét. Hình ảnh cô đọng là con đường dẫn vào làng, chiếc cổng nhỏ và hai bên là lũy tre dày đặc. Hình ảnh này phản ánh rõ tính chất cộng đồng làng xã với tính tự trị cao trong một không gian khép kín.
4. TỔ HỢP: ĐƯỜNG LÀNG - BỜ AO - HÀNG RÀO RUỐI - CÂY CAU
Hình ảnh này biểu trưng cho hình ảnh không gian ở giản dị, đầm ấm thôn quê. Đó là sự phối kết hình ảnh của mái ngói, mái rạ nhấp nhô sau rặng Ruối bờ rào, in trên nền trời là bóng Cau mảnh mai.
5. TỔ HỢP: CÂY RƠM - BỤI CHUỐI - AO BÈO
Hình ảnh này biểu trưng cho hình ảnh bên trong một hộ gia đình nông thôn. Tổ hợp mặt nước nhỏ (ao nhà) lấm tấm bèo, cây rơm màu vàng sẫm bên cạnh bụi chuối là một hình ảnh khó có thể ở đâu khác ngoài vùng quê Bắc bộ. Không gian nhỏ, cảnh quan giản dị nhưng lại là hình ảnh thấy nhiều trong làng xã.
6. TỔ HỢP: QUÁN - CÂY XANH - CÁNH ĐỒNG LÚA
Hình ảnh một ngôi quán nhỏ mái ngói liêu xiêu, trống trải trên cánh đồng lúa, bên cạnh một cây cao là hình ảnh thường thấy ở các làng xã. Nó điểm xuyết cho cánh đồng lúa mênh mông với cảnh quan thay đổi theo các vụ mùa. Màu mạ xanh non, màu lúa thì con gái xanh ngắt, ngày mùa với màu vàng rực. Ngoài ra còn có những tổ hợp khác, không xuất hiện phổ biến nhưng cũng là những dấu ấn rõ nét về làng quê như hình ảnh con sông, bến đò, hình ảnh ao Sen, cây Gạo đỏ trên cánh đồng.
BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ DI SẢN KIẾN TRÚC CẢNH QUAN LÀ BẢO TỒN MỘT LOẠI HÌNH DI SẢN ĐẶC THÙ, KHÁC BIỆT VỚI VIỆC BẢO TỒN CÔNG TRÌNH DI TÍCH
Kiến trúc cảnh quan không phải là yếu tố tĩnh.
Chỉ có công trình kiến trúc khi xây dựng xong là đã kết thúc công việc, có thể xác định niên đại xây dựng để phục hồi như nguyên gốc mới xây dựng. Với cây xanh, giá trị hình thành của nó muộn hơn, phải mất hàng trăm năm, một cây xanh mới có được vẻ đẹp cổ kính của cây. Không những thế, trong hệ thống cây xanh, có những cây được bổ sung muộn hơn. Vì vậy, tính nguyên gốc của yếu tố cây xanh không phải từ lúc cây được trồng mà phải qua một khoảng thời gian, từ thời điểm hình thái cây trưởng thành cho đến ngày nay. Trong đó giai đoạn hiện tại là quan trọng bởi chúng ta không thể phục hồi lại hình thái của cây như những giai đoạn trước. Khác với công trình kiến trúc khi mất đi có thể tôn tạo phục dựng lại được, cây cổ thụ nếu bị mất đi chúng ta cũng phải mất hàng chục, hàng trăm năm mới có thể trồng lại cây khác thay thế. Trong thời gian đó, kiến trúc cảnh quan đã bị thay đổi cơ bản. Cây xanh có quy luật phát triển và lụi tàn, độ tuổi của cây có giới hạn, các tác nhân sâu bệnh, sự thay đổi môi trường của nước, sinh khí hậu cũng tác động đến cây và đến vẻ đẹp thẩm mỹ chung của cảnh quan.
Hệ thống cây xanh trong kiến trúc cảnh quan có sự chọn lọc, bổ sung thường xuyên.
Thông thường trong quần thể đình chùa hay cổng làng, người dân ban đầu trồng một số cây, khi cây lớn mới lựa chọn những cây phát triển tốt, loại bỏ những cây yếu hoặc những cây có hình dáng, chủng loại không phù hợp. Đây là biện pháp chọn lọc tốt. Tuy nhiên như vậy chúng ta cũng thường bắt gặp những cây mới trồng hoặc đã trồng một thời gian không phù hợp với cảnh quan làng xã nhưng vẫn được tồn tại (trường hợp những cây Dừa, Liễu cạnh cổng làng Mông Phụ). Sự chọn lọc của chúng cũng còn tuỳ thuộc vào quan điểm của người dân từng khu vực. Trong những trường hợp chọn lọc này, rõ ràng yếu tố gốc khó xác định mà lúc đó phải coi giá trị cảnh quan lịch sử như một giá trị hiện tại. Việc loại bỏ cây nào, giữ lại cây nào tuỳ thuộc vào việc nó có bổ sung, đóng góp cho giá trị thẩm mỹ của cảnh quan hay không, có làm thay đổi cảnh quan đó theo hướng tích cực hay không.
Xác định yếu tố gốc của di sản kiến trúc cảnh quan.
Như vậy, yếu tố gốc của kiến trúc cảnh quan là hình thái kiến trúc cảnh quan được hình thành tại thời điểm mà các thành tố cây xanh, mặt nước đã có sự ổn định về hình thái phát triển tự nhiên, tạo dựng được hình ảnh, dấu ấn trong cộng đồng.
Giá trị kiến trúc cảnh quan thường hình thành muộn hơn nhiều so với giá trị kiến trúc của công trình. Có độ vênh giữa thời điểm xác định giá trị kiến trúc và giá trị kiến trúc cảnh quan. Kiến trúc cảnh quan do có sự tham gia của cây xanh nên thường hình thành giá trị muộn hơn thời điểm xây dựng công trình khoảng 30-50 năm. Không có một thời điểm cụ thể xác định giá trị. Khoảng thời gian xác định giá trị kéo dài hàng chục năm.
Sự tồn tại của di sản cũng có xu hướng ngược nhau giữa 2 thành tố. Trong khi thời gian càng lâu, công trình kiến trúc càng có nguy cơ đổ vỡ, hư hại thì thời gian càng lâu càng có thêm các giá trị do sự phát triển sinh học của cây.
Như vậy, có độ vênh thời gian trong việc xác định niên đại của yếu tố gốc giữa công trình và không gian. Điều này cần được lưu ý bởi nó dễ tạo nên sự tranh cãi trong quá trình bảo tồn, tôn tạo. Sự tranh cãi này ở việc gìn giữ giá trị cảnh quan hay gìn giữ giá trị kiến trúc.
Nếu coi trọng việc bảo tồn kiến trúc, phải phục dựng lại theo đúng giá trị kiến trúc gốc có thể làm hỏng cảnh quan hiện tại. Trường hợp cổng thành cổ Sơn Tây hiện nay đang là một ví dụ. Cổng thành cổ kính có một cây Đa lớn bên cạnh. Vấn đề là rễ cây đa đã bao trùm lên cổng thành, tạo nên hình ảnh cổng rất cổ kính nhưng lại đang làm hư hại cổng. Nếu coi trọng cảnh quan phải giữ nguyên phần cây xanh bám vào cổng thành, thành cũ vẫn bị đe doạ hư hại. Nếu coi trọng phần kiến trúc, tôn tạo lại cổng sẽ phải chặt bỏ các rễ cây bám, điều này sẽ làm thay đổi cảnh quan.
Còn nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu để có thể đề xuất những biện pháp bảo tồn các di sản kiến trúc cảnh quan. Công tác nghiên cứu di sản kiến trúc cảnh quan làng xã truyền thống nói riêng và các di sản kiến trúc cảnh quan nói chung ở nước ta mới chỉ là bước đầu. Những chính sách, cơ chế bảo tồn còn thiếu. Đây là công việc lớn bởi các giá trị di sản kiến trúc cảnh quan ở nước ta cũng rất phong phú, việc xác định đúng đắn các giá trị sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn, gìn giữ tốt các giá trị văn hoá của dân tộc.
PGS. TS. Phạm Hùng Cường - Trường ĐH Xây dựng
*Bài viết có sự tham gia của nhóm nghiên cứu: “Bảo tồn các giá trị di sản làng Việt”: Phạm Hùng Cường, Phạm Bích Liên, Nguyễn Văn Luân, Nguyễn Văn Xưởng, Đặng Minh Tùng - Trường ĐHXD.
Bình luận từ người dùng